Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đầu thời Minh (1368 1400)

Một phần của tài liệu Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản thế kỷ XIV - XVII (Trang 28 - 35)

2.1.1. Thương mại triều cống và chính sách “hải cấm” thời Minh

Năm 1368, sau thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa nông dân và phong trào giải phóng dân tộc chống lại sự cai trị của người Mông Cổ (1351 - 1368), triều Minh (1368 - 1644) được thành lập. Đây là sự kiện mở đầu cho những thay đổi lớn trong lịch sử Trung Quốc và cũng là sự khởi đầu một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước Trung - Nhật. Triều Minh với ý thức sâu sắc về vị thế của mình đã ra sức cố gắng khôi phục lại hệ thống quan hệ triều cống giữa Trung Quốc và các nước Đông Á vốn rất phồn thịnh vào thời Đường (618 - 907).

Quan hệ đối ngoại thời Minh có thể phân chia thành hai thời kỳ: thời kỳ trước (1368-1567) và thời kỳ sau (1567-1644) [51, tr. 1].Quan hệ đối ngoại thời kỳ đầu nhà Minh (1368-1567) có thể gọi là thời kỳ “thương mại triều cống” khi nhà Minh chỉ cho phép các nước được đến Trung Quốc buôn bán dưới hình thức triều cống, đồng thời thi hành chính sách “hải cấm”, không cho thương nhân ra nước ngoài buôn bán. Thời kỳ sau, chính sách “hải cấm” được bãi bỏ do sự cướp bóc của cướp biển và hoạt động của hoạt động buôn lậu. Sau khi nhà Minh bãi bỏ chính sách “hải cấm”, hoạt động buôn bán của thương nhân được thừa nhận.

Hoàng đế khai sáng ra triều Minh là Chu Nguyên Chương sau khi thành lập triều đại mới, về mặt ngoại giao, đã thực hiện phương châm chiêu dụ các nước bên ngoài. Chính sách chiêu dụ này chính là không dùng vũ lực mà dùng chính sách lôi kéo, lung lạc đối với các nước xung quanh, khiến các nước này thần phục. Nói cách khác, về mặt chính trị khiến cho người nắm quyền các nước thừa nhận địa vị nước tông chủ của

Trung Quốc. Những từ “triều cống” (朝贡) trong các sử liệu thời Minh có ý nghĩa là trong quan hệ của người đứng đầu các nước xung quanh với Hoàng đế Trung Quốc là quan hệ phiên thuộc, quan hệ thần thuộc). Trong chính sách đối ngoại của triều Minh, các nước bên ngoài chỉ thi hành việc đến triều cống mới được phép buôn bán với Trung Quốc. Do đó, hoạt động thương mại dân gian tương đối tự do dưới hai triều Tống (960- 1279), Nguyên (1279-1368), bước vào thời Minh bị hạn chế nghiêm ngặt. Biểu hiện về mặt chính trị của hoạt động triều cống là về mặt nghi lễ, về mặt kinh tế, triều Minh áp dụng nguyên tắc là “có cống, tất có thưởng” (有贡,即有赐) [47, tr. 161]. Nguyên tắc này có nghĩa là khi các nước mang đồ cống đến cống, triều Minh sẽ có tặng phẩm ban tặng lại, sự trao đổi này có tính chất như một hoạt động thương mại. Do đó, các nước bên ngoài mượn danh nghĩa đến triều cống, ngoài những cống phẩm ra đã mang đến nhiều loại hàng hóa khác để tiến hành trao đổi hàng hóa với phía Trung Quốc. Ngược lại, phía Trung Quốc cũng muốn thông qua hoạt động triều cống này có được những hàng hóa mà Trung Quốc không sản xuất được. Hoạt động thương mại dưới danh nghĩa triều cống này gọi là “thương mại triều cống” (朝贡贸易).

