Tính chất, nội dung và ảnh hưởng của thương mại triều cống Trung Nhật

Một phần của tài liệu Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản thế kỷ XIV - XVII (Trang 49)

Trung - Nhật

Mặc dù tướng quân Nhật Bản Yoshimochi đã từng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà cắt đứt quan hệ thương mại triều cống với nhà Minh, nhưng nhiều lãnh chúa địa phương, đặc biệt là các lãnh chúa ở đảo Kiuxiu và một số thương nhân Nhật Bản vẫn mạo xưng là sứ giả Nhật Bản đến Trung Quốc triều cống nhà Minh để thu được lợi nhuận trong hoạt động thương mại này, thậm chí họ tranh giành nhau quyền đến triều cống rất kịch liệt. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì hàng hóa Trung Quốc như tơ lụa, gốm sứ, tiền đồng… rất được ưu chuộng ở Nhật Bản. Do đó buôn bán giữa Trung Quốc và Nhật Bản rất có lãi, mỗi một chiếc thuyền đến Trung Quốc triều cống, trừ các chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 1 vạn quan tiền [44, tr. 52].

Về phía Trung Quốc, trong hoạt động thương mại triều cống, các hoàng đế Trung Hoa vốn đều rất “rộng rãi” khi ban tặng các tặng phẩm cho sứ giả nước ngoài. Giá trị của những quà tặng này luôn cao hơn gấp mấy lần, thậm chí vài chục lần giá trị cống vật. Trong sử sách đã ghi lại khi triều Minh thành lập đã có một số thương nhân Nhật Bản mạo xưng là sứ giả do nước này phái đến Trung Quốc để tiến hành các hoạt động thương mại nhưng vì họ không có “quốc thư” nên bị phía Trung Quốc cự tuyệt. Triều Minh chỉ cho phép Nhật Bản tiến hành thương mại triều cống dưới sự giám sát và hạn chế chặt chẽ của chính quyền là bởi vì phía Nhật Bản thường xuyên cử nhiều sứ đoàn vào cống với quy mô lớn khiến cho phía Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính từ những chi phí lớn bỏ ra để tiếp đãi và ban thưởng cho các thành viên của sứ đoàn. Với khả năng tài chính có hạn, cự tuyệt hình thức thương mại này thì sẽ dẫn đến cắt đứt quan hệ “ngoại giao” với tính chất thần thuộc giữa hai nước, đưa đến những rối loạn ở khu vực ven biển. Để giảm bớt chi phí trong hoạt động triều cống này, phía Trung Quốc đã thi hành những hành chế nhất định

đối với việc triều cống của các nước khác, do đó đã đề ra quy định Đại Việt là 3 năm 1 lần cống, Ryu Kyu là 2 năm 1 lần cống, riêng với Nhật Bản là 10 năm 1 lần cống. Ngoài ra, sứ đoàn Nhật Bản đến triều cống còn bị hạn chế nghiêm ngặt về số thuyền và số nhân viên. Từ đó có thể thấy tính chất của thương mại triều cống Trung - Nhật là tính hạn chế và 10 năm mới được phép đến Trung Quốc triều cống là một khoảng thời gian quá dài, không thể thỏa mãn những nhu cầu lớn về hàng hóa Trung Quốc của phía Nhật Bản nên những quy định này đã không được Nhật Bản tuân thủ nghiêm túc.

Trong hoạt động triều cống giữa Trung Quốc và Nhật Bản, phía Trung Quốc coi trọng mục đích chính trị trong khi phía Nhật Bản lại coi trọng mục đích kinh tế, xem đây là những cơ hội để buôn bán với Trung Quốc. Kể từ thời Tùy Đường những sản phẩm nổi tiếng của Trung Quốc rất được người Nhật Bản ưa chuộng, người Nhật Bản tìm đủ mọi cách thông qua thương mại triều cống và thương mại tư nhân để đưa hàng hóa Trung Quốc vào Nhật Bản. Những hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Quốc có tơ, lụa, vải vóc, thủy ngân, đồ sắt, đồ sứ, tiền cổ, tranh cổ, sách cổ, phấn trang điểm, đồ sơn…[33, tr. 44]. Tuy nhiên, hai mặt hàng quan trọng nhất là tiền đồng và thư tịch của Trung Quốc, “kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Minh, Mạc phủ Ashikaga không ngừng theo đuổi hai mặt hàng này” [48, tr.203].

