Tài nguyên du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cung đối với loại hình du lịch MICE tại Hải Phòng (Trang 62)

7. Bố cục Luận văn

2.2.1. Tài nguyên du lịch

Hải Phòng là thành phố duyên hải nằm ở hạ lưu hệ thống sông Thái Bình thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, được đánh giá là thành phố có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, thuận lợi cho việc phát triển một số loại hình du lịch trong đó có du lịch MICE.

2.2.1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hải Phòng đa dạng và phong phú, được hình thành bởi sự tổng hợp các yếu tố địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn và hệ thống động thực vật đa dạng, phân bố tập trung ở dải ven biển Đồ Sơn và Cát Bà và khu vực núi đá vôi Tràng Kênh - Thủy Nguyên, tạo nên nhiều thẳng cảnh tự nhiên có sức hấp dẫn lớn với khách du lịch.

Địa hình của Hải Phòng khá đa dạng, phản ánh một quá trình lịch sử địa chất lâu dài và phức tạp. Khu vực phía bắc mang dáng dấp của vùng trung du với những đồng bằng ven đồi, trong khi phần đất phía nam lại có địa hình thấp và

khá bằng phẳng của vùng đồng bằng nghiêng ra biển. Địa hình đồi núi chiếm khoảng 15% diện tích của thành phố, phân tán hơn 50% tập trung ở phía bắc tạo thành từng dải theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, có quá trình hình thành gắn liền với hệ núi ở phía nam của tỉnh Quảng Ninh. Đồi núi của Hải Phòng hiện nay là các dải đồi còn sót lại, di tích của nền móng uốn nếp cổ bên dưới, trước đây là nơi diễn ra quá trình sụt võng với cường độ nhỏ. Xen kẽ với đồi núi là những đồng bằng nhỏ phân tán rải rác ở các vùng trong thành phố. Hệ thống đồng bằng của Hải Phòng được hình thành phần lớn từ phù sa của hệ thống sông Thái Bình và vùng đất bồi ven biển.

Vùng biển Hải Phòng là một bộ phận của vịnh Bắc Bộ. Bờ biển đất liền dài trên 125 km (nếu tính cả đường bờ biển xung quanh đảo là hơn 300 km). Bờ biển có hình như một đường cong lõm của bờ vịnh Bắc Bộ, thấp và khá bằng phẳng, có cấu tạo chủ yếu là bùn do 5 cửa sông chính đổ ra. Trên đoạn chính giữa bờ biển, mũi Đồ Sơn nhô ra khoảng 5 km theo hướng Đông Bắc - Tây Nam như một hòn đảo có cấu tạo đá cát kết tạo cho Đồ Sơn có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng. Mặt khác đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng cả nước thu hút khách du lịch vào mỗi dịp hè. Khu vực ngoài khơi thuộc địa phận Hải Phòng còn có nhiều đảo phân tán rải rác trên mặt biển, trong đó lớn nhất là 2 đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ. Bờ biển, biển và hải đảo của Hải Phòng rất đa dạng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, có giá trị cho việc khai thác phục vụ du lịch của thành phố.

Khí hậu của Hải Phòng thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới Bắc bán cầu, gần chí tuyến Bắc. Về cơ bản khí hậu Hải Phòng mang đặc điểm chung của khí hậu vùng đồng bằng Bắc Bộ và có những đặc điểm riêng của vùng ven biển có nhiều đảo. Nhiệt độ trung bình năm từ 20 - 23oC, lượng mưa trung bình 1.600 - 1.800mm, độ ẩm trung bình 80 - 85%, thường có bão vào các tháng 7, 8, 9. Số giờ nắng trong năm là 1.692,4 giờ, bức xạ nhiệt trung bình là 117 kcalcm/phút.

Cùng với hệ thống các bãi biển ở Đồ Sơn và Cát Bà, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch tắm biển và nghỉ dưỡng.

Hải Phòng có hệ thống sông ngòi dày đặc, mật độ trung bình từ 0,6 - 0,8 km/km2. Hệ thống sông của Hải Phòng đều chỉ là chi lưu của sông Thái Bình đổ ra vịnh Bắc Bộ với 16 sông chính như sông Thái Bình, sông Lạch Tray, sông Cấm, sông Bạch Đằng, sông Đa Độ, sông Văn Úc,… với tổng chiều dài hơn 300 km tỏa rộng khắp thành phố. Đây không chỉ là nguồn sống của người dân vùng lúa nước Bắc Bộ mà những con sông này còn đem lại cho đô thị Hải Phòng sự hài hòa giữa cảnh quan và kiến trúc đô thị, tạo ra một không gian đặc trưng độc đáo. Các con sông của Hải Phòng có vị trí chiến lược quan trọng trong bảo vệ chủ quyền đất nước, đã từng là chiến trường lừng lẫy. Một số tuyến sông có khả năng phát triển loại hình du lịch lịch sông nước như các tuyến sông Cấm, Tam Bạc, Lạch Tray có thể tổ chức các chương trình du lịch văn hóa ẩm thực trên sông kết hợp ngắm thành phố về đêm với cảng Hải Phòng lung linh ánh điện, những cây cầu bắc qua sông, các khu phố cũ Lý Thường Kiệt, Tam Bạc…; biểu diễn các bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc trưng vùng Hải Phòng như ca trù, hát đúm, rối cạn… giống như ở Huế và Hội An và Thành phố Hồ Chí Minh hiện có. Các tuyến sông Giá sông Đa Độ, sông Rế, sông Bạch Đằng,… có thể tổ chức các chương trình du lịch sinh thái, mở rộng thăm các làng nghề, di tích lịch sử văn hóa ven sông.[2,tr.33]. Đặc biệt, Hải Phòng là nơi duy nhất ở đồng bằng sông Hồng có mạch suối nước khoáng thiên nhiên thuộc địa phận huyện Tiên Lãng có khả năng khai thác phục vụ du lịch.

