5. Đóng góp của đề tài
3.1.2. Trang phục
Trang phục là một hiện tượng lịch sử. Nó phản ánh điều kiện sản xuất, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc và những tác động của môi trường sinh sống, sự trao đổi, tiếp thu các yếu tố trong khu vực lịch sử- văn hóa. Trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc, nhân dân ta phải tiến hành lao động sản xuất, kiếm sống trong những điều kiện môi trường tự nhiên vừa thuận lợi, ưu đãi, vừa khắc nghiệt. Con người không chỉ trèo núi hay ra biển để săn bắt, hái lượm các “ơn huệ ” của núi, của biển mà còn đối với mưa bão, lũ lụt….Điều đó đã được phản ánh trong truyền thuyết lịch sử “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Với sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp lúa nước, con người phải vận lộn với bùn nước, khai phá đầm lầy, quai đê lấn biển để mở mang đồng ruộng.
Cư dân Tày-Nùng ở Định Hóa sống ở khu vực nhiệt đới, mưa nhiều, nắng nóng, gió mùa ẩm ướt, lại phải tiến hành hoạt động kinh tế trong những điều kiện nói trên, quần áo cổ xưa nhất, thích hợp nhất khi đó của nhân dân ta là chiếc khố và váy. Vật liệu để làm khố hay váy là vải thô bằng sợi bông, đay, gai và nhiều sợi thực vật khác. Điều đó được khẳng định trong các thư tịch, trong tài liệu khảo cổ và dân tộc học ở Việt Nam và khu vực. Như vậy “Rừng vàng” không chỉ cung cấp nguồn thức ăn, vật liệu làm nhà, mà còn
cung cấp cho con người cả cái mặc: da thú, vỏ vây, tơ chuối…Cùng với sự tiến bộ của sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, trang phục của cư dân ngày dần chuyển biến. Với đặc trưng đàn ông dùng khố và đàn bà dùng váy là một trong những yếu tố trang phục nổi lên trong thời kì này không chỉ đối với bộ tộc Lạc Việt. Ấn tượng về một thời kì dùng khố với tư cách là cái quần còn phảng phất trong tâm trí của nhân dân ta ngày nay. Chiếc váy đầu tiên của người Tày rất có thể là loại váy chưa khâu hay còn gọi là váy cuốn. Bởi nó đơn giản, nó là tấm vải hình chữ nhật dài tới đầu gối hay mắt cá chân, quấn quanh nửa người phía dưới, hai đầu vải được thút chặt lại bên sườn hoặc được gữi chặt ở vùng thắt lưng. Trong khi váy cuốn còn tồn tại ở một số dân tộc và một số vùng dân cư thì váy khâu ra đời và được sử dụng rộng rãi. Khảo cổ học ở nước ta và vùng lân cận đã phát hiện nhiều kim khâu bằng xương trong các di chỉ khảo cổ đồ đồng thau. Người Tày mặc váy khâu chắc chắn đã có từ lâu. Cùng với khố và váy, áo đã ra đời đánh dấu bước phát triển quan trọng về trang phục. Với cư dân nơi đây áo là nơi chứa đựng linh hồn sống của con người. Mỗi khi đau ốm, áo người ốm được đem cúng hoặc bói. Ngày nay trẻ sơ sinh chưa có quần thì đã có áo. Từ xưa khi chiếc áo ra đời đã được cư dân hết sức coi trọng, quý giá. Trong tình yêu lứa đôi, áo là kỉ vật thiêng liêng:
“Chàng về để áo lại đây
Phòng khi em đắp gió tây lạnh lùng” (Ca dao) hay:
“Yêu nhau cởi áo cho nhau Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay” hay :
“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà”
(Ca dao) [3, tr.124]
Áo cánh xẻ nách dài đến thắt lưng, màu trắng của nam, nữ Tày từ xa xưa đã nổi lên là đặc trưng của một dân tộc, để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các dân tộc khác. Phụ nữ Tày thường mặc áo cánh trắng như thứ đồ lót bên trong chiếc áo chàm dài làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ. Chiếc áo cánh trắng đó không chỉ ỏ người Tày, mà còn xuất hiện ở người Thái.
+ Y phục nữ giới: Gồm có khăn, áo, quần, váy, tạp dề, đệm vải, xà cạp. Áo của phụ nữ Tày, Nùng thường ngày là áo năm thân, cổ đứng, xẻ tà, cài cúc bên nách phải. Đặc điểm áo nữ là rộng, được cắt may bằng vải bông tự dệt nhuộm chàm, thân áo rất rộng, thoải mái trong mọi tư thế cử động. Áo của phụ nữ Tày ống tay hẹp, dài qua bắp chân, trước bên trong chiếc áo dài còn mặc thêm một chiếc áo màu trắng nên còn được người địa phương gọi là “Cần Slửa khao” tức là người áo trắng. Còn áo của phụ nữ Nùng thì ống tay rộng hơn, dài chấm mông hoặc quá mông, mầu áo đậm hơn, nên còn được mệnh danh là “Cần Slửa đăm” tức là người áo đen.
