Cặp đôi Giả Trân và Giả Liễn

Một phần của tài liệu hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ trong tác phẩm hồng lâu mộng của tào tuyết cần (Trang 54 - 56)

6. Cấu trúc của khóa luận

3.2.3. Cặp đôi Giả Trân và Giả Liễn

Cặp đôi tiếp theo mà chúng tôi đề cập ở đây đó là Giả Trân - Giả Liễn. Họ đều là những công tử họ Giả, sinh ra trong gia đình có thế lực nhất đất Kim Lăng nhưng chúng cũng chính là lũ hoang dâm vô độ, lấy việc vui chơi và những trò tiêu khiển làm lẽ sống ở đời.

Giả Trân là con trai Giả Kính. Giả Kính không quan tâm việc gia đình nên Giả Trân không chịu học hành, chỉ thích chơi bời, làm đảo lộn cơ nghiệp phủ Ninh. Sinh ra trong một gia đình giàu có, lại được chiều chuộng từ nhỏ nên Giả Trân hư hỏng, dốt nát, dâm ô và trác táng. Giả Trân là chủ nhân của một gia đình nhưng lại làm những điều không thể tưởng tưởng nổi. Hắn gian díu ngay với cả con dâu - Tần Thị khiến Tần Thị ốm chết. Không chỉ gian díu với con dâu mà Giả Trân còn gian díu với Vưu Nhị Thư - em vợ. Giả Trân cùng với Giả Dung - con trai, sau khi giày vò chán chê Vưu Nhị Thư liền lập mưu gả cho Giả Liễn. Cách mấy hôm, Giả Trân tưởng Giả Liễn đi vắng liền mò đến, hai anh em chạm trán nhau đành cười trừ một cách vô liêm sỉ.

Khi trong nhà có tang, Giả Trân không được đi chơi, cũng không được nghe đàn hát, lòng rất trống trải, nên tìm cách để giải buồn. Ban ngày thì hắn mượn cớ tập bắn, tối thì tụ tập đánh bạc. Thật là một kẻ đốn mạt, nhà vừa có tang xong thế mà hắn đem bạn bè về đàn đúm, phè phỡn với nhau.

Đấy là Giả Trân, còn Giả Liễn thì sao? Giả Liễn là con trai của Giả Xá và Hình phu nhân. Cha hắn là một kẻ dâm ô, hám danh, hám lợi, mẹ là một người đàn bà nhu nhược và cũng vô cùng tham tiền. Vì sợ địa vị của mình bị lung lay nên bà luôn chịu sự sai khiến của chồng, cho dù đó là việc gì. Sống trong hoàn

cảnh đầy đủ về vật chất cùng với những ảnh hưởng từ cha mẹ. Giả Liễn đã trở thành một kẻ vừa dâm ô giống cha lại có đôi nét nhu nhược giống mẹ.

Ở hồi 21, khi con gái Giả Liễn lên đậu mùa, vợ chồng Giả Liễn đặt bàn thờ cúng “Bà chúa đậu mùa” nên hai vợ chồng phải dọn ra sống riêng, hắn nhân lúc đó tằng tịu với vợ Đa Quan. Bình Nhi biết chuyện đã lấp liếm giúp nhưng sau đó hắn lại định giở trò với Bình Nhi: “Giả Liễn thấy vẻ ẻo lả trêu ngƣơi của Bình Nhi, liền ôm lấy định giở trò” [3, I, 309].

Không chỉ có thế, nhân ngày sinh nhật vợ, Phượng Thư bận tiếp khách, Giả Liễn đã đưa vợ Bão Nhị về chính phòng của hai vợ chồng làm chuyện đồi bại. Hắn hoang dâm vô độ đến mức con ốm, sinh nhật vợ mà hắn vẫn có thể hành động vô liêm sỉ như vậy. Quả thật, sự dâm ô đã ngấm vào máu hắn làm hắn điên đảo khi nhìn thấy gái đẹp.

Hắn không chỉ gian díu với a hoàn trong phủ mà còn cưới chui dì Hai. Khi đám ma của Tần Thị diễn ra rối ren, Vưu Nhị Thư - vợ Giả Trân đã giao việc quản lí gia đình cho mẹ và hai dì trông coi. Thấy vẻ đẹp của hai dì, Giả Liễn đã đem lòng yêu mến nhưng không có cách nào để bày tỏ. Giả Dung đã mở đường cho Giả Liễn, làm hắn vui sướng khôn cùng. Thấy dì Hai hắn đâm ra mê mẩn, nhất nhất tuân theo sự sắp đặt của Giả Dung mà không nghĩ đến hậu quả. Hắn thừa biết vợ mình là một kẻ rất nanh nọc và độc ác, vậy mà hắn vẫn hành động như thế. Và kết quả là dì Hai phải nuốt vàng sống tự vẫn khi đang mang thai đứa con của Giả Liễn.

Cả Giả Trân, Giả Liễn đều dâm ô, trác táng nhưng ở lĩnh vực này Giả Liễn còn kém xa Giả Trân. Giả Trân loạn luân gian díu với cả con dâu và em vợ. Còn Giả Liễn dù đê tiện đến mấy cũng chỉ gian díu với lũ a hoàn mà thôi.

Giả Trân và Giả Liễn cùng sống trong phủ Giả xa hoa, lộng lẫy nhưng Giả Trân ở phủ Ninh, có một người vợ khá chu đáo và tốt bụng - Vưu Thị và một con trai - Giả Dung. Còn Giả Liễn lại sống trong phủ Vinh, có một người vợ vô cùng xinh đẹp nhưng lại là người nanh nọc, độc ác, thủ đoạn và chỉ có một người con gái là Xảo Thư. Vì thế Giả Liễn luôn khao khát có một đứa con trai để nối dõi tông đường. Như thế, Giả Trân và Giả Liễn giống nhau mà lại khác nhau.

Số lượng nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển Minh Thanh rất lớn và mạng lưới nhân vật vô cùng phức tạp. Cách xây dựng nhân vật theo từng cặp như trên có tác dụng làm cho kết cấu của tác phẩm chặt chẽ hơn, tính cách nhân vật trở nên hấp dẫn hơn, sinh động hơn. Có thể thấy, phép “phạm mà không phạm” -

liên kết cặp đôi nhân vật đóng vai trò quan trọng không chỉ trong nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết mà cả trong việc thể hiện triết lí của tác giả. Việc xây dựng từng cặp nhân vật như vậy chỉ thực sự thành công khi nó phản ánh được những tương quan phức tạp trong thực tế, khi nó làm cho tính cách nhân vật không chỉ sinh động hơn mà còn chân thực hơn, khi nó góp phần thể hiện được một cách tự nhiên, hợp logic xu thế phát triển của các tình tiết. Việc xây dựng các cặp nhân vật trong Hồng lâu mộng đã đạt được những yêu cầu cơ bản ấy.

Một phần của tài liệu hệ thống nhân vật nữ và nam thuộc tầng lớp chủ trong tác phẩm hồng lâu mộng của tào tuyết cần (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)