Khi xuất khẩu giầy dép vào thị trường EU, các nhà xuất khẩu cần phải lưu ý những vấn đề quan trọng sau đây.
Nhãn mác sản phẩm: Mọi sản phẩm muốn được bán và nhập khẩu vào thị trường EU, cần đảm bảo ghi đầy đủ các thông tin trên sản phẩm (bề mặt giầy, đường viền, đế giầy) làm bằng chất liệu gì (da, giả da, da bóng, vải hoặc nguyên liệu khác).
Các yếu tố môi trường trong sản xuất giầy dép: Hướng dẫn của EU (2002/61/EC) nghiêm cấm sử dụng các chất nguy hại trong các sản phẩm may mặc và da bao gồm cả giày dép.
Công ước thương mại về những loài vật có nguy cơ tiệt chủng, trong đó bao gồm các quy định (EC 338/97) đối với các sản phẩm da bao gồm nguyên liệu từ
những loài vật có nguy cơ tiệt chủng.
Đóng gói: Tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều phải tuân thủ những tiêu chuẩn đóng gói của châu Âu (có thể tái sử dụng, hoặc tái chế, tái sản xuất năng lượng; có khối lượng và trọng lượng tối thiểu để đảm bảo mức độ an toàn, vệ sinh và được người tiêu dùng chấp nhận). Ngoài ra, còn có các yêu cầu về khối lượng tối đa và những quy định cụ thể về đóng gói thùng gỗ.
Phá giá: Đây là vấn đề chính của ngành giày dép trong thời gian gần đây
giữa EU và các nước xuất khẩu. Đã có những quy định hạn chế nhập khẩu từ một số nước. Những quy định này để bảo vệ ngành da giầy EU và ngăn chặn phá giá sản phẩm trên quy mô lớn trên thị trường EU mà có thể gây ra những bóp méo về thị trường.
Yêu cầu về chất lượng: Chất lượng giày dép đảm bảo là yếu tố mà thị trường EU rất coi trọng. Việc kiểm tra chất lượng cần phải dựa trên tiêu chuẩn của EU, các tiêu chuẩn quốc gia hoặc các tiêu chuẩn ISO khác.
Có thể tìm được nguyên nhân lỗi sản phẩm: Khi sản phẩm có lỗi, cần tìm được lỗi gây ra trong toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm, đảm bảo mọi khâu trong quá trình sản xuất được giám sát chặt chẽ.
Mức độ tin cậy: Có khả năng giao hàng đúng hạn. Tuân theo tiêu chuẩn về chất lượng luôn luôn phải được đảm bảo. Điều này có nghĩa là công ty phải đầu tư vào các thiết bị mới và giáo dục và đào tạo nhân sự.
Giá cả cạnh tranh: Bất kể một nhà phân phối hoặc bán lẻ nào cũng kỳ vọng mua giá sản phẩm ở mức giá cạnh tranh. Nhưng cần lưu ý rằng, giá cả cạnh tranh chứ không phải giá thấp hơn chi phí sản xuất.
Nắm bắt xu hướng thị trường:
Thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng khi mua các sản phẩm giày dép gắn chặt với lối sống và xu hướng thị trường. Trong ngành thời trang, các xu hướng ảnh hưởng tới thiết kế giày dép. Do vậy, trước khi thiết kế và giới thiệu sản phẩm mới vào thị trường, cần nắm bắt xu hướng và thị hiếu mới nhất. Khi phân tích xu hướng thị trường, trước tiên cần dựa vào cơ cấu dân số và lối sống của người tiêu dùng. Đặc biệt , khi thiết kế cần chú ý tới vấn đề màu sắc.
Màu sắc của những mặt hàng thời trang thường thay đổi hai năm một lần.
Thông thường, màu của các sản phẩm bằng da sẽ theo màu sắc của quần áo và giầy dép. Nếu doanh nghiệp muốn sản xuất được các đôi giày có màu sắc thời trang, thì phải đặt hàng ở các cửa hàng thuộc da đủ sớm. Để đề phòng sự sai lệch màu sắc, doanh nghiệp cần phải đặt hàng màu sắc da chính xác từ các xưởng thuộc da ở EU. Cách làm này khá đắt đỏ, nhưng cần thiết bởi chỉ cần sự khác biệt nhỏ trong màu sắc hoặc chất liệu hàng hoá cũng khiến người mua nhận ra nhanh chóng. Nếu như việc mua màu sản phẩm da và nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn, doanh nghiệp có thể hỏi nhà nhập khẩu hoặc đại lý để được giúp đỡ. Khi gửi hàng mẫu cũng cần phải đảm bảo đúng màu sắc theo chuẩn yêu cầu.
Thâm nhập thị trường thông qua các nhà nhập khẩu, đại lý, nhóm mua hàng, các chuỗi cửa hàng bán lẻ và cửa hàng bách hoá. Các nhà bán lẻ lớn chuyên ngành giầy (như Deichmann, Vivarte, Stylo, Shoezone) và không chuyên ngành giầy (H&M, New Look), cửa hàng bách hoá tổng hợp (El Corte Ingles, M&S, Hema) và đại siêu thị (Carrefour, Tesco, Metro) mua hàng hoá trực tiếp từ nhà sản xuất ngày càng tăng.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức xúc
tiến thương mại của EU (CBI của Hà Lan, DIPO của Đan Mạch...) để có thêm các thông tin chi tiết cụ thể.