Việc học tập và nâng cao trình độ

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam (Trang 66 - 68)

Giáo dục và đào tạo được coi như là tiền đề, điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trực tiếp đóng góp cho quá trình tạo ra phúc lợi ngày càng lớn hơn. Trong đường lối phát triển nguồn nhân lực, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, và luôn tạo ra những cơ hội, điều kiện để phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng thực tế, người phụ nữ luôn chịu thiệt thòi hơn nam giới, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Cho đến nay trên phạm vi quốc gia, vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục đã có nhiều bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Theo số liệu của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, hiện nay tỷ lệ phụ nữ biết chữ đạt gần 90%. Tỷ lệ học sinh nhập học bậc tiểu học gần như phổ cập; sự khác biệt về giới ở các bậc học phổ thông không ngừng được rút ngắn.

Những năm gần đây (từ 1999 - 2005), tỷ lệ đi học của học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông nhìn chung đều tăng, trong đó có tỷ lệ học sinh nữ: cấp tiểu học tương ứng là 47,3% nữ và 47,67% nam; cấp trung học cơ sở là 46,74% và 48,27%; cấp trung học phổ thông là 46,77% nữ và 48,85% nam. [81].Tỷ lệ học sinh nữ tương đối ổn định từ mức 47,5% (cấp tiểu học) tăng lên không đáng kể ở cấp trung học cơ sở và tăng lên khá rõ ở cấp trung học phổ thông (49,2%). [43, tr. 4-5].

Nhìn vào tỷ lệ trên, có thể thấy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đã có bước tiến bộ vượt bậc, khoảng cách giới rất nhỏ. Tuy nhiên, theo phân tích

của một số nhà nghiên cứu, để thấy rõ thực trạng giới trong lĩnh vực giáo dục thì không chỉ nhìn vào tỷ lệ các em nam, nữ ở các cấp học, mà còn phải tính đến số liệu quan trọng cho biết số lượng lớn trẻ em nam, nữ không tiếp tục đi học ở các cấp học cao.

Nhìn chung, trình độ về mọi mặt thì cả nam và nữ đều được nâng cao hơn so với trước đây, nhưng so sánh giữa họ thì khoảng cách vẫn còn; khoảng cách này bắt đầu từ khi trẻ cắp sách đến trường và lớn dần ở các bậc học cao hơn. Tỷ lệ trẻ em gái nghỉ học ở nông thôn nhiều hơn so với ở thành phố. Các em trai ở nông thôn có cơ hội học lên cao, tuy nhiều hơn các em gái nhưng cũng chênh lệch khá lớn so với thành thị.

Tham gia tập huấn nâng cao trình độ trong các gia đình

Việc tiếp cận các nguồn lực khoa học và kỹ thuật cho sản xuất ở trong các gia đình hiện nay phụ nữ còn có những bất cập. Khi bàn về vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình người ta thường quan tâm tới vai trò chủ hộ trong việc điều hành, tổ chức, sản xuất, phân phối sản phẩm. Từ đó, người ta đã đặt ra các quy trình: đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân. Nhưng trong các hộ nông dân, đại đa số nam giới là chủ hộ nên chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn thường nhằm vào nam giới, điều này làm cho phụ nữ bị hạn chế hoặc bị loại trừ trong việc ra quyết định liên quan đến sản xuất, hoạt động kinh tế và đời sống của họ.

Trên thực tế, qua các đợt tập huấn của các tổ chức quốc tế và trong nước, phụ nữ nếu được tham dự các khóa học họ rất phấn khởi và tự tin, nhưng số chị em được tham dự còn rất ít và có ít phụ nữ giữ vai trò chủ hộ. Tuy nhiên, do trình độ văn hóa của phụ nữ còn thấp (nhiều chị em chỉ ở trình độ lớp 5, lớp 7) nên họ bị hạn chế trong việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật. Mặt khác, phụ nữ ít có điều kiện giao tiếp, ít có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin nên chính họ sẽ gặp khó khăn trong việc nâng cao vị thế và tăng thu nhập cho gia đình. Trên thực tế, khả năng được tiếp cận các nguồn và lợi ích của sản xuất

(đất đai, vốn, khoa học, kỹ thuật...) của phụ nữ thường thấp hơn nam giới, cho nên trình độ năng lực và khả năng quyết định của phụ nữ kém hơn nam giới.

Nam giới tham gia với tỷ lệ cao hơn ở các lớp tập huấn về kỹ thuật nông lâm nghiệp, nghiệp vụ các ngành nghề khác và công tác đảng, đoàn thể. Ngược lại, phụ nữ tham gia với tỷ lệ cao hơn ở các lớp chăm sóc sức khỏe và dân số, kế hoạch hóa gia đình. Các lớp tập huấn kỹ thuật nông, lâm nghiệp, tỷ lệ nam tham gia là 31%, còn nữ là 23%; trong khi đó, các tỷ lệ tương ứng tham gia các lớp về dân số, kế hoạch hóa gia đình là 21% và 33,5%.

Như vậy, đã có sự khác biệt giữa nam và nữ về các nhóm nội dung đào tạo, các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nói chung có đối tượng chính là nam, còn các khóa tập huấn về sức khỏe, dân số kế hoạch hóa gia đình thì đối tượng chính là nữ.

Qua phân tích thực tế, càng nhận thấy tình trạng bất hợp lý và bất bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình, vì phần lớn phụ nữ nước ta ở nông thôn và làm nông nghiệp trên 70%, thế nhưng khi chồng đi làm ăn xa hoặc đau yếu thì người vợ lại phải đảm nhận thay chồng mọi công việc đồng áng nặng nhọc, dù họ không được tiếp cận với các kiến thức khoa học mới. Nhiều phụ nữ nhờ tố chất thông minh, chịu thương chịu khó, học hỏi mọi người mà họ vẫn làm được các công việc đó một cách thuần thục. Họ cam chịu sự bất bình đẳng này, vì cho rằng mình là phụ nữ thì phải nhường mọi cơ hội tốt nhất cho chồng. Nhưng thực ra quan niệm này là không đúng, bởi vì nhiều khi chồng là người trí tuệ kém, nên nắm bắt không đúng tinh thần của buổi tập huấn trong khi đó vợ lại là người thông minh hơn, nên dễ dàng tiếp thu khoa học, kỹ thuật mới. Khi vận dụng vào việc canh tác thì người ta chỉ chú ý đến năng suất, chất lượng sản phẩm mà gia đình thu được, chứ không chú ý đến việc ai đã đi tập huấn. Vì thế các gia đình cần phải sáng suốt khi để vợ hoặc chồng tiếp thu với khoa học, kỹ thuật mới trước. Việc làm này chính là một khía cạnh để thực hiện bình đẳng giới trong gia đình.

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam (Trang 66 - 68)