Di tích lịch sử đền Kiếp Bạc

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể tại Hải Dương (Trang 37)

Xung quanh đền Kiếp Bạc là hệ thống di tích đền, chùa Nam Tào - Bắc Đẩu, Sinh Từ, Hang Tiền, Hố Thóc, Xưởng Thuyền, Hành Cung, Viên Lăng, Ao Cháo... Thời Trần đây là những công trình kiến trúc bề thế, nguy nga nhưng hiện nay nhiều di tích chỉ còn là phế tích. Qua các cuộc khai quật khảo cổ học cho thấy đây là di sản quí giá về mặt lịch sử, văn hoá, khoa học của khu di tích Kiếp Bạc:

* Đền Kiếp Bạc

Đền Kiếp Bạc thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia, thời Trần thuộc hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang, thời Lê, Nguyễn thuộc trấn Kinh Bắc( nay thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Đền Kiếp Bạc toạ lạc trên khu đất bằng, trung tâm khu di tích Kiếp Bạc. Đền nhìn theo hướng Tây nam, ở thế "Ỷ sơn quan thuỷ". Phía trước là dòng Lục Đầu Giang - nơi tụ thuỷ, tụ linh khí, tụ phúc, tụ đức của 6 con sông hội về. Với chiều dài trên 10km, sông Lục Đầu nhận nước của

4 nhánh sông từ phía Bắc đổ xuống (Thiên Đức - sông Đuống, Nhật Đức - sông Thương, Nguyệt Đức - sông Cầu, Minh Đức - sông Lục Nam) và hợp với hai nhánh sông dưới hạ lưu là sông Thái Bình, sông Kinh Thầy đổ ra biển Đông.

Đền tựa lưng (chẩm) vào núi trán Rồng. Hai bên tả, hữu là 2 dãy núi rộng mở thế tay ngai, long mạch toả ra hình rồng uốn khúc từ đỉnh dãy núi Rồng kéo thành "tay Long" núi Nam Tào (Dược Sơn) chầu bên tả và "tay Hổ" núi Bắc Đẩu bao bên hữu. Trên hai ngọn núi có đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu chầu vào đền Kiếp Bạc như thể Ngọc Hoàng Thượng Đế vậy!

Qua hệ thống văn bia và hệ thống thư tịch cũ còn để lại cho thấy đền Kiếp Bạc đã được khởi dựng vào những năm đầu thế kỷ 14 (sau khi Hưng Đạo Vương từ trần năm 1300). Sang thời Lê, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1427 ngay sau kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Vua Lê Thái Tổ đã cắt ngân quỹ, cử Dương Thái Nhất về tu sửa thái miếu đền Kiếp Bạc, ra sắc chỉ nghiêm cấm chặt phá và xâm hại đất đai khu vực di tích.

Qua nhiều thế kỷ do nắng mưa và chiến tranh các công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy thời Trần, Lê không còn, quy mô xây dựng của các lần trùng tu không còn đẩy đủ: Trung từ và tả hữu vu đã bị giặc Pháp đốt phá, chỉ còn lại hậu cung, tiền bái và nghi môn. Các công trình kiến trúc hiện nay chủ yếu do một số quan lại xứ Bắc, xứ Đông, khởi xướng cùng nhân dân trùng tu tôn tạo.

Hệ thống các công trình kiến trúc tuân thủ theo nguyên tắc âm dương, ngũ hành... Từ núi Trán Rồng, các công trình kiến trúc phát triển ra sông Lục Đầu gồm các hạng mục: Sinh Bia nay là Hố chân bia (do Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông soạn văn bia), gò đất chữ Vương, đền Chính, nhà Bạc, tả, hữu Thành Các, tả, hữu Giải vũ, giếng Mắt Rồng, Nghi môn. Đền

chính kết cấu kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, liên hoàn, thống nhất gồm: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung.

Nghi môn đền là công trình kiến trúc đồ sộ hoàng tráng, thiết kế kiểu cổng thành dạng bức cuốn thư với ba cửa vòm và hai trụ biểu lớn. Đây là bức tranh sinh động hội đủ tứ linh, tứ quý, khái quát cả âm dương, trời đất, thiên nhiên, con người nơi đất Thánh. Ngày nay, Nghi môn là công trình kiến trúc độc đáo, hiếm thấy trong các công trình văn hoá cổ ở khu vực Bắc Bộ. Qua nghi môn là tả - hữu Thành Các. Công trình được tôn tạo thời Nguyễn, là nơi các quan hàng tỉnh về nghi ngơi, chuẩn bị các kỳ lễ hội.

Trong sân là giếng Mắt Rồng. Giếng nằm ở trung tâm thung lũng dãy núi Rồng do mạch nước ngầm từ núi chảy ra gọi là giếng mắt rồng. Tương truyền, Giếng xây dựng thời Trần gắn với tên tuổi của danh tướng Yết Kiêu - Người có công tìm và phát hiện ra nguồn nước. Đây là nước giếng thiêng, trong mát đã tiếp sức cho quân sỹ nhà Trần mỗi khi ra trận. Sau này, nước giếng được dùng trong các nghi lễ cúng, tế của đền.

