Với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đất đai là nguồn lực quan trọng, cơ bản của mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội. Khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho các mục đích của quốc gia đã làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế của hàng triệu người dân, người bị ảnh hưởng có xu hướng ngày càng tăng về số lượng. Đặc biệt, ở những nước đang phát triển, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp thì đó là vấn đề sống còn của họ. Dưới đây là một số kinh nghiệm trong công tác bồi thường, GPMB của một số nước trong khu vực và một số tổ chức ngân hàng.
Inđônêxia
Tại Indonexia TĐC được thực hiện theo ba yếu tố quan trọng: - Đền bù tài sản bị thiệt hại, nghề nghiệp và thu nhập bị mất.
- Hỗ trợ di chuyển trong đó có trợ cấp, bố trí nơi ở mới với các dịch vụ và phương tiện phù hợp.
- Trợ cấp khôi phục để ít nhất người bị ảnh hưởng có được mức sống đạt hoặc gần đạt so với mức sống trước khi có dự án.
Đối với các dự án có di dân TĐC, việc lập kế hoạch, thiết kế nội dung di dân là yếu tố không thể thiếu ngay từ chu kỳ đầu tiên của việc lập dự án đầu tư và những nguyên tắc chính phải được đề cập đến gồm:
- Nghiên cứu kỹ phương án khả thi của các dự án để giảm thiểu việc di dân bắt buộc, nếu không thể tránh được khi triển khai dự án.
- Người bị ảnh hưởng phải được bồi thường và hỗ trợ để triển vọng kinh tế, xã hội của họ nói chung ít nhất cũng thuận lợi như trong trường hợp không có dự án: đất đai, nhà cửa, cơ sở hạ tầng thích hợp và các loại bồi thường khác tương xứng như trước khi có dự án phải được cấp cho người bị ảnh hưởng. Chú trọng đến người dân bản địa (các dự án nước ngoài), dân tộc thiểu số, nông dân vì họ là những người có quyền lợi hoặc quyền hoa lợi theo phong tục đối với đất và các tài sản khác bị dự án chiếm dụng.
- Các dự án về TĐC phải đạt hiệu quả ở mức càng cao càng tốt, các kế hoạch TĐC phải được soạn thảo và xác lập tương ứng với thời gian và ngân sách phù hợp, người di chuyển được hưởng các cơ hội về nơi ở, nguồn lực ổn định cuộc sống càng nhanh càng tốt.
- Người bị ảnh hưởng được thông báo đầy đủ, được tham khảo ý kiến chi tiết về các phương án bồi thường TĐC, người bị ảnh hưởng được hỗ trợ ở mức cao nhất về hoà nhập cộng đồng dân cư địa phương bằng cách mở rộng lợi ích của dự án đến cả các cộng đồng dân cư địa phương.
- Các chủ đầu tư đặc biệt chú ý đến tầng lớp những người nghèo nhất, trong đó có những người không hoặc chưa có quyền hợp pháp về đất đai, tài sản, những hộ gia đình do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, có kế hoạch xác định quyền hợp pháp của họ, hạn chế những trường hợp coi lý do ngăn trở bồi thường TĐC là việc thiếu quyền sở hữu, quyền sử dụng đất hợp pháp.
- Để không ngừng cải tiến sự hỗ trợ của ngân hàng với các dự án trong lĩnh vực nhạy cảm này, Chính phủ Inđônêxia đã thông qua và thực hiện một số chính sách bồi thường TĐC bắt buộc. Chính sách này nêu rõ các mục tiêu và phương pháp, định ra các tiêu chuẩn trong hoạt động của các tổ chức ngân hàng khi tham gia đầu tư vào các công trình TĐC.
Trung Quốc
Về pháp luật đất đai, Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên nhìn tổng thể, việc chấp hành pháp luật của người Trung Quốc rất cao, việc sử dụng đất tại Trung Quốc thực sự tiết kiệm.
Do đất đai thuộc sở hữu Nhà nước nên không có chính sách bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, kể cả đất nông nghiệp, tuy nhiên tuỳ trường hợp cụ thể, Nhà nước sẽ cấp đất mới cho các chủ sử dụng bị thu hồi đất. Nhà nước chỉ bồi thường cho các công trình gắn liền với đất khi thu hồi đất của các chủ sử dụng.
Về phương thức bồi thường thiệt hại, Nhà nước thông báo cho người sử dụng đất biết trước việc họ sẽ bị thu hồi đất trong thời hạn một năm. Người dân có quyền lựa chọn các hình thức bồi thường thiệt hại bằng tiền hoặc bằng nhà tại khu ở mới. Tại Thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải, người dân thường lựa chọn bồi thường thiệt hại bằng tiền và tự tìm chỗ ở mới phù hợp với nơi làm việc của mình.
Về giá bồi thường thiệt hại, tiêu chuẩn là giá thị trường. Mức giá này cũng được Nhà nước quy định cho từng khu vực và chất lượng nhà, đồng thời được điều chỉnh rất linh hoạt cho phù hợp với thực tế, vừa được coi là Nhà nước tác động điều chỉnh tại chính thị trường đó. Đối với đất nông nghiệp, bồi thường thiệt hại theo tính chất của đất và loại đất (tốt, xấu).
