2.3.1. Ashikaga Yoshikazu hồi phục quan hệ với Trung Quốc
Năm 1428, Yoshimochi chết, Ashikaga Yoshikazu (Túc Lợi Nghĩa Giáo) lên đảm nhận chức Tướng quân. Kể từ khi hoạt động thương mại triều cống với nhà Minh bị đình chỉ, Mạc phủ phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, do đó Yoshikazu không thể không chú ý đến việc hồi phục hoạt động thương mại với Trung Quốc. Sau khi hỏi ý kiến của một số cố vấn và nhận được lời khuyên làm theo cách thức của Yoshimitsu, Yoshikazu đã cử nhà sư Ryushitsu làm sứ giả đi sứ sang nhà Minh.
Sở dĩ thời gian này phía Nhật Bản không thể không tiến hành hoạt động thương mại triều cống với Trung Quốc vì mặc dù về mặt chính trị, Nhật Bản muốn thoát khỏi “hệ thống triều cống” của Trung Quốc nhưng cơ sở kinh tế của nước này đã quyết định Nhật Bản không thể thoát khỏi hệ thống kinh tế và mạng lưới thương mại Đông Á với triều Minh là trung tâm. Năm 1432, Hoàng đế Tuyên Đức sắc mệnh cho sứ giả Ryu Kyu chuyển lời đến Nhật Bản để Nhật Bản cử sứ giả đến triều cống nhà Minh. Mùa hạ năm 1433, sứ giả Nhật Bản mang quốc thư ký tên “Nhật Bản quốc vương thần nguyên Nghĩa Giáo” đến Trung Quốc, biểu thị mong muốn tiếp nhận sách phong của triều Minh, yêu cầu khôi phục lại quan hệ thương mại triều cống giữa hai nước. Thật ra thì phía Ryu Kyu
không chuyển lời của nhà Minh đến Nhật Bản mà Yoshikazu đã hành động trước.
Về phía Trung Quốc, triều Minh một mặt vì thực hiện mục tiêu chính trị khi các nước ngoài vào triều cống, mặt khác nếu như cự tuyệt yêu cầu thương mại triều cống của Nhật Bản thì sẽ dẫn đến sự hoành hành của cướp biển, do đó không những đã tiếp nhận quốc thư của Nhật Bản mà còn cử sứ giả đến Nhật Bản để khôi phục lại quan hệ hai nước. Năm 1434, nhà Minh cử Lôi Xuân làm chính sứ, Bùi Khoan Ngọc làm phó sứ, phái một sứ đoàn đông đảo gồm khoảng 5 - 6 trăm người đi sứ Nhật Bản. Đây là đoàn sứ giả lớn nhất và cũng là đoàn sứ giả cuối cùng nhà Minh cử đến Nhật Bản. Nhiệm vụ của sứ đoàn nhà Minh tới Nhật Bản là để sách phong cho Yoshikazu. Tuy lời lẽ trong quốc thư có phần ngạo mạn khiến Yoshikazu không khỏi cảm thấy khó tiếp nhận nhưng ông ta đã có cố gắng vãn hồi danh dự cho Nhật Bản khi đơn giản hóa một số nghi thức tiếp đãi sứ giả Trung Quốc, chẳng hạn khi tiếp nhận quốc thư sẽ thay vì ba lần quỳ sẽ chỉ quỳ hai lần mà thôi [68, tr. 535].
Tháng 5- 1433, một đoàn sứ giả Nhật Bản do Ryushitsu dẫn đầu đến Bắc Kinh hiến phương vật và quốc thư. Tại Bắc Kinh, sứ Nhật ký “Điều ước thương mại Tuyên Đức” với nhà Minh để thay thế cho “Điều ước Vĩnh Lạc”. Nội dung cơ bản của điều ước là: Nhật Bản được đến Trung Quốc triều cống mười năm một lần, thuyền cống không được vượt quá ba chiếc, số người trong đoàn sứ không được vượt quá 300, số đao kiếm mang đến không được vượt quá 3.000 chiếc [30, tr. 319-320]. Từ đây, thời kỳ thương mại triều cống thứ hai kéo dài hơn một thế kỷ giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu. Trong thời gian hơn 100 năm, từ năm 1433 đến năm 1548, phía Nhật Bản đã cử 12 đoàn sứ giả đến Trung Quốc.
