KHÔNG MANG TÍNH CHUẨN MỰC
3.1. Khái niệm về giao tiếp không mang tính chuẩn mực
Trong khi giao tiếp mang tính chuẩn mực tuân thủ theo đúng những quy tắc ứng xử chuẩn mực mà cộng đồng quy định thì giao tiếp không mang tính chuẩn mực lại bao gồm những trường hợp giao tiếp “lệch” chuẩn, bị đánh dấu trong ngôn ngữ giao tiếp. Lúc này, các yếu tố thuộc về đặc điểm nhân vật không mang tính quyết định mà nhường chỗ cho các yếu tố thuộc về mục đích giao tiếp và chiến lược giao tiếp. Một khi mục đích và chiến lược giao tiếp thay đổi thì dù ở vị thế gì, trong hoàn cảnh nào, người tham gia giao tiếp cũng đều phải tạm gác lại cái “tôi”, cái bản ngã để thực hiện mọi chiến lược giao tiếp nhằm đạt đích đề ra, dù đôi khi chiến lược giao tiếp ấy có thể làm phương hại đến thể diện của chính bản thân người nói. Những trường hợp dạng này thường mang tính không ổn định và bị đánh dấu trong giao tiếp hội thoại. Đây cũng là trường hợp mở ra nhiều khả năng nghiên cứu mới cho lĩnh vực diễn ngôn nói chung cũng như phân tích hội thoại nói riêng. Chính điểm “bất thường” trong cách sử dụng ngôn từ ở trường hợp này đã tạo nên nhiều cảm hứng cho việc sáng tác văn học, đặc biệt là các tác phẩm văn học hiện đại với nhiều ngòi bút mang phong cách trẻ trung, mới lạ.
3.2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc thay đổi tính chuẩn mực trong giao tiếp tiếp
3.2.1. Mục đích giao tiếp
Trong giao tiếp hội thoại, mối quan hệ quyền thế giữa các nhân vật tham gia giao tiếp bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, từ đặc điểm các nhân vật hội thoại (tuổi tác, địa vị xã hội, giới tính...) tới các yếu tố thuộc về bối cảnh giao tiếp (không gian, thời gian, tình huống giao tiếp), mục đích và chiến lược giao tiếp. Trong đó,
yếu tố mục đích giao tiếp đóng vai trò quan trọng hơn cả, nó chi phối toàn bộ các yếu tố khác, thậm chí cả chiến lược giao tiếp. Cũng chính yếu tố này góp phần lý giải tại sao trong giao tiếp hội thoại lại xuất hiện những trường hợp không dùng theo khuôn mẫu. Đơn cử như việc một người ở vị thế cao nhưng chấp nhận hạ thấp vị thế của mình, đề cao vị thế đối phương thông qua việc thực hiện các hành vi biểu thị ý nghĩa cầu như cầu, xin, van, lạy... Hoặc một người tuy ở vị thế thấp hơn, nhưng tự tin nâng cao vị thế và sẵn sàng thực hiện các hành vi mang tính áp đặt, ra lệnh đối với người ở vị thế cao hơn. Sự không tuân theo chuẩn mang tính khuôn mẫu này là do mục đích giao tiếp của mỗi một cuộc thoại khác nhau. Đích giao tiếp ở đây chính là mục tiêu mà người tham gia hội thoại đặt ra và hướng tới trong mỗi một cuộc thoại, có thể là nâng cao thể diện, có thể là đạt được một sự thỏa thuận nào đó, cũng có thể là bày tỏ ý kiến, tình cảm, nhận định cá nhân.
Mọi hoạt động của con người đều mang tính hướng đích, và hoạt động giao tiếp cũng không phải ngoại lệ. Tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau mà mục đích giao tiếp cũng khác nhau. Có một số loại đích giao tiếp cơ bản như: đích nhận thức (mang lại cho đối tác giao tiếp những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người); đích bộc lộ (biểu lộ cái tôi của chủ thể giao tiếp nhằm được chia sẻ, đồng tình, đồng cảm); đích hành động (hướng đối tác giao tiếp tới hoạt động phù hợp với mong muốn của chủ thể giao tiếp); đích tiếp xúc (tạo lập, tăng cường củng cố quan hệ với đối tác giao tiếp).
Tùy theo mục đích giao tiếp nào được đưa lên hàng đầu mà người nói tìm cách huy động các phương tiện ngôn ngữ một cách thích hợp. Trong các nhân tố của hoạt động giao tiếp, đích giao tiếp là yếu tố trung tâm quan trọng nhất, bởi giao tiếp đạt được yếu tố đó thì mới gọi là giao tiếp hiệu quả.