Về TĐC, các khu TĐC và các khu nhà ở được xây dựng đồng bộ và kịp thời, thường xuyên đáp ứng nhu cầu nhiều loại căn hộ với các nhu cầu sử dụng khác nhau. Các chủ sử dụng phải di chuyển đều được chính quyền chú ý điều kiện về việc làm, đối với các đối tượng chính sách xã hội được Nhà nước có chính sách riêng.
Khi di dời thực hiện nguyên tắc chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ. Khu TĐC được quy hoạch tổng thể (nhà ở, trường học, chợ), cân đối được giao thông động và tĩnh. Trong quá trình bồi thường, GPMB phải lập các biện pháp xử lý đối với việc sắp xếp bồi thường khi không đạt được sự thống nhất, lúc này sẽ xử lý theo phương thức trước tiên là dựa vào trọng tài, sau đó theo khiếu tố.
Tại thành phố Thượng Hải, tiêu chuẩn sắp xếp bồi thường di dời nhà hiện nay được thực hiện theo 3 loại:
- Loại 1: Lấy theo giá thị trường của nhà đất đối với nhà bị tháo dời cộng thêm với “Giá tăng thêm nhân với diện tích xây dựng của ngôi nhà bị tháo dỡ".
- Loại 2: Đổi nhà theo tiêu chuẩn giá trị, bố trí nhà lấy theo giá thị trường, giá tương đương với giá nhà bị tháo dỡ, di dời.
- Loại 3: Bố trí nhà theo tiêu chuẩn diện tích, đây là tiêu chuẩn mà chính quyền quận, huyện nơi có nhà di dời lập ra đối với những người có khó khăn về nhà ở. Người bị di dời có thể chọn hình thức bố trí nhà ở cho phù hợp. Dựa vào khu vực bố trí nhà ở để tăng diện tích, dựa theo phân cấp từng vùng trong Thành phố. Càng ra ngoại vi hệ số tăng thêm càng cao, mức tăng thêm có thể là 70%, 80% hay 100%
Thái Lan
Năm 1987 Thái Lan ban hành Luật về trưng dụng BĐS áp dụng cho việc trưng dụng đất sử dụng vào các mục đích xây dựng tiện ích công cộng, quốc phòng, phát triển nguồn tài nguyên hoặc các lợi ích khác cho đất nước, phát triển đô thị, nông nghiệp, công nghiệp, cải tạo đất đai vào các mục đích công cộng. Luật quy định những nguyên tắc về trưng dụng đất, nguyên tắc tính giá trị bồi thường các loại tài sản bị thiệt hại. Căn cứ vào đó, từng ngành đưa ra các quy định cụ thể về trình tự tiến hành bồi thường TĐC, nguyên tắc cụ thể xác định giá trị bồi thường, các bước lập và phê duyệt dự án bồi thường, thủ tục thành lập các cơ quan, uỷ ban tính toán bồi thường TĐC, trình tự đàm phán, nhận tiền bồi thường, quyền khiếu nại, quyền khởi kiện đưa ra toà án. Ví dụ: trong ngành điện năng thì cơ quan điện lực Thái Lan là nơi có nhiều dự án bồi thường TĐC lớn nhất nước, họ đã xây dựng chính sách riêng với mục tiêu: “Đảm bảo cho những người bị ảnh hưởng một mức sống tốt hơn” thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng và đạt mức tối đa nhu cầu, đảm bảo cho những người bị ảnh hưởng có thu nhập cao hơn và được tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển xã hội, vì vậy thực tế đã tỏ ra hiệu quả khi cần thu hồi đất trong nhiều dự án.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB)
Theo kinh nghiệm của các tổ chức ngân hàng quốc tế thì “... chìa khoá dẫn tới việc bồi thường TĐC hợp lý là chấp nhận và thực hiện chính sách phát triển mà con người là trung tâm chứ không phải chính sách đền bù vật chất...”. Vì vậy, mục tiêu chính sách bồi thường TĐC của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) là việc bồi thường TĐC sẽ được giảm thiểu càng nhiều càng tốt và đưa ra những biện pháp khôi phục để giúp người bị ảnh hưởng cải thiện hoặc ít ra vẫn giữ được mức sống, khả năng thu nhập và mức độ sản xuất như trước khi có dự án. Các biện pháp phục hồi được cung cấp là bồi thường theo giá thay thế nhà cửa và các kết cấu khác, bồi thường đất nông nghiệp là lấy đất có cùng hiệu suất và phải thật gần với đất đã bị thu hồi, bồi thường đất thổ cư có cùng diện tích được người bị ảnh hưởng chấp nhận, giao đất TĐC với thời hạn ngắn nhất. Đối với đất đai và tài sản được đền bù chính sách của WB và ADB là phải bồi thường theo giá xây dựng mới đối với tất cả các công trình xây dựng và quy định thời hạn bồi thường TĐC hoàn thành trước một tháng khi dự án triển khai thực hiện. Về quyền được tư vấn và tham gia của các hộ bị thu hồi đất, WB và ADB quy định các thông tin về dự án cũng như chính sách bồi thường TĐC của dự án phải thông báo đầy đủ, công khai để tham khảo ý kiến, hợp tác và tìm mọi cách thoả mãn nhu cầu chính đáng của họ trong suốt quá trình lập kế hoạch bồi thường TĐC cho tới khi thực hiện công tác lập kế hoạch. Kế hoạch giải toả thu hồi đất được thực hiện sau khi đã hội ý với người bị thu hồi đất. Việc lập kế hoạch cho công tác bồi thường TĐC được WB và ADB coi là điều bắt buộc trong quá trình thẩm định dự án. Mức độ chi tiết của kế hoạch phụ thuộc vào số lượng người bị ảnh hưởng và mức độ tác động của dự án. Kế hoạch bồi thường TĐC phải được coi là một phần của chương trình phát triển cụ thể, cung cấp đầy đủ nguồn vốn và cơ hội cho các hộ bị ảnh hưởng. Ngoài ra còn phải áp dụng các biện pháp sao cho người bị di chuyển hoà nhập được với cộng đồng mới. Để thực hiện các biện pháp này, nguồn tài chính và vật chất cho việc di dân luôn được chuẩn bị sẵn.