Nhà Minh chỉ thừa nhận quan hệ thương mại với các nước dưới hình thức thương mại triều cống là thương mại chính thức, hoạt động thương mại không tuân thủ theo hình thức này bị coi là buôn lậu, cấm đoán nghiêm ngặt. Như vậy, thương mại triều cống là nguyên tắc kết hợp cả nội dung chính trị và kinh tế, chỉ có tuân thủ nguyên tắc này mới có thể tiến hành được.

Nhằm thực hiện quản lý hoạt động triều cống, triều Minh đã lập Thị bạc ty, “mặc dù nói là chủ quản sự vụ giao dịch trong ngoài, nhưng mục đích chủ yếu của nó hoàn toàn không thuộc về phương diện kinh tế như thu thuế…, mà thuộc về mặt chính trị là tuyên dương uy đức ra bên ngoài” [47, tr. 163] để các nước xung quanh tiếp nhận thể chế sách phong

này. Theo thể chế sách phong Hoa Di và quan niệm của Nho gia, chỉ có quốc vương mới có tư cách vào cống, nếu không thì không tiếp nhận.

Cùng với thương mại triều cống, nhà Minh thi hành chính sách “hải cấm” (“海禁”). Một trong những nguyên nhân khiến triều Minh đề ra chính sách “hải cấm” là do sự hoạt động của nạn cướp biển từ cuối thời Nguyên đến thời Minh đã gây ra những sự bất ổn ở vùng ven biển Trung Quốc. Cướp biển thường ngụy trang thành thương nhân đi biển buôn bán, khi gặp lực lượng tuần tra của triều đình thì xưng là đi buôn bán, khi có cơ hội hành động thì tổ chức cướp bóc. Vì rất khó phân biệt giữa cướp biển và thương nhân nên đồng thời với chính sách không cho phép thuyền buôn nước ngoài đến Trung Quốc buôn bán nếu như đó không phải là thuyền đến triều cống, nhà Minh còn cho thi hành chính sách “hải cấm”. Nội dung của chính sách “hải cấm” là nghiêm cấm người Trung Quốc được vượt biển ra nước ngoài buôn bán. Nguyên nhân trực tiếp của chính sách “hải cấm” là sự lo ngại của nhà Minh đối với lực lượng tàn dư của Trương Sĩ Thành, Phương Ngọc Trân ở vùng biển các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang. Các lực lượng này chiếm cứ các hòn đảo ven biển, thường xuyên kết hợp với cướp biển, tập hợp lực lượng để tấn công vào lục địa, tạo ra mối đe dọa đối với sự thống trị của triều Minh. Để đối phó với mối đe dọa này, đồng thời với việc tăng cường xây dựng hệ thống đồn lũy để phòng thủ bờ biển, năm 1371 nhà Minh đã ban hành chính sách “hải cấm”, cấm đoán nghiêm ngặt nhân dân ven biển không được vượt biển ra nước ngoài. Sau đó, chính sách “hải cấm” còn tiếp tục được nhà Minh ban hành lại nhiều lần và được thực hiện cho đến năm 1567 [51, tr. 7].

Như vậy, ban đầu chính sách “hải cấm” chủ yếu mang tính chất an ninh, sau đó, chính sách này được kết hợp với chính sách thương mại triều cống đúng như nhận định của học giả Arano Yasunori “chính sách “hải cấm” của triều Minh, ban đầu là chính sách ngăn ngừa cướp biển hoặc các phần tử nguy hiểm trong nước câu kết với các thế lực nước

ngoài, nhưng cuối cùng để duy trì quyền lực của hoàng đế nhà Minh mà đóng vai trò là chính sách để duy trì “trật tự Hoa Di” (thể chế sách phong) và chế độ thương mại triều cống” [47, tr. 161]. Đương nhiên, chính sách “hải cấm” và chính sách thực hiện thương mại triều cống có ảnh hưởng lớn đến quan hệ hai nước Trung Quốc-Nhật Bản thời kỳ này.

