6. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Không gian tượng trưng
Không gian nghệ thuật là hình thức, là chiều kích cỡ tồn tại của thế giới nghệ thuật. Trong không gian đó, nghệ thuật vận động và tự do tạo dấu ấn bằng những thủ pháp riêng của nó. Trong không gian nghệ thuật riêng của mình, người nghệ sĩ làm chủ năng lực sáng tạo và thể hiện những nhân sinh quan và thế giới nhất định. Không gian đó còn được gọi là không gian tượng trưng mang tính chủ quan của người nghệ sĩ. Là một mô hình độc lập, có sự vận động nội tại trong việc kiến tạo nghĩa. Không gian tượng trưng là một thế giới chỉ toàn hình ảnh, là cái bóng, là biểu trưng cho một không gian mà ta không thấy được.
Cũng giống như tâm thức đang mênh mông hỗn loạn của mình, không gian trong thơ Hàn Mặc Tử chứa đựng những dồn nén, rồi có một sự giằng xé đến vỡ toạc ra, tan tác thành những mảnh vỡ như tâm hồn của thi nhân. Tất cả những không gian đó dường như ngưng tụ và trở thành không gian tượng trưng chỉ cho tình ái mà thôi: “Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang/ Vỡ toang ra từng mảng, cả không gian,/ Cả thời gian từ tạo thiên lập địa,/ Đều trộn trạo, điều hoà và xí xoá,/ Thành hư không tình ái của đôi ta…” (Đôi ta).
Không gian trong Trăng tự tử với cảnh tượng trăng vỡ chìm trong “lòng giếng lạnh” đã trở thành một tượng trưng có một ma lực ám gợi ghê gớm. Trong thơ hiếm có một hình tượng tinh tế, chính xác đến như vậy ám gợi một bi kịch lòng người âm u đến vậy: vầng trăng của mình rơi rụng và chìm vỡ trong giếng lạnh lòng mình (có thể hiểu vì lòng giếng lạnh nên trăng tự tử) rồi chính mình "nhảy ùm xuống giếng" (một hành động tuyệt vọng) để "vớt xác trăng lên" (một cử chỉ sám hối). Một bi kịch lớn - dẫu tuyệt vọng vẫn mang lòng nhân hậu, vì ở đây sự tuyệt vọng được “thanh lọc” không phải là tuyệt vọng ở sự thủy chung, mà là sự thủy chung ngay trong tuyệt vọng.
Không gian trong thơ Bích Khê đa phần chứa tố nhạc; toàn bộ thơ Bích Khê, trước hết, được dựng lên trên một nền nhạc; trong rất nhiều sáng tác, ông đã dụng ý chọn những từ ngữ thanh bằng (bình thanh) đưa vào trong mỗi câu thơ, mỗi khổ thơ, thậm chí nguyên cả bài thơ. Trên nền nhạc - thơ hòa phối ấy, âm thanh, màu sắc, mùi hương cứ truyền lan vang tỏa, tạo nên sự liên tưởng trùng phức, đầy mê hoặc: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng./
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông” – Câu thơ mà Hoài Thanh cho là “hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”. Trong khi Bích Khê bằng trực giác của
mình đã quên đi mọi hình ảnh cụ thể sinh động đi vào phía tiềm ẩn của mùa thu để tiến đến một biểu tượng “vàng” trực giác bằng ý niệm: “Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Ta không hề thấy ở đây một hình ảnh cụ thể nào. Có chăng chỉ có hình ảnh “cây ngô đồng”, nhưng cái cây ấy đã bị bao trùm bởi nỗi “buồn vương” làm nhoà mất chính nó rồi, chỉ còn có ý niệm “buồn”. Tới đây, ta sẽ thấy được sự tương hợp trong thơ bằng trực cảm. Nếu trực giác thì ta sẽ tìm ra sự tương ứng khó lòng mà phân biệt rạch ròi. Đó là một sự tương giao tổng thể. Tương giao giữa thiên nhiên, con người, thơ, hoạ và nhạc, hương, vị... và cả mọi giác quan: “Gió đi chới với trong khung trắng/ Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca”, “Nàng hé môi ra. Bay điệu nhạc/ Mát như xuân mà ngọt tợ hương”, “Rào rạt như nỗi cảm thương/ Tiếng nhạc màu trăng quấn quýt nường”, “ Nàng tan ra nhạc? Tan ra nhạc!/ Khung trắng trời mây trắng lạ thường”... Một sự tương giao đan xéo, bện chặt với nhau khó lòng tách biệt, ta chỉ có thể nhận ra sự “hiện hình” này bằng trực giác.
