Một số yếu tố quy định phương thức giao tiếp chuẩn mực

Một phần của tài liệu hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp trong diễn ngôn tiếng việt (Trang 52 - 54)

Có thể nói, bên cạnh các yếu tố cơ bản như khoảng cách xã hội và mức độ gắn bó giữa những người tham gia giao tiếp thì vị thế xã hội chính là yếu tố quan trọng nhất quy định phương thức giao tiếp mang tính chuẩn mực. Yếu tố này lại bị chi phối và quy định bởi các yếu tố thuộc về đặc điểm nhân vật như tuổi tác, địa vị xã hội, giới tính, quê quán, nghề nghiệp..., trong đó mức độ tác động của các yếu tố tới phương thức giao tiếp mang tính chuẩn mực có sự khác nhau, tùy thuộc vào nền văn hóa, phong tục, tập quán mà những người đó thuộc về. Đơn cử như đối với người Việt Nam, yếu tố tuổi tác và quan hệ thân tộc bao giờ cũng được đề cao và lấn át các giá trị khác, trong khi ở xã hội phương Tây, họ lại đặc biệt coi trọng yếu tố chức vụ, địa vị xã hội.

Trong số các yếu tố quy định phương thức giao tiếp mang tính chuẩn mực, có thể kể tới một số yếu tố đóng vai trò quan trọng như: tuổi tác, quan hệ huyết thống, địa vị xã hội, giới tính.

Về tuổi tác, người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn tôn trọng nguyên tắc giao tiếp kính trọng người già, kính lão đắc thọ. Vì thế, trong những cuộc thoại được cho là chuẩn mực, người ít tuổi hơn dù có địa vị xã hội cao hơn nhưng vẫn phải xưng hô lễ phép, khiêm nhường trước người lớn tuổi, đặc biệt là với các vị ở bậc cao niên, lão niên.

Trong khi yếu tố tuổi tác chú trọng độ tuổi cao – thấp thì quan hệ huyết thống lại ưu tiên thứ bậc trên – dưới trong phạm vi hẹp hơn - gia đình, dòng tộc, và đôi khi yếu tố này còn quan trọng hơn cả yếu tố tuổi tác. Một người nhiều tuổi hơn nhưng có thể phải gọi người ít tuổi hơn bằng anh, bằng chú hoặc bác hoặc phải xưng hô khiêm nhường hơn vì xét theo mối quan hệ huyết thống, người ít tuổi ấy ở bậc trên so với người lớn tuổi.

Xếp sau hai yếu tố nêu trên là yếu tố địa vị xã hội. Địa vị xã hội là khái niệm chỉ vị trí và thứ bậc của một người trong xã hội, nó có thể được xác lập theo hướng cá nhân đó dành được thông qua những thành tựu của bản thân (địa vị đạt được) hoặc cá nhân đó được sắp đặt vào một hệ thống phân tầng do vị trí thừa kế (địa vị gán cho). Vai trò của yếu tố này trong việc lựa chọn và quy định phương thức giao tiếp theo chuẩn được thể hiện đặc biệt rõ nét trong môi trường quy thức mang tính hành chính - công chức, thậm chí, trong môi trường này, yếu tố tuổi tác lắm khi cũng phải nhường lại sự ưu tiên.

Thêm một yếu tố cần nhắc tới khi đề cập tới việc lựa chọn và sử dụng phương thức giao tiếp theo chuẩn là giới tính. Theo một vài nghiên cứu liên quan, nữ giới sử dụng nhiều cách nói mang tính lịch sự hơn nam giới, nữ giới cũng ít khi ra lệnh thẳng thừng như nam giới mà tỏ hàm ý mệnh lệnh một cách kín đáo, tế nhị, nam giới trong khi thích dùng các câu khẳng định, yêu cầu, ra lệnh thì nữ giới lại ưa dùng câu phối hợp xin – yêu cầu – ra lệnh... [22, tr.161]. Mức độ biểu hiện quyền thế trong lời nói của nữ cũng vì thế mà nhẹ hơn nam và ít ảnh hưởng đến thể diện của người tham gia đối thoại như nam giới.

Ngoài các yếu tố kể trên thì quê quán, nghề nghiệp... cũng là những yếu tố góp phần không nhỏ trong việc lựa chọn và quy định phương thức giao tiếp mang tính chuẩn mực trong hội thoại.

Một phần của tài liệu hoạt động của nhóm động từ ngữ vi trong việc thể hiện vị thế các vai giao tiếp trong diễn ngôn tiếng việt (Trang 52 - 54)