2.1.2. Quan hệ Trung Quốc- Nhật Bản đầu thời Minh

Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Hồng Vũ Chu Nguyên Chương đã ba lần cử sứ giả đến Nhật Bản. Năm 1369, sứ giả đầu tiên của triều Minh là Dương Tải mang chiếu dụ của Hoàng đế Hồng Vũ gửi “Quốc vương Nhật Bản”. Đây là một bản thư kháng nghị, đồng thời với việc tuyên bố vương triều mới thành lập và yêu cầu Nhật Bản cử sứ giả đến triều cống, trách cứ chính quyền Nhật Bản về vấn đề để cho cướp biển hoành hành.

Ở Nhật Bản thời kỳ này, Ashikaga Yoshimitsu đảm nhận chức Chinh di Đại tướng quân ở Bắc Triều, đối địch với Chinh Tây Tướng quân Thân Vương Kanenaga thuộc Nam Triều ở đảo Kiu Xiu. Đoàn sứ giả triều Minh do Dương Tải dẫn đầu do không thông hiểu tình hình Nhật Bản, sau khi đến Hyogo liền đến trình quốc thư lên Thân Vương Kanenaga. Nội dung chủ yếu của bức thư là: 1. Thông báo việc triều Minh thành lập, yêu cầu Nhật Bản triều cống; 2. Thông báo việc cướp biển cướp bóc Trung Quốc, yêu cầu phía Nhật Bản có biện pháp ngăn chặn; 3. Nếu như cướp biển tiếp tục gây tai họa cho Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ xuất binh thảo phạt Nhật Bản [44, tr. 32].

Năm 1368, triều Minh thành lập. Năm sau (1369), Chu Nguyên Chương đã cử đoàn sứ giả gồm 7 người do Dương Tải, Ngô Văn Hoa mang một bức thư đến Nhật Bản phong hiệu cho người đứng đầu nước này là Nhật Bản quốc vương. Nhưng đối tượng giao thiệp của sứ giả Nhật Bản khi đó lại là Chinh Tây tướng quân thân vương Kanegana của Nam Triều. Trước thái độ và lời lẽ ngạo mạn trong bức thư, Kanenaga rất tức

giận nên đã ra lệnh giết 5 người trong sứ đoàn và giam giữ Dương Tải, Ngô Văn Hoa 3 tháng [30, tr. 300].

Về phía Trung Quốc, Chu Nguyên Chương hầu như không hiểu biết gì về tình hình Nhật Bản đương thời đang diễn ra cuộc phân tranh giữa Nam triều và Bắc triều nên đã tưởng Thân vương Kanenaga là “Quốc vương Nhật Bản” và mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với ông ta. Hơn nữa, thời gian này, sự cướp bóc của cướp biển ngày càng diễn ra nghiêm trọng trên suốt một dải bờ biển rộng lớn từ Sơn Đông đến Ôn Châu, Đài Châu, Minh Châu và các quận huyện ven biển của Phúc Kiến. Vì vậy, bất chấp sự thất bại của đoàn sứ giả đầu tiên, năm 1370, Hoàng đế Hồng Vũ lại cử đoàn sứ giả thứ ba do Đồng tri phủ Thái Châu (Sơn Đông) là Triệu Trật dẫn đầu đi sứ Nhật Bản. Ban đầu, Thân vương Kanenaga ngộ nhận là sứ giả do Mông Cổ phái đến. Sau đó Triệu Trật giải thích thì mới biết được tình hình Trung Quốc triều Minh mới thành lập muốn thiết lập quan hệ với Nhật Bản nên Kanenaga tiếp đãi chu đáo. Năm 1371, Kanenaga phái nhà sư Tổ Lai đến Trung Quốc, đây là đầu tiên kể từ cuối thời Đường, Nhật Bản mới chính thức phái sứ giả đến Trung Quốc. Trong chuyến đi lần này, Tổ Lai còn đưa hơn 70 người ở Minh Châu, Đài Châu bị cướp biển bắt trả lại cho triều Minh [30, tr. 301]. Việc Thân vương Kanenaga có sự thay đổi thái độ nhanh chóng trong cách ứng xử với Trung Quốc có thể thấy rằng, mới đầu trước thái độ ngạo mạn của sứ giả triều Minh, chủ yếu là do ông ta không hiểu biết về sự thay đổi của tình hình chính trị ở Trung Quốc. Hơn nữa, trước tình hình gặp phải sự tấn công của Bắc Triều, ông muốn thiết lập quan hệ với một vương triều lớn mạnh là triều Minh để củng cố thế lực của mình.