Bài học rút ra cho Việt Nam
Qua tình hình quản lý và sử dụng đất của các nước trong khu vực từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý đất đai nói chung và cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở nước ta khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng là:
- Cần có một hệ thống pháp luật nói chung và pháp Luật đất đai nói riêng rất đầy đủ, chi tiết đồng bộ, phù hợp với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năng động, khoa học. Xây dựng chính sách và các thủ tục rất chi tiết trong đó mục tiêu của chính sách này là cung cấp cơ hội cho người được bố trí tái định cư thông qua cách tiếp cận cơ bản nơi ở ổn định, tạo nguồn lực sản xuất cho người thuộc diện bồi thường và tái định cư. Để làm được điều này thì cần quy định kế hoạch xây dựng bố trí tái định cư chi tiết được chuẩn bị trước, khi thông qua dự án cùng với việc dàn xếp kinh tế, khôi phục cho từng địa phương từng hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.
- Về giá đất để bồi thường là yếu tố cơ bản để người bị thu hồi đất thực hiện tốt các chủ trương thu hồi đất của Nhà nước. Do vậy, việc xây dựng bảng giá đất hàng năm của Nhà nước cần xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường và có tính ổn định từ 3-5 năm tránh việc khi xây dựng lại bảng giá gây tâm lý cho người bị thu hồi đất mong đợi giá đất năm sau cao hơn năm trước, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
- Cần nâng cao giá trị pháp quyền của Nhà nước vững chắc, năng lực thể chế của chính quyền địa phương theo thẩm quyền có hiệu lực cao. Nâng cao sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành giải quyết, sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, phân cấp rõ về trách nhiệm, sự phối hợp cao trong quá trình giải quyết vấn đề, cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho các tổ chức chuyên trách, cán bộ có phẩm chất, năng lực phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cần được quan tâm hơn nữa, thực hiện công tác này. Đồng thời, cần có một cơ quan giám sát độc lập phải kiểm tra xem các hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng có được triển khai đúng quy định chính sách và đúng tiến độ hay không? Để từ đó có những kiến nghị biện pháp giải quyết, sao cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt được mục tiêu cuối cùng là giải quyết những vướng mắc nảy sinh.
- Nâng cao và chú trọng công tác tuyên truyền vận động đối với các hộ gia đình, cá nhân bị di dời giải phóng mặt bằng vì những người này là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính sách thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
1.5.2. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên hiện nay
[Quyết định số 10/2010/ QĐ- UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành quy định thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh thái nguyên.]
1.5.2.1. Đặc điểm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- Đặc điểm chung: Thành phố Thái Nguyên được thành lập năm 1962 là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thái Nguyên, thuộc vùng trung du miền núi Bắc bộ, là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.
Thành phố Thái Nguyên có 28 đơn vị hành chính phường (xã). Trong đó có 18 phường và 10 xã, với tổng diện tích đất tự nhiên là: 17.707, 52 ha. Dân số trên 29 vạn người.
Năm 2011 thành phố Thái Nguyên được công nhận đô thị loại I, đây là một trong những động lực để chính quyền và nhân dân phấn đấu xây dựng thành phố phát triển về mọi mặt để xứng tầm với đô thị mới. Vì vậy công tác bồi thường GPMB thu hồi đất, hỗ trợ và tái định cư đã được tỉnh và thành phố coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện ban đầu để thu hút đầu tư xây dựng các dự án, nếu thực hiện tốt công tác này sẽ đảm bảo có mặt bằng đúng tiến độ, đúng kế hoạch cho dự án sớm được đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
- Đặc điểm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Khi tiến hành thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư luôn tồn tại 3 mối quan hệ: Nhà nước, người bị thu hồi đất, nhà đầu tư. Tuy cùng lúc, cùng địa điểm
nhưng quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm, lợi ích lại khác nhau, vì vậy chính