Giữa sân là Nhà Bạc. Công trình nằm trên đường Thần đạo, là cầu nối giữa nghi môn và đền chính, mang ý nghĩa như một tắc môn chắn tà khí cho Đền. Đây là nơi tổ chức các nghi lễ trọng thể của Nhà nước dâng hương tưởng niệm anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương. Hai bên sân có tả, hữu hành lang là nơi dành cho nhân dân thập phương nghi ngơi, tu sửa lễ phẩm trước khi vào lễ Thánh.

Đền chính gồm: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung. Toà Tiền Tế có ban thờ Công đồng Trần triều. Trung từ thờ vọng ngai, bài vị tứ vị hoàng tử (4 vị con trai của Trần Hưng Đạo - Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiến, Hưng Hiến Vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí Vương Trần Quốc Uy), thờ tượng Điện suý Phạm Ngũ Lão (con rể thứ 2), hai bên tả - hữu thờ vọng quan Nam Tào, quan Bắc Đẩu. Toà hậu cung gồm: Cung chính thờ tượng Đức Thánh Trần; cung

cấm thờ vọng gia tiên Đức Thánh, tượng Thiên Thành công chúa phu nhân, hai bên thờ tượng Quyên Thanh công chúa - cô đệ nhất và Anh Nguyên quận chúa - cô đệ nhị.

Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật quý như 5 pho tượng đồng, sơn son thiếp vàng, đúc cuối thế kỷ XIX, hoành phi, câu đối, bia đá... đặc biệt là Thánh Ấn nhà Trần. Ấn "sát quỷ, trừ tà" của Đức Thánh Trần được dân gian truyền tụng và gìn giữ, là bảo vật của muôn đời. Bất cứ ai hành hương về đền Kiếp Bạc đều mong xin được ấn dấu nhà Ngài, mang bên mình cầu an.

* Đền và chùa Nam Tào, Bắc Đẩu

Trên hai ngọn núi Nam Tào, Bắc Đẩu có ngôi đền và ngôi chùa dựng từ thời Trần, thờ phật và thờ thần Nam Tào (cầm sổ sinh), Bắc Đẩu (cầm sổ tử) tượng trưng cho thị giả giúp Đức Thánh Trần coi sóc chúng sinh.

Đền, chùa Nam Tào - Bắc Đẩu, đặt trong sự đối ứng với đền Kiếp Bạc đã thể hiện sự tôn vinh, ngưỡng vọng của nhân dân đối với Trần Hưng Đạo, tôn ông là vị Thánh sánh với Ngọc Hoàng thượng đế trên thiên đình. Nam Tào - Trần Hưng Đạo - Bắc Đẩu xuất hiện dưới hạ giới là hiện tượng hiếm thấy, mang đậm mầu sắc đạo giáo.

* Dược Sơn

Dược Sơn (núi thuốc) là nhánh núi phía Nam đền Kiếp Bạc với diện tích xấp xỉ 10.000m2. Thời Trần, Trần Hưng Đạo với tư tưởng người Nam dùng thuốc nam đã cho trồng những cây thuốc nam, vị thuốc quý để chữa bệnh trị thương cho quân sỹ.

* Viên Lăng

Viên Lăng nằm ở gò đất nhỏ hình tròn, cách đền Kiếp Bạc khoảng 200m về phía Đông Nam. Xung quanh Viên Lăng là ruộng trũng, phía trước nhìn ra sông Thương, phía sau là dãy núi Rồng bao bọc. Viên Lăng

được ví như một viên ngọc mà rồng (núi rồng) luôn ở tư thế lao xuống muốn càm ngọc.

Là một địa điểm đẹp, tương truyền xưa kia lăng mộ Trần Hưng Đạo được táng ở đây. Năm 2000 khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc nhà ở và một số hiện vật thời Trần.

* Sinh Từ

Năm 2000, Viện Bảo Tàng lịch sử Việt Nam đã tổ chức thám sát khảo cổ học tại di tích Sinh Từ. Nơi đây trong sử sách, nhân dân vẫn nhắc nhớ về phủ đệ cũ và vị trí ngôi đền thờ Hưng Đạo Đại Vương khi Người còn sống đã được vua Trần cho xây dựng. Tương truyền, sau khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời, nhân dân đã chuyển nguyên vật liệu của Sinh Từ về dựng đền Kiếp Bạc hiện nay.

* Cồn Kiếm

Trên sông Lục Đầu, trước cửa đền Kiếp Bạc có một cồn cát chạy dài 200m hình như lưỡi kiếm nằm xuôi dòng nước, gọi là Cồn Kiếm. Tương truyền, sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông mang lại thái bình cho đất nước, Hưng Đạo Vương về nghỉ tại thái ấp của ông ở Vạn Kiếp. Một hôm, ông cùng gia nhân dùng thuyền nhỏ đi dạo cảnh trên dòng sông Lục Đầu. Khi con thuyền đã quay về gần núi Dược Sơn, Hưng Đạo Vương cho dừng thuyền lại, đứng trên mũi thuyền Người rút thanh kiếm của mình ra khỏi bao và ném thanh gươm đã bao năm gắn bó bên mình đi chiến trận xuống dòng sông. Tại khúc sông Hưng Đạo Vương thả thanh kiếm báu, sau này đã nổi lên cồn đất hình thanh kiếm, dân gian gọi đó là Cồn Kiếm.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể tại Hải Dương (Trang 37)