tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự
3.2.1.1. Pháp luật còn có hạn chế
Hệ thống pháp luật về quyền con người trong tạm giữ, tạm giam và chấp hành hình phạt tù ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ và phù hợp với những quy định của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về nhân quyền và coi đây là giá trị chung của toàn nhân loại. Quan điểm này được thể hiện trong Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban bí thư Trung ương Đảng:
“Nhân quyền là thành quả đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó nhân quyền trở thành
giá trị chung của nhân loại” [11, tr. 203]. Các quyền con người dù là người
bị tạm giữ, tạm giam hay là phạm nhân cũng cần phải được tôn trọng và đảm bảo một cách bình đẳng. Trong Sách trắng về thành tựu quyền con người ở Việt Nam (http://www.mofa.gov.vn/vi/) nêu rõ: “… cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn
hóa trong một tổng thể hài hòa, không được xem nhẹ bất kỳ quyền nào...” [2].
Trong hệ thống bộ máy Nhà nước Việt Nam thiết lập Viện kiểm sát với chức năng vừa là cơ quan công tố, vừa là cơ quan giam sát các hoạt động tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp. Luật tổ chức Viện kiểm Sát nhân dân tại Điều 26 quy định như sau:
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, đơn vị và người có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, nhằm bảo đảm:
Tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng [16].
Ngoài ra còn rất nhiều các điều khoản khác cũng như các quy định pháp luật khác đảm bảo cho quyền con người khi bị tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù.
Tuy nhiên thực tế cũng chỉ ra những thiếu sót cũng như khiếm khuyết trong quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề này.
Có những vấn đề được pháp luật quốc tế đặt ra nhưng lại chưa phù hợp với trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Chẳng hạn vấn đề quy định về dụng cụ giam giữ. Các quốc gia phát triển với những thiết bị công nghệ cao có thể hỗ trợ cho việc giam giữ và không cần sử dụng tới những thiết bị thô sơ như cùm, xiềng xích… để đảm bảo cho việc an toàn của các tù nhân khác cũng như an ninh trong nhà tù (trại giam, nhà tạm giữ). Các quốc gia đang phát triển do vẫn còn thiếu nhiều thiết bị phụ trợ cũng như ý thức pháp luật của công dân chưa cao vẫn cần có những dụng cụ nhằm giáo dục, xử lý những hành vi vi phạm nhằm đảm bảo cho việc giữ gìn trật tự an ninh chung cũng như tránh việc xâm phạm tự do, dân chủ của những người bị giam, giữ khác vẫn cần đến một số dụng cụ giam, giữ như cùm, xiềng xích… Hoặc như quy định về quyền có luật sư (Nguyên tắc thứ 17 trong Tập hợp các nguyên tắc để bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào,
được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết 43/173 ngày 9/12/1988). Các quốc gia phát triển có thể được thực hiện được quyền trên. Nhưng một số quốc gia đang phát triển với điều kiện cơ sở vật chất chưa hoàn thiện chỉ có thể thực hiện được một phần quyền nói trên. Chẳng hạn pháp luật
Việt Nam quy định với trường hợp người vị thành niên hoặc người bị xét xử có mức án cao nhất là tử hình thì mới có luật sư chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng chứ không thể có luật sư chỉ định trong mọi trường hợp.
Một số quy định của pháp luật quốc gia tuy phù hợp với pháp luật quốc tế nhưng lại không phù hợp với thực tế của quốc gia đó. Ví dụ như quy định về diện tích tối thiểu cho tù nhân. Pháp luật Việt Nam quy định tối thiểu chỗ nằm cho người bị giam, giữ là 2m²/ 1 người. Nhưng trong một số trường hợp cơ sở vật chất nơi giam giữ chưa đầy đủ thì việc không đủ diện tích tối thiểu cho mỗi người giam giữ tất nhiên sẽ xảy ra. Đối với quy định không được giam giữ chung buồng giữa người bị tạm giữ và người tạm giam cũng vậy. Quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế về việc phân loại giam giữ, song do cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nên việc vi phạm thường xuyên xảy ra. Cho nên trong một số trường hợp chỉ nên quy định mở đối với một số vấn đề mà thực tế các quốc gia phất triển chưa thể hoàn thiện được.
Đối với phạm nhân các chế độ được quy định rõ ràng hơn còn người bị tạm giữ, tạm giam một số quyền chưa được quy định cụ thể so với phạm nhân.