Việc phía Nhật Bản cử sứ giả đến đã thỏa mãn nhu cầu muốn thiết lập mối quan hệ bang giao giữa hai nước của Chu Nguyên Chương, thỏa mãn điều kiện mong muốn của phía Trung Quốc trong vấn đề chống cướp biển do đó hoàng đế Hồng Vũ rất vui mừng, dùng hậu lễ tiếp đãi, ban cho

đoàn sứ giả nhiều lễ vật. Khi đoàn sứ giả của Tổ Lai về Nhật Bản, Chu Nguyên Chương lại phái các nhà sư là Tổ Xiển và Khắc Cần đưa về nước đồng thời ban cho quốc vương Nhật Bản Đại Thống lịch. Từ đây quan hệ ngoại giao giữa hai nước chính thức bắt đầu. Tuy nhiên từ thái độ nhất quán của Kanenaga và lời lẽ trong thư ông ta trả lời Chu Nguyên Chương có thể nói rằng đây không phải là triều cống. Về phía Trung Quốc, do muốn tìm hiểu thêm tình hình thực sự của Nhật Bản, Minh Thái Tổ đã triệu kiến nhà sư người Nhật Bản là Xuân Đình Hải Thọ đang ở chùa Thiên Giới thuộc Kim Lăng đến để hỏi, từ đó biết rằng Thân vương Kanenaga không phải là quốc vương Nhật Bản và Hyogo, Daizafu cũng không phải kinh thành của Nhật Bản. Khi sứ đoàn triều cống của Tổ Lai đến Kim Lăng, Chu Nguyên Chương cũng hỏi han tình hình Nhật Bản, đồng thời biết được rằng ở Kyoto còn có triều đình và Thiên Hoàng khác. Vì vậy, khi Tổ Lai về nước, Chu Nguyên Chương liền cử hai nhà sư là Tổ Xiển và Khắc Cần làm Chính sứ để đi sứ nhằm thiết lập mối quan hệ với Kyoto và Thiên hoàng. Trước khi hai nhà sư Tổ Xiển và Khắc Cần lên đường, Chu Nguyên Chương dặn dò họ phải gặp bằng được “Quốc vương Nhật Bản” (tức Thiên hoàng) [50, tr. 8].

Tháng 5 năm 1372, hai nhà sư Trọng Hiến Tổ Xiển và Vô Dật Khắc Cần đi sứ Nhật Bản. Nhưng sau khi đến Nhật Bản họ bị giam trong chùa Thánh Phúc ở Hyogo cho tới tận tháng 5 năm sau. Trong thời gian bị giam giữ, hai vị sứ giả tìm hiểu được Nhật Bản đang diễn ra tình trạng Nam Bắc phân tranh, do đó Vô Dật Khắc Cần viết thư cho nhà sư Trọng Hiến Tổ Xiển nhờ gửi đến tướng quân Bắc triều. Kết quả, tháng 6 - 1373, hai vị sứ giả đến được Kyoto, hội kiến với Tướng quân Ashikaga Yoshimitsu và ở lại Nhật Bản cho đến tháng 8. Tóm lại, mặc dù hai vị sứ giả không thể hoàn thành sứ mạng được giao trong chuyến đi này nhưng đã phát huy vai trò sứ giả hòa bình văn hóa mở đầu cho sự thiết lập mối quan hệ hai nước Trung - Nhật.

