5. Đóng góp của đề tài
3.2.1. Làng bản
Các dân tộc ở châu Định Hóa thường sống định canh thành các làng bản, tùy theo điều kiện tự nhiên mà số dân cư có thể đông hay thưa, tạo thành
làng bản nhỏ hay lớn. Đồng Khánh địa dư chí chép rằng: “Dân cư trong tỉnh
cư trú trong các thôn xóm rải rác, mỗi xã chia làm ba bốn xóm, mỗi xóm cũng chỉ ba bốn, tám chín nóc nhà, tùy tiện cư trú ở chỗ có nhà có ruộng” [34, tr.652]. Tính chất của làng bản cũng có những nét riêng giữa từng tộc người cũng như từng khu vực. Những vùng trung tâm tập trung những làng bản lớn, có khi tới hàng trăm nóc nhà như thị trấn Chợ Chu, xã Phú Đình. Tuy nhiên, không phải làng bản có sự tách biệt hoàn toàn về tộc người như là chỉ có
người Tày, hay chỉ có người Nùng….mà có những vùng thấp như Phú Đình, thị trấn Chợ Chu, Bảo Cường…có sự hỗn cư của các tộc người Tày, Nùng, Kinh, Hoa…Mỗi làng bản có một địa vực cư trú riêng, có phạm vi đất đai canh tác, đất rừng, khúc sông, khe suối riêng thuộc quyền quản lý của bản.
Mỗi bản có trưởng bản được gọi là chiếu con; ngoài ra còn có người giúp việc cho trưởng bản là người có uy tín đứng đầu các dòng họ. Theo tục lệ, trưởng bản và người giúp việc đều do dân bầu ra trong một buổi họp chung. Trưởng bản thường là những người am hiểu về mọi mặt của đời sống xã hội, biết cúng bái và am hiểu các phong tục tập quán, các kinh nghiệm sản xuất và có quan hệ rộng rãi không chỉ với bà con trong bản mà còn với cả những người đứng đầu các bản khác. Nhờ thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng mà trưởng bản có uy tín và ảnh hưởng lớn trong dân bản. Bà con ở Định Hóa nói riêng, họ tôn sùng linh hồn của trưởng bản ngang với các vị thần linh, khi chết hồn của ông ta được coi là thổ thần và được dân bản thờ cúng. Hiện nay, các tập tục về sự tôn sùng và tin theo các già làng, trưởng bản: “Thôn Nà Mùi có ông Hoàng Văn Nhân (dân tộc Tày), xưa kia là trưởng bản còn ngày nay là trưởng xóm hoặc là trưởng thôn. Được đồng bào trong thôn bản tin tưởng và nghe theo đã bầu ông cai quản thôn, xã”.
Nhà ở của người Tày- Nùng có ba loại nhà sàn, nhà đất và nửa sàn nửa đất nhưng vào thế kỷ XIX, nhà sàn là phổ biến và đây là loại hình nhà truyền thống của đồng bào. Vào thế kỷ XVII- XVIII, Phan Huy Chú đã viết: “Tục thổ dân ở địa phương ấy đều ở nhà sàn. Chỗ khe nước chảy đặt cối giã gạo, lấy thừng xỏ mũi lợn, lấy ống bương đựng rượu”[8, tr.177]. Nói về nhà ở của cư dân vùng Việt Bắc nói chung, Ngô Thì Sĩ viết: “Cư dân thái bán Thổ tham Nùng- Mộc lư giá sạn đông tây hướng – Thủy cữu tùy cơ nhật dạ thung” [Dịch: Nhân dân quá nửa là người Thổ, người Nùng- Nhà ở thì gác tre gỗ làm sàn, hoặc trông về hướng đông- hoặc trông về hướng tây- Tùy chỗ khe nước
chảy, đặt cối giã gạo, giã suốt đêm ngày] [9, tr.179]. Theo Bế Huỳnh, đầu thế kỷ XX, người Tày- Nùng “phần nhiều dùng gỗ làm nhà sàn, lợp tranh hay lợp ngói, tùy người giàu hay người nghèo. Về tường vách thì tùy tiện trá vách hay che phên. Tầng trên người ở, tầng dưới nuôi súc vật và để công cụ”[54, tr.10].