3.2.2. Chiến lược giao tiếp
Chiến lược giao tiếp theo quan niệm phổ biến được hiểu là phương châm và các biện pháp sử dụng các hành động ngôn ngữ trong giao tiếp nhằm giữ thể diện
và tránh đe dọa thể diện của người tham gia giao tiếp [12, tr. 107]. Cũng có khi khái niệm này được diễn giải theo nghĩa rộng hơn, bao gồm các phương châm và biện pháp sử dụng các hành vi ngôn ngữ trong giao tiếp nhằm làm cho cuộc giao tiếp diễn ra thuận lợi, theo trình tự nhất định và đạt được mục đích giao tiếp đặt ra. Một cuộc hội thoại được xem là hiệu quả thì ít nhất phải đạt được hai yêu cầu, thứ nhất là đáp ứng được mục đích giao tiếp của từng cá nhân tham gia hội thoại hoặc người mở thoại, thứ hai là thiết lập hoặc bảo lưu hoặc phát triển được mối quan hệ tích cực hoặc tiêu cực – theo chủ định của các chủ thể giao tiếp - giữa các nhân vật tham gia. Với yêu cầu thứ nhất, mục đích giao tiếp được đặt ra rất đa dạng, có thể là người đối thoại nhắm tới việc thu thập thông tin một cách chính xác hơn, hoặc để thuyết phục bạn thoại về một nhận định, đánh giá nào đó, cũng có thể là để bộc lộ cảm xúc, tâm tư, tình cảm của bản thân hoặc của một cá nhân mà chủ thể giao tiếp quan tâm, hoặc để thiết lập quan hệ nhất định với các đối tác mà mình giao tiếp... Trái lại, với yêu cầu thứ hai, hiệu quả đặt ra đôi khi không rõ ràng hoặc không được xác định một cách cụ thể bởi nó tồn tại ngầm ẩn giữa các thành viên tham gia hội thoại và thường thiên về mặt tình cảm cá nhân hơn. Mỗi cá nhân tham gia giao tiếp sẽ tùy vào kinh nghiệm sống, trình độ văn hóa, khả năng diễn đạt về mặt ngôn ngữ, địa vị trong xã hội... mà có thể đạt được hiệu quả giao tiếp ở các mức độ khác nhau.
Nói cách khác, trong chiến lược giao tiếp, có nhiều cách để người đối thoại lựa chọn nhằm đạt đích giao tiếp. Có thể thông qua việc lập luận hoặc đưa ra những lý lẽ thuyết phục đối phương, hoặc dùng những hành vi ngôn ngữ gián tiếp để tránh phương hại đến thể diện của bản thân hay của người đối thoại. Ngược lại, người tham gia đối thoại cũng phải biết lắng nghe để kịp thời điều chỉnh phát ngôn, cách xưng hô và diễn đạt sao cho phù hợp, đặc biệt phải tuân thủ tuyệt đối nguyên lí cộng tác và nguyên lí lịch sự trong giao tiếp. Cũng có khi, người đối thoại sẽ phải giả vờ lắng nghe, giả vờ quan tâm đến cuộc thoại vì nhiều đề tài, nhiều nội
dung không gây hứng thú hoặc bạn thoại không gây thiện cảm trong suốt quá trình giao tiếp. Thậm chí, trong nhiều tình huống, người đối thoại buộc phải lựa chọn cách im lặng để duy trì cuộc thoại và nhằm đạt đích giao tiếp. Khi yếu tố im lặng xuất hiện cũng có nghĩa là nội dung, đề tài cuộc thoại đang xoay quanh vấn đề không có lợi cho một hoặc tất cả thành viên trong cuộc thoại, và nó cũng là tín hiệu nhắc nhở đối phương cần phải thay đổi chiến thuật giao tiếp để có thể tiếp tục đưa cuộc thoại “cán đích” một cách hiệu quả.
3.2.3. Tình huống giao tiếp
Tình huống giao tiếp là tổng thể những điều kiện bên trong và bên ngoài ngôn ngữ nhằm tạo ra sự cần thiết phải hướng tới lời nói với mục đích giao tiếp. Chính yếu tố tình huống quy định các hình thức của nghi thức giao tiếp, đồng thời buộc người nói phải tạo và lựa chọn kiểu phát ngôn phù hợp với phương thức xã giao trong một cộng đồng. Trong khi các yếu tố mục đích giao tiếp, chiến lược giao tiếp mang tính chủ động và được sự chuẩn bị trước bởi cả người nói và người nghe thì tình huống giao tiếp lại hay tạo ra những bất ngờ mà chính bản thân người tham gia giao tiếp cũng không lường trước được. Cũng vì không lường trước hết diễn biến của cuộc thoại nên người tham gia đối thoại thường ứng xử theo đúng hành vi và suy nghĩ của mình, đó cũng là lý do lý giải tại sao tình huống giao tiếp lại là một trong những yếu tố tác động tới việc lựa chọn phương thức giao tiếp không theo chuẩn.