Do sai lầm khi đặt quan hệ với Kanenaga nên Chu Nguyên Chương tỏ ra hoài nghi đối với kế hoạch của mình định thông qua con đường ngoại giao để đốc thúc phía Nhật Bản khống chế nạn cướp bóc của cướp biển. Từ đó nhà Minh đã từ chối tiếp đãi tất cả đoàn cống sứ không phải do triều đình Nhật Bản cử đến. Ví dụ năm 1374, đoàn sứ giả do nhà sư Tuyên Văn Khê, nhà sư Đạo Hạnh của họ Shimadzu, đoàn sứ giả do nhà sư Như Dao của Hoài Lương thân vương năm 1381 và nhà sư Tông Tự Lượng năm 1386 đều bị phía Trung Quốc khước từ cho vào triều cống. Thế nhưng, Minh Thái Tổ vẫn kiên quyết thực hiện chính sách ràng buộc đối với Nhật Bản. Điều này được minh chứng là năm 1371, khi cáo dụ đại thần của các tỉnh, châu, phủ ở cửa Phụng Thiên ông nói: “Các nước man di ở hải ngoại, có nước là tai họa cho Trung Quốc, không thể không thảo phạt; nước nào không phải là tai họa của Trung Quốc, không nên tự tiện dấy binh tấn công… Trẫm cho rằng các nước tiểu quốc man di… không là tai họa đối với Trung Quốc, trẫm quyết không chinh phạt” [50, tr.8]. Ông liệt 15 nước như Triều Tiên, Nhật Bản, Ryu Kyu, Đại Việt, Chân Lạp, Siam, Champa, Sumatra… vào danh sách “các nước không chinh phạt”, đồng thời ghi vào “Tổ huấn” để đề phòng “con cháu đời sau, ỷ lại việc Trung Quốc phú cường, tham chiến công nhất thời, vô cớ hưng binh, gây thiệt hại tính mạng nhân dân” [50, tr.8].

Năm 1383, xảy ra sự kiện phía Nhật Bản âm mưu cùng Hồ Duy Dung làm phản nên nhà Minh đã đoạn tuyệt quan hệ triều cống với Kanenaga. Sự việc này bắt nguồn từ việc chỉ huy sứ Minh Châu là Lâm Hiền nhờ sự giúp đỡ của sứ giả Nhật Bản âm mưu tàng trữ thuốc nổ, vũ khí trong đồ triều cống để khi vào triều cống thì ám sát Minh Thái Tổ. Khi âm mưu bị bại lộ Minh Thái Tổ đã đoạn tuyệt quan hệ với Nhật Bản, đồng thời đã chuyển từ biện pháp tiêu cực ban đầu muốn dựa vào phía Nhật Bản để khống chế sự cướp bóc của cướp biển sang thi hành chính sách tăng cường phòng thủ bờ biển, tích cực phòng chống cướp biển.

Tháng 1 năm 1384, triều Minh cử các danh tướng tăng cường tuần tra các thành trì ven biển ở Chiết Giang, Phúc Kiến, xây dựng 59 thành trì dọc bờ biển từ Sơn Đông đến Chiết Giang [50, tr.9]. Tháng 3 - 1387, triều Minh lại ra lệnh tuyển quân ở Phúc Kiến tại 4 phủ với ba suất đinh lấy một suất lính để đóng giữ các vệ sở ở ven biển, tuyển được hơn 15.000 quân, xây dựng 15 thành, tăng việc thiết lập tuần tra ty lên 45 để phòng ngự cướp biển [30, tr.304 -305].

Một phần của tài liệu Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản thế kỷ XIV - XVII (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)