a. Quy mô và công suất
Sản xuất được đánh giá là khâu mạnh nhất của ngành giày dép Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê năng lực sản xuất bình quân của ngành năm 2013 như sau: 1600 dây chuyền sản xuất đạt sản lượng 800 triệu đôi/năm với 90% sản phẩm là cho xuất khẩu. Thực tế huy động công suất sản xuất giày dép đều ở mức tối đa là 90-100%.
Theo thống kê của Hiệp hội Lefaso, ước tính có hơn 700 doanh nghiệp sản
xuất giày dép vào cuối năm 2013. Về cơ bản có 4 loại hình doanh nghiệp sản xuất là Doanh nghiệp gia công, OEMs, ODMs, OBMs là:
Biểu đồ 2.2: Cơ cấu các doanh nghiệp sản xuất giày dép năm 2013 Đơn vị: % 5% 10% Gia công 45% OEMs ODMs 40% OBMs
Nguồn: Phạm Minh Đức và nhóm tác giả, 2013
Nhóm 85% doanh nghiệp gia công và doanh nghiệp OEMs, thường là đơn vị liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài đến từ Đài Loan và Hàn Quốc như Samyang, Pouchen, Pouyen… Nhóm này chủ yếu là các đơn vị gia công và chế tác giày dép cho các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Rebok, Addidas, Clarks và một vài đơn vị cung ứng nguyên phụ liệu bán thành phẩm cho ngành. Đây là lực lượng sản xuất chính, chiếm hơn 70% tổng công suất sản xuất giày dép của Việt Nam và có hệ thống thiết bị công nghệ ở mức trung bình cao, có khả năng thực hiện tất cả các công đoạn sản xuất giày. Các đơn vị sản xuất này cũng có tổ chức và trình độ quản lý sản xuất hiện đại, hưởng lợi thế vốn, thiết bị, thiết kế, marketing và phân phối sản phẩm từ các đối tác mua lớn.
Nhóm 10% doanh nghiệp ODMs chủ yếu sản xuất giày dép xuất khẩu cho các nhãn hiệu và các nhà bán lẻ lớn trên thế giới, tuy nhiên ở cấp độ nhỏ và ít ổn định hơn so với các đơn vị có vốn nước ngoài. Hệ thống thiết bị, công nghệ nói chung vẫn ở mức trung bình bán tự động và cơ khí, mức độ sử dụng lao động phổ thông còn cao, do đó năng suất lao động chưa được cải thiện. Đặc biệt, trình độ kỹ thuật, quản lý của các đơn vị này còn yếu kém do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chủ yếu được học hỏi qua kinh nghiệm vừa làm vừa học. Năng lực marketing của nhóm này hầu như không có do bị quá phụ thuộc vào các trung gian xuất khẩu và chỉ tập trung vào sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.
Nhóm 5% doanh nghiệp OBMs có công nghệ sản xuất đơn giản, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa và một số thị trường mới nổi, những sản phẩm có mẫu mã nghèo nàn, thiết kế đơn giản, chưa có vị trí trên thị trường châu Âu b. Sản phẩm và quy trình sản xuất
Chất liệu giày dép quy định chất lượng và đẳng cấp sản phẩm. Hiện nay chất
liệu da vẫn được đánh giá là cao nhất, tiếp theo là chất dẻo (plastic) và cao su và các chất liệu khác. Các tính năng đặc thù của giày đép cũng được đánh giá cao, ví dụ như giày dép chống thấm nước, giày thể thao có bánh xe, giày dép thời trang hoặc giày dép có chất liệu hoàn toàn tự nhiên (vegan & vegetarian - không dùng da và không sử dụng keo dán có nguồn gốc từ động vật).
Bảng 2.4: Sản phẩm chủ yếu của ngành Đơn vị: Triệu đôi
Sản phẩm Giày, dép da Giày vải Giày thể thao 2009 187,7 45,4 292,5 2010 192,2 50,3 347,0 2011 200,4 49,6 380,1 2012 222,1 55,6 400,9 2013 233,2 60,8 441,0
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2013
Nhìn vào bảng 2.4 ta thấy, nước ta có thế mạnh trong việc sản xuất các sản
phẩm giày thể thao và giày, dép da và giày vải, đồng thời những sản phẩm này cũng là những loại cung cấp chính trong chuỗi cung ứng xuất khẩu sang thị trường EU. - Giày vải: Năng lực sản xuất là 60,8 triệu đôi, chiếm 7,76% tổng năng lực sản xuất giày dép toàn ngành. Năng lực giày vải tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp quốc doanh (chiếm tới 68,6%).
