Quan hệ tâm lý, tình cảm của vợ chồng trong gia đình 1 Quan hệ trong gia đình

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam (Trang 73)

2.2.4.1. Quan hệ trong gia đình

Trong những năm đổi mới, những chính sách kinh tế - xã hội tích cực đã làm thay đổi đời sống gia đình: các gia đình kinh tế sung túc hơn, chất lượng cuộc sống của các gia đình được nâng lên. Quá trình mở cửa giao lưu với nước ngoài đã cho các thành viên có tri thức mới về gia đình như vấn đề tâm, sinh lý, sức khỏe sinh sản, các vấn đề về tâm lý lứa tuổi, cách chăm sóc nuôi dạy con cái... Đây là những tri thức cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên, và đó cũng là những tri thức cần thiết để xây dựng, vun đắp cho hạnh phúc gia đình, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ giữa vợ và chồng: bình đẳng, dân chủ hơn (do bình đẳng về kinh tế và bình đẳng trong phân công lao động quyết định). Quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng bình đẳng, dân chủ hơn. Việc ban hành và phổ biến rộng rãi các bộ luật: Hôn nhân và gia đình sửa đổi, Luật Bình đẳng giới, Luật Đất đai, Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình đã tạo cơ sở vững chắc để xây dựng và thực hiện quyền bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình, nhất là quan hệ giữa vợ chồng ngày càng dân chủ, bình đẳng hơn.

Nếu như trước đây người vợ chỉ là người thực thi, thậm chí là nơi trút giận của chồng, thì giờ đây, một bộ phận do trình độ văn hóa, hiểu biết được nâng lên, nên sự chia sẻ, thấu hiểu, giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ và chồng có nhiều tiến bộ. Vợ chồng đã tìm được tiếng nói chung trong quan điểm, lối

sống, đạo đức, tình cảm, công việc. Người vợ đã tìm thấy chỗ dựa tình cảm thực sự ở người chồng của mình. Người chồng cũng hiểu được ý nghĩa đích thực về “một nửa” của mình.

Tuy nhiên, trong thực tế điều đó vẫn chưa hoàn toàn phổ biến ở tất cả các gia đình. Có thể, ở thành thị xu hướng này cao hơn nhiều so với ở nông thôn. Cuộc sống vợ chồng là sự thích nghi, hòa hợp của hai lối sống, hai gia đình, đòi hỏi cả hai bên cần điều chỉnh, bổ sung cho nhau. Để có gia đình yên ấm, hạnh phúc, người vợ phải tìm cách điều chỉnh, thích nghi với lối sống của chồng và gia đình nhà chồng. Quan niệm xã hội từ xưa đến nay thường cho rằng, việc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong mỗi gia đình chủ yếu do người phụ nữ, sự nóng giận của người chồng được xem như điều tất yếu, người vợ phải biết mà lựa, mà chiều. Có những gia đình, người chồng đã không chí thú làm ăn, còn rượu chè, cờ bạc, đánh chửi vợ con, nhưng dư luận không lên án mạnh mẽ để bản thân họ và người thân khuyên giải cho họ sửa đổi. Khi vợ chồng xảy ra điều bất hòa, đôi khi đe dọa ly hôn, hầu hết người vợ, gia đình vợ phải chủ động hòa giải, nếu không muốn dẫn tới kết quả xấu. Dư luận xã hội thường đứng về phía người đàn ông, dù nguyên nhân ảnh hưởng hạnh phúc gia đình là do họ gây nên.

Tình cảm thủy chung giữa vợ và chồng là một yếu tố rất thiêng liêng đối với mỗi người. Nhưng trong môi trường nông thôn, người vợ thường tin tưởng chồng mình hơn ở thành thị. Quan hệ tâm lý, tình cảm trong gia đình vốn được xem là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống vợ chồng, song nó chỉ có thể được xây dựng, duy trì và phát triển trên cơ sở sự hiểu biết, cảm thông từ hai phía chồng và vợ. Tuy nhiên, hiện nay, độ bền vững trong gia đình suy giảm do tình trạng ly hôn ngày càng tăng. Ly hôn năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ ly hôn cao do nhiều nguyên nhân như sự suy thoái đạo đức, lối sống trong gia đình, do ngoại tình, cờ bạc, thua lỗ trong làm ăn, do bạo lực gia đình... Nhưng tỷ lệ ly hôn cao cũng nói lên một thực tế là trình độ năng lực của phụ nữ ngày càng được nâng lên, vị thế của họ trong gia đình và xã

hội ngày càng được khẳng định, họ không còn phụ thuộc vào chồng. Vì vậy, nếu chịu nhiều thiệt thòi, bị đánh đập, hành hạ, phụ nữ đã chủ động xin ly hôn để giải phóng mình và tìm cơ hội xây dựng gia đình hạnh phúc mới.

Một phần của tài liệu Bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam (Trang 73)