Động từ ngữ vi, biểu thức ngữ vi, phát ngôn ngữ

Một phần của tài liệu hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp trong diễn ngôn tiếng việt (Trang 34 - 36)

* Động từ ngữ vi

Động từ ngữ vi là những động từ có thể được thực hiện trong chức năng ngữ vi, tức thực hiện trong chức năng tại lời. Hầu hết các tác giả đều có cách hiểu giống nhau về nội hàm cũng như ngoại diên của nhóm động từ này. Đây là nhóm động từ

mà khi phát âm chúng là người nói thực hiện luôn cái hành vi tại lời do chúng biểu hiện. Nói cách khác, mỗi một động từ ngữ vi biểu hiện một hành vi ngôn ngữ, và hành vi đó được thực hiện thông qua việc người nói nói ra động từ đó, còn nội dung của hành vi thì được thể hiện ở ngay phần tiếp sau của động từ. Khi ta phát ngôn “Cháu chào bác ạ!” hoặc “Tôi hỏi cô chuyện này được không?” tức là người nói đã thực hiện hành vi chào và hành vi hỏi tại thời điểm phát ngôn. Như vậy, động từ chàohỏi được xem là động từ ngữ vi.

Trong thực tế giao tiếp, không phải khi nào các động từ ngữ vi cũng được dùng với chức năng ngữ vi. Austin cho rằng, động từ ngữ vi chỉ được dùng trong chức năng ngữ vi khi nó thỏa mãn những điều kiện: chủ thể phát ngôn ở ngôi thứ nhất, thời của động từ ở thời hiện tại (hiện tại phát ngôn), thể của động từ là thể chủ động, thức thực thi, bổ ngữ trực tiếp gắn với người đối thoại và phải ở ngôi thứ hai.

Về sau, một số công trình nghiên cứu liên quan tiếp tục cụ thể hóa các điều kiện cần và đủ để một động từ trở thành động từ ngữ vi, theo đó một động từ ngữ vi phải là động từ biểu thị hành động, được thực hiện bằng cách nói nó ra, là động từ mà khi nói xong thì hành động mà nó biểu thị cũng được thực hiện xong, động từ ngữ vi cũng phải nằm trong mệnh đề chính của cấu trúc nòng cốt biểu thị lõi sự tình, không đứng sau các từ phủ định hay hàm ý phủ định.

* Biểu thức ngữ vi

Biểu thức ngữ vi (và cả phát ngôn ngữ vi) là sản phẩm của một hành vi tại lời khi hành vi này được thực hiện trực tiếp và chân thực. Tác giả Nguyễn Đức Dân chủ trương đồng nhất biểu thức ngữ vi và phát ngôn ngữ vi trong khi tác giả Đỗ Hữu Châu lại có quan điểm ngược lại. Theo tác giả Đỗ Hữu Châu, phát ngôn ngữ vi có một kết cấu lõi đặc trưng cho hành vi tại lời tạo ra nó, và kết cấu lõi đó được gọi là biểu thức ngữ vi.

Biểu thức ngữ vi phân chia làm hai loại: Biểu thức ngữ vi tường minh và Biểu thức ngữ vi nguyên cấp. Biểu thức ngữ vi tường minh là biểu thức có chứa động từ ngữ vi thực hiện chức năng ngữ vi. Còn biểu thức ngữ vi nguyên cấp là biểu thức ngữ vi không có động từ ngữ vi nhưng vẫn có hiệu lực ở lời. Trong tiếng Việt, có những hành vi tại lời nhất thiết phải được thực hiện bằng các biểu thức ngữ vi tường minh, chẳng hạn như hành vi mời, tuyên án, xin lỗi, cám ơn, cam đoan. Nhưng một số hành vi khác như khoe, rủ, chê, chửi… thì phải dùng biểu thức ngữ vi nguyên cấp. Có những hành vi “lưỡng nghi”, tức vừa có thể dùng tường minh, vừa nguyên cấp như: hứa, khen, công bố

* Phát ngôn ngữ vi

Xuất phát từ quan niệm cho rằng “phát ngôn ngữ vi là các phát ngôn thể hiện những hành vi ngôn ngữ”, tác giả Nguyễn Đức Dân chủ trương đồng nhất hai khái niệm phát ngôn ngữ vi và biểu thức ngữ vi. Tuy nhiên, tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng, “phát ngôn ngữ vi là phát ngôn – sản phẩm của một hành vi ở lời nào đó khi hành vi này được thực hiện một cách trực tiếp, chân thực”. Và “tất cả các phát ngôn ngữ vi đều có một kết cấu lõi đặc trưng cho hành vi ở lời tạo ra nó. Kết cấu lõi đó được gọi là biểu thức ngữ vi”. Như vậy, có thể thấy, trong thực tế có những phát ngôn ngữ vi trùng với biểu thức ngữ vi và có những phát ngôn ngữ vi lớn hơn biểu thức ngữ vi.

Một phần của tài liệu hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp trong diễn ngôn tiếng việt (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)