6. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Thời gian tâm lý
Trong Triết học, người ta xem thời gian là phương thức tồn tại của vật chất. Đó là hình thức tồn tại có tính liên tục, có độ dài, có chiều hướng, có nhịp độ, với ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai và tính chất không thể đảo ngược. Chính vì vậy mà không một vật chất nào có thể tồn tại ngoài thời gian và mọi dạng tồn tại của vật chất đều có thời gian của riêng mình. Tâm lý của con người cũng là một dạng tồn tại “đặc thù”, tuy phụ thuộc nhiều vào chủ thể nhưng cũng dựa vào yêú tố thời gian mà nó được thăng hoa.Thời gian tâm lý vì thế là một sáng tạo khách quan của bản thân cá nhân. Là thứ thời gian mà ta có thể chiêm nghiệm được trong tác phẩm thông qua diễn biến tâm lý với các chiều khác nhau của nhân vật trữ tình.
Trong thế giới thơ Hàn Mặc Tử, thời gian luôn bị chi phối bởi nỗi đau cùng bi kịch của thân phận. Đó là thời gian của quá khứ với nhiều đau khổ trong tình yêu: “Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu,/ Những áng mây lam
cuốn dập dịu/ Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả/ Những niềm run rẩy của đêm yêu” (Lưu luyến).
Thời gian trong thơ do được sáng tạo ra nên mang tính chủ quan và gắn với tâm lý nên nó có thể kéo dài hay rút ngắn so với thời gian thực tế. Với Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu, thời gian có thật cho một đời người quả thật là quá ít, quá mỏng. Thi nhân phải sống thôi thúc, hối hả, sớm nhận ra chính mình, tìm về cõi thực của mình.
Bởi vậy trong thơ Hàn xuất hiện yếu tố “kịp” hay không kịp. Hai mươi mấy năm sống ngắn ngủi trên trần thế của thi nhân, thì thời gian tính bằng đơn vị đo tầm thường đều trở nên vô nghĩa. Bởi con người bi kịch ấy vẫn luôn thấp thỏm: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở tẳng về kịp tối nay” (Đây thôn Vĩ Dạ), hoặc chiều hướng quyết liệt hơn “Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé/ Xin đừng luân chuyển để thời gian/ Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu/ Vẫn giữ một màu tươi mỹ nhân” (Thời gian), thậm chí “Tôi riết thời gian trong nắm tay/ Tôi vo tiếc mến như vo lụa” (Chơi trên trăng)… Nhưng sự thiết tha quyết liệt ấy nào đâu vượt qua được nỗi khắc khoải sinh mệnh: “Xuân đi đi khắp sơn hà/ Tuổi xuân chất mãi tóc da đổi màu” (Sầu xuân). Từ nỗi tuyệt vọng, mông lung ấy, thi nhân trở về với nỗi đau hiện tại, cảm nhận được mối hận tình đã “chết từ muôn trăng thế kỷ” (Phan Thiết! Phan Thiết!), và từ đây con người ấy ý thức được sự lung lay của thân mệnh trước ngọn gió lạnh lẽo của tử thần: “Ta trút linh hồn giữa lúc đây/ Gió sầu vô hạn nuối trong cây…” (Trút linh hồn).
Còn ở Xuân Diệu, thời gian là thời gian tuyến tính, nỗi sợ thời gian trôi chảy ấy đã chi phối mọi xúc cảm trước cuộc đời của nhà thơ. Cuộc đời với Xuân Diệu là một niềm khát khao, với đầy mật ngọt và đẹp đẽ. Thế nên xuất phát từ ý thức về sự hữu hạn của đời người trước thời gian một đi không trở lại, thi sĩ thấy nuối tiếc cuộc đời và tuổi trẻ sẽ cứ thế qua đi: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật (…) Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa;/ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần;/ Xuân đương tới nghãi là xuân đương qua,/ Xuân còn non nghãi là xuân sẽ già,/ Mà xuân hết, nghãi là tôi cũng
mất. (…) Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,/ Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi (…) Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,” (Vội vàng). Bởi thế cho nên Xuân Diệu muốn thật sống mãnh liệt, sống hết mình để chạy thi với thời gian: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Giục giã), hay lời
kêu gọi “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ” như thúc giục con người sống sao cho có ý nghĩa với cuộc đời.
Lòng yêu đời, ham sống đến mức cho dù có nói đến hư vô, không tồn tại, nói đến cái chết thì cuối cùng cũng chỉ là một cách khẳng định sức hút diệu kì của cuộc sống trần thế và sự bất tử của lòng người: “Dù thể phách đã hòa vào đất/ Nhưng linh hồn còn luyến ở không gian”.
