1 Trường hợp người nói có vị thế ngang hàng người nghe

Một phần của tài liệu hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp trong diễn ngôn tiếng việt (Trang 54 - 62)

Trường hợp thứ nhất, mối quan hệ giữa các vai giao tiếp có vị thế ngang hàng được biểu hiện sinh động qua đoạn thoại chứa các động từ thuộc nhóm động từ ngữ vi biểu thị hành vi vừa cầu vừa khiến.

“- Nhung dạo này thế nào? Có chồng biến đâu mất vậy? Còn dạy học và đeo đuổi nghiệp văn chương không ?

- Ừ cuộc sống bình thường, viết lách bình thường.

- Mình ghét hai chữ bình thường lắm. Mình hỏi cậu ngày đó sao không trả lời thơ mình gửi.

Chả lẽ tôi nói bỏ đâu mất chiếc họp ngần ấy năm, chắc hắn bị sốc, đành cười: - Mình không thích dây dưa với mấy anh chàng quá đẹp trai tài hoa như cậu. - Sao vậy?

- Tim mình mỏng mãnh lắm, sợ nó bể. - Nhưng…

- Chuyện xưa như trái đất, mình và cậu không duyên, chẳng nợ, chỉ là bạn đồng môn thôi. Mình khuyên cậu nên có gia đình đi, đừng rong chơi nữa, xem đó như cuộc tình mưa bóng mây”.

(Lớp trưởng của tôi, Trúc Linh Lan)

Đây là đoạn hội thoại diễn ra giữa hai người bạn đồng môn, một tên Võ, hiện đang làm công việc lái xe và một tên Nhung, hiện là nhà văn trẻ. Sau hơn hai mươi năm kể từ ngày ra trường, cả hai vô tình gặp lại trong một đợt Nhung tham dự trại sáng tác ở Đà Lạt. Tuy Võ là người chủ động mở thoại và dẫn dắt cuộc thoại, song xét về vị thế giao tiếp, Nhung lại là người chiếm ưu thế hơn, một phần do đặc điểm nghề nghiệp chi phối, một phần do Võ đang là người cần Nhung đưa ra lời khuyên về chuyện tình cảm của mình. Ở vị thế cao hơn, Nhung đã chủ động trung hòa vị thế nhằm rút ngắn khoảng cách với bạn. Điều này được thể hiện qua việc cô chăm chú lắng nghe câu chuyện Võ kể và sẵn sàng đưa ra lời khuyên chân thành bằng một phát ngôn tường minh biểu thị hành vi khuyên. Lời khuyên này không những không mang tính áp đặt cao đối với người nghe, mặt khác còn thể hiện được thành ý của người nói, giúp làm tăng hiệu quả giao tiếp. Thêm một điểm cần nói tới trong tình huống giao tiếp trên là yếu tố hoàn cảnh giao tiếp đã chi phối

khá nhiều tới việc sử dụng ngôn ngữ của hai nhân vật. Lẽ thường, giữa những người bạn có vị thế ngang hàng, ngôn ngữ giao tiếp thường xuồng sã, tự nhiên, song trong trường hợp trên, ngôn ngữ nhân vật lại có phần tế nhị, lịch sự, điều này bị chi phối bởi yếu tố hai người bạn xa cách đã nhiều năm nay mới vô tình gặp lại.

Trường hợp thứ hai, mối quan hệ vị thế có tính chất ngang hàng giữa người nói và người nghe được thể hiện qua phát ngôn chào tường minh.

Hội thoại 2:

“Xin được số của Dung tôi vui mừng lắm nhưng phải mấy ngày sau tôi mới đủ can đảm gọi điệm cho Dung làm quen.

Dung bắt máy và hỏi: - Alo, ai đấy ạ

- Chào Dung , không biết Dung còn nhớ người tặng Dung mấy cây pháo sáng hôm Dung buồn không?

- À! chào cậu , mình nhớ ra rùi , thế gọi cho mình có việc gì không? - Ờ ,mình gọi cho Dung vì muốn nói chuyện với Dung được không? - Uh, vậy cậu có chuyện gì muốn hỏi Dung à?

- Cũng không có chuyện gì lắm chỉ là mình muốn tìm một người để tâm sự và người mình chọn là cậu , liệu cậu có đồng ý không?

