XVI ĐẾN THẾ KỶ XVII
3. 1. Sự phát triển của thương mại tư nhân Trung-Nhật thế kỷ XVI- XVII XVII
Sau khi mối quan hệ thương mại triều cống giữa Trung Quốc và Nhật Bản kết thúc, vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc gặp phải sự cướp phá nghiêm trọng của nạn cướp biển. Theo sử liệu Trung Quốc ghi lại, tai họa do nạn cướp biển gây ra trải rộng trong phạm vi mấy nghìn dặm, số tướng sĩ, dân thường bị giết lên đến mấy ngàn người, số thành trì bị bao vây lên đến mấy trăm [49, tr.10]. Đây chính là cái mà lịch sử gọi là “tai họa cướp biển thời Gia Tĩnh”. Để đối phó với nạn cướp biển triều Minh thi hành nghiêm ngặt chính sách “hải cấm” và điều động lực lượng quân sự tiến hành cuộc chiến tranh tiễu trừ cướp biển trên quy mô lớn ở vùng ven biển Đông Nam. Đến những năm cuối thời Gia Tĩnh (1522- 1566), sau khi cơ bản bình định được nạn cướp biển, triều Minh đã có những thay đổi trong chính sách “hải cấm” (cấm biển) khi phê chuẩn lời tấu của Tuần phủ Phúc Kiến là Từ Trạch Dân. Năm 1567, nhà Minh tiến hành nới lỏng một phần chính sách “hải cấm” ở Chương Châu (Phúc Kiến), cấp giấy phép cho tư nhân giong thuyền ra nước ngoài buôn bán. Tuy nhiên, trong thương mại với Nhật Bản, triều Minh vẫn thi hành chính sách cấm đoán nghiêm ngặt.
Thời kỳ này quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản thời gian này đã xuất hiện những thay đổi lớn. Khác với thời kỳ đầu có đông đảo thương nhân Nhật Bản đến vùng ven biển Trung Quốc buôn bán, thời kỳ này vai trò chủ đạo trong thương mại giữa hai nước là những thương nhân người Trung Quốc. Họ là những tập đoàn thương mại tư nhân lớn mạnh ở các tỉnh duyên hải như Chiết Giang, Phúc Kiến. Nguyên
nhân xuất hiện sự thay đổi này có quan hệ mật thiết với những thay đổi về chính sách thương mại của Trung Quốc và Nhật Bản. Về phía Trung Quốc, cho dù đã cho phép thuyền buôn của tư nhân ra nước ngoài buôn bán nhưng giống như trước khi bãi bỏ lệnh cấm, Trung Quốc vẫn cấm thương nhân được đến Nhật Bản. Tuy nhiên, vì lợi nhuận khi đến buôn bán ở Nhật Bản cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận khi đến Đông Nam Á cho nên các thương nhân Trung Quốc lấy cớ đến Đông Nam Á, khi thuyền buôn ra biển lại chuyển hướng giong thuyền đến Nhật Bản.
Về phía Nhật Bản, năm 1590, sau khi hoàn thành sự thống nhất Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi đã thi hành chế độ “châu ấn thuyền”, cấp giấy phép cho các thuyền đến các nước Đông Nam Á buôn bán (theo chính sách này chỉ những thuyền có đóng dấu đỏ của chính quyền mới được phép ra nước ngoài buôn bán). Theo thống kê, năm 1592 có 9 chiếc thuyền châu ấn được Toyotomi Hideyoshi cho phép ra nước ngoài buôn bán [50, tr. 9]. Năm 1600, với trận quyết chiến ở Shekigahara, Tokugawa Ieyasu đã xác lập được địa vị thống trị của mình ở Nhật Bản. Giống như Toyotomi Hideyoshi, Ieyasu ra sức khuyến khích và phát triển chế độ “Châu ấn thuyền”. Năm 1607 có ít nhất 23 chiếc thuyền của Nhật Bản tham gia việc buôn bán, thương nhân Hyogo có vai trò chủ yếu trong loại thương mại này, nhưng thuyền châu ấn cũng thuộc sự sở hữu hoặc bao thầu của các lãnh chúa, quan viên chính phủ, kiều dân nước ngoài ở Nhật Bản, thậm chí người trong triều đình. Nơi mà các thuyền châu ấn này thường đến nhất là các hải cảng ở Đông Nam Á, ở đây họ có thể mua được số lượng lớn tơ sống và sản phẩm tơ lụa do thuyền buôn Trung Quốc chở đến. Theo thống kê, có thời gian họ mua một khối lượng tơ sống của Trung Quốc lên đến 20 vạn cân, chiếm 50 - 70% số lượng tơ sống nhập khẩu hàng năm của Nhật Bản [50, tr. 10].
