2.2.1. Ashikaga Yoshimitsu thiết lập quan hệ thương mại triều cống với Trung Quốc
Chu Nguyên Chương đến lúc chết vẫn không thấy được “triều đình” Nhật Bản đến xưng thần, triều cống và tự nguyện ngăn chặn sự xâm phạm của cướp biển. Sau khi Chu Nguyên Chương qua đời không lâu, Mạc phủ tướng quân Nhật Bản đã lấy danh nghĩa quốc vương để thần phục triều Minh. Nguyên nhân của việc Nhật Bản thay đổi thái độ đối với Trung Quốc là do nguồn tài chính của Bắc triều rất khó khăn nên trong các năm 1380, 1381, Ashikaga Yoshimitsu (Túc Lợi Nghĩa Mãn) (1358 - 1408) đã lấy danh nghĩa “Chinh di tướng quân” gửi thư đến thừa tướng nhà Minh, tỏ ý muốn buôn bán với nhà Minh. Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp nhận vì không có biểu văn của “quốc vương Nhật Bản”. Sau Minh Thái Tổ, Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi đã muốn khôi phục lại hệ “thống triều cống” muốn có được sự thừa nhận của các nước láng giềng nhằm hợp thức hóa địa vị thống trị của ông ta sau “sự biến tĩnh nạn” (1399-1401). Một mặt, Chu Đệ vẫn tuân theo tư tưởng của Thái Tổ khi thi hành chính sách ràng buộc đối với các nước hải ngoại, khuyến khích họ phái sứ giả đến Trung Quốc triều cống. Do đó, cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV, ở Đông Á đã hình thành một trật tự quốc tế với triều Minh là trung tâm. Phạm vi của nó bao gồm từ đảo Xakhalin, qua Nhật
Bản, Ryu Kyu, Luzon (Philippin), các nước Đông Nam Á, đến các nước xung quanh Ấn Độ Dương, kể cả khu vực rộng lớn Đông Bắc Á và miền Bắc Trung Quốc [71, tr. 12].
Thời gian này, ở Nhật Bản, tướng quân Ashikaga Yoshimitsu đã giải quyết xong vấn đền phân tranh Nam Bắc triều và lên đảm nhận chức Chinh di tướng quân, Thái chính đại thần, trên thực tế trở thành nhân vật có quyền lực cao nhất ở Nhật Bản. Ashikaga Yoshimitsu sau khi cơ bản thống nhất được Nhật Bản, ổn định và củng cố chính quyền với mục đích thu được lợi nhuận trong hoạt động thương mại với Trung Quốc và để ổn định tình hình chính trị trong nước, nâng cao tính hợp lý của chính quyền, đã chủ động gia nhập “hệ thống triều cống” của triều Minh và bắt đầu tiếp thu toàn diện “hệ thống triều cống”. Mục đích tham gia “hệ thống triều cống” của Nhật Bản chủ yếu là mang tính chất kinh tế với mục đích để giải quyết vấn đề thiếu hụt về nguồn tài chính, mà muốn làm được điều đó không có cách gì khác là thiết lập quan hệ thương mại triều cống với Trung Quốc. Đây là nguyên nhân chính để Nhật Bản sau thời gian dài không có mối liên hệ gì, đến thời kỳ Mạc phủ Ashikaga lại gia nhập hệ thống triều cống Đông Á khi hệ thống này được xây dựng và mở rộng bởi triều Minh.
2.2.2. Diễn biến của hoạt động thương mại triều cống
Khi Yoshimitsu đang tìm cách thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc thì năm 1401 có một thương nhân Nhật Bản là Phì Phú vừa từ Trung Quốc về thông báo cho ông ta biết tình hình: không là quốc vương không thể triều cống, không triều cống không thể buôn bán; đến triều cống nhà Minh có thể đổi được số lượng lớn quà tặng. Yoshimitsu thấy lợi ích của quan hệ này, chỉ cần có lợi ích mà không đếm xỉa gì đến việc phải xưng thần bèn lập tức nghe theo lời của Phì Phúc, chuẩn bị cống phẩm, phái Phì Phú và nhà sư Soa (Tổ A) đi sứ Trung Quốc. Khi hai sứ
giả đến Trung Quốc đã được hoàng đế nhà Minh tiếp đãi rất chu đáo và đồng ý thiết lập mối quan hệ giữa hai nước [30, tr. 309], [68, tr. 516].
Năm 1402, khi Phì Phúc về nước, Hoàng đế Kiến Văn đã cử hai vị cao tăng là Đạo Di Thiên Luận và Nhất Am Nhất Như đi sứ Nhật Bản, tuyên đọc chiếu thư sách phong cho Yoshimitsu là “Quốc vương Nhật Bản” [48, tr.223]. Khi sứ giả nhà Minh đến Trung Quốc đã được Yoshimitsu đón tiếp trọng thể tại đền Hojuji. Quan hệ giữa hai nước được duy trì tốt đẹp và đều đặn từ đó cho đến năm 1411.