Hệ sinh vật của Hải Phòng rất phong phú, nhất là sinh vật biển với gần 1.000 loài tôm cá, hàng chục loại rong biển với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như tôm he, tôm hùm, bào ngư, tu hài, ngọc trai, cua biển. Bên cạnh đó, Hải Phòng có hệ thống rừng ngập mặn và cây lấy gỗ, cây ăn quả với diện tích 17.000 ha. Rừng nguyên sinh Cát Bà với thảm thực vật phong phú, đa dạng, trong có những loài quý hiếm ở Việt Nam như lát hoa, kim giao, đinh; hệ động vật đa

dạng với 69 loài chim, 20 loài thú, 15 loài bò sát, 11 loài ếch nhái, 105 loài cá, 100 loài thân mềm, 60 loài giáp xác.

Do đặc điểm địa hình cùng với những biến đổi phức tạp của địa chất trong quá trình hình thành đã tạo nên những thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp cho Hải Phòng như những hang động18

ở núi Voi - ngọn núi cao nhất ở phía bắc Kiến An, bên bờ sông Lạch Tray; đồi Thiên Văn - nơi du khách có thể đứng trên đỉnh đồi để ngắm được toàn cảnh thành phố. Ngoài ra còn có thắng cảnh ở Tràng Kênh (Thủy Nguyên) với những hang động và giá trị nhân văn sâu sắc, được mệnh danh là Hạ Long cạn của Hải Phòng.

Tiêu biểu nhất trong hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên của Hải Phòng phải kể đến 2 thắng cảnh Đồ Sơn và Cát Bà được khai thác từ thời Pháp thuộc. Đây cũng là nơi có sức thu hút và hấp dẫn đối với khách du lịch, nơi thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động MICE, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời.

Đồ Sơn cách trung tâm thành phố Hải Phòng hơn 20 km về phía Đông Nam, nằm giữa 2 cửa sông Văn Úc và Lạch Tray. Đồ Sơn được ví như hình một con rồng đang nằm chầu về viên ngọc là đảo Hòn Dáu. Đây là một bán đảo với đồi núi, rừng cây nối tiếp nhau vươn ra biển dài đến 5 km, với 3 khu bãi tắm đều có núi đồi, rừng thông yên tĩnh và thoáng mát.

Từ đất liền hay Đồ Sơn, du khách có thể đi bằng đường bộ, tàu hay tàu cao tốc tới Cát Bà. Cát Bà là hòn đảo lớn nhất và độc đáo nhất trong số 1969 hòn đảo thuộc quần thể Vịnh Hạ Long, nơi lưu giữ được khu rừng nguyên sinh nhiệt đới với hệ động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại động thực vật quý hiếm còn tồn tại ở đây như Vọoc đầu trắng được ghi trong sách đỏ của thế giới. Bên cạnh đó, Cát Bà còn có hệ thống hang động, vịnh, vụng, áng có sức hấp dẫn du khách như động Trung Trang, động Thiên Long, động Hoa Cương, vịnh Lan Hạ, vụng Ếch, vụng Quai xanh, áng Vẹm, áng Thảm,… và 139 bãi tắm minni nằm xen giữ những dãy núi đá vôi trùng điệp với cấu trúc karst ngập nước, hệ

sinh thái san hô của Cát Bà là tài nguyên đặc hữu trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 01/04/2005. Tất cả những điều đó đã góp phần làm cho Cát Bà trở thành “hòn đảo ngọc” của thành phố và là tiềm năng lớn cho việc khai thác phục vụ du lịch.

Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên trên, Hải Phòng có khả năng phát triển một số loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, sinh thái, biển đảo, thể thao, thăm quan nghiên cứu,… Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đã tạo cho Hải Phòng có một hệ thống cảnh quan, môi trường hấp dẫn, là một trong điều kiện quan trọng để có thể khai thác và phát triển loại hình du lịch MICE.

