Nghề nuôi ốc hương ở Việt Nam được hình thành trên cơ sở thành công của đề tài
“Nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống và nuôi ốc hương” do Trung
tâm Nghiên cứu Thủy sản 3 nay là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 thực hiện từ năm 1998-2000. Bắt đầu từ năm 2000, đề tài đã mở rộng nuôi ốc hương tại các khu vực Vạn Ninh, Nha Trang, Phú Yên, Ninh Thuận với tổng số giống đưa ra gần 1 triệu
con giống, tổng số ốc thu hoạch về được 2 tấn. Từ đó nghề nuôi ốc hương đã bắt đầu phát triển ở một số tỉnh miền Trung đặc biệt là Phú Yên, Khánh Hòa. Tại Khánh Hòa, năm 2001 lượng ốc giống tại các cơ sở là 8 triệu con sản lượng thu hoạch 20 tấn. Năm 2002 từ 15 triệu con giống thu được 30 tấn. Hiện nay nghề nuôi ốc hương thương phẩm phát triển rất nhanh các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu, nhiều hộ dân ở Vạn Ninh, Khánh Hòa và Phan Rang, Ninh Thuận đã dùng các ao nuôi tôm không hiệu quả sang nuôi ốc hương. Do đó, quy mô và sản lượng nuôi ốc hương của cả nước không ngừng tăng lên qua các năm, đời sống nhân dân được cải thiện. Cụ thể năm 2002 sản lượng ốc hương cả nước thu được là 30 tấn, năm 2013 là 70 tấn, năm 2004 là 150 tấn (Hoàng Văn Duật và Nguyễn Thị Xuân Thu 2005) và đến cuối năm 2011 sản lượng đạt cả nước đạt 20.668 tấn ốc hương (theo số liệu tổng cục thống kê 2012) đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Thời gian nuôi trung bình của ốc từ 5-6 tháng, trọng lượng ốc đạt từ 90-150con/kg là thu hoạch được, giá bán ốc tại ao nuôi trên thị trường nội địa dao động từ 150.000- 280.000đ/kg. Giá ốc xuất khẩu từ 12-15USD/kg.