Căn cứ theo quốc thư của phía Trung Quốc thì về danh nghĩa Yoshimitsu là “quốc vương Nhật Bản” chứ không phải Thiên hoàng. Sở dĩ có điều này là do ông ta phải lấy danh nghĩa đó để có được địa vị hợp pháp theo yêu cầu ngoại giao của phía Trung Quốc. Năm 1403, khi sứ giả về nước, Yoshimitsu lập tức tổ chức đoàn sứ giả đông đảo hơn 300 người do nhà sư Kenchu Keimitsu (Kiên Trung Khuê Mật) dẫn đầu đi sứ đến triều cống nhà Minh [30, tr. 312], [47, tr. 172].
Trong thời gian này, Minh Thành Tổ đã giành được ngôi báu, Hoàng đế Vĩnh Lạc sau khi lên ngôi lập tức ban bố chiếu thư đến các nước trong đó có Nhật Bản. Tháng 8 năm 1403, Minh Thành Tổ phái Triệu Cư Nhậm đến Nhật Bản nhưng khi sứ giả mới xuất phát đến Ninh Ba, tháng 9 người Nhật Bản đã đến Ninh Ba rồi. Thực ra sứ giả Kenchu Keimitsu sau khi biết việc Minh Thành Tổ mới giành được thắng lợi trong cuộc chiến và lên ngôi hoàng đế đã lập tức thay đổi quốc thư, đổi thành thư chúc mừng Thành Tổ lên ngôi. Cũng có người nói Nhật Bản sớm đã chuẩn bị hai bức quốc thư để tùy cơ ứng biến. Khi sứ giả Nhật Bản đến triều kiến, vua Thành Tổ vô cùng vui mừng, ban thưởng cho phía Nhật Bản gấp 10 lần so với sự ban thưởng của vua Kiến Văn [48, tr. 223]. Khi người Nhật Bản về nước, Minh Thành Tổ phái sứ giả đưa họ về, sứ đoàn Nhật Bản quay về với 5 chiếc thuyền chở nặng cống phẩm được vua nhà Minh ban cho. Năm 1405, sứ đoàn nhà Minh đến Nhật Bản
được Yoshimitsu tiếp đón trọng thể tại Hyogo. Đoàn sứ giả của Triệu Cư Nhậm cùng đi với Kenchu Keimitsu đến Nhật Bản đã ban cho Nghĩa Mãn ấn vàng có khắc bốn chữ “Nhật Bản quốc vương” và 100 đạo khám hợp, từ đó hai nước đã hồi phục lại quan hệ thương mại triều cống. Tháng 11- 1405, Yoshimitsu lại phái một đoàn sứ giả đến chúc mừng việc triều Minh sách phong thái tử, quan hệ thương mại triều cống giữa hai nước chính thức được thiết lập và phát triển [47, tr. 172 ].
Sở dĩ Hoàng đế nhà Minh thi hành chính sách ngoại giao đối với Nhật Bản như vậy, thứ nhất là để thỏa mãn hư vinh của việc “vạn bang lai triều” (“万邦来朝” - các nước đến triều cống); thứ hai là dựa vào đó để đốc thúc phía Mạc phủ tướng quân ngăn chặn nạn cướp biển. Về mặt quân sự, nhà Minh lo ngại khoản chi phí phải bỏ ra để tiễu trừ cướp biển có thể lớn hơn chi phí bỏ ra để ban tặng cho phía Nhật Bản nhằm ràng buộc Mạc phủ khống chế cướp biển nên đã đặt ưu tiên về mặt chính trị ngoại giao và chịu một số hy sinh về mặt kinh tế. Ví dụ năm 1403 Nhật Bản vào triều cống, cống sứ chở theo hồ tiêu, buôn bán với người dân, một số quan lại yêu cầu thu thuế, nhưng Hoàng đế cho rằng đó là “việc làm mất thể diện quốc gia” và không cho phép. Chính sách đưa đến kết quả là sau khi sứ Nhật Bản về nước, Yoshimitsu lập tức phát binh tiêu diệt cướp biển, đồng thời đem 20 tên tướng cướp đến làm lễ ra mắt Minh Thành Tổ [48, tr. 223].
