6. Cấu trúc luận văn
2.3.2. Những biểu tượng ám ảnh
Với sáng tạo nghệ thuật, biểu tượng thơ được coi là hình thức hữu hiệu nhất trong việc thể hiện hồn cốt tác phẩm. Gắn với thế giới huyền bí của vô thức là các biểu tượng giàu sức biểu cảm, giàu ý nghĩa tượng trưng. Theo Freud: “Biểu tượng là thể hiện dưới hình ảnh, của một ngôn ngữ dấu diếm, ngôn ngữ của những thèm muốn của chúng ta” [12, tr.122]. Tuy nhiên, do bị che dấu và nguỵ trang nên hình ảnh biểu tượng hết sức tối nghĩa. Thơ mới 1932 – 1945 dưới sự thể hiện của Phân tâm học, các nhà thơ đã sử dụng một số biểu tượng nghệ thuật nhằm khám phá cõi sâu tâm thức của con người.
Ám ảnh trong thế giới thi ca của các thi sĩ Thơ mới là những biểu tượng hoặc có thể có thể đặt tên (“máu”, “sọ người”…) hoặc cũng đầy siêu thực (“trăng”, “hồn”, “hình bóng của người con gái”…).
Tất cả các nhà thơ từ cổ chí kim kể cả các nhà Thơ mới ai chẳng dùng hình ảnh “trăng” là đối tượng miêu tả, biến nó thành thi hứng nhưng có lẽ nhiều nhất là Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Trăng trong thơ Xuân Diệu “vừa đủ”, mang dáng dấp đầy lãng mạn, trực tiếp bày tỏ được nhiều ý nghĩ nội tâm và mang cho người đọc nhiều cảm xúc: “Trăng vừa đủ sáng để gây mơ”, để mời gọi: “Hương đêm say dậy với trăng rằm” và trong những đêm “Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời”, gợi cho thi nhân những hoài niệm “Tầm Dương” có “một vừng trăng trong vắt lòng sông”, “lạnh lẽo suốt xương da”. Trăng của thi nhân gây cho người đọc một cảm giác bâng khuâng khó tả, nhưng nhẹ nhàng và mang đầy ý vị: “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá/ Ánh sáng tuôn đầy các lối đi (…) Bâng khuâng chân tiếc dậm lên vàng/ Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang” (Trăng). Tuy đẹp, nhưng “trăng” của Xuân Diệu lại chất chứa đầy nỗi cô đơn, nỗi sợ mơ hồ, và thoáng buồn rờn rợn: “Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá! Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ” (Trăng).
Nếu trăng trong thơ Xuân Diệu chỉ là “vừa đủ sáng” để sương gió
“nương theo thì “trăng” của Hàn Mặc Tử chính là “cầu nối” để dẫn tới hai
biểu tượng “hồn” và “máu”. Có một số nghiên cứu cho rằng cứ tới mùa trăng thì vi khuẩn bệnh hủi lại hoạt động mạnh hơn khiến con bệnh đau đớn vô
cùng. Hàn đã rơi vào nỗi đau đó, đau đớn đến nỗi hồn lìa khỏi xác, đến độ tuyệt vọng, khiến Hàn ám ảnh bởi cái cô đơn và cả cái chết. Trăng vừa là cõi trú, vừa là vực thẳm đoạ đày tâm hồn Hàn Mặc Tử: “Ánh trăng mỏng quá không che nổi/ Những vẻ xanh xao của mặt hồ” (Huyền ảo).
Cuộc sống của ông là cuộc sống của trăng: “Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ /Đầy mình lốm đốm những hào quang” (Ngủ với trăng), “Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người” [Hoài Thanh, Hoài Chân (2000), Thi nhân Việt
Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.204]. Trong thơ Hàn có khi trăng là biểu tượng
cho cái đẹp duyên dáng, tình tứ trong mong chờ đợi yêu: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi.” (Bẽn lẽn), cũng có khi là biểu tượng cho cái đẹp tuyệt đối: “Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” (Bẽn lẽn). Trăng còn là biểu tượng cho lâu đài tình ái tráng lệ sáng láng đến mê hoặc: “Trăng tan tành rơi xuống một vũng cù lao,/ Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ.” (Phan Thiết! Phan Thiết!). Nhưng cũng là biểu tượng cho hồn thơ điên dại kinh hoàng: “Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.” (Say trăng), “Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng thiên/ Nhảy ùm xuống giếng vớt xác trăng lên.” (Trăng tự tử).
