Bên cạnh cốt truyện gắn liền với yếu tố lịch sử, các sự kiện lịch sử là xương sống để nhà văn cấu trúc lên tác phẩm của mình thì cốt truyện gắn với sự kiện đời tư, gắn với những số phận cụ thể của con người cũng được Đoàn Hữu Nam quan tâm. Kiểu cốt truyện đời tư được xây dựng và triển khai bằng những chi tiết, sự kiện bám sát vào cuộc sống riêng tư của nhân vật, qua thân phận đời tư của nhân vật mà nhà văn thể hiện cái nhìn về nhân sinh và thế giới.
Trong tiểu thuyết Tình rừng, cốt truyện xoay quanh chân dung một con người mới, một điển hình mới trong cộng đồng người Mông. Đó là nhân vật Phù – một thanh niên người Mông ở bản Cang xa xôi heo hút. Phù chân thành, cởi mở, cương trực song số phận éo le, phải sống trong sự giằng xé day dứt với luật tục, với người chị dâu mất chồng, với hậu quả của quá khứ mê muội.
Đó là hai cô giáo trẻ từ miền xuôi lên vùng cao dạy học. Hai người phải trải qua bao khó khăn, thiếu thốn, khổ ải cả về tình cảm lẫn điều kiện vật chất song vẫn kiên trì bám trụ gây dựng trường sở đón con em đến học và góp phần đưa ánh sáng văn minh tới bản làng.
Cùng những biến cố thăng trầm của lớp học, của từng số phận, cuối cùng tình yêu mãnh liệt, mộc mạc giữa Phù và cô giáo Hoa đã vượt qua tập tục hà khắc, định kiến của tộc người, dòng họ để đến được với nhau.
Để triển khai được các tình huống, tính cách và đời sống nhân vật, tác phẩm đã đồng thời khắc họa được không gian trong thời kỳ biến chuyển lịch
70
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
sử, xã hội ở vùng cao qua hơn nửa thế kỷ đồng thời giới thiệu khá sắc nét phong tục, tập quán, cách sống, suy nghĩ của người Mông, và vượt lên trên hết là cái tình của Rừng dành cho người biết sống một đời sống vì mọi người. Cũng sử dụng cốt truyện mang yếu tố đời tư, cá nhân những không giống
với Tình rừng, Dốc người là tiểu thuyết viết về thời hậu chiến. Cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ gian khổ đã cuốn hầu hết mọi con người, vùng đất, từ miền xuôi tới miền ngược vào vòng xoáy của nó. Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, mỗi con người, mỗi địa phương đều phải đối mặt với góc khuất sau chiến tranh, phải bắt đầu một thử thách mới mà ở mặt trận này đòi hỏi ở họ lòng dũng cảm, tình yêu quê hương, yêu đồng chí, đồng bào không kém gì thời bom rơi, đạn nổ.
Tiểu thuyết đi sâu khai thác khía cạnh chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng của nó vẫn còn nhức nhối, những con người trong cuốn tiểu thuyết phải vật lộn với những thử thách mới của cuộc sống bình thường, với cái xấu, cái ác, với những định kiến lạc hậu và với chính những bi kịch cá nhân của bản thân để vươn lên mà sống.
Tác phẩm phản ánh một mặt nghiệt ngã của đời sống xã hội sau chiến tranh đó là thân phận của người lính nhưng cũng tô đậm và làm sáng ngời tình nghĩa thuỷ chung như nhất của những con người sống có trách nhiệm. Bi kịch xảy ra với Thắng - người lính trở về làng sau 10 năm xa cách. Trải qua những tháng ngày chinh chiến, Thắng trở về lành lặn nhờ sự cứu mạng của Định. Nhưng chiến tranh chưa rời bỏ anh, nó hiện hữu ngay trên những bức ảnh trên bàn thờ nhà Thắng. Mẹ và em gái Thắng bị máy bay Mỹ sát hại. Thế là anh trở nên cô đơn ngay chính quê hương mình. Thắng vùi nén nỗi đau trong trái tim lặn lội đi tìm gia đình Định (người đồng đội từng thề sống chết có nhau, giờ đã hy sinh) để trao lại kỷ vật cuối cùng. Cái nghèo khó, ốm đau của gia đình Định đã làm Thắng day dứt. Với trách nhiệm của người lính và sự hàm ơn cứu mạng của Định đã khiến Thắng ở lại với bản Tả Gia. Hơn hai tháng
71
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
giáp tết năm ấy, bằng sức vóc khoẻ mạnh của chàng trai trẻ, Thắng đã làm được nhiều điều cho gia đình bà Định, anh đã chiếm được tình cảm của tất cả mọi người trong ngôi nhà ấy, nhất là Mỵ, người vợ goá của Định.
