Di tích chùa Côn Sơn

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể tại Hải Dương (Trang 30)

Khu di tích Côn Sơn có hai dãy núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc, gồm chùa Côn Sơn, Bàn Cờ tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc, am Bạch Vân, đền Nguyễn Trãi, động Thanh Hư, cầu Thấu Ngọc, có Ngũ Nhạc linh từ...

* Chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn nhìn về hướng Đông Nam, tên chữ là “Thiên Tư Phúc tự”, nghĩa là ngôi chùa được trời ban phúc lành, thời Trần thuộc xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, nay thuộc phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi tụ hội linh khí của trời đất để ban phát cho dân lành, nhất là cho chúng sinh có Phật quả. Nhân dân thường gọi là chùa Hun, với ý nghĩa như sau: Theo sự tích truyền lại thì Côn Sơn xưa rừng rậm um tùm, dân trong vùng thường vào rừng đốt củi lấy than, khói bụi mù mịt cả vùng lên được gọi là núi Hun. Một thuyết khác lưu truyền rằng, vào thế kỷ thứ X, trong quá trình thống nhất quốc gia, Đinh Bộ Lĩnh đã sai tướng Nguyễn Bặc dùng kế hoả công vây bắt sứ quân Phạm Phòng Át (tức Phạm Bạch Hổ) làm cả vùng núi Côn Sơn khói mù mịt nên gọi là núi Hun và tên chùa được gọi theo tên núi.

Theo các thư tịch cổ còn lưu giữ lại di tích và qua một số truyền thuyết thì chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ X. Đến thế kỷ XIV, Côn Sơn đã là chốn danh lam cổ tích, nơi có 3 vị tam tổ Trúc Lâm thường về đây tu hành thuyết pháp lập tăng viện Kỳ Lân, đã trở thành một trong ba trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam: "Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm; Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành".

Ngày 23 tháng 1 năm 1334, Sư tổ Huyền Quang viên tịch, thương tiếc vị quốc sư mẫu mực, đức vua Trần Minh Tông đã về Côn Sơn ban tước hiệu và tiền vàng để xây "Đăng Minh Bảo Tháp". Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của thời Trần còn tàng trữ lại. Ngày giỗ tổ Huyền Quang từ nhiều thế kỷ qua nhân dân và phật tử thập phương nô nức trảy hội, trở thành ngày hội truyền thống, là nét văn hoá đặc sắc của chùa Côn Sơn.

Kiến trúc chính của chùa là nội công ngoại quốc, quy mô di tích khá lớn với đầy đủ các công trình kiến trúc đồ sộ và hoành tráng từ hồ Bán Nguyệt lên đến đỉnh núi Côn Sơn và núi Ngũ Nhạc như: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, 2 dãy tiền hành lang và hậu hành lang, cửu phẩm liên hoa, các toà tháp, am Bạch Vân, Ngũ Nhạc năm phương…

Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày nay chùa Côn Sơn vẫn còn dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIV, XVII, XVIII, XIX, vẫn tầng tầng lớp lớp theo lối cung đình: Hồ Bán Nguyệt, sân đá, tam quan ngoại, gác chuông, phật điện, tổ đường, hậu hành lang… Hệ thống tượng thờ khá phong phú biểu hiện thế giới phật giáo thu nhỏ với ý nghĩa triết lý nhân sinh, giáo dục hướng thiện khai tâm cho chúng sinh. Đặc biệt trên thượng điện chùa Côn Sơn có 3 pho tượng tam thế được đánh giá là 3 pho tượng cổ, quý hiếm vào loại bậc nhất của nước ta có niên đại thế kỷ XVII, pho tượng A Di Đà cao 258cm, toạ thiền trên toà sen cao 60cm càng tăng thêm vẻ bề thế, uy nghi nơi Phật điện.

Hiện chùa còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Trong hệ thống văn bia từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX, đặc biệt có tấm bia tạo thời Long Khánh có bút tích của vua Trần Duệ Tông và Trần Nghệ Tông, tấm bia "Côn Sơn tư phúc tự bi" hình lục lăng tạo thời hậu Lê đã được Bác Hồ đọc khi Người về thăm di tích (15/2/1965), hệ thống tảng kê chân cột thế kỷ XIV, tháp Đăng Minh thế kỷ XIV, hệ thống các đôi câu đối, hoành phi của nhiều triều đại:

Năm 1962, thực hiện Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ các di sản văn hoá dân tộc, khu di tích Côn Sơn được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia.