Ở vùng trung tâm, nơi thị trấn, thị tứ, đồng bào làm nhà đất lại là chủ yếu. Có lẽ, trước đợt di dân lớn của người Việt vào cuối thế kỷ XVI, ngôi nhà sàn đã tồn tại khá phổ biến ở vùng này. Khi lớp cư dân mới đến, chủ yếu là người Việt nên đã chuyển sang làm nhà đất. Nhà của họ chủ yếu là 3 hoặc 5 gian làm bằng tranh, tre, nứa, lá, trát vách. Vách được làm bằng đất trộn rơm và ở hai bên sườn trát cao lên tận nóc nhưng thường làm nhà trình tường hoặc xây nhà bằng gạch.
Luật tục của làng bản:
Đối với vùng châu Định, cư dân Tày- Nùng từ xa xưa khi chưa có những quy định của pháp luật của Nhà Nước thì đã có những luật tục và quy ước rõ ràng. Những luật tục đó, ngày nay đã trở thành những quy ước ăn sâu vào gốc rễ của mỗi bản làng.
Ruộng nương đã gieo cấy, trong thời vụ không ai được thả trâu, ngựa rông. Nếu thả rông ăn hại của người khác thì phải đền.
Cây trồng, hoa màu, cây ăn quả không được lấy trộm của nhau, nếu cần phải xin không là trở thành ăn cắp.
Không được chặt phá cây rừng cấm. Không được chặt khu rừng ở đầu nguồn nước làm nương rẫy.
Không ai được rừng ở nơi có rừng Vầu, rừng Nứa. Rừng Vầu, rừng Nứa của ai thì họ ấy, nhà ấy dùng, nếu phát lẫn của nhau thì phạm vào tội lấy trộm.
Khi đi săn bắn thấy đúng muông thú hoang mới được bắn.
Ai nhặt được của rơi thì mang về nộp cho người gữi miếu thổ địa, của ai người đó sẽ đến nhận.
Người già thì phải chết, khi còn sống người đó đã đổi công giúp đỡ nhiều người, khi họ ngã xuống phải nhớ ơn họ, phải giúp đỡ gia đình làm ma chay cho họ chu đáo. Hôm đưa đám cả làng phải nghỉ làm việc đồng áng, đi rừng để biểu thị lòng nhớ nhung họ.
Khi có giã thú hay trộm cướp vào làng, nghe thấy tiếng tù và hay hồi mõ thì người dân trong cả làng phải có mặt để góp sức xua đuổi.
Những điều quy định này được thảo luận, thông qua vào dịp cúng thổ địa tại miếu thờ thổ địa. Người ta cho rằng những lời quy định này được thần linh “chứng kiến”, ai làm sai có nghĩa là làm phật ý thần linh.
Có thể nói, cùng với việc đưa bản làng vào hệ thống quản lý cần chú ý đến vai trò của các luật tục, những quy ước của làng bản, giải quyết mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật của Nhà nước. Cho đến nay đời sống xã hội của các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Tày- Nùng ở vùng châu Định nói riêng vẫn vận hành và chịu sự chi phối của luật tục. Các luật tục đó, các quy ước của làng bản đã và đang góp phần làm ổn định quan hệ, duy trì kỷ cương nếp sống trong cộng đồng và được các thành viên trong cộng đồng tự giác thực hiện từ bao đời nay. Rõ ràng, việc tôn trọng phong tục tập quán các dân tộc, việc nghiên cứu và sử dụng chúng một cách có hiệu quả, nhất là trong điều kiện dân trí còn thấp và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, sẽ có tác dụng tích cực đối với việc quản lý cộng đồng cư dân hiện nay.