- Vậy à! cũng được dù sao mình cũng đang đau đầu với môn triết mấy hôm nữa thi và đang muốn giải tỏa căng thẳng. Mà mình vẫn chưa biết tên cậu là gì đó...”.

(Tạm biệt khoảnh khắc 3S, DungLuv)

Đoạn hội thoại trên là cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa hai nhân vật Dung và Dũng, cả hai cùng là sinh viên năm cuối khoa kế toán. Vì muốn làm quen với Dung nên Dũng chọn cách thăm dò tế nhị qua điện thoại, và ngay trong lời chào đầu tiên, Dũng đã nhắc đến tình huống gặp Dung. Tuy là người chủ động mở thoại, song Dũng lại có vị thế giao tiếp thấp hơn Dung vì cậu đang trong tâm thế mong muốn Dung chấp nhận làm bạn. Trước lời chào thiện chí từ Dũng, nhất là

hành động được Dũng an ủi khi gặp chuyện buồn, Dung đã chủ động hạ thấp vị thế nhằm rút ngắn khoảng cách với Dũng. Bằng chứng là cô đã từ tốn đáp lại Dũng bằng một lời chào đúng mực, thân thiện, đồng thời xác nhận việc mình vẫn nhớ tới tình huống gặp gỡ giữa hai người. Có thể nói, trong trường hợp thực hiện hành vi

chào tường minh giữa những người có vị thế giao tiếp ngang hàng, hiệu quả giao tiếp đạt được khá cao bởi lời chào thường thể hiện sự tự nhiên, chân thành, chuẩn mực, không mang các yếu tố rào đón, khách sáo – vốn là những yếu tố xuất hiện ở những cuộc thoại không mang tính chuẩn mực vì gắn liền với mục đích và chiến lược giao tiếp chủ quan của người nói.

Trường hợp thứ ba, thông qua việc sử dụng phát ngôn chứa động từ ngữ vi

cám ơn, nhân vật Hà đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với người bạn gái tên Thủy.

Hội thoại 3:

“Hà vừa nói vừa ngả vào bờ vai gầy của Thủy khóc như một đứa trẻ lên ba. Thủy từ nãy tới giờ vẫn nắm chặt bàn tay đang lạnh run lên của Hà và lắng nghe Hà kể. Nhìn Hà, Thủy vừa giận lại vừa thương.

- Thôi Hà ạ, cái thứ người như tay Minh không đáng cho cậu phải khóc lóc đâu. Hắn ta đã dùng chiêu này để lừa rất nhiều cô gái nhẹ dạ rồi. Cũng may mà cậu còn đủ tỉnh táo để nhận ra mưu đồ của hắn, không thì hắn đã hại cả một đời con gái của cậu rồi.

...

- Phải bắt đầu lại thôi Hà ạ. - Thủy lắc nhẹ đôi vai của Hà nói như một sự xác tín. Một lần vấp ngã là một lần bớt dại mà. Một sự trở lại thì không bao giờ là muộn màng cả.

- Ừ, tớ cũng nghĩ thế. Ngày mai, tớ sẽ bắt đầu lại từ đầu. Đúng rồi, cái quan trọng không phải là vấp ngã, nhưng sau khi đã ngã rồi phải biết làm sao đứng dậy được. Hai đứa nắm chặt tay nhau trong niềm hạnh phúc dâng tràn.

- Hà ơi! Mình rất mừng là cậu đã tỉnh ngộ - Thủy nói trong nước mắt.

- Ừ! Mình cám ơn cậu nhiều lắm. Nếu không có cậu, chẳng biết đời mình sẽ đi về đâu. Nhưng nhớ đừng nói chuyện này cho ba mẹ tớ biết nhé!

- Tất nhiên rồi, tớ có phải là con khùng đâu!”

