Ống tiêu hoá cũng như gan và tuỵ được chi phối bởi các dây thần kinh lang thang, các dây thần kinh tạng lớn, tạng bé, tạng dưới và một số nhánh của các dây thần kinh gai sống cuối cùng.
Dây thần kinh lang thang (X) phát xuất từ hành não, qua lỗ tĩnh mạch cảnh chạy trong bao cảnh đến trung thất chạy sau cuống phổi đến trước thực quản, đan chéo nhau tạo thành đám rối thực quản. Từ đám rối này cho những nhánh bên chi phối thực quản và hai thân tận cùng là thân trước (nguồn gốc dây thần kinh lang thang trái) và thân sau (nguồn gốc dây thần kinh lang thang phải) đi cùng với thực quản đến dạ dày.
Khi đến dạ dày, thân trước cho một nhánh bên là nhánh gan chi phối cho gan, phần còn lại chia những nhánh vào thành trước dạ dày để chi phối cho dạ dày. Thân sau cũng cho nhánh bên là nhánh tạng đến hạch tạng, cùng với các dây thần kinh tạng lớn và tạng bé tạo nên đám rối tạng từ đó cho các nhánh đi đến các đám rối khác trong ổ bụng như đám rối mạc treo tràng trên... Ðể cuối cùng chi phối cho các phần khác của ống tiêu hoá.
Các dây thần kinh tạng: phát sinh từ các hạch giao cảm ngực cuối, đi qua cơ hoành đến đám rối tạng, cuối cùng đến chi phối cho các cơ quan trong ổ phúc mạc.
Ngoài ra còn có các nhánh giao cảm phát sinh từ các hạch giao cảm thắt lưng và các nhánh đối giao cảm phát sinh từ các dây thần kinh gai sống cuối cùng.
Xét về phương diện cơ năng thì thần kinh hệ tiêu hoá có thể tóm tắt như sau:
1. Phần đối giao cảm
Do dây thần kinh lang thang (X) và một số nhánh của đoạn tủy cùng có vai trò tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa là tăng co bóp, tăng bài tiết
2. Phần giao cảm
gồm các sợi giao cảm phát sinh từ các hạch giao cảm ngực và thắt lưng. Có vai trò làm giảm hoạt động của hệ tiêu hóa.
3. Phần cảm giác tạng
Các xung động cảm giác của các cơ quan tiêu hoá được dẫn truyền qua các sợi hướng tâm của các dây thần kinh trên đi đến tuỷ gai và võ não.