Theo nghiên cứu của Kimiya Yasuhiko (Mộc Cung Thái Ngạn), hàng hóa mà các sứ đoàn Nhật Bản đến triều cống mang về từ Trung Quốc nhiều nhất là tiền đồng, thứ đến là thư tịch [68, tr.580]. Vì vậy, có thể nói việc đến Trung Quốc và mang về tiền đồng là một trong những mục đích quan trọng khi Nhật Bản cử các đoàn thuyền đến Trung Quốc buôn bán dưới hình thức triều cống. Điều này được minh chứng rõ bởi sự kiện năm 1477 khi Mạc phủ tướng quân cử sứ giả đến Trung Quốc triều cống, sau khi dâng biểu bày tỏ lòng trung thành của mình lên vua Minh

đã thỉnh cầu xin tiền đồng [48, tr. 229]. Nguyên nhân chủ yếu là vì tình hình kinh tế, tài chính của Mạc phủ Ashikaga phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn cung cấp tiền đồng của Trung Quốc. Điều này là dễ hiểu bởi vì tiền đồng của Trung Quốc từ thời Tống đã trở thành “ngoại tệ mạnh” của thế giới, từ thời Vĩnh Lạc (1402 -1424) Nhật Bản đã dùng tiền tệ Trung Quốc để lưu thông trong hoạt động thương mại trong và ngoài nước. Hơn nữa, “bởi vì thống nhất quản lý loại hình thương mại này, từ đó đưa đến cho Mạc phủ tướng quân quyền phát hành tiền tệ, quyền ngoại giao và khả năng thống nhất toàn quốc” [48, tr. 330].

Ngoài tiền đồng, thư tịch là mặt hàng Trung Quốc được ưu chuộng thứ hai ở Nhật Bản. Nhiều cao tăng Nhật Bản đương thời ngoài việc nghiên cứu kinh Phật cũng thích đọc thơ văn, nghiên cứu Nho học. Vì vậy, rất nhiều người trong số họ nhân dịp đến Trung Quốc đã tìm nhiều cách mang về Nhật Bản không ít thư tịch của Trung Quốc, “các thư tịch như sách thơ văn, sách sử…, khi đó không phải là ít” [68, tr. 609]. Năm 1451, sứ giả Nhật Bản đến Trung Quốc triều cống đã mang về nước rất nhiều sách kinh điển của đạo Nho. Những thư tịch mà phía Nhật Bản mua được hoặc được ban tặng từ triều Minh, phần lớn đều được khắc in xuất bản.

Ngoài ra, hoạt động thương mại triều cống cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc. Liên quan đến sự giao lưu thư tịch là kỹ thuật in chữ rời của Trung Quốc cũng được truyền vào Nhật Bản trong thời gian này. Các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của Trung Quốc thời Minh, đặc biệt là kỹ thuật kiến trúc cũng có ảnh hưởng lớn đến Nhật Bản.

Hàng hóa của Nhật Bản đưa vào Trung Quốc chủ yếu là dùng để làm cống vật như kiếm, quạt giấy, lưu huỳnh... Phía Trung Quốc có những quy định hạn chế nghiêm ngặt đối với việc đưa các loại vũ khí như kiếm Nhật Bản vào để đề phòng những bất chắc về mặt an ninh. Tuy

nhiên, kiếm, dáo dài vẫn không ngừng được đưa vào Trung Quốc với số lượng lớn do phía Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về vũ khí cho các cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc. Ngoài ra, ngựa cũng là mặt hàng quan trọng khác cũng được các đoàn sứ giả Nhật Bản đưa nhiều vào Trung Quốc. Ngựa thường được phía Nhật Bản dùng như là đồ cống, ngoài Ryu Kyu, Nhật Bản là nước cung cấp nhiều ngựa chiến cho Trung Quốc trong chiến tranh với người Mông Cổ.

