Bình đẳng giớ

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam (Trang 36)

Bình đẳng giới là khái niệm biểu đạt sự đối xử như nhau của xã hội đối với nam và nữ; là trạng thái (hay tình hình) xã hội, trong đó phụ nữ và nam giới có vị trí như nhau, có các cơ hội như nhau để phát hiện đầy đủ tiềm năng của mình, sử dụng nó cho sự phát triển của xã hội và được hưởng lợi từ kết quả của sự phát triển đó. Luật Bình đẳng Giới (2007) có viết: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. [65, tr. 9-10].

Mục tiêu của bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ và thiết lập, củng cố mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Để đạt được sự bình đẳng giới, phụ nữ phải được tạo điều kiện và cơ hội như nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Thế nhưng, như thế vẫn chưa đủ. Cần nhấn mạnh đến khía cạnh thứ hai của bình đẳng

giới là đối xử đặc biệt. Khi hoàn cảnh và điều kiện chưa như nhau – xuất phát điểm của phụ nữ không ngang bằng với nam giới – thì đối xử như nhau chưa đủ, mà phụ nữ cần được đối xử đặc biệt mới có thể mang lại bình đẳng nam – nữ như mong muốn. Khía cạnh thứ hai này xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể liên quan đến vị thế của phụ nữ trong xã hội và thực tế phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Trong bối cảnh này, các biện pháp đó sẽ chấm dứt chừng nào mục tiêu về bình đẳng nam – nữ đã đạt được. Kéo dài quá mức cần thiết các biện pháp đặc biệt khó tránh khỏi hậu quả là làm tái hiện tình trạng bất bình đẳng. Luật Bình đẳng Giới (2007) gọi đó là Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; trong đó, chỉ rõ đây là: “Biện pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được”.

Bình đẳng giới – một cách diễn đạt khác của bình đẳng nam – nữ là một trong những nội dung của bình đẳng xã hội. “Ngang quyền” – như cách nói của Bác Hồ – là nội dung bao trùm của bình đẳng nói chung, trong đó có bình đẳng giới. Ngang quyền trong lĩnh vực giới có thể hiểu là trạng thái không phân biệt đối xử giữa nam và nữ, đó là bình đẳng nam nữ, bình đẳng giới.

Bình đẳng giới là việc thực hiện ngang nhau giữa nam và nữ về đóng góp cũng như hưởng thụ. Tuy nhiên, khi thực hiện bình đẳng giới phải lưu ý một số điểm sau:

Một là, bình đẳng giới không có nghĩa là cần thực hiện một sự ngang nhau giữa nam giới và nữ giới theo phương châm: nam giới làm gì thì nữ giới cũng phải làm và ngược lại. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán gay gắt quan điểm này. Theo Người, bình đẳng nam nữ không có nghĩa là: sáng anh rửa bát, quét nhà; chiều em quét nhà, rửa bát. Thế là lầm to.

Hai là, bình đẳng giới phải là sự khắc phục tình trạng bất bình đẳng nhưng không dẫn tới sự triệt tiêu những khác biệt tự nhiên giữa hai giới, hơn nữa còn tôn trọng những sự khác biệt đó.

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam (Trang 36)