- Giày thể thao: Năng lực sản xuất là 441,0 triệu đôi, chiếm 56,3% tổng năng lực. Mặt hàng này phát triển mạnh ở khu vực đầu tư nước ngoài nhưng cho đến nay theo tiến độ thực hiện vốn đầu tư mới đạt 63% công suất so với giấy phép đầu tư. - Giày da nam, nữ : Toàn ngành có năng lực sản xuất là 233,2 triệu đôi,
chiếm 29,77% tổng năng lực, tập trung phần lớn ở các doanh nghiệp quốc doanh (73,9%). Riêng khu vực liên doanh và 100% vốn nước ngoài không có dự án giày nữ nào.
- Dép các loại: Năng lực sản xuất các loại dép của toàn ngành là 48,3 triệu
đôi, chiếm 6,17% tổng năng lực. Dép các loại chủ yếu do khu vực ngoài quốc doanh và khu vực đầu tư nước ngoài sản xuất.
Quy trình sản xuất giày dép bao gồm các công đoạn chính sau:
Gia công nguyên liệu: Trong công đoạn này, những nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất một lô hàng giày dép sẽ được chế biến hoặc thu mua sao cho phù hợp nhất.
Pha cắt nguyên liệu: Khâu này sử dụng các loại máy móc thiết bị phục vụ bồi cắt nguyên liệu da, giả da, vải,… Máy ép cũng được sử dụng để làm bằng 2 mặt nguyên liệu và đảm bảo kích thước mỏng hơn và tính đồng đều cho sản phẩm.
Lắp ráp mũ giày: Mũ giày được chế tác đa dạng bằng việc sử dụng các máy đột lỗ, máy may, búa, keo dán,... kết hợp với việc sử dụng lao động thủ công trong các công đoạn trang trí và lắp ráp phụ kiện.
Tiền chế đế giày: Công đoạn này sử dụng nhiều các máy dập khuôn đế để sản xuất hàng loạt đế giày với kích thước đồng đều, tiêu chuẩn theo kích cỡ giày quy định, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiên dùng EU
Gò ráp đế và hoàn thiện giày: Đây là khâu quan trọng để đảm bảo độ bền chắc của giày khi sử dụng trong các điều kiện thời tiết, cũng như hoàn cảnh khác nhau. Khâu này sử dụng chủ yếu keo dán, máy ép, máy nén để nén chặt phần đế giầy với mũ giày, sau đó sử dụng máy khâu để khâu chỉ dây gai đảm bảo độ chắc chắn và chịu lực cho giày. Sau khi hoàn thiện cơ bản đôi giày, đến công đoạn đánh bóng và làm đẹp cho sản phẩm trước khi đóng gói
Kiểm tra chất lượng sản phẩm: Hiện tại chưa có một cơ quan kiểm định, chứng nhận chất lượng giày dép. Các nhà sản xuất Việt Nam thường phải gửi mẫu sản phẩm sang Hồng Kông làm dịch vụ kiểm định theo chỉ định của khách hàng. Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện một số văn phòng đại diện của các tổ chức chứng nhận chất lượng quốc tế như Veritas, SGS nhưng doanh nghiệp chưa khai thác được hết dịch vụ này vì phần lớn phải làm theo chỉ định của khách hàng. Hiệp hội và Viện nghiên cứu da giày cũng đã xúc tiến thành lập đơn vị kiểm định tuy nhiên kế hoạch này vẫn còn nằm trong quy hoạch phát triển trong tương lai. Hiện tại Viện da giày có năng lực thực hiện một số kiểm định cơ bản, chưa đáp ứng được cho nhu
cầu hàng xuất khẩu và trong nước. Một số nhà máy lớn và nhà máy 100% vốn nước ngoài có xây dựng phòng lab riêng, đánh giá một số tiêu chí cơ bản phục vụ mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm nội bộ. Cơ quan chứng nhận quốc gia Quarcert (http://www.quacert.gov.vn) cũng không thực hiện các chứng nhận đặc thù cho ngành da giày, dù đây là ngành xuất khẩu lớn của đất nước, mà chỉ dừng lại ở các chứng chỉ chung như ISO. Trong tương lai gần, sản phẩm giày dép trong nước cũng cần phải có chứng nhận kiểm định chất lượng nhằm bảo vệ khách hàng và nâng cao giá trị thương hiệu giày Việt Nam.
