0
Tải bản đầy đủ (.doc) (90 trang)

Những giấc mơ ám ảnh

Một phần của tài liệu YẾU TỐ PHÂN TÂM HỌC TRONG THƠ MỚI GIAI ĐOẠN 1932-1945 (Trang 45 -50 )

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Những giấc mơ ám ảnh

Trong thực tiễn của việc sáng tạo văn chương nói chung, Thơ mới nói riêng là sự xâm nhập, đào sâu vào thế giới nội tâm, vô thức, tiềm thức, khám phá những bí ẩn thẳm sâu trong bản chất đời sống tâm linh của con người. Thông qua những chiêm mộng, mơ tưởng..., ta có thể phát hiện những tầng sâu vô thức của người nghệ sĩ. Chính vì vậy, tiếp cận Thơ mới từ những giấc mơ, chỉ ra chúng dưới những cất giấu tài tình của người nghệ sĩ như một trung tâm sáng tạo nghệ thuật là một lối tiếp cận nhằm cắt nghĩa, lý giải có chiều sâu về sáng tác của người nghệ sĩ.

Theo S. Freud, tác phẩm văn học là một giấc mơ, một trò chơi, người nghệ sĩ kiến tạo một thế giới trong tưởng tượng, khác với hiện thực, mang tính ảo, người đọc tác phẩm tức đã tham gia vào cuộc chơi do người nghệ sĩ tạo ra, chấp nhận tính ảo của nó. Giấc mơ, theo Freud, là “niềm khao khát bị kẹt cứng trong cơ thể... chằng chịt với nhau và tụ lại trong vô thức... phải chăng tâm hồn đã nở bung nếu giấc mơ ban đêm không tạo một lối ra cho những dục vọng, ẩn ức”. Sự ám ảnh của những giấc mơ ưởng chừng như không có ý nghĩa gì quá lớn, không có giá trị gì đối với cá nhân người bị ám ảnh “nhưng luôn luôn là một hoạt động tri thức làm suy sụp người bệnh” [11, tr.287].

Cõi nhân sinh luôn mang đầy cám dỗ đối với tâm hồn mơ mộng của Hàn Mặc Tử. Thế nhưng càng khát khao hoà mình vào thế gian tươi đẹp ấy bao nhiêu thân Hàn lại càng cảm thấy mình bị chối từ bấy nhiêu, để rồi dần dần thi nhân lại càng chìm sâu vào cái khoảng không vô tận của một tâm thức bị ám ảnh bởi nỗi cô đơn. Thế giới đau thương là một thế giới ngập đầy mộng ảo, không còn phân biệt được sự thực và chiêm bao. Tại đây, hiện thực đã nhường chỗ cho siêu thực; kinh nghiệm đã chuyển hoá thành siêu nghiệm. Hàn Mặc Tử với cái sinh lực tâm thần ấy luôn khao khát được sẻ chia, được giao cảm với cuộc sống nhưng bi kịch của những bậc kỳ tài là cái sinh lực ấy luôn tỷ lệ nghịch với sự đồng vọng, tri âm: “Ngủ một mình là chăn chiếu phải

so le/ Khóc một chắc có ai vô mà biết” (Dấu tích), “Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy/ Cho nên chăn chiếu vẫn so le” (Thao thức), hay “Mây vẽ hằng hà sa số lệ,/ Là nguồn ly biệt giữa cô đơn (…) Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ,/ Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ” (Cuối thu), hoặc thậm chí: “Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng/ Một vũng cô liêu cũ vạn đời” (Cô liêu).

Bênh tật không phải là yếu tố duy nhất quy định trạng huống này ở Hàn Mặc Tử nhưng lại là yếu tố tiên quyết dẫn lối vào tận cùng của nỗi ám ảnh cô đơn. Làm ông trở nên tuyệt vọng và điên cuồng: “Anh nuốt từng hàng chữ/ Anh cắn vỡ lời thơ/ Anh cắn cắn cắn cắn/ Hơi thở đứt làm tư” (Anh điên).Và để rồi khi đột ngột đối diện với cái chết của mình, người thi nhân hoẳng loạn đến tột cùng làm nên một kiểu ám ảnh, ám ảnh cái chết: “Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền./ Bây giờ tôi dại tôi điên” (Một miệng trăng).