Giải thích cho việc Yoshimitsu cúi đầu xưng thần với Hoàng đế nhà Minh là do áp lực về kinh tế, phía Nhật Bản muốn thiết lập quan hệ thương mại với Trung Quốc chỉ có thể thông qua hình thương mại triều cống mới được triều Minh thừa nhận, chỉ có lấy danh nghĩa “quốc vương Nhật Bản” mới được vào Trung Quốc buôn bán. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến Yoshimitsu tiếp nhận danh hiệu nhà Minh ban cho có lẽ là ông ta cho rằng cần phải có được sự ủng hộ từ bên ngoài để củng cố địa vị thống trị của mình. Yoshimitsu cũng chính là tướng quân
duy nhất trong lịch sử Nhật Bản muốn phế bỏ ngôi vua của Thiên hoàng, nếu như ông ta không qua đời sớm thì điều này có thể đã xảy ra.
Năm 1404, triều Minh phái Triệu Cư Nhậm làm sứ giả đến Nhật Bản. Trong nội dung thư Minh Thành Tổ gửi cho Yoshimitsu đã cảm ơn việc ông ta tiến hành trấn áp cướp biển và đồng ý cho phép phía Mạc phủ Nhật Bản được tiến hành “thương mại triều cống” [30, tr. 313]. “Khám hợp” (勘合) là một loại chứng từ trong thương mại triều cống. Năm 1383, để ngăn ngừa hiện tượng giả mạo sứ giả vào cống, Minh Thái Tổ đã lệnh cho Bộ Lễ phân phát “khám hợp” cho các nước, quy định các sứ giả đến Trung Quốc cần phải kiểm tra khám hợp tương đồng, nếu không thì tức là giả vào cống. Theo Minh hội điển ghi chép lại, 15 nước có được “khám hợp” như Siam, Nhật Bản, Champa, Java, Majapahit, Chân Lạp… 100 đạo khám hợp do Triệu Cư Nhậm mang đến ban cho Nhật Bản, 100 đạo khám hợp chữ “Nhật” và 100 đạo khám hợp chữ “Bản”, và hai sổ sách gốc khám hợp chữ “Nhật” và hai sổ sách gốc chữ “Bản” tổ thành. 100 đạo khám hợp chữ “Nhật”, mỗi sổ sách gốc của chữ “Nhật” và chữ “Bản” bảo quản ở Lễ bộ triều Minh, sách gốc chữ “Bản” để ở Ty Bố chính Phúc Kiến. Trong khi 100 đạo khám hợp chữ “Bản”, một bản sách gốc của khám hợp chữ “Nhật” thì đưa đến Nhật Bản. Thuyền do người Nhật Bản phái đến triều cống nhà Minh, mỗi thuyền cần mang theo một đạo khám hợp, sau khi Bố Chính ty Phúc Kiến đối chiếu không sai với sổ sách gốc, mới được hộ tống đến Bắc Kinh, rồi lại đối chiếu với sổ sách gốc ở Bộ Lễ. Thuyền do triều Minh phái đến Nhật Bản cũng cần phải mang theo khám hợp có chữ “Nhật” của Bộ Lễ, sau khi đối chiếu không có gì sai với sổ sách gốc của Nhật Bản mới cho phép vào buôn bán. Mỗi lần triều Minh có Hoàng đế mới lên ngôi thì đem khám hợp mới mang đến Nhật Bản, thu hồi khám hợp cũ chưa sử dụng. Thời Minh, số “khám hợp” phía Trung Quốc phát cho Nhật Bản có 6 loại là Vĩnh Lạc, Tuyên Đức, Cảnh Thái, Thành Hóa, Hoằng Trị, Chính Đức [50, tr. 8]. Trong việc giao thiệp
với Nhật Bản, Minh Thành Tổ không ngừng đề ra hai yêu cầu đối với nước này: Một là người đứng đầu chính quyền thống trị Nhật Bản gia nhập vào trật tự thế giới do Trung Quốc là trung tâm - trật tự Hoa Di; Hai là chính phủ Nhật Bản ngặn chặn nạn cướp biển.
Như vậy, sở dĩ Ashikaga Yoshimitsu tiếp nhận danh hiệu nhà Minh ban cho là để tiến hành thương mại triều cống với triều Minh bởi vì tình hình tài chính của ông ta khi đó vô cùng nguy ngập. Tuy nhiên, việc Yoshimitsu tiếp nhận sách phong của triều Minh đã bị nhiều người phản đối, trong đó có con trai ông là Yoshimochi, vì vậy hoạt động này nhanh chóng chấm dứt. Sau khi Yoshimitsu qua đời (1408), người kế thừa ông là Yoshimochi đã nhanh chóng đoạn tuyệt quan hệ với Trung Quốc.
