Để có thể giao tiếp được với nhau, giữa những người tham gia giao tiếp phải có một mối quan hệ qua lại nhất định, đó là quan hệ vai giao tiếp. Vai giao tiếp là một thuật ngữ được các nhà ngôn ngữ học dùng để biểu hiện vị thế xã hội của nhân vật hội thoại. Nói cách khác, nó chính là cơ sở mà các nhân vật hội thoại dựa vào để tổ chức và biểu hiện vị thế xã hội của mình trong giao tiếp [22, tr. 96].
Xét mối quan hệ giữa các vai giao tiếp, có thể chia thành hai tiểu hệ thống bao gồm:
- Vai người nói ngang hàng với vai người nghe
- Vai người nói không ngang hàng với vai người nghe (i) Vai người nói cao hơn vai người nghe
(ii) Vai người nói thấp hơn vai người nghe
Có thể nhận thấy, khi quan hệ vị thế giữa các vai giao tiếp ngang hàng nhau, nhất là khi người nói và người nghe đã có mối quen thân từ trước thì ngôn ngữ hội thoại thường ngắn gọn, ít rào đón, và biểu hiện quyền thế trong trường hợp này cũng được thể hiện một cách tự nhiên hơn. Ngược lại, nếu người nói và người nghe không ngang hàng, không quen biết nhau thì ngôn ngữ của họ khá chuẩn mực, đôi khi là khách sáo. Biểu hiện quyền thế trong trường hợp này cũng vì thế mà mang tính áp đặt cao hơn và có hiệu lực mạnh hơn so với trường hợp trên. Tùy thuộc vào
mối quan hệ ngang hàng hay không ngang hàng và tùy thuộc vào mục đích, chiến lược giao tiếp của cả hai bên mà ngôn ngữ của người nói và người nghe sẽ mang sắc thái nhũn nhặn hoặc mệnh lệnh, lịch sự hay xuồng sã. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả giao tiếp, trong mọi trường hợp, người tham gia giao tiếp không những phải ý thức được vai của mình mà còn phải chú ý đến vai của người đối thoại và tất cả những thuộc tính thuộc về động cơ, mục đích giao tiếp cũng như hoàn cảnh giao tiếp tác động tới cuộc thoại.