Nguồn lực trợ giúp xã hội thường xuyên chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Khả năng tài chính của Chính phủ ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên. Ngân sách hạn hẹp thường là nguyên nhân lớn hạn chế số lượng đối tượng hưởng thụ trợ cấp xã hội và mức trợ cấp cho một đối tượng.
Ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội nói chung, trợ giúp xã hội thường xuyên nói riêng có mối quan hệ chặt chẽ với chính sách thuế. Một số nước thu thuế rất cao. Nhờ đó, Nhà nước có điều kiện thực hiện các chính sách an sinh xã hội tốt hơn. Ngược lại một số quốc gia muốn khuyến khích tăng trưởng nhanh hơn, thu thuế thấp hơn. Điều này dẫn đến nguồn thu ngân
sách nhà nước thấp, do vậy hạn chế đến việc cung cấp nguồn cho các chính sách an sinh xã hội.
Việc phân bổ chi tiêu ngân sách nhà nước cho các khoản chi của Nhà nước cũng ảnh hưởng tới hoạt động trợ giúp xã hội thường xuyên. Nếu mục chi cho các chính sách an sinh xã hội nhiều thì việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội nói chung, trợ giúp xã hội thường xuyên nói riêng sẽ thuận lợi và ngược lại mục chi cho các chính sách an sinh xã hội thấp thì việc thực thi các chính sách an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn. Việc bố trí nguồn tài chính cho các chính sách an sinh xã hội tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của từng quốc gia. Một số nước phát triển dành ngân sách nhà nước cho các chính sách an sinh xã hội lên tới 30% tổng ngân sách nhà nước, khoảng 15% GDP, số lượng đối tượng và mức trợ cấp xã hội cao hơn các nước đang phát triển có nguồn ngân sách hạn hẹp.
Nguồn ngân sách của nước ta về trợ cấp xã hội thường xuyên còn hạn hẹp. Tài chính đảm bảo thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên hiện nay chiếm khoảng 0,5% ngân sách nhà nước. Do vậy, độ bao phủ của chính sách thấp mới chỉ tập trung cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhất trong xã hội và mức trợ cấp mang tính hỗ trợ góp phần cho đối tượng ổn định cuộc sống.