Quyền được xét xử công bằng là một tập hợp những đảm bảo tố tụng nhằm đảm bảo quá trình xét xử được công bằng, trong đó bao gồm các khía cạnh như: được bình đẳng trước tòa án (equality before a court), được suy đoán vô tội (assumption of innocence), không áp dụng hồi tố (prohibition of expost facto laws), không bị bỏ tù chỉ vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (prohibition
of imprisonment for debt) [10, tr. 168].
Những người đang bị giam, giữ hay những người được tại ngoại trước khi có bản án có hiệu lực của tòa án họ đều bình đẳng như nhau và đều có quyền được coi là chưa có tội và được xét xử công khai bởi một tòa án độc lập và
khách quan. Tất cả mọi người đều phải được đảm bảo những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình. Không ai bị tuyên phạt nặng hơn mức hình phạt được quy định, cũng như nếu hành vi đó không cấu thành tội phạm theo luật hình sự vào thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện. “Nếu sau khi xảy ra hành vi phạm tội mà pháp luật quy định hình phạt nhẹ hơn với hành vi đó thì người
phạm tội được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn” [11, Điều 15, khoản 1, tr.294].
Các vụ án có thể được xử kín nhưng việc tuyên án phải công khai. Tất cả đều hướng tới đảm bảo sự chính xác và công bằng trong hoạt động tư pháp. Các tòa án phải có đủ thẩm quyền, độc lập, khách quan, tuân theo pháp luật.
Các tòa án quân sự, dân sự hay bất kỳ tòa án nào đều phải xét xử đúng theo pháp luật hình sự và người bị giam giữ dù là người dân tộc nào cũng đều được thông báo chi tiết, không chậm trễ để hiểu mình bị buộc tội gì. Họ phải được phiên dịch miễn phí nếu không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ trong phiên tòa. Bị cáo không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải thừa nhận mình có tội. Các chứng cứ khi sử dụng biện pháp tra tấn, dối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay dùng bất kỳ hình thức ép buộc nào đều coi là vô giá trị. Việc xác định thời gian thích hợp để những người bị giam giữ có thể chuẩn bị việc bào chữa cho mình. Thông thường họ sẽ được giải thích quyền và nghĩa vụ để thu thập bằng chứng bào chữa, có cơ hội thuê và tiếp xúc luật sư… “Những người bị kết án có quyền yêu cầu tòa án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định của pháp
luật” [11, Điều 14, khoản 5, tr.293].