Quan điểm và định hướng phát triển tập đoàn kinh tế Nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 110)

trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ trương hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế đang được nước ta tích cực thực hiện. Với mục tiêu đó, Việt Nam cần phải nâng cao tốc độ tăng trưởng, mở rộng kinh tế đối ngoại dựa trên việc phát huy những lợi thế so sánh vốn có nhằm tạo ra những bước đột phá về kinh tế để không chỉ tránh việc tụt hậu mà còn đuổi kịp các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Trên thực tế, với mục tiêu định hướng như vậy, sự hình thành các TĐKTNN là rất cần thiết vì ba lý do sau đây

Thứ nhất, HNKTQT là một tất yếu khách quan đòi hỏi phải tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhỏ bé, phân tán thành các doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh cũng như đủ mạnh để có thể trở thành đối tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ có những doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào, trình độ quản lý hiện đại, tiềm năng mạnh.. thì mới có đủ khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi doanh nghiệp ở Việt Nam có thể đạt được những điều kiện trên là rất ít, chỉ có các TCTNN và TĐKTNN mới có khả năng hội tụ những yếu tố này

Thứ hai, Việt Nam chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là chấp nhận tính cạnh tranh như là một tất yếu khách quan. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ dẫn tới quá trình tích tụ và tập trung sản

xuất và từ đó dẫn đến hình thành các doanh nghiệp lớn. Hình thành TĐKTNN từ các TCTNN là phù hợp với quá trình này

Thứ ba, khắc phục những yếu kém trong hoạt động của các TCTNN mà chủ yếu là do cơ chế hoạt động của hình thức tổng công ty gây ra (như quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, mập mờ trong chế độ sở hữu..)

Từ ba lý do trên có thể khẳng định rằng muốn xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì tất yếu phải hình thành nên các TĐKTNN mạnh.

Hiện có rất nhiều quan điểm định hướng cho sự phát triển của mô hình này:

Quan điểm 1: Xem các TĐKTNN như một doanh nghiệp có quyền hạn và nghĩa vụ bình thường như các doanh nghiệp khác, hoạt động và cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Quan điểm này đứng trên cơ sở phát triển một thị trường tự do. Hiện nay, các TĐKT Nhà nước đang nắm giữ nguồn lực quan trọng nhất (vốn, tài sản, vị thế kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh, đội ngũ cán bộ..) của nền kinh tế, vì vậy hiệu quả sử dụng các nguồn lực này có ảnh hưởng quan trọng tới toàn bộ nền kinh tế. Nếu tiếp tục duy trì và tạo ra các ưu đãi đối với các TĐKTNN sẽ khiến cho nền kinh tế bị bóp méo, các khu vực kinh tế khác sẽ không có điều kiện phát triển. Bản thân các TĐKT cũng sẽ trì trệ nếu thiếu đi áp lực cạnh tranh, động lực phát triển của nền kinh tế thị trường. Hơn nữa các TĐKT còn có vai trò là tiên phong và dẫn dắt doanh nghiệp khác trong cùng ngành tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc gia trên thị trường toàn cầu. Điều này cũng hợp với xu hướng sẽ phải xóa bỏ dần cơ chế xin cho và quản lý bằng mệnh lệnh hành chính đối với Tập đoàn. Nhà nước có thể tiến hành điều chỉnh đối với hoạt động của tập đoàn thông qua quyền của chủ sở hữu. Hơn nữa từ 01/07/2010 tất cả các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo luật Doanh nghiệp 2005. Vì vậy, TĐKTNN cũng cần phải điều chỉnh theo hướng này. Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các TĐKTNN trong khuôn khổ pháp luật.

Quan điểm 2: Tôn trọng đặc thù của các TĐKTNN, không gò ép TĐKTNN theo một khuôn mẫu chung. Hiện nay, mỗi TĐKTNN hoạt động chủ yếu trong một ngành (lĩnh vực) kinh tế với những đặc điểm hết sức khác nhau từ quy mô thị

trường, phạm vi ảnh hưởng, tới tính chất của sản phẩm mức độ rủi ro trong đầu tư và phát triển thị trường. Chính vì vậy, mỗi TĐKT trực tiếp xây dựng cho mình một mô hình tổ chức quản lý phù hợp có khả năng ứng phó với những biến đổi của thị trường cạnh tranh và có hiệu quả. Những nét đặc thù này sẽ được phản ánh trong điều lệ hoạt động của tập đoàn với những cơ cấu (tỷ lệ an toàn), cơ chế và chính sách đầu tư, hình thức và phương pháp phối hợp, mức độ chi phối lẫn nhau trong đầu tư kinh doanh… Mặt khác, các tập đoàn có quá trình hình thành, văn hóa kinh doanh khác nhau vì vậy không nên có một sự cưỡng ép đối với các tập đoàn theo một khuôn mẫu cứng nhắc.