Đóng gói sản phẩm: Sản phẩm được đóng gói theo quy định và quy chuẩn của châu Âu: bao bì được sản xuất để thể tích và cân nặng giới hạn ở mức thấp nhất nhằm duy trì mức độ an toàn, vệ sinh cần thiết và sự chấp thuận của người tiêu dùng cho sản phẩm đóng gói; bao bì có thể tái sử dụng, thu hồi hoặc tái chế để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường; bao bì phải được sản xuất để giảm thiểu các chất độc hại và chất nguy hiểm. Các doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng bao bì đóng gói theo tiêu chuẩn của hệ thống “Green Dot” do chính phủ Đức áp dụng. Biểu tượng Green Dot thể hiện cho người mua biết rằng bao bì có thể tái sử dụng hoặc tái chế và cũng cho biết việc loại bỏ và tái chế bao bì vận chuyển sẽ do các bên liên quan chịu chi phí.
Các loại sản phẩm khác nhau sẽ có một số công đoạn sản xuất khác nhau, ví dụ dép đi trong nhà hoặc xăng đan thì không qua khâu gò đế bằng máy. Mức độ gia tăng giá trị là khác nhau ở từng công đoạn sản xuất và đối với
từng loại sản phẩm. Đối với giày thể thao và giày vải, công đoạn gia công nguyên liệu bồi vải và cán luyện cao su mang tính quyết định trong khi đó đối với giày nữ, công đoạn pha cắt nguyên liệu có thể gia tăng nhiều giá trị với việc trang trí bán thành phẩm pha cắt như in, thêu. Tương tự như vậy là công đoạn lắp ráp với nhiều hình thức may ráp mũ giày nữ phong phú tạo ra các sản phẩm hợp thời trang. Công nghệ sản xuất:
Trình độ công nghệ sản xuất phổ biến ở mức trung bình và trung bình khá. Quá trình sản xuất mới đang được cơ giới hoá mà chưa được tự động hoá. Tỷ lệ công việc làm thủ công hiện còn ở mức cao, điển hình là các công đoạn trải nguyên liệu, bôi keo, đục tán ôdê, mài, xén, kiểm đếm và vận chuyển nguyên liệu, bán
thành phẩm. Đây chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến cho năng suất lao động của ngành luôn ở mức thấp và do đó người lao động phải thường xuyên làm thêm giờ. Những công nghệ cao như sản xuất các loại giày đặc chủng, giày thể thao chuyên nghiệp đẳng cấp cao, giày y tế và giày thời trang cao cấp hiện mới chỉ được nghiên cứu và chế tác tại một số doanh nghiệp.
Biểu đồ 2.3: Tính hiện đại của thiết bị sản xuất giày dép năm 2013
1% 40% Tự động Cơ khí, bán tự động 59% Cơ khí
Nguồn: Hiệp hội Da – Giày – Túi Xách Việt Nam
Biểu đồ 2.4: Thời gian khấu hao của thiết bị sản xuất giày dép năm 2013
15% trên 10 năm 20% 65% dưới 5 năm dưới 10 năm
Nguồn: Hiệp hội Da – Giày – Túi Xách Việt Nam
Việc sử dụng tư vấn chuyên gia trong và ngoài nước còn yếu do ngành chưa
có kế hoạch, chưa chủ động. Thực tế chỉ có công việc tư vấn trong quá trình hợp tác gia công sản xuất hoặc kinh doanh hoá chất, nguyên liệu... do các đối tác gia công thực hiện. Ngoài ra ngành cũng có một số cơ hội tư vấn ít ỏi về mặt kỹ thuật do các
chuyên gia nước ngoài thực hiện nằm trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật của một số tổ chức quốc tế cho toàn ngành da giày trong đó chủ yếu là khâu thiết kế phần mũ giày chứ chưa phải là toàn bộ quá trình thiết kế tổng thể sản phẩm giày dép.