(Đôi bạn, T.V.N)

Đây là đoạn hội thoại giữa hai nhân vật Thủy và Hà vốn là hai người bạn thân thiết từ nhỏ, nay cả hai lại theo học cùng một khoa. Tuy không đồng tình với cách sống của Hà, song khi nhận thấy bạn đã ngộ ra vấn đề, Thủy – người có vị thế giao tiếp cao hơn – đã chủ động hạ thấp vị thế nhằm rút ngắn khoảng cách giao tiếp với Hà. Cô lắng nghe toàn bộ câu chuyện Hà chia sẻ và đưa ra lời khuyên chân thành với bạn. Ý thức được vị thế thấp của mình, Hà cũng chủ động giữ nguyên vị thế thấp vốn có nhằm mong nhận được sự cảm thông từ bạn. Cô sử dụng tường minh phát ngôn chứa động từ ngữ vi cám ơn kèm thêm lời lý giải cho hành vi cám ơn ấy. Trong trường hợp này, hiệu quả giao tiếp đã đạt kết quả cao ngoài mong đợi, do cả hai nhân vật đều xuất phát từ sự thiện chí, chân thành và đều sử dụng chiến lược giao tiếp phù hợp với tình huống giao tiếp và vai giao tiếp.

Trường hợp thứ tư, khi muốn bày tỏ sự hối lỗi, nhân vật “Tôi” đã chủ động hạ thấp vị thế nhằm rút ngắn khoảng cách giao tiếp với cậu bạn thân thông qua việc sử dụng phát ngôn xin lỗi tường minh. Lời xin lỗi giữa những người có vị thế ngang hàng, nhất là giữa những người bạn thân được thực hiện một cách xuồng sã, chân thành, không khách sáo, thậm chí pha chút hóm hỉnh, tinh nghịch.

Hội thoại 4:

“Thấy Biền cười giận dỗi, sợ nó không thèm dạy tôi nữa, tôi bèn cười giả lả: - Thôi, cho tao xin lỗi! Tao lỡ lời!

Biền có vẻ khoái trá trước sự hạ mình của tôi. Nó nheo nheo mắt: - Lát nữa mày định bái sư bằng một chầu gì vậy?

- Chầu... trà đá!

- Dẹp mày đi! Trà đá thì chỉ có học môn bơi chó! Tôi khịt mũi:

- Vậy thì đá chanh! Biền bổ sung trắng trợn: - Bánh mì ốp-la nữa!

Cái thằng, chưa dạy được miếng nào đã giở trò bóc lột! Tôi đành phải bấm bụng gật đầu:

- Ừ, thì ốp-la!”

(Những chàng trai xấu tính, Nguyễn Nhật Ánh)

Đoạn thoại là cuộc trò chuyện tếu táo giữa hai người bạn thân tên Biền và nhân vật “Tôi” trong tình huống Biền dạy bơi cho nhân vật “Tôi” nhằm tiếp cận một cô bạn gái, còn nhân vật “Tôi” hướng tới mục đích được học kĩ năng bơi toàn diện. Cũng vì mong muốn đó mà nhân vật “Tôi” chấp nhận làm trò của Biền và cam tâm tình nguyện làm “lễ bái sư”. Ở vị thế giao tiếp cao hơn, Biền tỏ ra giận dỗi khi nhân vật “Tôi” phát ngôn từ “chung độ”, và để xoa dịu tình hình, nhân vật “Tôi” lập tức thực hiện hành vi xin lỗi tường minh đối với bạn. Lời xin lỗi trong trường hợp này vừa thể hiện sự nhún nhường, vừa thể hiện sự bông đùa, song cũng đạt hiệu quả giao tiếp nhất định.

Trường hợp thứ năm, khi muốn tạo lòng tin đối với đối phương thì việc sử dụng nhóm các động từ ngữ vi biểu thị hành vi cam kết là một trong những lựa chọn tối ưu.

Hội thoại 5:

“- Lúc nào mày cũng cà rỡn được! Mày định bảo tao khắc câu "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" chứ gì? Một ngày "ủ tờ" bằng ngàn năm...

- Bậy! Người đứng đắn như tao đời nào lại xui mày khắc cái câu xúi quẩy đó. Ý tao muốn nói đến câu thơ của Giả Đảo đời Đường: "Nhất nhật bất kiến sương, tâm nguyên như phế tỉnh", dịch thơ là "Một ngày chẳng thấy sương rơi, khác chi giếng cũ lâu đời bỏ hoang". Cái hay của câu thơ nằm ở chỗ "sương" vừa có nghĩa là giọt sương vừa có nghĩa là em Sương của mày. Một ngày không thấy em, lòng mày như giếng khô, hệt như chung cư bị cúp nước vậy. Khắc cái lâm li, thống thiết đó lên cây viết, tao bảo đảm khi nhìn thấy, em sẽ xúc động ngất xỉu tại chỗ liền.