Thời gian trong thơ Vũ Hoàng Chương cũng bị chi phối mạnh mẽ theo diễn biến tâm lý của thi nhân. Thường là rơi vào buổi đêm, khi người thơ đối diện với chính mình, hoặc thời gian có thể không phân biệt ngày đêm: “Em đã nao lòng em mê man/ Đuôi mắt đầu môi tình chứa chan/ Đêm thường mơ đêm ngày đợi ngày/ Nhưng không hề nói cho nhau hay (…) Nhưng ngày theo ngày đêm sang đêm/ Tháng năm dìu dịu trôi mơ màng/ Tơ buộc sát hơn và liền thêm/ Khăng khít ai chia chàng với nàng?” (Yêu mà chẳng biết), hoặc mấy mươi năm đôi khi cũng chỉ dài như thoáng chốc: “Tình thu dài mãi chút
dư vang” (Buồn đêm đông). Thời gian bị chi phối mạnh mẽ bởi tâm trạng yêu của nhân vật, dài khi chờ đợi nhớ nhung, ngắn ngủi khi trở thành kỷ niệm: “Hỡi năm tháng, hãy đưa đường giấc điệp!/ Yêu mê thế! Để mang sầu trọn kiếp!/ Tình mười năm còn lại chút này đây. (…) Đêm nay đây hồn xế nẻo thu tàn/ Khóc chia lìa ai níu gọi than van?/ Ta chỉ biết nằm nghe tình hấp hối (…) Thôi rồi, đây: chiều xuống giấc mơ xưa./ Lá lá rơi, nằm bệnh mấy tuần thưa./ Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ (…) Đây mưa bay mờ chậm bước đêm dài,/ Đêm bất tận, đêm liền đêm kế tiếp” (Lá thư ngày trước). Thời gian đôi khi còn vô cùng tàn nhẫn, xoá nhoà đi mọi kỷ niệm yêu thương: “Nét thuý phai vàng, rêu biếc ngõ;/ Trăng mười năm nhạt dáng hoa lê.” (Trăng cũ).
Bích Khê và Vũ Hoàng Chương thì lại gặp nhau ở những điểm nút của thời gian. Đêm thì sẽ là “đêm huyền”, nếu là mùa thu thì sẽ là “cuối thu”. Đó là những khoảng thời gian gợi sự tĩnh mịch, buồn man mác bao phủ bởi sự dày đặc của bóng tối và “ứ nặng tình thu”. “Trời cuối thu rồi - em ở đâu?/ Nằm bên đất lạnh chắc em sầu? (…) Xôn xao đêm huyền/ Ta đi, lạc xứ thần tiên” (Gửi người dưới mộ - Vũ Hoàng Chương), “Đêm nay hồn lặng làm sao/ Cánh thu ôm cả chiêm bao vào lòng (…) Trời lam ứ đặc tình thu/ Ô kìa, mây bạc nặng lùa về tây” (Cuối thu – Bích Khê).
Đối với Bích Khê, thời gian không tuân theo dòng chảy luân hồi nữa, mà được “điều khiển” bằng tâm thức con người. Quá khứ và hiện tại có thể đảo vị trí cho nhau. Thời gian có thể được bao gọn chỉ trong một khắc, có thể đứng lại khi có nàng, và khi nghĩ về hình bóng giai nhân: “Cả thờ gian dồn lại ở bàn tay/ Hồn hoa men ôm cả trí đêm nay” (Nàng bước tới), “Đêm nay nàng khóc bao nhiêu lệ…/ Đêm nay nàng uống bao nhiêu mộng…/ Đêm nay nàng chết trong tim phổi” (Phương Thảo).
Ở Đinh Hùng cũng có những cảm thức thời gian, tiếc nuối đến mức thảng thốt về sự vần xoay hết sức tàn nhẫn đó. Tuy nhiên không như Xuân Diệu vội vàng tìm cách để chống lại cái quy luật tàn ác đó, Đinh Hùng bất lực ôm ghì lấy thanh sắc, và trân trọng trong đầy nuối tiếc: “Ta nhìn theo hình bóng những năm tàn,/ Tay sảng sốt vội ôm ghì xuân sắc” (Hương trinh bạch).
Thời gian trong Thơ mới bị chi phối ít nhiều bởi Phân tâm học và trở thành thời gian tâm lý của nhân vật trữ tình và mang tới một khía cạnh khác. Ta thường hay bắt gặp trong thơ thời gian đêm, thời gian man mác của mùa thu, với những thảng thốt đầy tiếc nuối. Ở thời gian ngày và đêm, quá khứa và hiện tại, vô thức và ý thức, các thi sĩ nói lên được những dằn vặt, trăn trở hay là những xúc cảm không thể thiếu trong đời sống con người