Sự trợ giúp diễn ra trong phạm vi gia đình, các cá nhân, dòng họ, các tổ chức tôn giáo như nhà chùa, nhà thờ đã xuất hiện từ rất lâu. Nhưng khi nhu cầu bảo vệ của các thành viên trong xã hội ngày một lớn hơn cả về quy mô và tần suất xuất hiện, các gia đình, dòng họ, các tổ chức tôn giáo không thể đáp ứng được những nhu cầu đó ở quy mô lớn, nó đòi hỏi Nhà nước phải can thiệp bằng các chính sách. Chính sách là trụ cột quan trọng của hoạt động trợ giúp xã hội thường xuyên. Chính sách được hình thành xuất phát từ nhu cầu thực tế của các thành viên trong xã hội cần được bảo vệ trước các nguy cơ bị rủi ro mà họ không tự bảo vệ được. Xây dựng chính sách trợ giúp xã hội
thường xuyên đầy đủ, kịp thời đến những đối tượng trợ giúp xã hội giúp họ vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống là mối quan tâm của các quốc gia.
Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên quy định trực tiếp các nội dung chủ yếu hoạt động trợ giúp xã hội thường xuyên. Những nội dung cơ bản của chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên là xác định đối tượng tham gia, với những tiêu chí, điều kiện cụ thể và cơ chế xác định đối tượng theo một quy trình thống nhất; chế độ thụ hưởng và những điều kiện ràng buộc. Ngoài ra, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên còn xác định trách nhiệm của bộ, ngành địa phương trong việc thực hiện chính sách, chế độ đề ra.
Việc tham gia vào các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên là quyền lợi của các thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên được hình thành từng bước, không thể bao phủ ngay tất cả các đối tượng có nhu cầu. Thông thường, lộ trình để thực hiện các mô hình an sinh xã hội toàn dân của các nước phải kéo dài trong nhiều năm, có nước kéo dài hàng thế kỷ, có nhanh cũng phải vài chục năm. Ví dụ như Pháp, Đức khoảng 70 năm, Thụy Điển trên 100 năm; Nhật Bản khoảng 60 năm. Các nước đang phát triển như Việt Nam thời gian có thể còn dài hơn.
1.4. Kinh nghiệm của một số nước về hoạt động trợ giúp xã hội thường xuyên