Chuyên khoái quá:

- Hay lắm! Tao sẽ đi khắc câu đó ngay bây giờ!

Rồi đang lúc hứng khởi, Chuyên không tiếc lời "bốc" Nhiệm lên mây xanh:

- Tao không ngờ mày "đầu cơ tích trữ" nhiều câu thơ độc đáo như vậy. Đúng là một thiên tài chứ không phải chơi! - Rồi Chuyên tặc lưỡi hít hà - Tao phải kiếm cách đền ơn mày vụ này mới được”.

(Phòng trọ ba người, Nguyễn Nhật Ánh)

Đây là đoạn hội thoại giữa hai nhân vật Chuyên và Nhiệm trong tình huống Nhiệm đang góp ý cho Chuyên về cách tặng quà cho bạn gái. Ở vị thế giao tiếp cao hơn, Nhiệm tỏ ra là người khá kinh nghiệm và cậu tự tin đưa ra phương án khắc thơ lên bút cho người bạn thân. Để nhấn mạnh thêm tính hiệu quả của phương án mà mình đưa ra, Nhiệm sử dụng phát ngôn cam kết tường minh chứa động từ ngữ vi bảo đảm. Về phần Chuyên, trong vai người có vị thế thấp hơn, đã nhiệt liệt tán thưởng phương án mà cậu bạn thân đưa ra. Việc Chuyên sử dụng chiến lược giữ nguyên vị thế thấp nhằm rút ngắn khoảng cách giao tiếp, đồng thời đề cao đối phương bằng những lời ca tụng có phần hơi “bốc” khiến câu chuyện đạt được hiệu quả giao tiếp ngoài mong đợi.

Trường hợp thứ sáu, biểu hiện của mối quan hệ vị thế ngang hàng giữa người nói và người nghe thông qua phát ngôn thông báo tường minh. Tương tự như hành vi cam kết, khi thực hiện hành vi thông báo, vị thế giao tiếp cũng thuộc

về chủ thể giao tiếp, tức người chủ động nắm giữ thông tin dù vai của người nói và người nghe vốn ngang hàng.

Hội thoại 6:

“- Chào Liên, cậu đi đâu thế?

- Hương à, tớ đang định sang nhà bà ngoại chơi, cậu cũng đi đâu mà lỉnh kỉnh đồ đạc thế này?

- Tớ mang ít đồ cho ông xã, cả đồ ăn lẫn đồ mặc. Ông ấy hôm nay phải trực đột xuất ở cơ quan, không về nhà.

- Vậy à, vậy thì cậu đi đi kẻo muộn, khi nào rảnh rỗi thì “buôn bán” sau. - Ừ, tớ đi trước nhé.

- À mà này, hôm qua cậu đi đâu mà để ông xã đi dạo một mình thế? – Hương cố nán lại hỏi.

- Tớ báo cho cậu biết, hôm qua, chính mắt tớ trông thấy ông xã cậu đi dạo với một cô nàng trông rất ngon ở công viên gần nhà bà nội tớ.

- Vậy à, chắc anh ấy đi cùng bạn bàn chút công việc thôi – Liên thoáng bối rối. - Việc gì mà lại bàn ở công viên, cậu phải giữ cho chặt đấy, các ông ấy là chúa léng phéng.

- Uh, cảm ơn cậu. Thôi tớ đi trước đây”.

(Hội thoại hàng ngày)

Đoạn thoại trên là cuộc trò chuyện ngắn giữa hai cô bạn thân tên Liên và Hương trong tình huống hai người vô tình gặp nhau trên đường. Xét về vị thế giao tiếp, Hương là người chiếm ưu thế hơn so với Liên, cô không chỉ chủ động mở thoại, dẫn dắt cuộc thoại và kết thoại mà còn nắm giữ thông tin quan trọng liên quan tới chồng Liên. Ở đây, Hương sử dụng phát ngôn tường minh chứa động từ ngữ vi báo nhằm nhắc khéo cô bạn thân trong việc kiểm soát chồng. Bản thân Liên, người có vị thế thấp hơn, cũng nhận thấy hàm ý này trong câu nói của Hương nên có chút bối rối, dù trước đó cô đã viện lý do công việc để “đỡ lời” cho chồng.

Một phần của tài liệu hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp trong diễn ngôn tiếng việt (Trang 54 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)