Tình cảm của bà cụ Định, của thằng Yên, của Mỵ và hoàn cảnh đưa đẩy đã níu chân anh ở lại với Tả Gia rồi trận sốt rét ác tính của Thắng chỉ là “cú hích” để cho hai trái tim rạo rực kia cháy bùng thành ngọn lửa. Vượt qua những nỗi xót xa, chua chát tủi cực, vượt lên trên những thành kiến, Mỵ và Thắng cũng nên vợ nên chồng.
Những tưởng cuộc đời Thắng trôi đi êm ả trong vòng tay của người thiếu phụ rẻo cao, nhưng tai hoạ đổ dồn xuống đầu Thắng đúng lúc anh đang say sưa tận hưởng hạnh phúc của mình, đang hồi hộp đợi chờ đứa con ra đời. Cả bản theo sự kích động của Mo Phú đã kéo đến lấp giếng, đuổi Thắng ra khỏi bản. Đúng lúc ấy, Mỵ trở dạ đẻ. Niềm hạnh phúc mà Thắng khao khát mong chờ ấy thật khủng khiếp vì nó chỉ là một khối thịt – di chứng của chất độc màu da cam trong những ngày là bộ đội Trường Sơn vẫn bám lấy anh dai dẳng, xua đuổi Thắng rời bỏ bản làng người Dao.
Lần hồi về quê, trong một đêm vật vã đau đớn, Thắng chứng kiến cuộc sống của Tâm - người mà mẹ anh đã nhận làm con nuôi và có ý chờ đợi anh trở về - với sự bình yên của cuộc đời cô. Anh thấy mình không có quyền được làm hỏng sự bình yên ấy, không thể để Tâm phải gánh chịu những đau khổ mà Mỵ đã phải chịu. Thắng lại lặng lẽ ra đi lần hồi kiếm sống, chịu bao nỗi đắng cay vất vả, cuối cùng anh cũng trở về được Tả Gia xum họp cùng gia đình và Mỵ
Cốt truyện trong Dốc người khá đa dạng, tác giả dịch chuyển các không gian khá nhanh, các câu chuyện đồng hiện trong một thời gian ở những miền quê khác nhau, từ miền xuôi lên miền núi, các sự kiện lịch sử dù mờ nhạt nhưng vẫn hiện hữu thấp thoáng trong nỗi đau của những người dân vô tội. Nổi bật lên trong đó là thân phận của con người, là văn hoá dân gian. Những
72
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
phong tục, lễ nghi của người vùng cao, được miêu tả khá đặc sắc. Đó là một phiên chợ Bắc Hà sặc sỡ sắc màu, nồng nàn men rượu với tiếng sáo du dương ngọt ngào hay lễ cúng năm mới với tiếng lầm rầm và những chữ nôm Dao loằng ngoằng của ông thầy. Đặc biệt, những trang viết miêu tả lễ cấp sắc cho thằng Yên đem lại cho câu chuyện một hương vị là lạ, khiến cho Dốc người sẽ là một bài ca cảm động về mảnh đất Lào Cai về tình yêu với con người Lào Cai.
Tóm lại, cốt truyện trong tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam không thuần nhất, đơn tuyến mà luôn có sự pha trộn giữa yếu tố đời tư và yếu tố lịch sử. Việc phân thành hai kiểu loại cốt truyện gắn với sự kiện lịch sử và cốt truyện gắn với sự kiện đời tư cũng chỉ là tương đối. Bởi trong cốt truyện lịch sử, người đọc vẫn bắt gặp yếu tố đời tư và trong kiểu cốt truyện đời tư người đọc vẫn cảm nhận thấy những chi tiết, dấu ấn của lịch sử, dù mờ nhạt. Điều này cho thấy sự hoà nhập của nhà tiểu thuyết trong dòng chảy của văn học đương đại, cốt truyện mở rộng hơn, không gò bó hay khuôn mẫu vào một loại hình cụ thể nào. Nó cũng tạo cho nhà văn có thể mở rộng biên độ phản ánh hiện thực thêm đa dạng, phong phú.