Là một người coi trọng hoạt động ngoại thương, Ieyasu luôn cố gắng hồi phục quan hệ thương mại với triều Minh bị gián đoạn sau cuộc
chiến tranh Triều Tiên (1592-1597) nên đã “hoặc thông qua thương nhân triều Minh, hoặc nhờ vua Ryu Kyu, vua Triều Tiên làm trung gian, tiến hành nhiều hoạt động với triều Minh” [41, tr. 10]. Năm 1606, lãnh chúa Satsuma đã gửi thư đến vua Ryu Kyu hỏi về vấn đề này. Tokugawa Ieyasu còn sai người viết hai bức thư nhờ thương nhân phủ Ứng Thiên đến Nhật Bản buôn bán là Chu Tính Như mang đến cho Tổng đốc Phúc Kiến Trần Tử Chinh. Trong thư, Tokugawa Ieyasu tỏ ý muốn có quan hệ hòa bình với nhà Minh, thỉnh cầu rằng năm sau khi thuyền buôn Phúc Kiến đến Nagasaki buôn bán, mang theo ý chỉ của Hoàng đế nhà Minh, đưa khám hợp đến, nếu có thể thì vào mùa thu sẽ phái một chiếc sứ thuyền đến Trung Quốc. Trong một bức thư khác, Tokugawa Ieyasu nêu đề nghị nếu như triều Minh phát cho ông khám hợp thì ông sẽ cử sứ giả đến triều Minh, xây dựng lại mối quan hệ tốt giữa hai nước trước đây, hàng năm cử thuyền qua lại thăm viếng lẫn nhau. Nhưng phía triều Minh tuyệt nhiên không có sự trả lời nào [69, tr.424-425]. Tuy vậy, Ieyasu vẫn khuyến khích thương nhân Trung Quốc đến Nhật Bản buôn bán, dành cho họ những ưu đãi và sự đảm bảo an toàn. Cuối năm 1610, Ieyasu mời một thương nhân Trung Quốc vi phạm lệnh cấm buôn bán với Nhật Bản đến gặp và ban cho họ một giấy phép đóng dấu đỏ cho phép tự do đến Nhật Bản buôn bán [19, tr.11]. Việc cấp giấy phép châu ấn cho thương nhân Trung Quốc minh chứng một cách rõ ràng là Ieyasu có thái độ khuyến khích thương nhân Trung Quốc đến Nhật Bản buôn bán.
Như vậy, với sự phát triển của hoạt động thương mại tư nhân giữa hai nước, chính sách “hải cấm” mà triều Minh thi hành đối với Nhật Bản, thực tế đến năm 1610 đã chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Điều này thể hiện rõ trong “Hải phòng điều nghị” của Tuần phủ Phúc Kiến Trần Tử Chinh gửi lên triều đình báo cáo về tình trạng nhiều thương nhân ven biển vi phạm lệnh cấm ra nước ngoài buôn bán. Trong vòng hơn 30 năm kể từ đó về sau, số thuyền buôn của Trung Quốc đến Nhật Bản buôn bán liên
tục tăng lên. Tháng 8 - 1611, theo báo cáo của quan lại ở cảng Nagasaki lên Tướng quân, số thuyền buôn nước ngoài đến cảng trong năm này là hơn 80 chiếc, trong đó không ít là thuyền buôn Trung Quốc, ngày 25 tháng 7 năm 1612 có tới 26 chiếc thuyền của Trung Quốc từ Luzon cùng vào cảng trong một ngày, ngày 5 tháng 6 năm 1613 có 6 chiếc thuyền buôn của cảng Chương Châu vào cảng, ngày 26 lại có 2 chiếc chở đường vào cảng; ngày 6 - 3- 1615 có thuyền buôn Chương Châu chở theo số lớn đường cát đến Nhật Bản [68, tr. 626-627]. Vì năm 1635 Mạc phủ cấm người Nhật Bản ra nước ngoài buôn bán và yêu cầu người Nhật Bản ở nước ngoài quay về nước nên thuyền châu ấn của Nhật Bản đến buôn bán ở Đông Nam Á mà bị ngăn cấm hoàn toàn.
Năm 1629, khi Nhật Bản thi hành “Chính sách tỏa quốc”
(“Sakoku”), chỉ cho phép thương nhân Trung Quốc và Hà Lan đến Nhật Bản buôn bán thì số thuyền buôn Trung Quốc đến Nhật Bản tăng lên nhanh chóng. Trong thời gian từ ngày 24 tháng 3 đến ngày 17 tháng 9 năm 1639 có 93 chiếc thuyền buôn của Trung Quốc đến Nhật Bản mặc dù chỉ được phép đến buôn bán ở cảng Nagasaki. Đến năm 1641, số lượng thuyền buôn Trung Quốc đến Nhật Bản lên tới 97 chiếc [51, tr.175].
Trong khi đó ở Trung Quốc cũng trong thời gian này tình hình chính trị rất hỗn loạn vì xảy ra các cuộc khởi nghĩa nông dân và cuộc tấn công của người Mãn Thanh nên nhà Minh không thể thay đổi chính sách thương mại với Nhật Bản. Đến cuối thời Minh, thương mại chính thức giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn bị cấm đoán nghiêm ngặt. Nguyên nhân của chính sách này là do hoạt động của cướp biển mà phía chính quyền trung ương Trung Quốc cho rằng có nguồn gốc từ Nhật Bản.