2.3.2. “Cuộc chiến tranh giành cống nạp” và sự kết thúc quan hệ thương mại triều cống Trung - Nhật
Mục đích hồi phục quan hệ thương mại triều cống với Nhật Bản của phía Trung Quốc là nhằm yêu cầu phía Nhật Bản hợp tác trong việc tiễu trừ cướp biển. Về phương diện này, thời Yoshimitsu phía Nhật Bản thực hiện tương đối tốt. Tháng 11-1405, khi Yoshimitsu phái sứ giả Minamoto no Michikata đến Trung Quốc triều cống cũng đã dẫn độ một số tên cướp biển mà phía Nhật Bản bắt được giao cho nhà Minh và nhận được sự khen ngợi của Minh Thành Tổ. Tháng 1-1406, Yoshimitsu thuận theo yêu cầu của Minh Thành Tổ truy bắt cướp biển và đưa đến thủ cấp của cướp biển, tiêu diệt hết băng đảng của chúng cho nên Minh Thành Tổ đã cử sứ giả mang thư đến khen ngợi và ban cho ông ta tặng phẩm và 2000 lượng vàng [68, tr. 523]. Tháng 5-1407 khi Yoshimitsu phái nhà sư Kenchu Keimitsu đến triều cống và đưa đến những tên cướp biển bị bắt cũng đã được Minh Thành Tổ ban dụ khen ngợi sứ giả này là “Trung hiền minh tín, cung kính triều đình” [48, tr. 232].
Tuy nhiên, để thi hành chính sách ràng buộc đối với Nhật Bản để ngăn chặn sự cướp bóc của cướp biển, triều Minh cũng đã phải bỏ ra những chi phí lớn về mặt kinh tế. Mỗi lần Nhật Bản tiến hành triều cống nhà Minh đều phải bỏ ra khoản chi phí lớn dành cho những tặng phẩm ban thưởng cho các thành viên của sứ đoàn và Mạc phủ tướng quân, những khoản ăn ở, đi lại của sứ đoàn trong thời gian lưu lại Trung Quốc. Theo sách Doãn Bành nhập Đường ký, số lượng thành viên sứ đoàn lên đến hàng nghìn người, tổng số lượng lương thực cung cấp cho họ cũng phải trên 1.000 thạch [68, tr.585].Do đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phía Trung Quốc không thể không hạn chế hoạt động thương mại triều cống này. Năm 1404, trong “Điều ước Vĩnh Lạc”, nhà Minh đã quy định: 10 năm Nhật Bản đến công một lần, hạn chế số thuyền là hai chiếc, số người vào cống là 200 [30, tr. 312]. Năm 1426, khi số thuyền và số người
vào cống đều vượt quá quy định, số lượng kiếm mang theo cũng quá nhiều, phía Trung Quốc tuy có đôi chút nhượng bộ nhưng vẫn quy định số thuyền triều cống không quá 3 chiếc, số người vào cống không quá 300, số kiếm không quá 3000 chiếc. Nhưng trên thực tế những quy định này thường không được phía Nhật Bản chấp hành nghiêm chỉnh. Điển hình là năm 1433, số thuyền Nhật Bản vào cống là 5 chiếc, mang theo 3052 thanh kiếm, năm 1442 số thuyền của Nhật Bản vào cống là 9 chiếc, số người đến Trung Quốc lên đến hơn 1.000; năm 1453 có tới 9 chiếc thuyền của Nhật Bản vào cống, mang theo 9.900 thanh kiếm [30, tr. 321]. Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu là vì cách hiểu về thương mại triều cống của hai phía Trung Quốc và Nhật Bản không giống nhau. Về phía Trung Quốc, triều Minh coi việc thi hành thương mại triều cống là một phương pháp “ràng buộc” đối với Nhật Bản cũng như các nước khác, mục đích là để ngăn chặn cướp biển và đảm bảo an ninh ở vùng biên cương. Trong khi đó phía Nhật Bản lại xem hoạt động này là một cơ hội để kinh doanh, thậm chí trở thành nguồn thu nhập tài chính quan trọng của đất nước như học giả Nhật