Bên cạnh hàng hóa là sự giao lưu về con người giữa hai nước. Biểu hiện nổi bật nhất trong sự lưu thông về con người giữa Trung Quốc và Nhật Bản là cùng với sự mở rộng của lưu thông hàng hóa, ngày càng có nhiều thương nhân hai nước tham gia các hành động cướp bóc trên biển. Ngoài sự giao lưu về con người và hàng hóa ra còn có sự giao lưu về tri thức và thông tin giữa hai nước, đã đưa đến những ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của quan hệ và sự giao lưu văn hóa Trung - Nhật.

Tóm lại, từ đặc điểm của hoạt động thương mại triều cống giữa Trung Quốc và Nhật Bản thời kỳ này có thể thấy kể từ thời Tống, hệ thống thế giới đại Trung Hoa đã bị phá vỡ, “hệ thống sách phong triều cống” quyền uy trước đây bắt đầu chuyển sang “hệ thống sách phong thương mại”. Điều này chứng tỏ “hệ thống thế giới Hoa Di” có đẳng cấp bắt đầu chuyển hóa sang hệ thống quan hệ quốc tế bình đẳng ở Đông Á, quan hệ trung thành, quan hệ phụ thuộc của “Tứ Di” xung quanh với trung tâm “Hoa Hạ” bắt đầu chuyển sang quan hệ lợi ích [48, tr.230].

Tiểu kết

Tóm lại, nội dung chủ yếu trong quan hệ Trung- Nhật thế kỷ XIV đến nửa đầu thế kỷ XVI là thương mại triều cống. Thời kỳ này, sự qua lại thăm viếng chính thức của các đoàn sứ giả hai nước diễn ra tương đối nhộn nhịp, hai nước đã xây dựng được quan hệ thương mại triều cống tương đối ổn định. Quan hệ giữa hai nước thời kỳ này tương đối hòa bình,

phía Nhật Bản xưng thần nạp cống đối với nhà Minh, vấn đề cướp biển cũng không quá nghiêm trọng vì được phía Nhật Bản khống chế để tạo điều kiện cho hoạt động thương mại triều cống diễn ra thuận lợi.

Hoạt động thương mại triều cống này có thể được phân chia làm hai thời kỳ: thời kỳ đầu diễn ra từ năm 1404 đến năm 1419, trong 15 năm, Nhật Bản phái 6 đoàn sứ giả đến Trung Quốc, trong khi đó có 7 đoàn sứ giả nhà Minh đến Nhật Bản; Thời kỳ thứ hai từ năm 1432 đến năm 1547, Nhật Bản cử 11 đoàn sứ giả đến Trung Quốc còn nhà Minh chỉ cử 1 đoàn sứ giả đến Nhật Bản vào năm 1434 mà thôi. Sự phân chia hai thời kỳ thương mại trước và sau căn cứ vào những đặc điểm sau: 1. Sự khác nhau của các điều ước thương mại giữa hai nước. Thời kỳ thứ nhất căn cứ vào “Điều ước Vĩnh Lạc” được ký kết giữa Tướng quân Ashikaga Yoshimitsu và triều Minh, thời kỳ thứ hai căn cứ vào “Điều ước Tuyên Đức” được ký kết giữa Tướng quân Ashikaga Yoshikazu và triều Minh năm . “Điều ước Vĩnh Lạc” quy định Nhật Bản 10 năm vào cống 1 lần, số thành viên sứ đoàn không quá 200 người còn “Điều ước Tuyên Đức” cũng quy định Nhật Bản 10 năm đến triều cống một lần nhưng số nhân viên được tăng lên là 300 người, số thuyền là 3 chiếc; 2. Sự khác nhau về thái độ tiếp đãi sứ giả của hai nước. Mối quan hệ thương mại triều cống giữa Trung Quốc và Nhật Bản về bản chất là phía Nhật Bản muốn dùng danh nghĩa triều cống để tiến hành các hoạt động thương mại còn phía Trung Quốc muốn dùng hoạt động này như là một công cụ chính trị, ngoại giao làm điều kiện trao đổi để phía Nhật Bản chủ động ngăn chặn sự cướp bóc của cướp biển. Thái độ của phía Trung Quốc là nhất quán trong suốt thời kỳ thứ nhất và thứ hai. Ngược lại, phía Nhật Bản, trong thời kỳ thứ nhất đã thực hiện tương đối tốt yêu cầu tiễu trừ cướp biển của phía Trung Quốc, mỗi lần cử sứ giả đến triều cống đều áp giải theo những tên cướp biển bị bắt được đến. Sự tiếp đãi đối với sứ giả nhà Minh đến Nhật Bản cũng hết sức long trọng. Triều Minh cũng ra sức phối hợp với Nhật Bản, phàm là