Năm 1992, khu di tích này được xếp hạng là di tích lịch sử - danh thắng đặc biệt quan trọng quốc gia.

Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hoá của khu di tích Côn Sơn trong công cuộc đổi mới, mở rộng giao lưu quốc tế là việc làm có ý nghĩa chiến lược, cấp thiết được Đảng và Nhà nước quan tâm.

* Đền Thanh Hư

Đền Thanh Hư thờ Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán thuộc quần thể di tích Côn Sơn. Thanh Hư động của Tư đồ bao gồm các công trình "nghỉ ngơi, chơi ngắm" ở sườn núi Côn Sơn rộng trên 2000m2, dưới núi có cầu Thấu Ngọc bắc qua suối Côn Sơn

Nhiều thế kỷ qua, Thanh Hư động chỉ còn là một khu phế tích, nhưng địa danh Thanh Hư động vẫn hấp dẫn tín đồ, du khách thập phương. "Ôn cố tri tân", ngày 02 tháng 6 năm 2004, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 2138/QĐ - UBND về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình xây dựng đền tại động Thanh Hư, thờ Trần Nguyên Đán. Sau hơn 2 năm xây dựng, ngôi đền khánh thành vào ngày 16 tháng giêng năm 2006. Đường lên đền quanh co, khúc khuỷu được lát bằng đá quý. Nghi môn kết cấu tứ trụ, hai trụ chính đăng đối với nhau qua đường thần đạo vào đền. Đỉnh trụ là búp phượng chầu ra 4 hướng. Dưới búp phượng tạo mái

long đình, lồng đèn đắp tứ linh. đế trụ đắp vỉa dạng cổ bồng. Giữa 2 trụ chính làm mái nhà chè, lợp ngói vẩy cá.

Đền chính kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm bái đường và hậu cung. Kiến trúc bái đường theo kiểu 2 tầng 8 mái, lợp ngói vẩy cá. Chính giữa bờ nóc là hình hổ phù đội mặt trời bốc lửa. Đầu bờ nóc đắp con kìm hiện thân của con ly. Đầu đao tầng mái trên đắp rồng, mây, lá hoá rồng. Tầng mái dưới đắp đao tứ linh trong dáng đàm ấm, biểu hiện sự trường tồn âm dương hoà hợp.

* Di tích miếu Ngũ Nhạc

Miếu được xây dựng trên năm đỉnh núi Ngũ Nhạc thuộc thôn An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh. Núi có chiều dài 4390 m đỉnh cao nhất là 238 m. Trải qua bao năm tháng cùng sự phá hoại của thời gian, mưa nắng, những miếu thờ trên đỉnh Ngũ Nhạc chỉ còn là những ban thờ lộ thiên kiến trúc đơn sơ bằng đá trát vữa vôi có hình chữ nhật với chiều dài 3m,rộng 2m, cao 1m. Đây thực sự là những di tích quý giá cần được khôi phục.

Sau hơn một năm thi công, ngày 16 tháng giêng năm Bính Tuất (tức ngày 13/2/2006) lễ khánh thành năm miếu thờ trên núi Ngũ Nhạc cùng hệ thống đường bộ hành lên núi đã được tổ chức. Di tích miếu Ngũ Nhạc là công trình phục hồi, tôn tạo đồng bộ từ đường bộ hành đến kiến trúc các ngôi miếu. Ở mỗi ngôi miếu đều có những mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật. Thông qua quy mô công trình giúp ta hiểu thêm kiến trúc truyền thống, sự tinh tế trong trang trí, hợp lý trong kết cấu. Các ngôi miếu thờ Thần Năm Phương trên đỉnh núi Ngũ Nhạc đã tạo thêm những nét văn hoá tâm linh độc đáo làm hài lòng du khách thập phương đến chiêm bái khu di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng nổi tiếng Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Bãi Rễ nằm ở phía Nam chân núi Côn Sơn, diện tích khoảng 15ha. Cây rễ cứ héo rồi lại xanh tiếp nhau phủ kín diện tích rộng lớn ấy, năm này qua năm khác mà chẳng ai phải mất công chăm sóc. Các bậc bô lão trong vùng không biết bãi rễ có tự bao giờ, chỉ biết là lớn lên đã thấy bãi rễ xanh tốt mênh mông cả một vùng.

Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương sau khi cáo quan về trí sĩ ở Côn Sơn, Tư đồ Trần Nguyên Đán đã trồng rất nhiều thông ở trên núi Côn Sơn. Sau này cây lớn tạo thành rừng thông đại ngàn. Vợ ông thì cấy giễ, đem màu xanh cây thanh hao phủ lên khắp vùng đất hoang ở dưới chân núi Côn Sơn. Đời này qua đời khác, cây giễ mọc lan, phát triển thành bãi giễ này. Vì thế cây thông, cây giễ đã gắn liền với đất Côn Sơn trong câu nói cửa miệng từ ngày xưa “ông trồng thông, bà cấy giễ”.

* Giếng Ngọc

Dưới chân tháp tổ Huyền Quang là Giếng Ngọc, nước trong vắt mát lạnh. Người xưa cho rằng, giếng Ngọc là huyệt mạch của núi Côn Sơn và là mắt của con Kỳ Lân. Tương truyền, đêm rằm tháng bảy, sư tổ Huyền Quang mơ thấy vị thần dẫn đi về phía sau chùa chỉ cho viên ngọc sáng lấp lánh dưới chân núi.

Khi nhà sư cúi xuống xem thì chuông chùa vang lên làm Ngài tỉnh giấc. Ngẫm lại giấc mơ, thiền sư cùng sư tăng lên xem, khi phát quang bụi rậm thấy hiện ra dòng nước. Nhà sư uống thử thấy nước mát ngọt bèn cho khơi sâu, kè đá thành giếng. Nước giếng bốn mùa đầy, xanh trong nhìn thấu đáy. Sư tổ Huyền Quang đặt tên là giếng Ngọc. Nước giếng Ngọc được dùng làm nước cúng và làm lễ mộc dục (tắm tượng) tại chùa Côn Sơn. Dân gian truyền rằng nước giếng Ngọc thanh trong tẩy sạch bụi trần, ban phúc lành cho mọi chúng sinh.

Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, không biết từ bao giờ nhân dân trong vùng gọi là Bàn Cờ Tiên. Truyền thuyết kể về tên gọi Bàn cờ tiên như sau: Vào một chiều thu, có một số danh nhân vùng Kinh Bắc về thăm Côn Sơn. Sau khi thắp hương, làm lễ, vãng cảnh, các vị nghỉ tại chùa để ngày mai lên núi uống rượu đánh cờ. Sáng sớm hôm sau, núi rừng Côn Sơn được mây trắng bao phủ, các danh nhân lần theo lối mòn trong mây mù lên núi, tới gần đỉnh núi, nghe có tiếng cười nói, các vị cho rằng đêm qua có người nghỉ tại Am. Khi đến nơi mọi người đều ngạc nhiên thấy trong am không một bóng người, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dở, suy ngẫm hồi lâu các vị cho rằng trên đỉnh núi Côn Sơn đêm qua trời đất nối liền bằng mây mù, sương phủ, các tiên ông trên trời đã cưỡi mây xuống đánh cờ, thấy có người đến, các tiên ông bay về trời để lại bàn cờ đang đánh dở, từ đó đỉnh núi Côn Sơn có tên gọi là Bàn cờ tiên.

* Đăng Minh Bảo Tháp

Sau khi Sư tổ Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn (1334), Vua Trần Minh Tông cúng dường 10 lạng vàng xây tháp cho thiền sư, lấy tên là Đăng Minh Bảo Tháp, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả. Trải qua thời gian, tháp đã bị huỷ hoại. Năm Kỷ Hợi (1719), nhà sư Hải Ấn xây dựng lại Đăng Minh bảo tháp “…Một sớm khởi công, muôn người xúm lại, thay gạch ngói cổ bằng đá quý đẹp hơn”.