Tôn trọng đặc thù của TĐKTNN cũng có nghĩa là phải tôn trọng chức năng đặc thù của mô hình này. Như đã phân tích ở trên, TĐKTNN, có 3 chức năng cơ bản và đối với TĐKTNN Việt Nam, còn có thêm chức năng làm trụ cột và sức mạnh của KTNN. TĐKTNN chỉ làm được trụ cột khi nó có đươc kết quả kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn của chủ sở hữu, đồng thời tối đa hóa hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, chức năng xã hội của TĐKTNN khiến cho TĐKTNN không hoạt động hiệu quả theo thị trường. Như vậy, đánh giá TĐKTNN cũng không thể theo thị trường.

Quan điểm 3: Vẫn tôn trọng các đặc thù của TĐKTNN nhưng nhà nước nên kiên quyết đưa các TĐKT này vào môi trường cạnh tranh, vì điều đó không chỉ có lợi cho quốc gia, cho tập đoàn mà còn thích hợp với bầu không khí trong WTO. Quan điểm này được đánh giá là phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Vì Việt Nam vẫn phải cạnh tranh trong một môi trường không hẳn là bình đẳng và trong điều kiện Việt Nam là một nước theo con đường CNXH và trình độ phát triển kinh tế còn thấp. Bức tranh tổng thể của TĐKTNN vào cuối thời kỳ hội nhập WTO sẽ là một khu vực gọn nhẹ, có sức mạnh phát triển, hoạt động có hiệu quả theo từng vị trí và được quản lý bằng một cơ chế minh bạch, đơn giản, hiệu lực giám sát từ phía Nhà nước cao. Trong thời gian tới, có 2 mục tiêu quan trọng với TĐKT Nhà nước cần được thực hiện

1) Hiệu quả là mục tiêu hàng đầu trong đánh giá thành tích của TĐKT

2) Nhà nước mở rộng đủ quyền để TĐKT cạnh tranh thành công đi đôi với giám sát hiệu quả hoạt động của TĐKTNN theo mục tiêu đã định.

Từ những quan điểm trên, định hướng phát triển TĐKTNN trong những năm tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát triển các các TĐKTNN thí điểm sẵn có và xây dựng chúng đủ mạnh có sức cạnh tranh quốc tế ở tầm khu vực. Song ban đầu chưa hướng tới đa ngành vội mà chỉ tập trung kinh doanh tốt trong ngành chính. Hướng các tập đoàn này tiếp tục phát triển theo chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh của tập đoàn này bằng việc nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn với một cấu trúc tập đoàn gọn nhẹ, linh hoạt và có thực lực. Còn với các tập đoàn hình thành mới, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế cần xuất phát từ nhu cầu nội tại của bản thân các doanh nghiệp, bằng con đường kinh tế, chứ không nên gò ép bằng biện pháp hành chính. Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, xúc tiến mà không nên là người quyết định thành lập tập đoàn, dù là tập đoàn được hình thành từ các DNNN. Xuất phát từ đặc tính cơ bản của tập đoàn kinh tế là sự liên kết kinh tế, nên, việc thành lập các tập đoàn kinh tế trước hết phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện.

Thứ hai, phát triển các TĐKTNN theo hướng để tập đoàn tự chủ trong sản xuất kinh doanh, cạnh tranh công bằng với các mô hình doanh nghiệp khác và không có bất kỳ sự ưu đãi bao cấp, can thiệp quá sâu của nhà nước. Nhà nước chỉ can thiệp vào với tư cách chủ sở hữu. Với những Tập doàn tiếp tục hoạt động không hiệu quả thì cần dẹp bỏ, không nên tiếp tục duy trì.

Thứ ba, chỉ mở rộng số lượng TĐKTNN sau tổng kết thí điểm mô hình cho thấy chúng thực sự có hiệu quả cho sự phát triển của cả nền kinh tế và nhu cầu thị trường cho thấy cần nhân rộng mô hình này. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “nhanh nhưng phải chắc” là phương châm phát triển mô hình này trong thời gian tới

Thứ tư, phát triển TĐKTNN trên cơ sở không chỉ sử dụng nguồn lực của nhà nước mà phải tận dụng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác cũng như tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài thông qua việc thực hiện các cam kết song phương, đa phương và phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ kinh tế quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Thứ năm, việc hình thành và phát triển TĐKTNN phải gắn liền với việc đảm bảo độc lập, tự chủ của đất nước, an ninh xã hội, cân bằng và ổn định vĩ mô, góp phần tăng trưởng và hạn chế độc quyền, khuyến khích cạnh tranh và góp phần tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế , đồng thời phải gắn liền và phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân.

Một phần của tài liệu Phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 110)