Cũng là nỗi ám ảnh về cái chết, nhưng ở Bích Khê đau khổ và cái chết không hề mang màu sắc tuyệt vọng. Nó không mang dấu ấn đứt gãy, đau thương mà mang đậm màu sắc “thuần túy và tượng trưng”: “Mộng qua, bắt mộng đồ mi lờ đờ! (…) Rưng rưng yến sáng những gì chiêm bao!/ Thơ bay về tắm mát suối âm ty/ Xác tôi chết lạnh trôi đi/ Lấy ai siêu độ từ bi;/ Hồn xiêu hồn đến qui y bên nàng!/ (Thơ bay), “Đi vào cõi mê ly không bờ bến

(…) Anh đừng run! Đừng dại! cũng đừng điên!/ Lẹ làm sao! Địa ngục hiện ra liền,” (Một cõi trời), “Mình say chưa? Mình đã thật say nao?/ Có lảo đảo? có điên cuồng đấy chứ?/ (Ôi! Say khướt mới dào tuôn ý tứ;/ Ôi! Điên rồ mới ngợp ánh chiêm bao;/ Ôi! Dâm cuồng mới biết giá trăng sao)/ -Yêu bằng mộng là mơ tim sáng láng;/ - Đây thực sự trần truồng nằm giữa háng!” (Trái tim).

Nếu cõi mộng của Hàn Mặc Tử là nỗi cô đơn đến điên cuồng thì cõi mộng của Bích Khê là cõi tiên đầy âm nhạc, thi ca, màu sắc, hương thơm và giao tiếp thân thể. Trong Thơ Bích Khê có đến 71 lần thi nhân nhắc đến “mộng” và ba lần khẳng định “ngoài trời là mộng cả”. Cõi mộng ảo và chiêm bao ấy được hữu hình qua nhiều tên gọi: mộng tiên, mộng người, mộng vừng

hương… Mọi dấu vết của cuộc đời thực trong thơ Bích Khê đều hoá thành mộng ảo, chiêm bao. Mộng là một thực thể trong cõi tinh thần, có vận động, có cảm giác đồng thời là một thứ men nồng say đắm lòng người: “Mộng trắng phau phau, vót cung nga/ Xuân Hương! Người ngọc, máu say ngà! (…) Muôn dặm sông Ngân, con mộng lớn,/ Ô! Là đài điện ánh trân châu…” (Mộng), “Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi!/ Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộn (…) Cho tôi nàng! Cho tôi nàng! Tất cả/ Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao” (Tranh loã thể), “Mộng sao mộng lạ - trắng như ngà/ Giai nhân hiện dưới bóng hằng nga” (Mộng lạ).

Và khi lạc vào cõi mộng ấy thứ ám ảnh Bích Khê vẫn là biểu tượng của cơ thể và vẻ đẹp của người con gái, với những khát khao và khoái cảm về nhục thể, biến những giấc mộng của ông trở thành “mộng lạ”: “Hồn tôi mất cả đồng trinh/ A ha! Mê luyến những hình tiên nga?/ Bao giờ cho mộng nở hoa/ Bao giờ xuân chín nõn nà trên môi?” (Mơ tiên), “Ôi đi! Đoàn tiên lột khỏa thân/ Hoan hô xác thịt chiếm ngôi thần” (Mộng lạ).

Ta không chỉ bắt gặp sự ám ảnh về nỗi cô đơn ở Hàn Mặc Tử và Bích Khê, mà còn thấy rõ cả điều đó khi đọc thơ của Xuân Diệu. Có những lúc nhà thơ tự gọi mình là “chàng sầu”, có lúc ông lại hoá thân vào hình ảnh “con nai chiều”, “con chim không tổ”… như những tiểu vũ trụ đơn độc giữa đại vũ trụ “hoang liêu”: “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối” (Khi chiều giăng lưới). Và tột đỉnh của sự cô đơn là lúc tự mình phải đối diện với chính lòng mình: “Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn / Chớ để riêng em phải gặp lòng em”. Bên cạnh việc phản ánh thực trạng tinh thần xót đau, quằn quại, cái tâm thế cô đơn giữa cuộc đời, còn tồn tại một nỗi cô đơn trong tình yêu. Nhà thơ mong được yêu, sẵn sáng đón nhận tình yêu dù đôi khi đó chỉ là một tình yêu đơn phương, và chỉ đem đến cho ông một nỗi cô đơn đến tội nghiệp: “Tôi là một kẻ điên cuồng/ Yêu những ái tình ngây dại/ Tôi cứ bắt lòng tôi đau đớn mãi (…) Tôi là một kẻ bơ vơ/ Yêu những ái tình quạnh quẽ” (Thở than), “Tôi là một con chim không tổ,/ Lòng cô đơn

hơn một đứa mồ côi,/ Nhặt nụ cười của thiên hạ, than ôi,/ Để tự nhủ: ta được yêu đấy chứ” (Dối trá).

