Vai trò to lớn của nhân tố này được thể hiện ở nhiều khía cạnh quan trọng. Sự phát triển của nền sản xuất xã hội sinh ra nhu cầu nghỉ ngơi du lịch. Các nhà kinh điển đã chỉ ra rằng sự xuất hiện và mở rộng nhưng nhu cầu khác nhau (tất nhiên trong đó có nhu cầu nghỉ ngơi du lịch) là kết quả của sự phát triển nền sản xuất. Các nhu cầu thường nảy sinh trực tiếp từ sản xuất. Nền sản xuất xã hội càng phát triển, thị trường nhu cầu của nhân dân càng lớn, chất lượng càng cao.
Ở các nước có nền kinh tế chậm phát triển, nhìn chung nhu cầu nghỉ ngơi du lịch còn hạn chế. Ngược lại, nhu cầu nghỉ ngơi du lịch ở các nước phát triển rất đa dạng. Bên cạnh nhu cầu giải trí cuối tuần, hàng năm nhân dân còn đòi hỏi những đợt nghỉ dài ngày ở vùng biển (vào mùa hè), trên núi (vào mùa đông), trong nước hoặc ở nước ngoài. Rõ ràng những nhu cầu này phải dựa trên cơ sở vững chắc của nền sản xuất xã hội.
Sự phát triển của nền sản xuất xã hội có tác dụng trước hết là làm ra đời hoạt động du lịch, rồi sau đó đẩy nó phát triển với tốc độ nhanh hơn. Giữa nhu cầu và hiện thực tồn tại một khoảng cách nhất định. Khoảng cách ấy phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển của nền sản xuất xã hội: trình độ càng cao khoảng cách càng rút ngắn. Sự phát triển của du lịch cũng bị chi phối bởi nền sản xuất xã hội. Để giải quyết nhu cầu ăn ở, đi lại, nghỉ ngơi (du lịch) của con người, tất yếu phải có, thì cơ cấu hạ tầng phải tương ứng. Những cái thiết yếu nhất đối với khách du lịch như mạng lưới đường sá, phương tiện giao thông, khách sạn, nhà hàng … khó có thể trông cậy vào một nền kinh tế kém phát triển.
Nền sản xuất xã hội phát triển tạo điều kiện ra đời của nhiều nhân tố khác nhau như nhu cầu nghĩ ngơi, giải trí, mức sống, mức thu nhập, thời gian rỗi rãi.
Trong nền sản xuất xã hội nói chung, hoạt động của một số ngành như công nghiệp, nông nghiệp và cả giao thông có ý nghĩa quan trọng để phát triển du lịch.