Dễ nhận thấy nhất trong thơ Vũ Hoàng Chương là một không gian rất đỗi quen thuộc: không gian phòng. Biểu tượng không gian này không hề làm người người đọc thấy tù túng hoặc ngột ngạt, trái lại nó lại đem đến sự trống trải, lạnh lẽo của những: “Buồng vắng ơ hờ chăn chiếu đơn,/ Phên thưa lọt gió buốt từng cơn./ Ngoài xa bang bạc lên sương khói/ Tuyết phủ chiêm bao mộng chập chờn” (Buồn đêm đông). Đó là khoảng không gian hẹp nhưng đầy
“rợn ngợp” củ một tâm hồn cô đơn, đó cũng là nơi ghi dấu cho một tình yêu không có bến đỗ, đến nỗi chẳng có lấy một hơi ấm mà chỉ có sự lạnh lẽo trống trải bủa vây: “Rượu chẳng ấm, mưa hoài, chăn chiếu lạnh,/ Chút hơi tàn leo lắt ngọn đèn khuya./ Giấc cô mien rung rợn nẻo hôn mê,/ Gió âm hưởng bay về quanh nệm gối” (Lá thư ngày trước), “Gối vải mộng phong hầu,/ Vàng son mờ gác xép,/ Bừng tỉnh mưa còn mau,/ Chiều tàn trong ngõ hẹp (…) Song hồ lơ lửng khép,/ Giường chiếu ẩm hơi mưa;/ Chiêm bao mờ thoáng hương thừa,” (Đời tàn ngõ hẹp).
Ngoài không gian phòng, ta còn bắt gặp những không gian ảo ảnh, không gian mà khi người sống sắp chạm vào cái chết, hay còn gọi là chết lâm sàng. Đó là biểu tượng của nỗi cô đơn, với những sợ hãi mơ hồ, chới với và đầy huyễn hoặc: “Bước đã mỏi mà trông càng đã mỏi,/ Ta dừng chân nhắm mắt một đêm nay;/ Thả chiếc bách không chèo trên bể khói,/ Mặc trôi về đâu đó nước non say./ Kìa một cõi trăm hình muôn vạn tiếng/ Đương dần phai dần hiện, tắt rồi vang./ Ta cố gọi những giác quan lười biếng/ Để ghi cho hậu thế phút mơ màng” (Chết nửa vời). Để rồi khi thoát ra được miền không gian đầy sợ hãi đó, tâm hồn thi nhân tiếp tực bị ám ảnh bởi một không gian khác, có thực nhưng gây cho người đọc sự ám ảnh không dứt. Không gian nghĩa địa tượng trưng cho tình yêu đã bị chôn vùi của một kẻ lâu nay vẫn khao khát đi cắt nghĩa tình yêu: “Tiếng nức nở trên vai nhường giỏ huyết/ Niềm oán hận càng nghe càng rõ rệt,/ Ôi, trăm đau nghìn tủi quá bi thương!/Chiều hôm nay ta viếng mộ một tình nương.” (Bạc tình).
Xuân Diệu là nhà thơ có cảm quan hết sức tinh nhạy, bằng sự tương hợp các giác quan, ông có thể “nghe” được những âm thanh bí ẩn “huyền diệu” của đất trời, cảm nhận được các “gam” của sắc màu không gian, và “chiết xuất” hương thơm tạo vật muôn loài qua thơ. Không gian trần thế trong thơ Xuân Diệu là một không gian đầy kỳ diệu của thiên nhiên với những “gửi hương cho gió”, những đêm trăng “huyền diệu” những “sương mờ”, đây chính là biểu tượng của thiên đường trong cảm quan của Xuân Diệu về cuộc
đời: “Ngày trong lắm lá em hoa đẹp quá/ Nhan sắc ơi cây cỏ chói đầy sao;/ Tháng giêng cười không e lệ chút nào/ Bằng trăm cánh của bướm chim rối rắm…/ Tôi tư thấy lạc loài trong nắng mới/ Mở miệng vàng…và hãy nói yêu tôi…” (Mời yêu). Chính không gian tràn ngập âm sắc quyến rũ đó đã phản chiếu một cách sinh động nỗi đam mê lớn lao đối với cuộc đời và khát vọng sống mãnh liệt của thi sĩ.
Một trong những không gian tiêu biểu nữa trong thơ ông là không gian vườn trăng . Vườn ở đây có thể là một không gian trừu tượng của trần thế, đối lập với cõi âm tăm tối, cũng có thể là không gian tượng trưng không gian tâm hồn của nhân vật trữ tình. Có khi không gian vườn ấy lại được mô tả lung linh dưới ánh nắng lung linh rực rỡ với “Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều/ Bên màu hoa mới thắm như kêu”, “Son sẻ trời như mười sáu tuổi/ Má hồng phơn phớt mắt long lanh”. Và hàng loạt các hình ảnh rực rỡ dưới cái nắng nơi khu vườn trần thế ấy được phát sáng càng khơi dậy ở nhà thơ khát vọng sống và khát vọng tận hưởng cho no nê, cho đã đầy thỏa cơn khát thèm. Nhưng cũng vẫn khu vườn ấy khi đêm về, nó lại được tắm mình dưới ánh trăng tạo nên một không gian ghép vườn – trăng độc đáo: “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá/ Ánh sáng tuôn đầy các lối đi/ Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ.../ Im lìm, không dám nói năng chi” (Trăng). Ông không chỉ dừng lại ở cách miêu tả khu vườn bằng thị giác với màu sắc và đường nét mà ông đã kết hợp hài hòa nó với âm thanh và hương vị để khiến cho không gian đó trở nên lung linh và mang hơi thở của sự sống.
