Ngôn ngữ

Một phần của tài liệu yếu tố phân tâm học trong thơ mới giai đoạn 1932-1945 (Trang 74 - 79)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.1.Ngôn ngữ

M.Gorki đã từng khẳng định: “Ngôn ngữ là yếu tố bậc nhất của văn học”. Ngôn ngữ chính là chất liệu, là cái cấu tạo, đồng thời là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Hơn nữa, nó chính là hình tượng, là biểu hiện trực tiếp của tư duy. Riêng Maiakovski và Kavaranalx còn cho rằng: “ngôn ngữ là tướng của đạo quân sức mạnh của con người”, “từ ngữ là hiệp sĩ của đạo quân không thể thay thế được”.

Nhận thức được tầm vóc quan trọng đó của ngôn ngữ, sự thể hiện tâm thức Phân tâm học trong Thơ mới 1932 – 1945 được biểu hiện bởi ngôn ngữ hết sức đặc sắc. Khi viết về đề tài tình yêu thì đó là ngôn ngữ cơ thể, nhưng khi viết về giấc mơ, tâm linh, vô thức hay tiềm thức thì ngôn ngữ lúc này là thứ ngôn ngữ kì dị, đầy biến ảo và mông lung.

Martin Heidger đã nhận định: “Tác phẩm thơ không phải là cái gì khác ngoài sự tạo ra một ngôn ngữ mới”, và Bích Khê có lẽ là người đầu tiên tự hào về điều này: “Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới/ Của lời thơ long đẹp hạt châ trong/ Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng/ Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng” (Duy tân).

Thơ Bích Khê là thơ của âm thanh và màu sắc.Thi nhân bắt âm thanh liên kết lại theo những quy luật ngữ âm nhất định để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình. Với Bích Khê, vỏ âm thanh của ngôn ngữ có khả năng mã hóa cuộc sống, thậm chí xây dựng được hình tượng cuộc sống bằng chất liệu âm thanh. Thi nhân ý thức khai thác triệt để tất cả các quy luật ngữ âm của ngôn ngữ. Đó là nét độc đáo trong thủ pháp nghệ thuật của Bích Khê và làm nên phong cách nghệ thuật của thi nhân. Lối thơ bình thanh của Bích Khê là một sự cách tân thể loại thơ ca truyền thống. những niêm luật cũ bị phá vỡ bởi thế đối lập thanh điệu: cao - thấp, bằng – trắc. Đây là bước khám phá âm thanh độc đáo giúp thi nhân thâm nhập sâu vào đối tượng thẩm mỹ, lắng nghe được tiếng thì thầm của lòng mình, sinh khí êm đềm của ngoại giới. Với thơ bình thanh, Bích Khê đã khẳng định được sức mạnh kỳ diệu của vỏ âm thanh ngôn ngữ - cái mà người ta thường nói qua loa, thậm chí không để ý đến. Ngoài những bài thơ bình thanh, Bích Khê còn sáng tác những bài thơ chủ yếu bình thanh, thỉnh thoảng có vài tiếng trắc điểm xuyết: “Ô! nắng vàng thơm… rung rinh điệu ngọc,/ Những cánh hồng đơm, - những cánh hồng đơm/ Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương;/ Màu trăng không gian như gờn gợn sóng.” (Nhạc). Những âm trắc đó là những âm thanh nghịch biến, gây nhiều khoái cảm nghệ thuật. Sự tương phản âm thanh tạo nên những

ấn tượng thính giác hướng người đọc vào đối tượng thẩm mỹ, tạo nên hiệu quả cao trong lưu giữ và truyền đạt.

Tuy không phải tất cả các bài, các câu thơ của Bích Khê đều có cùng một đặc điểm, nhưng nhìn toàn cục, xét trên trục lựa chọn và trục kết hợp, có thể nói về mặt từ vựng, cũng như ngữ pháp, Bích Khê đã xây dựng được một hệ định danh và thông báo có tính chất trừu tượng và siêu thực, trong đó đáng chú ý là lớp từ vựng ca ngợi cái đẹp thông qua mộng tưởng: “Nhạc khiêu vũ đâu đây lan sóng múa/ Tôi tưởng chừng da thịt biến ra thơm/ Những đầu lâu rã hết khí xanh rờn/ Những xiêm áo bay rờn trong cảnh mộng/ Cả địa ngục đi vào trăm lỗ hổng/ Bắn tinh ra trộn trạo giữa nguồn hương” (Châu III). Thông

qua cách cảm nhận hiện thực bằng nhãn quan cách tân, nhà thơ đã hình thành nên cách tri nhận trừu tượng. Chính đặc điểm này làm cho thơ Bích Khê khó đọc, mỗi bài thơ là một bức tranh siêu thực mà các con chữ bí mật chứa ngầm hơi chất nổ: “Ôi đẹp thương đau sáng thướt tha/ Hồn ơi cặp mắt nở muôn hoa/ Hồn ơi cặp mắt say thơ mộng/ Dần biến ra Châu trắng mịn mà” (Châu III).

