0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (135 trang)

Phân loại các hành vi tại lờ

Một phần của tài liệu HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM ĐỘNG TỪ NGỮ VI TRONG VIỆC THỂ HIỆN VỊ THẾ CÁC VAI GIAO TIẾP TRONG DIỄN NGÔN TIẾNG VIỆT (Trang 30 -34 )

Hành vi tại lời được nhiều tác giả đề xuất phân chia thành các nhóm khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau, trong đó có hai hướng phân loại chính là của J.L. Austin và J. Searle.

* Phân loại của Austin

Trước Austin, Wittgenstein đã từng đề cập tới các hành vi ngôn ngữ nhưng nhà triết học này không dùng thuật ngữ hành vi mà sử dụng thuật ngữ trò chơi ngôn ngữ. Ông đã tiến hành liệt kê hàng loạt các hành vi ngôn ngữ như: đưa ra một

lệnh và tuân lệnh, miêu tả bề ngoài một vật và đo đạc nó, tường thuật lại một sự kiện, nghiên cứu một vấn đề, hình thành và kiểm nghiệm một giả thuyết..., nhưng sau đó lại tỏ ra khá bi quan khi cho rằng không thể phân loại các “trò chơi ngôn ngữ” do chính mình xây dựng [4, tr.120].

Austin là người đầu tiên giải tỏa thái độ bi quan ấy bằng việc phân loại các hành vi tại lời dựa trên các điều kiện “may mắn” được ông đưa ra. Kết quả, có 5 nhóm hành vi tại lời bao gồm: phán xử, hành xử, cam kết, trình bày, ứng xử.

1. Phán xử (Verditive): Tập hợp những hành vi đưa ra lời phán xét về một sự kiện hoặc một giá trị dựa trên những chứng cớ hiển nhiên hoặc dựa vào lý lẽ vững chắc như: xử trắng án, xem là, tính toán miêu tả, phân tích, đánh giá, phân loại, cho là, nêu đặc điểm

2. Hành xử (Exercitive): Bao gồm những hành vi đưa ra những quyết định thuận lợi hay chống lại một chuỗi hành động nào đó như ra lệnh, chỉ huy, biện hộ cho, khẩn cầu, đặt hàng, giới thiệu, van xin, khuyến cáo và các hành vi ngôn ngữ như bổ nhiệm, đặt tên, tuyên bố khai mạc, bế mạc, cảnh cáo, tuyên ngôn.

3. Cam kết (Commissive): Những hành vi thuộc nhóm này ràng buộc người nói vào một chuỗi những hành động nhất định: hứa hẹn, bày tỏ lòng mong muốn, giao ước bảo đảm, thề nguyền, thông qua các quy ước, tham gia một phe nhóm.

4. Trình bày (Expositive): Gồm những hành vi được dùng để trình bày các quan niệm, dẫn dắt lập luận, giải thích cách dùng các từ như khẳng định, phủ định, chối, trả lời, phản bác, nhượng bộ, dẫn ví dụ, chuyển dạng lời, báo cáo các ý kiến...

5. Ứng xử (Behabitive): Là những hành vi phản ứng với cách xử sự của người khác đối với các sự kiện có liên quan, chúng cũng là cách biểu hiện thái độ đối với hành động hay số phận của người khác: xin lỗi, cảm ơn, khen ngợi, chào mừng, phê phán, chia buồn, ban phước, nguyền rủa, nâng cốc, chống lại, thách thức, nghi ngờ

Mặc dù đưa ra điều kiện trước khi tiến hành phân loại, song cách làm của Austin còn tồn tại không ít điểm hạn chế. Bản thân Austin cũng nhận thấy còn có những chỗ chồng chéo hoặc không xác định được rõ ràng, có những yếu tố không tương hợp thì được xếp chung một lớp, lại có hành vi tương hợp thì được xếp vào những lớp khác nhau.

* Phân loại của Searle

Searle là người đầu tiên vạch ra những điểm hạn chế trong cách phân loại của Austin. Ông cho rằng, vì Austin không đưa ra các tiêu chí phân loại cụ thể nên đã dẫn tới kết quả phân loại chồng chéo, mặt khác, cách phân loại của Austin không thể hiện được sự khác biệt giữa hành vi ngôn ngữ và động từ thể hiện hành vi ngôn ngữ ấy. Tương tự, Leech (1983) cũng phê bình Austin ở điểm này khi cho rằng sự phân loại của Austin đã mắc sai lầm nghiêm trọng ở chỗ nó dựa trên một sự giả định rằng “các động từ trong tiếng Anh đã tương ứng một – một với các phạm trù của hành vi ngôn ngữ”.

Trở lại với nhận định của Searle, ông cho rằng, có nhiều nguyên lí khác nhau để phân loại các hành vi ngôn ngữ, trong đó cần dựa trên những nguyên lí rõ ràng và có liên kết với nhau. Ông đã liệt kê 12 điểm khác biệt giữa các hành vi ngôn ngữ có thể dùng làm tiêu chí phân loại, trong đó tập trung vào ba tiêu chí phân loại cơ bản, gồm: Đích tại lời, Hướng khớp ghép lời với hiện thực, Trạng thái tâm lí được biểu hiện.

1. Đích tại lời/Đích ngôn trung: Đích tại lời của một hành vi ngôn ngữ là mục đích của hành vi đó. Hai hành vi khác nhau có thể có cùng một đích tại lời nhưng hiệu lực tại lời lại khác nhau.

