Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh thắng Côn Sơn, Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, Văn Miếu Mao Điền trên
địa bàn tỉnh Hải Dương là công cụ giúp cho chính quyền các cấp thuộc tỉnh Hải Dương lập các chương trình, kế hoạch bảo vệ quần thể di tích lịch sử - văn hoá danh lam thắng cảnh Côn Sơn - Kiếp Bạc trường tồn với thời gian theo quy định của Luật di sản. Việc sử dụng di sản làm nhân tố chủ đạo để từng bước xây dựng các di tích trở thành khu du lịch đặc biệt cấp quốc gia sẽ mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế - xã hội.
+ Các di tích nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Đông bắc, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển ổn định, có mối quan hệ tổng thể với các trung tâm kinh tế - kỹ thuật - đô thị ở khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng, vùng duyên hải bắc bộ nói chung. Hệ thống giao thông gồm quốc lộ 5, quốc lộ 18, quốc lộ 10, quốc lộ 37; Hệ thống giao thông thuỷ Lục Đầu Giang: sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, đây là điều kiện thuận lợi giao thương về kinh tế văn hóa và các hoạt động xã hội khác. Khu vực này có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu ôn hoà, môi trường trong sạch; Đặc biệt là có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, lại quy tụ nhiều danh nhân văn hoá có tầm ảnh hưởng lớn đến thể chế chính trị của các triều đại và quá trình phát triển về chính trị, tư tưởng, quân sự, văn hoá, xã hội của dân tộc. Hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú đa dạng. Hệ thống các di tích lịch sử đều đã được xếp hạng quốc gia. Đây là nguồn tài nguyên vô tận để phát triển ngành kinh tế không khói của tỉnh Hải Dương và khu vực.
+ Các di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, Văn Miếu Mao Điền nằm ở vị thế có mối quan hệ tổng thể với các đô thị và trung tâm du lịch, các khu di tích lịch sử Phía Tây: Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 70km và khu du lịch Ba Vì 100km. Phía Tây bắc: Cách khu di tích Đền Hùng khoảng 80km. Khu di tích cách mạng Tuyên Quang khoảng 100km, khu du lịch hồ Núi Cốc khoảng 60km, khu nghỉ mát Tam Đảo khoảng 70km và ATK Thái Nguyên 50km. Phía Bắc: Cách khu du lịch Hồ Cẩm Sơn 50km. Phía Đông Bắc: Cách khu du lịch Mẫu Sơn khoảng 100km. Phía Đông: Cách khu di tích
Yên Tử khoảng 40km, Thương cảng Vân Đồn, Vườn Quốc gia Cát Bà khoảng 80km. Phía Đông nam: Cách Khu du lịch Biển Đồng Châu, Cồn Đen, Cồn Vành, Cồn Lu khoảng 70km. Phía Nam: Cách Khu di tích lịch sử Đền Trần Nam Định khoảng 70km. Phía Tây Nam: Cách Quần thể di tích Hương Sơn 60km, rừng Quốc gia Cúc Phương khoảng 90 km, đây là khu du lịch chuyên đề quốc gia đang được xây dựng và phát triển. Đây là những khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, trong đó có những khu du lịch đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, những khu này đang được nhà nước quan tâm đầu tư, khai thác phát triển. Khu di tích lịch sử và danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, Văn Miếu Mao Điền được quy hoạch và xây dựng vừa hiện đại, vừa bảo tồn được các giá trị lịch sử trong một môi trường sinh thái phong phú, đa dạng, cảnh quan hài hoà thì sẽ trở thành điểm di lịch, dịch vụ quan trọng của khu vực.
+ Định hướng quy hoạch và phát triển các di tích là: di tích lịch sử Côn Sơn, Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, Văn Miếu Mao Điền là khu vực có đủ các điều kiện để phát triển thành khu du lịch đặc thù trong mối quan hệ ưu tiên với bảo tồn di tích; Cơ sở phát triển ở đây là sử dụng hợp lý các di sản văn hóa và các tiềm năng nguồn lực vốn có khác làm động lực hình thành. Nếu được đầu tư xây dựng thì đây sẽ là một khu kinh tế chủ đạo để phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của Tỉnh; Đồng thời là một trung tâm du lịch dịch vụ liên kết các khu vực kinh tế khác trong tam giác phát triển: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị dọc theo quốc lộ 5, quốc lộ 18 và quốc lộ 10 trong mối quan hệ mật thiết hữu cơ cùng có lợi. + Quan điểm phát triển là khai thác hợp lý các thế mạnh của điều kiện địa chính trị, địa kinh tế, địa nhân văn và các điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các thế mạnh về nông nghiệp, sản vật, văn hoá lịch sử và cảnh quan cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở 3 mục tiêu cụ thể như sau: Là khu du lịch phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trên cơ sở ưu tiên việc bảo tồn di sản văn
hóa, thắng cảnh thiên nhiên theo xu hướng bền vững; Phát triển trong mối quan hệ lấy việc phát huy giá trị di sản văn hóa vào việc phát triển kinh tế xã hội là trọng tâm, bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa là mối quan tâm ưu tiên hàng đầu. Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo mô hình với thứ tự ưu tiên là: Dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó lấy phát triển du lịch dịch vụ làm trọng tâm với sản phẩm chính là du lịch nghỉ dưỡng - văn hoá - nhân văn, lịch sử và sinh thái… Phấn đấu trở thành khu du lịch Quốc gia.
+ Căn cứ nội dung quy hoạch tổng thể UBND tỉnh Hải Dương xây dựng và ban hành Quy chế quản lý toàn diện các di tích trên cơ sở các bộ luật của Nhà nước đã ban hành như: Luật di sản văn hoá, Luật đất đai, Luật tài nguyên môi trường… Quy hoạch tổng thể khu di tích cũng cần thiết, đề xuất việc xây dựng bộ máy tổ chức để quản lý, phát huy tác dụng của khu di tích bền vững. Xúc tiến du lịch, sản xuất các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hoá của vùng để tạo thương hiệu riêng, tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Sản xuất các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá như tờ rơi, tập gấp, bản đồ du lịch bằng tiếng Việt, tiếng Anh phục vụ tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet... Tổ chức hội thảo, hội nghị xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế tại các thị trường tiềm năng như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng. Tổ chức các đoàn khảo sát cho các công ty lữ hành trong nước và quốc tế tới tham quan các điểm du lịch của Côn Sơn Kiếp Bạc, Chu Văn An, Văn Miếu Mao Điền của Hải Dương.