“Thơ Bích Khê đọc đôi ba lần cũng như chưa đọc”. Bởi lẽ, đó là một thế giới huyền diệu vừa xa lạ vừa kỳ bí. Khảo sát câu thơ Bích Khê, giúp chúng ta tìm ra chiếc gậy thần chỉ đá hóa vàng, mở được cánh cửa bí mật của “Viện cổ Đông phương”, và có thể cùng với thi nhân bay vào thế giới huyền diệu đó.

Bên cạnh Bích Khê, Hàn Mặc Tử cũng là một nhà thơ có hệ thống ngôn ngữ hết sức đặc biệt trong Thơ mới, đó là một ngôn ngữ thơ dị biệt nhưng mang đầy sự linh thị của sắc màu. Đó là một màu vàng luôn đính kèm trong thơ của thi sĩ, đó là màu của không gian ân ái, của thân thể ngọc ngà người thiếu nữ, vơi snhững xúc cảm mãnh liệt tột cùng… Thảng hoặc, ta thấy một màu bang bạc của “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”, của màu trăng vàng bị bọc trong áo ngủ quên, hay tiếng vàng rơi, nắng vàng con mắt… Tất cả điều đó mang lại một không gian với những xúc cảm vượt thời gian, hay nói cách khác, đó chính là màu của hoài niệm: “Em cố nghĩ ra một chiều vàng úa/ Lá trên cành héo hắt, gió ngừng ru” (Trường tương tư), hoặc mang đầy nhục cảm

với những khát khao nhục thể: “Em tôi thì hổn hển/ Áo xiêm lấm tấm vàng” (Sáng trăng).

Cũng có thể nói rằng, cả Hàn Mặc Tử và Đinh Hùng đều gặp nhau ở một kiểu sáng tạo thú vị, đó là cùng nhau thực hiện “trò chơi ngôn từ”, tức là sử dụng những đặc trưng ngôn ngữ để làm nảy sinh những hiệu quả đặc biệt về ngôn ngữ và ý thơ, và khi người đọc đối diện với thứ ngôn ngữ này sẽ nảy sinh một thứ siêu cảm giác về thế giới tự nhiên và cuộc sống xã hội con người: “Ta khạc hồn ra ngoài của miệng/ Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi/ Ở trên kia có một người/ Ngồi bên sông giặt lụa chơi/ Nước hoá thành trăng trăng hoá nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm” (Say trăng – Hàn Mặc Tử), “Lời nói im đi ta nằm chờ siêu thoát/ Mơ hoàng thành dựng lại bản thanh âm/ Mười ngón tay nhung mở cửa để cầm/ Ôi kiến trúc chiêm bao thần bí/ Ta lạc hồn giữa lâu đài kỳ dị/ Suốt muôn đời không hiểu dãy hành lang” (Mê hồn ca

– Đinh Hùng).

Bàn về kỹ thuật vận dụng ngôn từ hình ảnh, có người đã cho rằng Đinh Hùng là một “phù thủy ngôn ngữ” – vì sự khéo lựa chọn những ngôn từ, ảnh hình, âm điệu. Ðọc những câu thơ như: “Rồi những đêm sâu bỗng hiện về/ Vượn lâm tuyền khóc rộn sương khuya/ Ðâu đây u uất hồn sơ cổ/ Từng bóng ma rừng theo bước đi...” (Những hướng sao rơi). Chúng ta sẽ thấy rằng ngôn ngữ có hơi quen thuộc đến có thể hơi sáo mòn. Nhưng kỳ lạ, có sức lôi kéo của những ý tưởng nảy từ bùa chú linh thiêng. Con đường đi, chập chùng thực mộng. Trí tưởng bỗng man mác, mênh mông...: “Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ/ Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối/ Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối/ Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng...” (Bài ca man rợ).

