Các giải pháp về đào tạo nghề ở Ninh Bình đã và đang phát huy tác dụng mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn, góp phần giải quyết công ăn việc làm,
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án kết quả đào tạo nghề mới chỉ đạt 93,33% theo chỉ tiêu mà đề án đề ra là do một số nguyên nhân sau:
Công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước tới các cấp, các ngành, người lao động về công tác dạy nghề tạo việc làm ở một số địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng.
Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn triển khai chưa thường xuyên, do đó việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ở một số huyện, thị xã, thành phố còn thụ động, chưa gắn học nghề với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên khi tuyển sinh mở lớp phải thay đổi học viên, thay đổi nghề đào tạo gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Dạy nghề cho lao động nông thôn là một lĩnh vực mới, còn có nhiều khó khăn, điều kiện phục vụ cho học nghề chưa được đảm bảo. Mặt khác bản thân nhiều người học cũng chưa nhận thức đúng quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Do nghề truyền thống của địa phương ít, tốc độ phát triển chậm, thu nhập của nghề không cao nên khó khăn trong việc thu hút lao động nông thôn vào học nghề, dẫn đến đến việc lựa chọn nghề của các địa phương đưa vào dạy nghề cho người lao động còn hạn chế.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp tham gia dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu dạy nghề. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề và người dạy nghề còn thiếu chưa đảm bảo dẫn đến đội ngũ giáo viên, cán bộ trong các cơ sở dạy nghề của tỉnh quản lý yếu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dạy nghề.
Công tác phối kết hợp giữa các cơ sở đào tạo với địa phương trong việc tổ chức việc làm cho người lao động sau học nghề còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, bền vững chưa cao.
Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý chưa kịp thời, chưa bao quát được hết các lớp học do thiếu người làm công tác quản lý.
- Mặc dù nhận thức của các cấp, các ngành về dạy nghề đã có bước chuyển biến tích cực, nhưng còn không ít các ban, ngành, các địa phương vẫn chưa nhận thức đúng mức về vai trò của dạy nghề trong việc đào tạo nhân lực kỹ thuật là một trong những nhân tố quyết định thành công và phát triển bền vững kinh tế - xã hội: Khi xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngành chưa đề cập đến vấn đề phát triển nhân lực nói chung và đào tạo nghề nói riêng; các địa phương chưa điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của địa phương, ưu tiên dành quỹ đất cho các cơ sở dạy nghề tư thực.
- Cơ chế, chính sách về dạy nghề chưa thay đổi kịp với việc chuyển nền kinh tế sang kinh tế thị trường, chưa có chính sách đãi ngộ thoả đáng cho giáo viên dạy nghề, chưa có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, Doanh nghiệp, cá nhân tham gia dạy nghề, nhất là chính sách ưu đãi về thuế thu nhập đối với cơ sở dạy nghề; một số chính sách còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là cơ chế, chính sách dạy nghề trong Doanh nghiệp.
- Đầu tư từ ngân sách Nhà nước của các cấp cho dạy nghề có tăng, nhưng tốc độ tăng thấp, chưa tương xứng với tốc độ tăng chỉ tiêu đào tạo nghề. Mức kinh phí thường xuyên chi cho dạy nghề thấp và lạc hậu nhưng chưa được thay đổi. Mức thu học phí theo quy định là rất thấp, chậm được sửa đổi, vì vậy thu không đủ bù đắp chi phí đào tạo, điều đó đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy nghề.
- Các cơ sở dạy nghề chưa thay đổi kịp theo cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động dạy nghề. Chưa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.
- Bộ máy quản lý Nhà nước về dạy nghề tại các địa phương còn rất mỏng và yếu, nhiều phòng Lao động Thương binh Xã hội các huyện không có cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề.
- Chưa thiết lập được hệ thống kết nối giữa hướng nghiệp - dạy nghề - tư vấn giới thiệu việc làm - Doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Quan hệ giữa các cơ sở dạy nghề với các Doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề chưa được chặt chẽ. Doanh nghiệp và người sử dụng lao động chưa thấy được trách nhiệm và lợi ích của mình trong công tác đào tạo nghề.
- Công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông chưa thiết lập, chưa giúp cho học sinh lựa chọn được con đường học tập tiếp theo sau trung học cơ sở và trung học phổ thông phù hợp với khả năng học tập của mình. Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề, việc làm còn yếu chưa làm cho học sinh, thanh niên hiểu đúng và coi học nghề là một trong những con đường lập nghiệp.
Thực trạng dạy nghề cho thấy mặc dù trong những năm qua dạy nghề ở tỉnh ninh Bình đã có bước phát triển, đổi mới và đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất về số lượng, chất lượng cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Vì vậy, dạy nghề phải được đổi mới và phát triển nhằm khắc phục các yếu kém và đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường trong nước và xuất khẩu lao động.
CHƯƠNG 3:
NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ Ở NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2012-2020