2. Hướng khớp ghép lời với hiện thực: Sự khớp ghép ở đây là mối quan hệ ăn khớp giữa “từ ngữ” (ngôn từ) với “thế giới” (hiện thực khách quan) của một hành vi. Sự khớp ghép có thể được xây dựng theo hai chiều, “từ ngôn ngữ tới hiện thực” hoặc “từ hiện thực tới ngôn ngữ”. Chiều “từ ngôn ngữ tới hiện thực” phản

ánh các loại hành vi mà ngôn từ xảy ra trước rồi hiện thực xảy ra đúng như thế và ngược lại, trong khi chiều “từ hiện thực tới ngôn ngữ” phản ánh các loại hành vi mà hiện thực xảy ra trước rồi mới tới ngôn từ.

3. Trạng thái tâm lí được biểu hiện: Khi thực hiện một hành vi nào đó, người ta có thể biểu hiện lòng tin, lòng mong muốn, ý định, điều đáng tiếc, điều ăn năn... Biểu hiện này cho phép người đối thoại nhìn nhận ra nhiều hành vi khác nhau, tuy nhiên sự nhìn nhận này nhiều khi không làm nên sự khác nhau. Chẳng hạn, một trạng thái tâm lí ý thức như “lòng tin” có thể được biểu hiện theo nhiều cách qua những hành vi ngôn ngữ khác nhau, như hành vi xác tín, tuyên bố, giải thích hoặc

báo cáo, tường trình, suy luận....

Để nhận biết chính xác các hành vi tại lời, ngoài ba tiêu chí cơ bản nêu trên, Searle còn sử dụng nhiều tiêu chí khác như: Hiệu lực tại lời/Hiệu lực ngôn trung; Cương vị xã hội của người nói và người nghe; Ðịnh hướng của hành động ngôn từ; Chức năng liên kết ngôn từ; Nội dung mệnh đề; Sự cần/không cần động từ ngôn hành; Thể chế xã hội và hành động ngôn từ...

Dựa trên các tiêu chí đã đề xuất, Searle phân loại các hành vi tại lời thành 5 lớp lớn bao gồm:

1. Biểu hiện (Representative): Các hành vi tại lời thuộc lớp này có thể được đánh giá theo tiêu chuẩn đúng – sai; đích tại lời là nêu trách nhiệm của người nói về sự tồn tại của một trạng thái sự vật; hướng của sự ăn khớp từ hiện thực tới lời nói; trạng thái tâm lí là niềm tin vào điều mình xác tín, nội dung mệnh đề là một mệnh đề.

2. Điều khiển/Chi phối (Directive): Lớp này bao gồm những hành vi tại lời như ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, hỏi, cho phép... Đích tại lời là đặt người nghe vào sự thực hiện một hành động nào đó; hướng của sự ăn khớp là từ lời nói tới hiện thực; trạng thái tâm lí là ý chí, mong muốn, nguyện vọng để người nghe thực hiện hành động nào đó.

3. Cam kết (Commissive): Bao gồm những hành vi tại lời như hứa hẹn, cho, tặng, biếu, cam đoan, thề... Đích tại lời là gắn trách nhiệm vào người nói thực hiện một hành động nào đó; hướng của sự ăn khớp là từ lời nói tới hiện thực; trạng thái tâm lí là ý định của người nói và nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nói.

4. Biểu cảm (Expressive): Lớp này tập hợp những hành vi tại lời như xin lỗi, chúc mừng, tán thưởng, cảm ơn, mong muốn, ruồng rẫy, biểu lộ tình cảm... Đích tại lời biểu thị trạng thái tâm lí phù hợp với hành vi tại lời; hướng của sự ăn khớp có sự phù hợp giữa hiện thực và tiền giả định trong hành vi tại lời; trạng thái tâm lí phụ thuộc vào đích của hành vi tại lời.

5. Tuyên bố (Declaration): Bao gồm toàn bộ những hành vi tại lời như tuyên bố, kết tội, từ chức, khai trừ... Đích tại lời là gây ra một sự thay đổi bởi lời tuyên bố; hướng của sự ăn khớp vừa từ lời nói tới hiện thực, vừa từ hiện thực tới lời nói; trạng thái tâm lí không có đặc trưng khái quát, nhưng có các yếu tố thể chế làm cho lời của người nói có giá trị.

Cho rằng cách phân loại của cả Austin và Searle đều chưa thuyết phục, một số nhà ngôn ngữ như D. Wunderlich, F. Recanati, K. Bach, R.M. Harnish cũng tiến hành phân loại hành vi tại lời theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, hầu hết các tiêu chí mà các tác giả đưa ra đều ít nhiều trùng với các tiêu chí mà Searle đã đề xuất, sự khác biệt ở đây chỉ nằm ở việc các tác giả lựa chọn tiêu chí nào làm tiêu chí bậc một để phân loại và trật tự sắp xếp các hành vi hay các nhóm hành vi trong bảng phân loại của mình.

Một phần của tài liệu HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM ĐỘNG TỪ NGỮ VI TRONG VIỆC THỂ HIỆN VỊ THẾ CÁC VAI GIAO TIẾP TRONG DIỄN NGÔN TIẾNG VIỆT (Trang 30 -34 )

×