III. Xu hướng lao động và xã hội 2013-2020
6. Kết luận và hàm ý chính sách
Chất lượng việc làm của người lao động làm công ăn lương có dấu hiệu suy giảm trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô. Kết quả phân tích cho thấy:
- Tiền lương, phúc lợi bình quân của lao động làm công ăn lương có tăng nhưng mức tăng không cao và có sự khác biệt giữa khu vực chính thức-phi chính thức và giữa các ngành. Tỷ lệ lao động có tiền lương thấp (low-wage worker) gia tăng cho thấy nguy cơ gia tăng bất bình đẳng tiền lương và một bộ phận không nhỏ người lao động làm công ăn lương bị giảm thu nhập.
- Tỷ lệ lao động tham gia BHXH năm 2012 tăng so với 2009 nhưng mức tăng còn thấp và có khoảng cách lớn về lao động tham gia BHXH giữa khu vực chính thức và PCT. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực PCT tham gia BHXH còn rất thấp cho thấy việc tổ chức thực hiện chính
sách BHXH tự nguyện chưa hiệu quả, chưa thu hút sự tham gia của người lao động. Những ngành chịu tác động nhiều nhất trong thời kỳ suy giảm tăng trưởng và bất ổn kinh tế có tỷ lệ bao phủ BHXH thấp nhất phản ánh tình trạng việc làm dễ bị tổn thương tăng lên.
- An ninh việc làm chưa cao, nhất là ở khu vực PCT khi có 97,6% lao động không ký kết hợp đồng lao động, hầu hết là hợp đồng miệng, không có hợp đồng lao động bằng văn bản.
- Số giờ làm việc bình quân tăng trong khi vẫn có một bộ phận lớn lao động có thu nhập thấp, đặc biệt trong khu vực PCT và ngành nông, lâm thủy sản, phản ánh tình trạng người lao động phải cố gắng làm việc nhiều hơn để đảm bảo thu nhập cho cuộc sống. Mặt khác, sự giảm giờ làm ở khu vực chính thức và một số ngành phản ánh tác động tích cực của suy giảm tăng trưởng kinh tế đến việc làm.
Một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao chất lượng việc làm đặc biệt là trong khu vực PCT: - Có bước chuyển căn bản từ giải quyết việc làm theo số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng việc làm, đảm bảo việc làm ổn định, có thu nhập cao. Cần quan tâm hơn đến chất lượng việc làm trong khu vực PCT, chuyển dần từ việc làm PCT sang việc làm khu vực chính thức.
- Nâng cao hiệu quả của chính sách tiền lương. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình cải cách tiền lương để bảo đảm tăng tiền lương thực tế cho người lao động, đặc biệt là tiền lương cho lao động trong những ngành NSLĐ thấp.
- Gia tăng tỷ lệ tham gia BHXH là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường ASXH cho người lao động. Tiếp tục tăng tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực chính thức và tăng cường chế tài đối với việc tuân thủ chính sách BHXH bắt buộc. Mở rộng sự tham gia của lao động khu vực PCT vào hệ thống BHXH tự nguyện thông qua việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách BHXH phù hợp với đặc điểm việc làm và khả năng thu nhập của người lao động.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật pháp lao động, có các biện pháp thưởng phạt thoả đáng, kịp thời nhằm tăng cường tính tuân thủ luật pháp của người sử dụng lao động và người lao động.
Tài liệu tham khảo
1. Beatson, Mark (2000) Job ‘quality’ and forms of employment: Concepts and the UK statistical evidence. Invited paper submitted by the Office for National Statistics, UK. Joint ECE- Eurostat-ILO Seminar on Measurement of the Quality of Employment, Geneva, 3-5 May 2000. 2. Cling và cộng sự (2010), Thị trường Lao động, khu vực phi chính thức và điều kiện sống của
hộ gia đình ở Việt Nam, Hà Nội.