3.2.1.2. Nhận thức, thực hiện nhiệm vụ của những người thực thi vẫn còn nhiều khiếm khuyết
Việc lựa chọn kỹ lưỡng cán bộ, nhân viên trông coi giam giữ cần thực hiện ở mọi cấp, bởi vì việc quản lý tốt một nhà tù phụ thuộc vào lòng nhân đạo, sự liêm chính, khả năng chuyên môn và sự thích nghi của chính bản thân họ đối với công việc. Nhưng trên thực tế nhiều khi việc tuyển chọn về mặt chuyên môn vẫn chưa được thực hiện. Có nhiều lý do nhưng có lẽ những lý do chủ yếu vẫn là kinh phí thực hiện tuyển chọn - đào tạo, cán bộ thiếu phải kiêm nhiệm nhiều công việc, sự luân chuyển công tác ….
Nhận thức của những người thực thi chưa cao. Một số cán bộ, nhân viên nhà tù cũng như của các công dân khác chưa ý thức rằng đây là công việc phục
vụ xã hội có tầm quan trọng lớn lao, và để đạt được mục đích này, cần có sự nỗ lực hơn so với những công việc khác. Để bảo đảm đạt được các mục đích nói trên, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải được bố trí làm việc toàn thời gian với tư cách là những cán bộ, nhân viên nhà tù chuyên nghiệp, có thân phận công chức mà việc nắm giữ cương vị phụ thuộc vào đạo đức, hiệu quả công việc và sức khoẻ của người đó. Tiền lương phải thoả đáng để thu hút và giữ được những người thích hợp; quyền lợi và điều kiện phục vụ phải thuận lợi xét theo tính chất yêu cầu cao của công việc. Đội ngũ cán bộ, nhân viên phải có tiêu chuẩn thoả đáng về tri thức và giáo dục. Trước khi nhận công việc, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải qua một khoá đào tạo về những nhiệm vụ chung và cụ thể của họ, và bắt buộc phải vượt qua được các bài kiểm tra lý thuyết và thực hành. Sau khi nhận công việc và trong suốt thời gian làm việc, các cán bộ, nhân viên phải luôn duy trì, nâng cao kiến thức và khả năng nghề nghiệp bằng cách tham gia các khoá đào tạo tại chức được tổ chức vào những thời gian thích hợp. Trong mọi trường hợp, mọi cán bộ, nhân viên phải cư xử đúng mực và thực hiện nhiệm vụ sao cho có ảnh hưởng tốt đối với tù nhân, qua sự gương mẫu của mình, và để tù nhân kính trọng. Trong phạm vi cho phép, phải có đủ số chuyên gia như các nhà tâm thần học, tâm lý học, cán bộ xã hội, giáo viên, người đào tạo nghề trong đội ngũ cán bộ, nhân viên. Các cán bộ xã hội, giáo viên và người đào tạo nghề phải làm việc lâu dài.
Tại Hội nghị lần thứ 8 của Liên Hợp Quốc về ngăn ngừa tội phạm và đối xử với những người phạm tội ở Havana, Cuba, từ ngày 27/8 đến 7/9/1990 đã thông qua Các nguyên tắc cơ bản về sử dụng vũ lực và súng của các cán
bộ thi hành pháp luật – 1990. Trong đó đề cập đến phẩm chất của cán bộ tư
pháp cũng như các nguyên tắc sử dụng súng và vũ lực như sau:
Giám đốc nhà tù, Giám thị trại giam, trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ phải có phẩm chất thoả đáng cho công việc của người đó, có khả năng
quản lý, quá trình đào tạo và tích lũy kinh nghiệm thích hợp; phải dành toàn bộ thời gian cho công việc chỉ huy của mình, không được làm việc bán thời gian. Phải sử dụng dịch vụ phiên dịch bất cứ khi nào cần thiết.
Trong quan hệ với tù nhân, cán bộ, nhân viên nhà tù không được sử dụng vũ lực trừ khi để tự vệ, hoặc trong trường hợp tù nhân tìm cách chạy trốn, hoặc có sự chống đối chủ động hay thụ động về mặt thể chất trước một mệnh lệnh dựa trên các quy định pháp luật. Cán bộ, nhân viên có lý do dùng vũ lực không được sử dụng quá mức cần thiết tối thiểu và phải báo cáo vụ việc ngay cho Giám đốc nhà tù, Giám thị, Trưởng nhà tạm giữ. Cán bộ, nhân viên nhà tù phải được huấn luyện đặc biệt về thể lực để có thể khống chế những tù nhân hung hãn. Trừ những trường hợp đặc biệt, cán bộ, nhân viên thực thi nhiệm vụ có tiếp xúc trực tiếp với tù nhân không được mang theo vũ khí. Hơn nữa, họ không được phép trang bị vũ khí trong bất kỳ trường hợp nào, trừ khi đã được đào tạo sử dụng vũ khí. tuy nhiên cũng không loại trừ những người tình nguyện hay người làm việc bán thời gian. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào cũng đảm bảo được các yêu cầu trên và đã xảy ra một số vụ quản giáo đánh chết phạm nhân hoặc có những hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể của phạm nhân… dẫn đến việc chính họ cũng bị xét xử vì hành vi phạm tội đó.