2.2.3. Yoshimochi đoạn thuyệt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc
Trong các bức thư gửi cho Nhật Bản, triều Minh gọi Yoshimitsu là “Nhật Bản quốc vương thần nguyên đạo nghĩa” (日本国王臣源道义) còn trong thư gửi đến Hoàng đế nhà Minh, Yoshimitsu xưng là “Nhật Bản quốc vương thần nguyên” (日本国王臣源). Yoshimitsu còn sử dụng niên hiệu của triều Minh, chủ động tấn công cướp biển và cử sứ giả áp giải đến Trung Quốc. Việc tiếp đãi sứ giả nhà Minh cũng được Yoshimitsu tiến hành với những nghi lễ rất long trọng. Khi sứ giả nhà Minh đến Hyogo, Yoshimitsu thân hành ra đón và cùng đi với ông ta về Kyoto. Yoshimitsu còn ăn mặc theo kiểu Trung Quốc, đốt hương, sức nước thơm và quỳ lạy khi nghe đọc những bức thư của hoàng đế Trung Quốc. Những việc làm của Yoshimitsu khiến cho nhiều người Nhật Bản, đặc biệt là thế lực tàn dư cũ của Nam triều phản đối. Ngay cả trong nội bộ Bắc triều bị ông ta khống chế cũng có không ít người phản đối, trong đó có một trợ thủ đắc lực của ông ta là Nghĩa Tưởng, khi Yoshimitsu còn tại vị, Nghĩa Tưởng đã cho rằng nghi lễ tiếp nhận quốc thư của triều Minh là “quá long trọng, có sự mất thể diện” [69, tr. 525-526], đồng thời biểu thị
sự bất mãn đối với việc làm của Yoshimitsu. Thậm chí ngay cả con của Yoshimitsu là Yoshimochi cũng phản đối việc Nhật Bản xưng thần với Trung Quốc.
Sau khi Yoshimitsu chết (1408), Yoshimochi lấy danh nghĩa “Nhật Bản quốc vương thần nguyên Nghĩa Trì” cử sứ giả đến triều Minh báo tang, nhà Minh cũng phái sứ giả đến Nhật Bản để phong Yoshimitsu là “Cung hiến” và sách phong cho Yoshimochi. Tuy nhiên, Yoshimochi chỉ miễn cưỡng tiếp nhận sách phong và tặng vật, đồng thời cử sứ giả đến Trung Quốc tạ ơn và đưa một số tên cướp bắt được giao cho triều Minh.
Yoshimochi là một người rất tự tin, thậm chí là tự đại, đồng thời với việc nghe lời khuyên của một số đại thần trong việc thay đổi chính sách đối ngoại với triều Minh, ông ta không chấp nhận cách làm hy sinh danh dự chính trị để đổi lấy lợi ích kinh tế làm nhục quốc thể này. Vì thế, không bao lâu sau khi Yoshimitsu qua đời, Yoshimochi đã nhanh chóng chấm dứt việc cử sứ giả đến triều Minh. Phía Trung Quốc do không biết việc này nên năm 1411 Minh Thành Tổ vẫn cử Vương Tiến đến Nhật Bản. Yoshimochi không cho phép sứ đoàn đến kinh đô mà chỉ được đến Hyogo. Sau đó bằng việc không cử sứ giả đến Trung Quốc nữa, ông ta đã nhanh chóng đoạn tuyệt quan hệ thương mại triều cống giữa hai nước.
Hoạt động thương mại triều cống kết thúc khiến cướp biển lại có cơ hội hoành hành, ảnh hưởng đến an ninh của nhà Minh. Minh Thành Tổ thi hành cùng một lúc hai biện pháp là ân và uy. Một mặt, nhà Minh chủ động biểu thị sự “hữu hảo” với Yoshimochi, ví dụ như năm 1417 sứ giả nhà Minh là Lã Uyên đã đưa trở lại Nhật Bản mấy chục tên cướp biển Nhật Bản bị Trung Quốc bắt được; mặt khác nhà Minh gửi thư đến cảnh cáo Yoshimochi. Yoshimochi lấy lý do Yoshimitsu vì triều cống nhà Minh mà bị thần linh trách phạt để thoái thác trách nhiệm của mình đối với hoạt động cướp bóc của cướp biển khi nói rằng ông ta không hề hay biết đến những hoạt động cướp biển đó. Điều này cũng đúng một phần vì
trên thực tế, khả năng khống chế của Mạc phủ Asikaga đối với địa phương không được như thời Mạc phủ Kamakura nhưng điều đó cũng chứng tỏ quyết tâm của Yoshimochi muốn đoạn tuyệt quan hệ với Trung Quốc mà ông ta cho là “nhục quốc thể”. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế đã khiến cho chính sách của Yoshimochi không duy trì được lâu, sau khi ông ta chết, quan hệ triều cống giữa hai nước lại được khôi phục trở lại.