Đăng Minh Bảo Tháp gồm 3 tầng cao khoảng 5m được ghép bởi những phiến đá xanh, lên cao tháp thu nhỏ dần. Tầng giữa khắc nổi bốn chữ Hán Đăng Minh bảo tháp, mặt sau khắc bài minh ca ngợi sư tổ Huyền Quang. Trong lòng tháp đặt tượng Huyền Quang bằng đá ngồi kiết già, tay kết ấn tam muội (hiện pho tượng đã được chuyển về tổ đường chùa Côn Sơn). Đăng Minh bảo tháp với dáng đậm, chắc, thế vững chãi uy nghi trong không gian bao la giữa đại ngàn Côn Sơn.

Đây là công trình xây dựng để tưởng niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ngày 14/12/2000, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định khởi công xây dựng đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn với tên gọi Ức Trai linh từ.

Đền thờ Ức Trai được xây dựng trên diện tích một vạn m2 chia cắt bằng năm cung bậc cao thấp trải dài kế tiếp nhau. Bên phải là rừng đại ngàn thông mã vĩ, sim mua, là thung lũng ngập tràn keo tai tượng. Bên trái là đại danh lam cổ tự Côn Sơn. Cả con đường nằm lọt giữa bạt ngàn màu xanh của thiên nhiên Côn Sơn. Sau đoạn đường dài 300m, là tới Nghi môn ngoại kiến trúc theo lối thạch thiên trụ sừng sững, uy nghiêm . Thạch thiên trụ với những chạm khắc kiến trúc hoa lá, Hán tự tinh xảo. Ngoài cảm nhận về vẻ đẹp chung, ta còn cảm nhận được cả tâm hồn nghệ nhân tỏa ra rồi tụ lại trong từng đường nét, chi tiết kiến trúc. Nghi môn ngoại trong khoảng sân đá 700m2 có tường bao trạm khắc hoa văn sóng nước thời Lê. Đó là cầu đá Thấu Ngọc vào đền, cầu dài 17,6m, rộng 6,4m và trụ cầu cao gần 4m vươn mình qua suối Côn Sơn. Thành cầu được chạm khắc theo dạng thức hình sóng nước, xen lẫn mô típ tứ bình, tứ quý. Cây cầu tạo ra một cảm giác vững chắc mà thanh thoát.

Trên cung bậc thứ hai, Nghi môn nội được xây dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Các mảng chạm khắc trên cánh cửa, trên bức cốn, đầu dư biểu trưng linh vật sống động. Tiếp lên cung bậc thứ ba của di tích với hai nhà bia nói về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi và quá trình xây dựng đền thờ Ức Trai. Giữa hai nhà bia là Tắc môn (tiểu tiền án) làm bằng đá xanh được thiết kế theo dạng cuốn thư. Trên cung bậc thứ tư là hai dãy nhà tả, hữu vu làm bằng gỗ lim vừa tạo sự khép kín, vừa tạo lên tính tôn nghiêm của Ức Trai linh từ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngôi đền được xây dựng ở cung bậc thứ 5, theo kiến trúc thời Lê, đề tài trang trí trên các bức cốn, đầu dư, xà nách là "Tứ linh hội hợp", trên các cánh cửa trạm đề tài: "Tứ quý uyên ương". Hoành phi câu đối trong đền do Viện Nghiên cứu Hán nôm sưu tầm tuyển chọn. Nội dung của hoành phi

câu đối thể hiện tâm hồn, nhân cách cao đẹp, tài năng và công đức lớn của Nguyễn Trãi, đồng thời thể hiện thái độ tôn vinh, tấm lòng biết ơn đối với Nguyễn Trãi.

Gian Tiền tế được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 chái, chính giữa có bài trí ban thờ Công đồng. Bên trái là ban thờ Sơn thần. Bên phải là ban thờ Thổ địa. Trung từ có đặt ban lễ trình. Tại hậu cung bài trí tượng thờ chân dung Nguyễn Trãi bằng đồng trong khám thờ uy nghiêm. Tượng thờ toát lên vẻ thần thái một bậc đại nhân đại nghĩa, một nhà nho tiết tháo thanh cao. Bên trên tượng đức Nguyễn Trãi là bức cuốn thư đề chữ Hán: "Bình Ngô khai quốc" (dẹp giặc Ngô khai mở nước). Hai bên tả hữu Hậu cung phối thờ long ngai, bài vị thân phụ và thân mẫu Nguyễn Trãi.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể tại Hải Dương (Trang 30)