Một vấn đề nữa là những thi phẩm Đinh Hùng không có khớp xương, mà ngay ngôn ngữ ông dùng cũng là một hủy thể. Theo văn phạm Âu Tây, ngày nay ta phân biệt các danh từ, động từ, v. v… mà ngày xưa các cụ tóm lược thành ba loại: thực từ, bán thực từ và hư từ. Đinh Hùng ảo hoá ngôn ngữ – một trong những cách ảo hoá thực tại nói ở đoạn trên – bằng cách biến thực từ thành bán thực từ, biến chất đặc của danh từ thành chất lỏng của động từ hay

chất hơi của tĩnh từ: “Giữa đêm lòng bỗng hoang vu/ Gối chăn nghe cũng tình cờ quan san/ Bước thu chừng sớm lìa ngàn/ Nhớ dây nguyệt lạnh cung đàn thương hoa/ Em về tóc rũ mưa sa/ Năm canh chuốt ngón tỳ bà khói hương” (Đường vào tình sử).

Bên cạnh đó, có thể nói rằng: thi giới Đinh Hùng là một hư cấu biệt lập sáng tạo bằng ngôn ngữ chuyển động bằng nhiệt lượng linh thị của nhà thơ. Thế giới đó huyền giải, tất cả dị biệt và mâu thuẫn thường có thực tại, giữa hữu thể và vô thể, giữa tiểu ngã và vô ngã; thế giới đó có những đặc tính là một vũ trụ mở và đầy, mở để đón tôi, đầy để tôi tiếp xúc. Trong thế giới thân mật vì lỏng lẻo đó, tình yêu đạt tới cường độ mãnh liệt nhất, vì không có mâu thuẫn, không có ngăn trở; người yêu không phải là một khách thể chủ động, mà chỉ là một chủ thể phân tán trong không gian. Muốn dựng nên không gian đó, Đinh Hùng đã sử dụng một phương pháp tạo hình tu từ độc đáo: “Thương Nước vô danh, người mộng ảo”. Một câu trong Mê Hồn Ca tóm tắt đầy đủ những đặc tính trong thi giới Đinh Hùng.

Hệ thống ngôn từ của Xuân Diệu có những cải cách quan trọng, song không hề đoạn tuyệt với truyền thống. Trong thơ ông, hệ thống này vẫn tồn tại song đã đổi mới cách dùng. Ngay trong không khí lặng lẽ kín đáo, trang nghiêm của Đường thi đã có cái băn khoăn, rạo rực khó nói của cái tôi tiểu tư sản thời đại mới. Ngôn ngữ thơ Xuân Diệu đặc biệt tinh tế, cảm tưởng như sắc thái khách quan của cảnh vật mờ đi nhường chỗ cho sắc thái cảm xúc, không tả cảnh mà tả tình của cảnh vật, đi vào tận đáy sâu sự vật và làm nó hiện lên một cách đầy quyến rũ. Thơ Xuân Diệu tuy ảnh hưởng rất đậm thơ ca phương Tây nhưng dấu vết truyền thống thì vẫn không nhạt nhòa, nhiều khi hòa lẫn với ảnh hưởng thơ tượng trưng để làm thành những hình tượng thơ thật huyền ảo: “Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương nhớ hỡi trăng ngần/ Đàn buồn đàn lạnh ôi đàn chậm/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân” (Nguyệt cầm).

Trái ngược với một hồn thơ cách tân và đến gần với ngôn từ hiện đại như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương lại là một thi sĩ ham mê cái hồn cốt xưa

cổ trong thi ca. Đến giai đoạn cuối, trong Chợ chiều của Vũ Hoàng Chương vẫn có nhiều chữ cổ: “Nắng phai để mộng tàn lây/ Tình đi cho gió sương đầy quán không/ Chợ tan ngàn nẻo cô phòng / Sầu dâng bàng bạc cánh đồng tịch liêu / Hồn đơn lắng bước chân chiều/ Đâu đây nỗi nhớ niềm yêu bời bời/ Mong manh tình đã rụng rời/ Tơ vương còn thắt tim người chia ly…”. Những câu chữ đó đem lại hiệu quả thẩm mỹ rõ rệt, đồng thời thể hiện cái buồn man mác, ẩn chứa nhiều tâm sự. Nhiều nhan đề bài thơ của Vũ Hoàng Chương gợi điển tích cổ, không khí cổ: Nhắn về thiên cổ, Đào nguyên lạc

lối, Em là công chúa…

Như vậy, ngôn ngữ trong tác phẩm văn học không thuần tuý chỉ là hình thức, mà bởi ngay chính trong “cái hữu hạn của từng từ, từng chữ mà chứa đựng cái vô hạn về ý nghĩa” [43, tr.71].

Một phần của tài liệu yếu tố phân tâm học trong thơ mới giai đoạn 1932-1945 (Trang 74 - 79)