Bản Usui Nobuyoshi trong cuốn sách Ashikaga Yoshimitsu có viết: “Trong thời đại hưng thịnh của Yoshimitsu, nguồn thu nhập tài chính quan trọng nhất chính là buôn bán với vương triều Minh” [50, tr.13]. Vì vậy, trong hoạt động thương mại triều cống này đã hình thành mâu thuẫn giữa hai nước khi phía Trung Quốc theo đuổi mục đích chính trị còn phía Nhật Bản theo đuổi mục đích kinh tế. Trong số những thành viên của sứ đoàn mà Nhật Bản phái đến Trung Quốc triều cống nhà Minh, ngoài chính sứ, phó sứ, thổ quan, thông sự và thủy thủ còn có một số thương nhân cùng đi. Trong thời kỳ đầu tiến hành thương mại triều cống với Trung Quốc, vì thuyền triều cống là do Mạc phủ, lãnh chúa, tự xã đầu tư cho nên số lượng thương nhân cùng đi ít. Đến thời kỳ sau, việc đầu tư cho thuyền triều cống đều do thương nhân ở Hyogo và Sakai đảm nhiệm nên số lượng thương nhân cùng đi tăng lên
rất nhiều và thương nhân đã trở thành chủ thể của thương mại triều cống. Họ không những muốn thu được nhiều lợi nhuận thông qua hoạt động thương mại triều cống mà còn tập trung một số lượng vốn lớn vào hoạt động này. Ví dụ năm 1447, sau khi chùa Thiên Long ở Kyoto bị hỏa hoạn, để có kinh phí xây dựng lại chùa, trong số 9 thuyền đến Trung Quốc triều cống năm 1453 có ba chiếc thuyền quan trọng nhất là thuyền số 1, số 3, và số 9 đều là thuyền của chùa Thiên Long phái đi [68, tr. 554]. Từ đó có thể thấy thuyền triều cống mà phía Nhật Bản phái đi là do thương nhân đầu tư, họ đến Trung Quốc triều cống thuần túy là vì lợi nhuận cho nên số thuyền, số người nhiều như vậy là điều dễ hiểu. Trong khi đó triều Minh lại xem họ như những sứ giả đến triều cống đơn thuần, có những nghi thức tiếp đãi không giống với những thương nhân bình thường, lần lượt từ địa phương và trung ương phụ trách việc tiếp đãi và ban thưởng. Khi thuyền triều cống của Nhật Bản đến càng nhiều, càng thường xuyên thì sẽ càng tạo thành gánh nặng lớn cho phía Trung Quốc nên triều Minh đã nhiều lần đưa ra những quy định hạn chế về số thuyền và số thành viên sứ đoàn Nhật Bản đến triều cống. Năm Gia Tĩnh thứ 6 (1527) nhà Minh quy định: “Phàm là cống không đúng kỳ hạn, số người quá 100, số thuyền quá 3 chiếc, mang theo nhiều binh khí, đều không cho vào cống” [30, tr. 328]. Năm 1450, nhà Minh nhắc lại quy định một lần nữa: “Thuyền cống của Nhật Bản, mỗi thuyền 70 thủy thủ, tổng cộng ba thuyền là 210 người, chính phó sứ 2 người, cư tọa 6 người, 5 viên thổ quan, 7 nhà sư đi cùng, thương nhân đi cùng không quá 60 người” [56, tr. 8356]. Điều này đã phản ánh mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong hoạt động thương mại triều cống.
Vì triều Minh hạn chế tương đối nghiêm ngặt đối với hoạt động thương mại triều cống của Nhật Bản, không những số lượng thuyền ít, mà thời gian giữa các lần triều cống dài nên không thể thỏa mãn được yêu cầu của phía Nhật Bản. Do đó, để có được quyền phái thuyền đến Trung
Quốc triều cống triều Minh, các lãnh chúa đã cạnh tranh với nhau kịch liệt. Sự cạnh tranh này cuối cùng đã dẫn đến cuộc chém giết lẫn nhau ở Ninh Ba mà lịch sử gọi là “cuộc chiến tranh giành cống nạp” (“争贡之役”) [30, tr.326 ].