có sứ giả Nhật Bản đến Trung Quốc, nhà Minh tất sẽ phái sứ đoàn đưa họ về. Khi sứ đoàn nhà Minh về nước, phía Nhật Bản cũng phái sứ giả cùng đi, sứ giả giữa hai nước hàng năm qua lại không ngớt. Đến thời kỳ thứ hai, phía Nhật Bản chỉ mong muốn thu được nhiều lợi ích hơn trong hoạt động thương mại triều cống mà không mấy chú ý đến những quy định trong “Điều ước Tuyên Đức”, chỉ cố gắng tăng thêm số lần, số nhân viên và số thuyền đến Trung Quốc, hầu như không có sự áp giải cướp biển đến Trung Quốc như thời kỳ trước. Phía Trung Quốc thể hiện thái độ tiêu cực so với thời kỳ đầu, chỉ phái một đoàn sứ giả đến Nhật Bản như là một sự ứng phó miễn cưỡng, còn lại mỗi lần đoàn sứ giả Nhật Bản đến chỉ yêu cầu họ tuân thủ nghiêm ngặt “Điều ước Tuyên Đức”; 3. Sự khác nhau về nội dung thuyền triều cống của Nhật Bản. Trong thời kỳ diễn ra hoạt động thương mại triều cống, bất kể là do Mạc phủ hay do đại danh, tự xã kinh doanh đều được triều Minh coi là thuyền của Quốc vương Nhật Bản (tức Tướng quân Ashikaga) phái đến. Nhưng từ phía Nhật Bản, trong 6 đoàn sứ giả đến Trung Quốc thời kỳ đầu với tổng số thuyền là 37 phần lớn là thuyền do Mạc phủ đầu tư. Ngược lại trong 11 sứ đoàn Nhật Bản đến Trung Quốc trong thời kỳ thứ hai với tổng số 50 thuyền, số thuyền của Mạc phủ chỉ có 7 chiếc, 1 chiếc do triều đình phái đi, còn lại 42 thuyền đều là do thuyền của các đại danh và tự xã [68, tr. 521].

Ngoài ra, căn cứ vào diễn biến của hoạt động thương mại triều cống có thể phân chia thành ba thời kỳ: Thời kỳ đầu bao gồm đoàn sứ giả Nhật Bản đến Trung Quốc lần thứ nhất đến lần thứ 8, là thời kỳ thiết lập; thời kỳ giữa bao gồm lần thứ 9 đến lần thứ 17 là thời kỳ phát triển của quan hệ triều cống; thời kỳ sau là lần thứ 18 và 19, là thời kỳ suy thoái của quan hệ triều cống giữa hai nước. Căn cứ vào tính chất kinh doanh của những thuyền triều cống mà phía Nhật Bản phái đến Trung Quốc, thời kỳ đầu là thời kỳ Mạc phủ độc chiếm (lần 1- 8); thời kỳ giữa là thời

kỳ kinh doanh của các tự xã và lãnh chúa có thế lực (lần 9 - 12); thời kỳ sau là thời kỳ độc chiếm của họ Ouchi (từ lần thứ 13 trở đi).

Trong thời kỳ thương mại triều cống, chính quyền nhà Minh chủ yếu nhằm vào mục tiêu chính trị, muốn lợi dụng quyền lực thống trị của Nhật Bản để giải quyết vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng là cướp biển Nhật Bản. Trong khi phía Nhật Bản lại coi trọng cả mục tiêu chính trị lẫn kinh tế, cho dù là Mạc phù hay các lãnh chúa đều muốn mở rộng quan hệ chính trị với vương triều nhà Minh để củng cố sự thống trị của mình đồng thời thu được lợi nhuận thông qua hoạt động thương mại này. Sự mâu thuẫn về mục đích trong thương mại triều cống giữa hai nước phát sinh đến đỉnh điểm là nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự chấm dứt của hoạt động này.

Chương 3

Một phần của tài liệu Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản thế kỷ XIV - XVII (Trang 49)