Cũng chính bởi mối liên hệ giữa trăng và bệnh nên trong thơ Hàn ta bắt gặp nhiều biểu tượng bệnh hủi: “Thịt da tôi sượng sần tê điếng”, “Gò má riêng tôi lại đỏ hườm”, “Như mê man chết điếng cả làn da”… Chính những điều đó đem đến cho thi nhân nỗi ám ảnh về sự cô đơn và cái chết. Và đến đây thì biểu tượng “máu” đi vào thơ Hàn Mặc Tử, chuyển tải trong mình nó rất nhiều ý nghĩa khác nhau, trở thành những khái niệm mang tính biểu tượng cao. Máu vừa là một hành hạ, vừa là một giải thoát cuối cùng của xác thân: “Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết/ Khi say sưa với lượn sóng triền miên” (Biển hồn ta), và “Hương cho thơm ứ đầu hơi khoái lạc/ Máu cho cuồng run giận đến miên man” (Ngoài vũ trụ), hay “Ta sẽ hộc ra từng búng huyết/
Nhuộm đầy phong vị lúc mê ly” (Người ngọc)… Để rồi với cái sinh lực cuối cùng, thi nhân thở hắt ra: “Máu đã khô rồi thơ cũng khô/ Tình ta chết yểu tự bao giờ” (Trút linh hồn).
Không chỉ “máu” mà “hồn” – biểu tượng ám ảnh thứ ba trong thơ Hàn cũng héo hon và dần chết cùng thể xác. “Hồn” trong thơ Hàn là biểu tượng của sự sống, của tâm trạng và cảm xúc, và giờ đây “Hồn đã lạnh hình như hồn ớn lạnh/ Không buồn về với thể xác đêm nay/ Và run lên như một nhịp cuồng say/ Hồn muốn chết nhưng mà không chết được” (Hồn qua đêm). Và rồi hồn ấy “Cảm thấy bùi ngùi như rớm lệ/ Thôi hồn ơi phiêu dạt đến bao giờ” (Hồn lìa khỏi xác). Sở dĩ như vậy vì theo như ông Nguyễn Minh Vỹ - một người bạn thân của thi sĩ thì “đó là sự phản ứng mãnh liệt của tâm hồn anh trước cái chết, để có thể đẩy lùi cái chết của thể xác, bù lại cái sắp tiêu tan của thể xác bằng cái sống của tâm hồn.” [16 tr.75].
Bệnh tật thường đi kèm với những ám ảnh về cái chết. Chính điều này đã tạo nên sự “gặp gỡ” giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử ở biểu tượng “hồn”. Tuy nhiên, biểu tượng này trong thơ Bích Khê mang nhiều ý nghĩa sự sống, niềm khoái cảm hơn là cái chết: “Hồn đê mê, trong khi lòng giận dữ,/ Và tạo ra một thứ ánh hào quang” (Sắc đẹp), “Hồn bay! Hồn bay! Hồn bay!/ Ngửa nghiêng tắm mát vàng lay, ngạc hường/ Đêm nay no ớn nguồn hương/ Một phường tắm mát mười phương đa tình” (Mơ tiên), hay “Nàng! Hở nàng! Hãy cắn vào hồn ta/ Hồn nguyệt bạch ran lên chiều háo hức/ Tôi uống trọn cặp môi hường thơm phức” (Bàn chân).
Không chỉ là “hồn”, trong thơ Bích Khê ta còn bắt gặp nhiều biểu tượng lạ lẫm và kỳ quái hơn: sọ người, xương ma, nấm mộ… Tuy nhiên, tất cả những biểu tượng đó dưới con mắt của thi nhân đều mang một màu vị ngọt ngào và quyến rũ như ngàn vạn thứ hương thơm khác trên đời, góp phần làm đẹp cho đời, và lạ thay nó lại là biểu tượng của sự sống, tình yêu và khát khao. Có thể nói, Bích Khê thực sự đã nâng tầm thi hứng cho những hình ảnh vốn dĩ mang màu sắc của sự chết chóc và có phần ghê sợ.
Ôi khối mộng của hồn thơ chếnh choáng! Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương! Ôi bình vàng! Ôi chen ngọc đầy hương! Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng! Ôi thần tình người chứa một trời thương. …
Ôi! Sọ người! Sọ người! – Gương phép tắc! Ngọc Kiều ơi ghé lại ngắm dung nhan. Ngọc Kiều ơi ta chợp thấy tim nàng, Tim nàng bằng đá, tim nàng bằng sắt, Ngọc Kiều ơi, hơi độc sắp tràn lan!
Người ngất ngư – Chết trong muôn thế kỉ, Chạy điên rồ… đứng sựng giữa xương ma, Người là ai? Người có phải là ta?
Sọ người
Trên cơ thể người phụ nữ, “bầu vú” là bộ phận nhạy cảm, là biểu tượng gợi dục của sự sinh sôi nảy nở đầy thánh thiện.Và với Bích Khê, đó là nguồn thơ. Ông làm thơ tức là ông “nút” vú, “nút” tinh chất của Nàng Thơ, là tìm chất quý thơm tinh mùi khoái lạc: “Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi!/ Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng” (Tranh loã thể), “Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ/ Lấy môi lấy má lấy ngây thơ/ Để anh nút ớn mùi hương ấm/ Của một tình yêu giận hững hờ” (Ảnh ấy), “Tôi chợt ôm cô trong giấc mộng/ Nút bao thanh khí, đã nư thèm” (Cùng một cô đào hát bộ).
