5. Đóng góp của đề tài
3.2.3. Gia đình:
Gia đình cư dân Tày, Nùng và Kinh ở Định Hóa… đều là gia đình nhỏ, phụ quyền, phổ biến là gia đình hai thế hệ, bao gồm một cặp vợ chồng và các con chưa xây dựng gia đình. Tiếp đến là gia đình một cặp vợ chồng cùng các con và bố mẹ chồng hoặc một trong hai người đó, cũng có gia đình có cả em trai, em gái chưa xây dựng gia đình. Đặc biệt cũng có một số gia đình có cả những cô con gái đã lấy chồng nhưng sau khi cưới vẫn trở về chung sống cùng bố mẹ cho tới khi sắp sinh con. Mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế độc lập có tài sản riêng. Chủ gia đình là người cha, người chồng “Chẩu slườn”. Người có quyền hành rất lớn trong gia đình: từ việc sở hữu tài sản cho đến chỉ đạo sản xuất, cúng bái và các quan hệ họ tộc, xã hội với bên ngoài.Trong gia đình, con trai bao giờ cũng được quý trọng, trong đó con trai trưởng được quý trọng hơn cả, có quyền lực sau người bố song trách nhiệm cũng rất nặng nề. Nhà nào có nhiều con trai nghĩa là nhà đó có nhiều phúc. Vì họ nghĩ rằng: có con trai là có người kế thừa tôn thống, nghĩa là trên tể trị tổ tiên, dưới lưu truyền huyết thống và có người thừa kế tài sản khi bố mẹ qua đời. Khi các con trai lớn lên, lập gia đình được bố mẹ phân chia tài sản như: ruộng đất, trâu bò, dụng cụ sản xuất….để tạo lập thành một gia đình riêng. Khi bố mệ về già,
người con nào ở với bố mẹ thì phải có trách nhiệm chăm nom, khi bố mẹ qua
đời phải chôn cất, thờ cúng. Người Nùng có câu: “Dú lục pjai, thai lục cốc”
tức là khi còn sống ở với con út, khi chết thì về nhà con trưởng. Về nguyên tắc, các con gái không được thừa kế tài sản của cha mẹ, trừ phần hồi môn đã cho khi đi lấy chồng. Xuất phát từ chế độ phụ quyền mà việc đối xử nam nữ cũng được phản ánh ngay trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Từ chỗ ăn, chỗ ngủ cho từng thành viên trong gia đình. Khi đi vào buồng ngủ, các cô gái, con dâu phải đi lối dưới nhà, tránh không đi qua phần trên nhà, trước bàn thờ tổ tiên….Khi con dâu, con gái tiếp khách là nữ cũng không được ngồi phía trên mà chỉ được phép trong buồng hoặc ở phía dưới của bếp. Trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt hàng ngày đều có sự phân công theo giới tính. Người đàn ông phải đảm nhiệm các công việc nặng nhọc như: làm nhà, cày, bừa, chặt cây, làm các công cụ sản xuất ….Phụ nữ làm các công việc như: cấy, làm cỏ, gieo trồng, dệt vải, chăm lo nuôi dạy con cái…Nhìn chung người phụ nữ phải làm việc nhiều hơn nam giới. Vai trò người phụ nữ hết sức quan trọng trong sản xuất và quản lý kinh tế gia đình. Có thể trong xã hội địa vị của người phụ nữ bị coi là thấp hơn nam giới, nhưng trong gia đình họ vẫn được coi trọng. Khi chồng chết, thì người vợ được thay chồng quản lý gia đình, nuôi dạy con cái, cúng bái tổ tiên khi con cái chưa trưởng thành. Cuộc sống trong gia đình của cư dân, tuy bị ràng buộc bởi tính phụ quyền bền vững và lại được củng cố thêm bằng quy phạm luân lý của Khổng Mạnh, song yếu tố dân chủ vẫn được tồn tại và phát huy, quan hệ gia đình tương đối hòa thuận, vợ chồng ít cãi nhau, cha mẹ ít đánh mắng con, anh chị em trên thuận dưới nhường. Trong gia đình họ luôn quan tâm giáo dục ý thức lao động và cuộc sống tự lập cho con cái. Cũng có tập tục nhận con nuôi hoặc nuôi của anh, em ruột hoặc anh chị em họ về làm con thừa kế. Nếu không may bố mẹ chết sớm, con cái nhỏ thì được các bác, chú trong họ tộc có trách nhiệm nuôi nấng,
trông nom quản lý gia đình, thờ cúng tổ tiên, phân chia tài sản cho các cháu khi xây dựng gia đình.