Theo sử liệu Nhật Bản ghi chép lại, năm 1513 khi sứ giả Ryoan Keigo từ Trung Quốc trở về nước, triều Minh từng ban phát cho “khám hợp Chính Đức” mới, giao cho ông ta mang về Nhật Bản, nhưng những đạo “khám hợp” mới này không được đưa tới cho Mạc phủ Ashikaga ở Kyoto mà giữa đường bị lãnh chúa Ouchi cướp mất. Sau khi có được “khám hợp” mới, lãnh chúa Ouchi đã độc chiếm hoạt động thương mại với nhà Minh, yêu cầu Mạc phủ Ashikaga phải đồng ý cho phép họ đi sứ Trung Quốc. Tháng 4-1516, sau khi nhận được sự thừa nhận của Mạc phủ Ashikaga, họ Ouchi liền phái 3 thuyền đến Trung Quốc triều cống nhà Minh. Sứ đoàn do Sosetsu Kendo (Tông Thiết Khiêm Đạo) dẫn đầu đã mang theo “khám hợp Chính Đức” đến Trung Quốc. Ngày 17 - 4- 1523 (năm Gia Tĩnh thứ 2), sứ đoàn đến Ninh Ba. Sự việc này đã gây sự bất mãn của các lãnh chúa phong kiến và tự xã khác, trong đó có họ Hosokawa ở Sakai cũng đề xuất yêu cầu chia sẻ quyền lợi trong thương mại với Trung Quốc đối với Mạc phủ. Nhưng “khám hợp Chính Đức” mới không được đưa đến Kyoto nên Mạc phủ đành phải dùng “khám hợp Hoằng Trị” đã quá hạn sử dụng giao cho họ Hosokawa. Sau khi có được “khám hợp”, họ Hosokawa vội vàng phái một chiếc thuyền do Ranko Zuisa (Loan Cương Thụy Tá) làm chính sứ, Tống Tố Liễu làm phó sứ đến Trung Quốc triều cống [30, tr.326 ].
Theo lệ của triều Minh thì sứ giả đến trước sẽ được vào triều cống trước, nhưng vì quan chức Thị bạc ty Ninh Ba là Thái giám Lại Ân nhận hối lộ của Tống Tố Liễu đã vi phạm thể lệ triều cống, cho đoàn của Zuisa vào trước, khi thiết yến để Zuisa ngồi trên Sendo. Vì vậy, Sendo vô cùng tức giận, dẫn đến cuộc chém giết với Zuisa, gây ra vụ đốt phá nhà khách,
cướp bóc kho tàng, náo loạn cả cảng Ninh Ba. Sau khi xảy ra sự kiện này, Tống Tố Liễu bị bắt giam, hai năm sau thì chết trong ngục. Trong bản tấu của Bộ Lễ cho rằng nguyên nhân gây ra tai họa là từ Thị bạc ty ở Ninh Ba, do đó xin bãi Thị bạc ty và cắt đứt quan hệ với Nhật Bản. Quan hệ thương mại triều cống Trung - Nhật một lần nữa bị đình chỉ.
16 năm sau “sự kiện Ninh Ba”, năm 1539 phía Nhật Bản lại cử sứ giả Koshin Sekitei (Hồ Tâm Thạc Đỉnh) đến Trung Quốc triều cống nhà Minh. Triều Minh miễn cưỡng tiếp đãi đồng thời nhắc lại quy định “kỳ hạn cống định là 10 năm, cống sứ không quá 100 người, thuyền cống không quá 3 chiếc, vi phạm phải quay về” [56, 8357]. Năm 1547, phía Nhật Bản lại cử Sakugen Shuryo (Sách Ngạn Chu Lương) vào cống, triều Minh lấy cớ chưa đến kỳ hạn cống, số thuyền, số người đến cống đều vượt quá hạn ngạch và không cho vào cống. Vì thế sứ đoàn phải chờ ở quần đảo Chu Sơn ngoài khơi Ninh Ba 10 tháng. Mùa xuân năm 1548 khi đến đúng kỳ hạn, triều Minh mới cho phép sứ đoàn của Sakugen Shuryo vào cống. Đây là sứ đoàn cuối cùng của Nhật Bản đến triều cống nhà Minh nhưng là sứ đoàn đầu tiên thực hiện đúng quy định về kỳ hạn.
Năm 1551, Ouchi Yoshitaba (Đại Nội Nghĩa Long) bị một thuộc hạ giết chết trong cuộc bạo loạn, “khám hợp” cũng bị mất trong cuộc hỗn loạn nên Nhật Bản đã phải đình chỉ việc phái thuyền đến Trung Quốc. Nguyên nhân chấm dứt hoạt động thương mại triều cống giữa hai nước một phần là do ở Nhật Bản diễn ra nội loạn thì một nguyên nhân quan trọng khác là trong thời kỳ này thương mại tư nhân ở ven biển Trung Quốc ngày càng phát triển. Vùng ven biển Đông Nam Trung Quốc là trung tâm của mạng lưới hoạt động thương mại tư nhân có tính chất quốc tế đã thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa Trung Quốc của Nhật Bản, do đó thương mại triều cống với tư cách là phương pháp duy nhất để có được hàng hóa của Trung Quốc không có lý do để tiếp tục tồn tại nữa.