Vẫn là những biểu tượng kỳ quái mang màu sắc chết chóc đó như của Bích Khê. Nhưng trong thơ Vũ Hoàng Chương, những nấm mồ, đáy huyệt, ban thờ… không mang ý nghĩa tích cực mà là biểu tượng của những tình yêu không trọn vẹn: “Những tình phai duyên úa, mộng tan tành/ Trên nẻo ấy, sẽ từ muôn đáy huyệt,/ Ái ân xưa vùng dậy níu chân anh” (Quên), “Ta nhổ thuyền đây từ giã em/ Ái ân mồ đắp phía sau rèm” (Tạm ghé thuyền), “Nhìn quanh: chiều xám với tha ma!/ Vắng tanh! Ôi, chiều, nơi tha ma! (…) Hay tiếng khóc dâng lên từ đáy mộ/ Của muôn đời chưa nín hận lìa tan?” (Bạc tình). Thậm chí, ma quỷ, hồ ly đối với Vũ như những người bạn chí thiết. Vũ
trao đổi tâm sự với chúng như trò chuyện với các danh nhân, cao sĩ. Và mặc áo linh hồn cho gỗ, đá, cỏ, cây: “Ai đó – Phải chăng hồn cỏ cây/ Bấc thơm
dầu quánh nhựa hây hây/ Dầu vơi bấc mỏng manh gây/ Bước chân vào bợ ngợ/ Hoa đèn lung lay…” (Nửa truyện Hồ ly).
Và Đinh Hùng là nhà thơ cuối cùng ta nói đến ở đây. Là người viết rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp con người, vẻ đẹp thiên nhiên. Thơ ông cũng mang nhiều biểu tượng của vẻ đẹp. Trước hết, đó là biểu tượng người kỳ nữ. Không chỉ đẹp, Đinh Hùng đã nâng hình tượng của kỳ nữ lên một nấc cao hơn khiến cho cô trở thành biểu tượng của cái đẹp chứ không đơn giản chỉ là hình ảnh của giai nhân. Sắc đẹp ấy vừa khiến nhà thơ tôn thờ, nhưng đồng thời cũng khiến ông phát điên vì khao khát: “Ta thường có những buổi sầu ghê gớm/ Ở bên em - ôi biển sắc rừng hương!/ Em rực rỡ như một ngàn hoa sớm/ Em đến đây như đến tự thiên đường (…) Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa/ Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết/ Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết/ Rộn xuân tình lên bệ ngực thanh tân (…) Hỡi kỳ nữ!/ Em có lòng tàn ác/ Ta vẫn gần - ôi sắc đẹp yêu ma / Lúc cuồng si nguyền rủa cả đàn bà/ Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết/ Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết/ Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn/ Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn”
Không chỉ dừng lại ở người kỳ nữ, đối với Đinh Hùng, thần chết đôi khi cũng là một biểu tượng của cái đẹp: “Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt,/ Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao./ Xa nấm mồ, chúng ta cuồng dại hết,/ Để yêu tà về khóc dưới non cao.” (Tìm bóng tử thần). Có thể thấy, lâu nay nói đến Tử thần là người ta hay nghĩ đến biểu tượng của cái chết, của sự hủy diệt. Do đó, có lẽ chỉ có Đinh Hùng mới tìm thấy và xây dựng cho mình một biểu tượng tử thần mới, biểu tượng của tình yêu, cái đẹp và sự thanh cao.
Có lẽ, sự giao hoà giữa thơ lãng mạn và thơ tượng trưng cùng với sự vận dụng linh hoạt lý thuyết Phân tâm học đã khiến các thi sĩ Thơ mới có điểm chung khi tạo lập các biểu tượng trong thơ của mình. Các biểu tượng dù rõ ràng, mơ hồ, quen thuộc hay lạ lẫm quái dị đều có một điểm chung đó là truyền tải được tâm tư ý nghĩ của thi sĩ trong mỗi tác phẩm. Bên cạnh đó,
bằng việc vận dụng lý thuyết Phân tâm học để nghiên cứu các biểu tượng trong thơ sẽ giúp chúng ta khám phá phần nào những góc khuất, bản năng trong tâm hồn mỗi thi sĩ mà trước đây nghiên cứu thơ vẫn chưa đạt tới.
Chương 3. PHÂN TÂM HỌC TRONG THƠ MỚI 1932-1945 NHÌN TỪ BÌNH DIỆN HÌNH THỨC