3. John Messier & Maria Floro (2008), Measuring the Quality of Employment in the Informal Sector, Washinton DC.
4. European Foundation for the Improvement of Living and Working Conditions (2002) Quality of work and employment in Europe: Issues and challenges. Foundation paper number 1. www.eurofound.eu.int
5. European Foundation for the Improvement of Living and Working Conditions (2002) Quality of work and employment in Europe: Issues and challenges. Foundation paper number 1. www.eurofound.eu.int
6. European Parliament (2009), Indicators of job quality in the european union, Brussel.
7. ILO (2011),What do we know about low-wage work and low-wage workers? http://www.ilo.org/ /wcms_157253.pdf_)
8. Lowe, Graham S (2000) The quality of work. A people-centred agenda. Oxford University Press, Ontario, Canada.
9. TCTK, Số liệu điều tra Lao động - Việc làm 2009, 2012.
10.Sehnbruch, Kirsten (2004),From the Quantity to the Quality of Employment: An Application of the Capability Approach to the Chilean Labour Market,Center for Latin American Studies, University of California, Berkeley
11.Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2013), Báo cáo Xu hướng Lao động và Xã hội 2012. 12.Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2013), CT2011-02-01 “Định hướng mở rộng độ bao phủ
ASXH đến 2020”.
13.Van Bastelaer, Aloïs (2002) Work organisation, a dimension of job quality: Data from the adhoc module of the 2001 labour force survey in the EU. Invited paper submitted by Eurostat to the joint UNECE-Eurostat-ILO Seminar on Measurement of the Quality of Employment,
Geneva, 27-29 May 2002.
14.Roopali Johri (2005), Work values and the quality of employment: A literature review, Departement of Labor, Te Tari Mahi.
TÁC ĐỘNG CỦA CẮT GIẢM ĐẦU TƯ CÔNG
TỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG*
Ths. Phạm Ngọc Toàn
Viện Khoa học Lao động và Xã hội
Tóm tắt
Bài viết này dựa trên mô hình cân bằng tổng thể (CGE) để phân tích tác động của chính sách cắt giảm chi tiêu công đến việc làm và thu nhập trong các ngành và nghề tại Việt Nam thông qua các dữ liệu vĩ mô, bảng đầu ra đầu vào (Input-Output), số liệu điều tra mức sống hộ gia đình năm 2006, năm 2008 và năm 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy cắt giảm đầu tư công có tác động tới việc làm, tổng việc làm giảm khoảng 0,06%, hay khoảng 2,5% số việc làm mới không được tạo ra do cắt giảm đầu tư công. Ngành bị mất việc làm nhiều nhất là những ngành bị cắt giảm đầu tư trực tiếp: ngành sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, ngành vận tải. Nhóm lao động bị cắt giảm nhiều nhất là thợ thủ công và các thợ kỹ thuật khác có liên quan, khoảng 11.600 việc làm, tương đương với 0,19% số lao động trong nhóm này. Tác động của chính sách cắt giảm đầu tư công đã làm giảm 0,1% lao động là các nhà chuyên môn bậc cao trong các lĩnh vực và thợ có kỹ thuật lắp đặt máy và vận hành máy móc thiết bị. Nhóm lao động quản lý và nhóm lao động chuyên môn bậc trung bị ảnh hưởng nhẹ.
1. Giới thiệu
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng và phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới (kim ngạch xuất, nhập khẩu bằng 150% GDP); khu vực FDI tuy chỉ chiếm trên 27% tổng đầu tư xã hội, nhưng giá trị xuất nhập khẩu của khu vực này luôn đạt từ 55% đến 70% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Sau khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2007-2008, nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng suy giảm tăng trưởng, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới tăng trưởng bền vững.
Năm 2011-2012, Chính phủ thực hiện tăng thu ngân sách, giữ bội chi không quá 5% GDP, dừng các dự án đầu tư công kém hiệu quả và tiết kiệm chi thường xuyên 10%, chỉ ưu tiên vốn đầu tư cho phát triển các dự án, công trình có hiệu quả (bao gồm các dự án có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng, thay vì mở rộng đầu tư trong bối cảnh khan hiếm vốn, tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP cao và hệ số ICOR cao). Mặt trái của cắt giảm đầu tư công có thể dẫn đến tăng tình trạng thất nghiệp, làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế từ khu vực công, khi mà sự hồi phục kinh tế vĩ mô trên phạm vi quốc gia, cũng như năng lực tài chính vi mô của nhiều doanh nghiệp, và cả sự hồi phục sức mua thị trường xã hội là chưa thực chắc chắn.
Phân tích “Tác động của chính sách cắt giảm đầu tư công tới thị trường lao động” nhằm xem xét mức độ ảnh hưởng của chính sách này tới việc làm, thu nhập của người lao động trong các ngành và đưa ra những hàm ý chính sách về phát triển TTLĐ trong thời gian tới.