3.2.1.3. Cơ sở vật chất để thực hiện chưa đây đủ khi đáp ứng
Thành phố Hải Phòng có 1 Trại giam thuộc Bộ Công an (Trại giam Xuân Nguyên). Đây là nơi giam những người đang chấp hành hình phạt tù với lưu lượng khoảng 3000 phạm nhân. Trại Xuân Nguyên được chia làm 3 phân trại và khu hành chính. Cơ sở vật chất của trại đã xuống cấp trầm trọng. Trại giam Xuân Nguyên được hình thành từ cơ sở giáo dưỡng trẻ vị thành niên từ vài chục năm nay. Hiện tại Trại giam Xuân Nguyên đang được xây dựng những khu mới để đáp ứng những yêu cầu trong tình hình mới, tuy nhiên việc
xây dựng hiện tại vẫn chưa đồng bộ. Một số khu nhà giam phạm nhân được xây dựng theo thiết kế mới tuy đáp ứng được diện tích nơi ở của phạm nhân nhưng lại không có camera theo dõi những góc khuất của khu nhà, còn số cán bộ làm công tác này lại thiếu không thể thường xuyên tuần tra, canh gác ở khắp mọi nơi. Như vậy vô hình chung sẽ tạo ra những điều kiện cho phạm nhân có những hành vi không có sự kiểm soát của cán bộ quản giáo.
Trại tạm giam thuộc Công an thành phó Hải Phòng là nhà tù được xây dựng từ thời Pháp thuộc nên đã xuống cấp từ lâu, có 1 khu (được gọi là Trại chính) là nơi giam giữ khoảng gần 1.000 người bị tạm giữ, tạm giam, người đã bị tòa án xét xử nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc án đã có hiệu lực nhưng phạm nhân đang chờ chuyển trại. Ngoài ra còn có 1 buồng giam cho phạm nhân làm công tác phục vụ tại Trại chính. Phân trại quản lý phạm nhân thuộc Trại tạm giam Công an Hải Phòng nằm ở khu riêng biệt với lưu lượng trên dưới 200 phạm nhân. Do diện tích chật hẹp nên thường xuyên không đảm bảo quy định về diện tích tối thiểu cho phạm nhân. Việc tạm giữ, tạm giam chung buồng giữa người cùng vụ án, giam giữ giữa người thành niên và vị thành niên, giữa người bị tạm giữ với người bị tạm giam… vẫn hay xảy ra. Việc chăm sóc y tế cũng là một vấn đề, theo tiêu chuẩn thì bệnh xá Trại tạm giam chỉ có 18 giường tiêu chuẩn để điều trị cho phạm nhân nhưng lưu lượng điều trị thường xuyên ở đây là 35 – 40 người. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải của Trại tạm giam cũng không được xử lý gây ô nhiễm môi trường, nhà bếp được duy tu, sửa chữa liên tục nhưng vẫn không đảm bảo được vệ sinh, an toàn thực phẩm.
3.2.1.4. Những tác động mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tới con người và môi trường
Những người bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang chấp hành hình phạt tù là người bị mất tự do, tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ phải sống trong khuôn
khổ trật tự nhất định. Họ phải chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của các cán bộ quản giáo. Những tác động tiêu cực ngoài xã hội nhiều khi làm ảnh hưởng trực tiếp tới họ.
Phạm nhân trong trại giam vẫn lén lút sử dụng ma túy, chơi cờ bạc hoặc tìm cách trốn khỏi nơi giam để ra ngoài xã hội…
Môi trường xung quanh cũng như thực tế của xã hội dù ít dù nhiều vẫn ảnh hưởng tới ý thức của người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân. Tuy nhiên do bị tách biệt với thực tại xã hội nên khi trở lại cuộc sống thực tế trong xã hội dù ít dù nhiều họ vẫn không thể tiếp cận ngay với xã hội. Cho nên Nhà nước phải quan tâm đến vấn đề này. Nhà nước Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề tái hòa nhập cộng đồng của họ. Nhiều chương trình dạy nghề, kỹ năng sống, hiểu biết pháp luật… để giúp những người đã bị tước tự do sớm trở lại cuộc sống bình thường.