2.2.1.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

Nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của Hải Phòng tập trung phần lớn ở khu vực nội thành và các vùng phụ cận.

Với vị trí là vùng cửa biển tiền tiêu, xưa kia có tên gọi là “Hải tần phòng thủ” - mảnh đất chứa đựng nhiều sự kiện lịch sử, đã để lại nhiều dấu ấn qua các di tích lịch sử có giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Nhiều di tích nằm trong các khu danh thắng hoặc bản thân là một danh thắng như hang Vua, Núi Voi, Đền Trần Quốc Bảo,… Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay, toàn thành phố có khoảng 300 di tích, mật độ trung bình 19,9 di tích/km2

. Hải Phòng được xếp vào 1 trong 7 tỉnh, thành phố của cả nước có mật độ di tích dày đặc. Nhiều di tích được công nhận xếp hạng di tích quốc gia như Đền Nghè, Đình Kênh, Chùa Hàng, Miếu Ngà, Đình Kiền Bái,… Hải Phòng cũng có di chỉ Cái Bèo (Cát Bà) cách ngày nay 6.000 - 7.000 năm, di chỉ Tràng Kênh cách dây 4.000 năm. Các di tích của Hải Phòng có giá trị cao đối với phát triển du lịch, nếu được tổ chức quản lý và khai thác hợp lý chắc chắn sẽ đem lại những đóng góp hiệu quả cho sự phát triển du lịch của thành phố.

Hải Phòng cũng là vùng đất có nhiều lễ hội, trong đó có những lễ hội nổi danh không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài như Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn

- 1 trong số 15 lễ hội quốc gia. Các lễ hội như Lễ hội truyền thống Làng cá (Cát Bà), Lễ hội truyền thống Núi Voi (An Lão), Lễ hội vật cầu Kim Sơn (Kiến Thụy), Lễ hội đua thuyền rồng trên biển (Đồ Sơn), Lễ hội Bạch Đằng, Hội đền Trạng - Nguyễn Bỉnh Khiêm… Bên cạnh đó, Hải Phòng còn bảo lưu nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề chiếu cói Lật Dương (Tiên Lãng), tạc tượng Bảo Hà (Vĩnh Bảo), làng nghề mộc Kha Lâm (Kiến An)… Đây đều là những lễ hội, làng nghề truyền thống đặc sắc có sức hấp dẫn du khách.

Thành phố Hải Phòng hiện nay còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc đẹp được xây dựng từ thời Pháp thuộc với những quán hoa, nhà hát lớn, bảo tàng thành phố, các tòa nhà hành chính của HĐND, UBND thành phố, nhiều biệt thự cổ (tiêu biểu là Biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn),… đều là những điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Là thành phố biển nên Hải Phòng còn hấp dẫn thực khách xa gần với những món ăn đặc sản nổi tiếng như bánh đa cua, nem cua bể, cua biển rang muối, nước mắm Cát Hải, tu hài Cát Bà…

Về nghệ thuật diễn xướng dân gian phải kể đến hát Đúm, ca trù Đông Môn (Thủy Nguyên), múa rối cạn Bảo Hà và rối nước Nhân Hòa (Vĩnh Bảo),… Phong tục tập quán, truyền thống của người Hải Phòng mang nét đặc trưng của văn hóa miền biển, cũng là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn để phát triển du lịch và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

Cùng với điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử và văn hóa truyền thống lâu đời, Hải Phòng có lợi thế về du lịch hơn so với nhiều địa phương khác trong khu vực Bắc Bộ. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mà trước hết đó là điệu kiện thuận lợi để xây dựng các khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ gắn liền với cảng quốc gia, với vị trí địa lý kinh tế có sức hấp dẫn đầu tư. Đây là một trong những tiền đề quan trọng cho sự hình thành và phát triển của loại hình du lịch MICE. Trong số các điều kiện đó không thể không kể đến điều kiện về tài nguyên du lịch, đặc biệt phải kể đến 2 khu du

lịch Đồ Sơn và Cát Bà là 2 địa điểm nổi bật và thích hợp nhất để tổ chức các hoạt động của du lịch MICE. Tuy nhiên hiện nay, nguồn tài nguyên du lịch của Hải Phòng nói chung cũng như 2 khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà nói riêng vẫn chưa được khai thác hiệu quả so với những tiềm năng sẵn có. Hầu hết nguồn tài nguyên ở đây mới chỉ được khai thác phục vụ cho loại hình du lịch biển và du lịch sinh thái nên tính mùa vụ trong hoạt động du lịch lại rất cao gây nên sự lãng phí tài nguyên. Nếu các nguồn tài nguyên này được khai thác phục vụ cho loại hình du lịch MICE sẽ là một trong những biện pháp vừa làm giảm bớt tính thời vụ cho hoạt động du lịch của Hải Phòng, vừa hạn chế được việc lãng phí nguồn tài nguyên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cung đối với loại hình du lịch MICE tại Hải Phòng (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)