6. Cấu trúc của khóa luận
3.2.1. Cặp đôi Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa
Cặp đối xứng để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng độc giả chính là cặp đôi Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Ở họ có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau, đối lập nhau. Họ cùng xuất thân lá ngọc cành
vàng, cùng có mối quan hệ huyết thống gần gũi với Giả Bảo Ngọc, cùng đến ở nhờ trong phủ Giả, cùng xinh đẹp, thông minh, tài hoa hơn người.
Đại Ngọc là con gái Giả Mẫn và Lâm Như Hải, cháu gọi Giả mẫu bằng bà ngoại. Họ Giả là một trong bốn họ quyền thế ở đất Kim Lăng (Giả, Sử, Vương, Tiết). Lâm Như Hải là người Cô Tô, đỗ thám hoa, được bổ làm Tuần diêm ngự sử thành Duy Dương. Đại ngọc là em con cô ruột của Giả Bảo Ngọc, vì mẹ mất sớm nên năm tuổi Đại Ngọc đã được cha gửi đến phủ Giả nương nhờ bà ngoại. Nàng là cô tiểu thư quý tộc xinh đẹp, làm say đắm lòng. Đại Ngọc thông minh, đánh giá sự việc, con người một cách tinh tế, chính xác. Đại Ngọc vốn “thông minh thiên bẩm, lại đọc nhiều hiểu rộng, cầm kì thi họa đến thông hiểu, trong đó nổi bật nhất là tài ngâm vịnh” [6, 52]. Vì thế thơ của nàng hay vượt trội so với những tiểu thư khác và đặc biệt là vượt trội hơn Giả Bảo Ngọc.
Cũng giống như Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa cũng xuất thân dòng dõi thi thư. Họ Tiết cũng là một họ giàu có, quyền thế đất Kim Lăng “gia tài họ Tiết có hàng trăm vạn, hiện giữ việc lĩnh tiền trong kho mua hàng của nhà vua” [3, I, 75]. Bảo Thoa là chị em con bác ruột với Giả Bảo Ngọc. Nàng đến ở nhờ trong phủ Giả để chờ ngày được tuyển vào cung. Nàng xinh đẹp chẳng kém gì Đại Ngọc, một vẻ đẹp thiên phú. Bảo Thoa thông minh, sức học gấp mười lần Tiết Bàn. Bảo Thoa am hiểu về thơ và giỏi làm thơ, nàng và Đại Ngọc thay phiên nhau tranh giải nhất nhì, khó phân thứ bậc trong Hải Đường thi xã. Nàng còn sành về hội họa và luôn có những kiến giải rất đặc sắc về lọai hình nghệ thuật sử dụng màu sắc. Điều khiến chúng ta thán phục hơn nữa là những kiến giải của nàng về bản thân hội họa là tổng kết sâu sắc về kimh nghiệm hội họa cổ đại Trung Quốc. Bảo Thoa còn có cách phối màu riêng biệt khá đặc sắc, phản ánh quan điểm thẩm mĩ của nàng.
Đúng là Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa có nhiều điểm tương đồng. Họ là hai cô gái xinh đẹp, thông minh, tài giỏi trong mười hai cô gái đẹp của phư Giả. Họ còn là hai cô gái cùng có tình ý với Giả Bảo Ngọc. Tuy nhiên, họ vẫn có những nét khác biệt, thậm chí là đối lập nhau.
Cùng xuất thân cành vàng lá ngọc nhưng Bảo Thoa còn có mẹ, anh trai, có sự độc lập về kinh tế với phủ Giả, còn Đại Ngọc chỉ còn lại một mình trơ trọi
trên cuộc đời, lại phụ thuộc hoàn toàn vào phủ Giả về mọi mặt. Đây cũng là một nguyên nhân tạo nên sự khác nhau về tính cách của hai cô tiểu thư quý tộc này.
Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa đều đẹp nhưng Bảo Thoa đẹp một cách đầy đặn, Đại Ngọc đẹp một cách hao khuyết, vẻ đẹp của Bảo Thoa sống động, hiển hiện ra trước mắt dù nàng không mất công tô vẽ thêm cho nhan sắc của mình, còn vẻ đẹp của Đại Ngọc mong manh, không dễ nắm bắt. Bảo Thoa tràn trề sức sống, Đại Ngọc lại ốm yếu bệnh tật. Bảo Thoa sống thiên về lí trí còn Đại Ngọc sống thiên về tình cảm, là người đa sầu đa cảm. Bảo Thoa luôn tươi vui hòa đồng, khôn khéo, cẩn trọng, được lòng cả phủ, Đại Ngọc lại kiêu kì, cô độc, tự thu mình lại, lúc nào cũng chỉ sợ người khác khinh mình và nhiều người trong phủ không ưa nét tính cách này của nàng.
Cả Bảo Thoa và Đại Ngọc đều thông minh và tài giỏi hơn người. Song sự thông minh, tài giỏi của Bảo Thoa được thể hiện ra một cách kín đáo như chính bản tính cẩn trọng của nàng, còn Đại Ngọc thì hoàn toàn trái ngược. Nàng thông minh mà không hề che giấu sự thông minh này, nàng tài giỏi và thích thể hiện tài năng vượt trội hơn người, đó là một cách để con người nhạy cảm, dễ tổn thương phản ứng với xã hội xung quanh. Thơ của Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa luôn đứng đầu trong thi xã và đúng như tính cách, con người của hai cô tiểu thư này: Thơ của Đại Ngọc phong lưu, tình tứ. Thơ của Bảo Thoa hàm súc, sâu sắc, hồn hậu.
Trong quan hệ với Giả Bảo Ngọc họ cũng có điểm khác nhau. Đối tượng chiếm lĩnh của Lâm Đại Ngọc là con tim của Giả Bảo Ngọc còn đối tượng tranh thủ của Tiết Bảo Thoa là ý muốn của mọi người trong phủ Giả. Điều này dẫn đến bi kịch: Người cưới được Bảo Ngọc thì không có được trái tim chàng, người có được trái tim Bảo Ngọc thì không cưới được chàng. Đó là hai bi kịch khác nhau: Bi kịch của Đại Ngọc là bi kịch tình yêu không có hôn nhân, bi kịch của Bảo Thoa là bi kịch hôn nhân không có tình yêu. Trong cuộc hôn nhân này Bảo Thoa là người thiệt thòi hơn cả, cô mãi mãi không có tình yêu của Bảo Ngọc bởi tình yêu đó chôn vùi vĩnh viễn với linh hồn của Đại Ngọc. Bi kịch này xuất phát từ những điểm tương đồng và khác biệt trong tính cách của họ.