Là một con người khao khát yêu, tham lam và đắm mình trong tình yêu, thế nhưng ở Xuân Diệu luôn tồn tại một ám ảnh với nỗi sợ hãi tình yêu không trọn vẹn. Gần gũi đấy rồi lại xa xôi đấy, cô đơn rồi vẫn hoá cô đơn, trong thi sĩ luôn tồn tại một nỗi sợ mơ hồ, sợ tình yêu sẽ vuột khỏi tầm tay và dường như cô đơn đối với Xuân Diệu đã trở thành một nỗi ám ảnh: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu? (…) Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt” (Yêu), “Em xích gần thêm một chút: anh hờn/ Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa (…) Anh vui liền; nhưng bỗng lại buồn ngay/ Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm” (Xa cách), “Ôi ngắn ngủi là những giờ họp mặt!/ Ôi vội vàng là những phút trao yêu!/ Vừa nắng mai sao đa đến sương chiều?/ Em hờ hững, để cho lòng anh lạnh” (Kỷ niệm).

Cũng là một nỗi ám ảnh mang tên tình yêu, nhưng giấc mơ luôn ám ảnh Vũ Hoàng Chương là giấc mơ mang hình bóng người con gái ông yêu thương, về một cuộc tình không thành. Ám ảnh trong ông là đổ vỡ, cùng những vết loang và kỷ niệm xưa cũ nay đã không còn. Ông luôn trong tâm thức bơ vơ với quá khứ, hoặc chìm đắm vào mê hồn tiên cảnh: “Nét Thuý phai vàng rêu biếc ngõ;/ Trăng mười năm nhạt dáng hoa lê./ Chàng si! Thôi chớ làm duyên nữa!” (Trăng cũ), “Hồn lạnh tương tư nẻo gió vàng./ Hương cúc mong manh tà áo lụa./ Tình thu dài mãi chút dư vang (…) Rượu cũ hoàng hoa vị đắng rồi./ Men tàn thêm gợi nhớ xa xôi/ Hương say nhạt với màu thu úa./ Chén lẻ sầu dâng lạnh thấm môi./ Buồn đêm đông/ Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp,/ Tình mười năm còn lại mấy tờ thư! (…) Giấc cô miên rùng rợn nẻo hôn mê,/ Gió âm hưởng bay về quanh nệm gối (…) Ngón tay run ghì nét chữ phai nhoà,/ Hỡi năm tháng hãy đưa đường giấc điệp!/ Yêu mê thế để mang sầu trọn kiếp!/ Tình mười năm còn lại chút này đây.” (Lá thư ngày trước).

Vũ cho rằng, cuộc đời hiện hữu không phải là chỗ đứng của mình nên thay vì đối thoại với người sống, Vũ trò chuyện với những vóc dáng mơ hồ

chạy lởn vởn trong tiềm thức, hay ẩn hiện sau mỗi cơn say dài men khói: “Phấn vương đờn sáo khi tàn mộng/ Dìu dặt như còn vướng gốc mai./ Gối tuyết lạnh lùng thêm cợt nhắc/ Màu da ngà nõn cánh tay ai.” (Hận rừng mai).