Quần của phụ nữ thường cắt theo chân què, cạp lá tọa, ống rộng, cách cắt này có ưu điểm là phần trên của quần trông không thấy rộng, nhưng độ mở của đũng lại rất rộng, tạo thế thoải mái cho mọi người sử dụng khi đi lại leo dốc, trèo cây.
Dây thắt lưng được làm bằng dải vải sợi bông hoặc tơ tằm, dài khoảng 2m. Tùy từng nhóm, từng tộc người mà màu sắc, hoa văn trang trí trên thắt lưng có khác nhau: có thể là chiếc thắt lưng màu chàm, dây lưng dệt bằng sợi bông trắng ở giữa hai đầu nhuộm chàm màu xanh, khi thắt để mối buộc phía
sau lưng. Chiếc khăn đội đầu có nhiều kiểu khác nhau song có ba kiểu phổ biến: khăn vuông được đội và chít “mỏ quạ”, có thể là chiếc khăn đốm trắng để phần đuôi khăn buông tự do trên bả vai. Kiểu khăn xếp quấn quanh đầu và có những sọc thẳng xuống. Bà con thường đội khăn hàng ngày đi làm ruộng, làm nương, đi chơi, đi chợ. Đặc biệt trong các ngày lễ hội bà con thường ăn mặc rất đẹp, sử dụng nhiều đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, xà xích, dây chuyền.
Nhìn chung, trang phục của cư dân Nùng ở Định Hóa có những điểm thống nhất. Tuy nhiên bên cạch các yếu tố chung vẫn có yếu tố khác biệt giữa các nhóm Nùng và nhóm Ma; sự khác biệt rõ rệt nhất về màu sắc, hoa văn trang trí, kích thước và kiểu dáng trang phục….như nữ phục Nùng Giang có màu xanh nhạt, Nùng Dín màu xanh thẫm, trong trang phục của họ độc đáo hơn cả là chiếc váy xếp nhiều ly.
+ Y phục nam giới: thường ngắn và đẹp hơn, áo nam là chiếc áo tứ thân dài
ngang mông, chiều rộng bó sát thân, tay áo rộng, cổ đứng, áo sẻ ngực cài bằng 7 cúc vải, phía trước hai vạt áo được khâu 4 túi. Quần nam giới cũng được cắt, khâu theo kiểu lá tọa, chân què. Khi đi lao động thường đeo thêm
tấm đệm vai “vì cùn” để khi mang vác nặng đỡ hại áo.
+ Y phục trẻ em: về cơ bản trẻ em thường ăn mặc giống người lớn. Khi mới
lọt lòng, trẻ được đội thêm một chiếc mũ, mũ cũng được làm khác nhau để phân biệt bé trai và bé gái. Mũ bé gái thường có đai được ghép bằng những miếng vải màu xanh, đỏ, vàng tạo thành những sọc thẳng đứng sặc sỡ. Thân mũ là những chiếc vải chàm tam giác ghép lại, phần chỏm là hai quả bông. Mũ bé trai phần đai là vải chàm, phần thân được ghép bằng 4-6 miếng vải
màu xanh, vàng, đỏ…hình tam giác, trên đỉnh gắn 1 quả tròn bằng vải “phau”
+ Y phục ngày cưới: nhìn chung cư dân nơi đây không có kiểu y phục dùng trong ngày cưới riêng. Chỉ khác là trong ngày cưới, cô dâu chú rể ăn mặc bộ quần áo mới, cắt may bằng loại vải tốt hơn, đẹp hơn. Chiếc áo cưới của phụ nữ được trang trí bằng miếng vải công nghiệp láng đen ghép chéo thêm vào thân trước bên phải và cổ tay áo. Ngày cưới cô dâu không đeo thắt lưng, còn chú rể cầm ô đen, đi giầy vải, áo chú rể được trang trí thêm hai quả chỉ màu ở hai bên xẻ nách.
Nhìn chung về trang phục của các dân tộc đã dần tiến theo xu thế hòa hợp, chủ yếu là xu hướng phát triển trong cách ăn mặc của người Việt. Hay nói cách khác là phổ thông hóa, hiện đại hóa, với nhiều kiểu mốt quần áo ở trong và ngoài nước. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, trang phục của đồng bào châu Định cũng có sự biến đổi. Trước hết, đó là sự biến đổi về chất liệu vải, đồng bào đã sử dụng vải công nghiệp để may quần, áo, dùng vải hoa để may ghép vào với các bộ phận của trang phục. Ở khu vực thị trấn hoặc khu gần đường giao thông, phần lớn nam nữ thanh niên nơi đây đã ăn mặc theo kiểu người kinh; áo sơ mi, quần âu. Ở vùng sâu, vùng xa đồng bào còn mặc những bộ trang phục truyền thống của tộc người mình, nhất là các cụ cao tuổi.