Trong thực tế, vị thế xã hội của mỗi một người được quy định bởi các yếu tố như địa vị xã hội, tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính..., trong đó hai yếu tố đóng vai trò quan trọng là yếu tố tuổi tác và địa vị xã hội. Đôi khi, các yếu tố này xuất hiện đồng thời trên cùng một trục, quy định việc sử dụng và tạo lập ngôn ngữ của các nhân vật tham gia giao tiếp. Do đó, cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nhằm đạt hiệu quả giao tiếp cao. Việc sắp xếp này không chỉ dựa vào cảm quan của người tham gia giao tiếp mà còn phụ thuộc nhiều vào những định chế văn hóa và quy tắc ứng xử của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó.
Ngoài vị thế xã hội, quan hệ giữa các nhân vật tham gia hội thoại còn bị chi phối bởi khái niệm vị thế giao tiếp. Vị thế giao tiếp có thể được xác lập ngay khi diễn ra cuộc thoại nhưng cũng có thể thay đổi trong suốt quá trình giao tiếp sau đó, chúng giữ vị trí tương đối độc lập so với vị thế xã hội. Thường trong mỗi một cuộc thoại, nhân vật nào nắm quyền chủ động về đề tài diễn ngôn hoặc lái cuộc thoại theo hướng mình định nói hoặc thực hiện điều hành việc nói năng của những người tham gia giao tiếp thì người đó giữ vị thế giao tiếp cao hơn và ngược lại.
Phân biệt khá rõ mối quan hệ phức tạp giữa vị thế xã hội và vị thế giao tiếp, tác giả Đào Thanh Lan trong công trình “Ngữ pháp – ngữ nghĩa của lời cầu khiến”
nhấn mạnh, vị thế xã hội là địa vị, tư thế của người này so với người khác trong xã hội, còn vị thế giao tiếp là địa vị, tư thế của một người nào đó trong bối cảnh cụ thể của cuộc giao tiếp mà người đó tham gia. Vị thế xã hội được tạo thành bởi các nhân tố như nghề nghiệp, chức vụ, tuổi tác, quan hệ huyết thống..., trong khi vị thế giao tiếp được tạo thành bởi các nhân tố thuộc vị thế xã hội và mục đích phát ngôn. Vị thế giao tiếp có khi trùng với vị thế xã hội nhưng cũng có khi không trùng với vị thế xã hội. Mối quan hệ giữa vị thế xã hội và vị thế giao tiếp có thể xảy ra các khả năng sau:
- Vị thế xã hội cao vị thế giao tiếp cao
- Vị thế xã hội cao vị thế giao tiếp ngang bằng - Vị thế xã hội cao vị thế giao tiếp thấp
- Vị thế xã hội thấp vị thế giao tiếp thấp
- Vị thế xã hội thấp vị thế giao tiếp ngang bằng
Cũng theo tác giả, ít khi xảy ra trường hợp vị thế xã hội thấp mà vị thế giao tiếp lại cao vì đặc điểm ứng xử của người Việt thể hiện qua ngôn ngữ thường là xưng khiêm, hô tôn. Do vậy, khi gặp trường hợp người nói sử dụng ngôn từ không phù hợp với vị thế xã hội và vị thế giao tiếp của mình, người nghe sẽ phản bác lại ngay. Điểm thứ hai, vị thế xã hội tuy có ảnh hưởng đến vị thế giao tiếp nhưng không phải là nhân tố liên quan trực tiếp đến hội thoại. Nhân tố liên quan trực tiếp đến hội thoại phải là vị thế giao tiếp, vì thế vị thế giao tiếp mới là tiêu chí được dùng để phân loại và nhận diện các hành vi tại lời có mức độ hiệu lực ngôn trung khác nhau.
Khi bắt đầu cuộc thoại, các nhân vật tự thân đã có một vị thế xã hội nhất định. Trong khi đó, vị thế giao tiếp của các bên tham gia được xác định thông qua quá trình giao tiếp và vị thế này có thể thay đổi tùy theo mục đích, chiến lược giao tiếp khác nhau, có thể quy về các kiểu chiến lược cơ bản như sau:
- Người ở vị thế giao tiếp cao muốn khẳng định vị thế của mình, xác lập khoảng cách giao tiếp với người tham gia đối thoại.
- Người ở vị thế cao muốn trung hòa/hạ thấp vị thế, chủ động rút ngắn khoảng cách giao tiếp.
- Người ở vị thế thấp khi tự tin, muốn nâng cao vị thế của mình, xác lập khoảng cách giao tiếp với đối phương.
- Người ở vị thế thấp khi tự ti, muốn giữ nguyên vị thế thấp vốn có, rút ngắn khoảng cách giao tiếp.