Vũ cũng mang luôn niềm cô đơn giữa đời sống – một đời sống nô vong – đang đuổi theo sự an hưởng vật chất trước mặt, hay gục đầu trong vũng lầy hoàn cảnh. Vũ ngẩn ngơ giữa cõi đời với túi hành trang chất đầy hoài vọng lẫn bi thương. Nhìn lên vòm cao rồi cúi mặt xuống đất. Vũ không tìm thấy lối thoát ngoài thi ca. Vũ cô đơn, nên đành đốt tâm tư để mở một chiều riêng cho mình. Ấy đó, niềm cô đơn mà Vũ đã mang trọn kiếp người bật khóc trong thơ. Cho nên tồn tại trong Vũ là một nỗi ám ảnh hư thực lởn vởn bóng giai nhân, tiên giới có, âm ti có và đôi khi không rõ đó là thiên đàng hay địa ngục: “Nhìn quanh: chiều xám với tha ma!/ Vắng tanh! Ôi, chiều, nơi tha ma! (…) Lòng chơ vơ rung rợn nỗi kinh hoàng/ Lời cay đắng tưởng vô cùng bất tuyệt./ Ngậm ngùi thống thiết/ Rầu rĩ thê lương/ Tiếng nức nở trên vai nhường rỏ huyết” (Bạc tình), “Kìa một cõi trăm hình muôn vạn tiếng/ Đương dần phai dần hiện, tắt rồi vang/ Ta cố gọi những giác quan lười biếng/ Để ghi cho hậu thế phút mơ màng” (Chết nửa vời).

Ám ảnh trong thơ Đinh Hùng là một cõi siêu thực, cõi âm, hay cõi chết, nơi hồn ông được thoát xác, được tha hồ bay vào ảo ảnh hư vô. Nơi tâm hồn cô đơn lạc loài ở trần thế tha hồ đặt ra những câu hỏi mà trần gian không thể giải đáp được. Đinh Hùng đi vào thi ca với những ước mơ kỳ lạ và suy nghĩ về cõi vô thức mênh mông. Mang trong mình mặc cảm về nỗi bơ vơ lạc loài của kiếp người trói buộc vào áo cơm và trách nhiệm. Đinh Hùng làm thơ chẳng phải để tỏ bày tâm sự mà để xác định thái độ, một thái độ bi phẫn khi nhận thấy kích thước trần gian không phải nơi mình mơ ước. Cõi nhân gian mà Đinh Hùng vọng tưởng đã khuất lìa. Nó là tiếng nói hoang sơ của thời tiền sử. Đinh Hùng vào đời như đi trong ác mộng. Những hình dáng con người di động giữa kích thước thành phố đã làm người thơ phẫn nộ: “Miệng quát hỏi: có phải ngươi là bạn?/ Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản/ Mất tinh thần từ

những thuở xa xôi/ Ta về đây lạ hết các ngươi rồi/ Lạ tình cảm, lạ đời chung cách sống” (Bài ca man rợ).

Sự mãnh liệt trong cảm xúc của Đinh Hùng được đẩy cao lên khi đặt trong không gian của cái chết. Cuộc đời của ông bị ám ảnh bởi cái chết của những bậc tài nữ như chị gái và người yêu. Không chắc rằng khi còn sống những người đàn bà đẹp ấy có thể thỏa mãn được thẩm mỹ tuyệt đối của ông, nhưng rõ ràng rằng khi chỉ là bóng ma, họ mới có thể quay trở về trạng thái của Gái muôn đời: “Ta gởi bài thơ anh linh,/ Hỏi người trong mộ có rùng mình?/ Nắm xương khô lạnh còn ân ái?/ Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình”.

Một ám ảnh nữa thường gặp trong thơ Đinh Hùng chính là ngày tận thế. Khi đối mặt với ngày cuối cùng, có lẽ con người sẽ mạnh dạn hơn bóc đi những lớp mặt nạ được tô trát suốt biết bao nhiêu kiếp. Có lẽ bởi vậy mà ông luôn mơ đến sự giao hòa của “anh” và “em” trong một ngày tận thế, cái ngày mà Trái Đất này tan biến vào hư không: “Anh sẽ tìm em chiều nào tận thế/ Khi những sầu thương cất cánh xa bay/ Khi những giận hờn, khi những mê say/ Khi tất cả hiện nguyên hình ảo mộng” (Đường vào tình sử).

Phần lớn các nhà Thơ mới đều bị ám ảnh bởi nỗi cô đơn lạc loài trong trần thế. Khi mà kích thước trần gian không làm hài lòng những tâm hồn luôn muốn phiêu du đến vùng trời rộng mở. Thế nên cố hữu, họ sống trong một chiều thế giới mới, tự họ tạo ra, để thoả mãn hay “hợp thức hoá” những kỳ vọng của họ đối với cuộc đời.

Một phần của tài liệu YẾU TỐ PHÂN TÂM HỌC TRONG THƠ MỚI GIAI ĐOẠN 1932-1945 (Trang 45 -50 )

×