Cùng với không gian “vườn” thì trong thơ Xuân Diệu còn có không gian của “con đường” là một trong những sự hóa thân của không gian trần thế chứa đựng nhiều ẩn ý. Con đường trước hết phải là một không gian cụ thể, nhưng đồng thời đó cũng mang nghĩa của con đường đời hay con đường tình. Con đường ấy lúc đông, lúc vắng, lúc lại tấp nập, vui vẻ, huyên náo, khi lại vắng lặng thưa thớt. Khi vui thì con đường đó trở thành không gian đám đông, mang tâm trang vui vầy và giữa dòng đời hối hả “Tôi
dạo thanh bình giữa phố đông/ Một luồng ánh sáng xô qua mặt/ Thắm cả đường đi, rực cả đời” (Tình qua). Còn khi tâm trạng buồn thì con đường đó lại là không gian sở hữu của cá nhân cái tôi trữ tình: “Tôi là một kẻ làm thơ thẩn/ Cúi nhặt thơ rơi giữa sỏi đường” hay “Cuộc đời cũng đìu hiu như dặm khác/ Mà tình yêu là quán trọ bên đường”. Nét quen thuộc của không gian con đường trong thơ Xuân Diệu, đó là những con đường quê với tâm trạng nhớ nhung cùng những hồi ức đậm nhạt với các bài thơ như: Ngã
ba, Buổi chiều... Đôi khi con đường quê ấy lại trở thành cô đơn trống trải của
sự hoang vắng khi nó bắt gặp tâm trạng buồn, cô đơn của thi nhân “Cảnh thưa thớt chỉ một con đường vắng” hay “Những đêm đông dạt bước ở trên đường” để rồi ở một khoảnh khắc nào đó thi nhân nhận thấy mình như “Khách lữ hành mệt mỏi nỗi đường xa”. Ấn tượng hơn với không gian con đường trong thơ Xuân Diệu đó dường như là sự xuất hiện của con đường với nghĩa là con đường tình yêu: “Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu,/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều./ Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,/ Lần đầu rung động nỗi thương yêu” (Thơ duyên).
Không như những nhà Thơ mới khác, Đinh Hùng – “Người kiến trúc chiêm bao” (Đỗ Lai Thúy), trong chiêm bao của chiêm bao, ông đã “kiến trúc” một thiên nhiên ảo diệu, thần bí. Thiên nhiên của thời hồng hoang, thái cổ còn tinh khôi, nguyên thuỷ. Ở đó, lóe lên ngọn lửa của đêm hồng hoang man rợ, “sông núi giao thần”; trong không gian Thái Cổ ấy, người thơ cùng
Người gái thiên nhiên - Kỳ nữ kết tình ân ái “làm đôi người cô độc thủa sơ
khai”: “Chúng tôi gặp nhau bên dòng suối ngọt,/ Làm đôi nguời cô độc thuả sơ khai,/ Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài,/ Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc./ Nàng là Gái - Muôn - Đời không đổi khác:/ Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân./ Ta đến đây làm chủ hội phong trần,/ Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ” (Người gái thiên nhiên).
Đọc thơ của Đinh Hùng, ta còn như lạc vào một thế giới khác, biệt lập với thế giới hiện hữu, thế giới đó do thi nhân “kiến trúc” trên một nền chiêm
bao, về một thế giới sơ khai cùng con người của thời hồng hoang nguyên thuỷ: “Rồi những đêm sâu bỗng hiện về,/ Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya./ Đâu đây u uất hồn sơ cổ,/ Từng bóng ma rừng theo bước đi” (Những
hướng sao rơi ). Đó còn là một không gian siêu thực, mộng mị, lẫn lộn giữa
cõi dương thế với âm phần: “Trời cuối thu rồi- Em ở đâu?./ Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?/ Thu ơi đánh thức hồn ma dậy,/ Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu./ ...Thần chết cười trong bộ ngực điên,/ Ta nghe em thở tiếng ưu phiền./ Nỗi lòng xưa dậy tan Thanh Vắng./ Hơi đất mê người- Trăng hiện lên”. (Gửi người dưới mộ). Hư cấu, giấc chiêm bao cố tình ấy, đã tạo nên một không
gian đầy hỗn độn. Chỉ có một cách xáo trộn trật tự của thời gian là đẩy hiện tại hoặc về quá khứ, hoặc về tương lai. Mà tuyệt đối của quá khứ là thời thái - cổ, còn tuyệt đối của tương lai? Là cõi chết: “Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?/ Nằm trong đất lạnh chắc em sầu?/ Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy/ Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu” (Mê hồn ca).
Không gian tượng trưng trong Thơ mới không những thể hiện nội tâm của thi nhân mà còn phản ánh cách nhìn nhận thế giới của mỗi nhà thơ một cách rõ hơn. Qua đấy, góp phần giúp người đọc thấy được sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Phân tâm học trong sáng tác của mỗi nhà thơ.