Các thất bại chính sách ngành

Một phần của tài liệu Giáo trình môn KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 34 - 37)

* Các chính sách về rừng: Chính sách về rừng là một ví dụ tuyệt vời về một chính sách tài nguyên cụ thể cần phải được xem xét lại toàn bộ nếu mối quan hệ giữa sự khan hiếm và giá cả muốn được tái xác lập. Nếu chúng ta đang thực sự đối phó với sự khan hiếm rừng thì giá sản phẩm rừng phải tăng lên để làm chậm lại việc phá rừng và tăng tốc việc tái tạo rừng. Hiện nay không những đa số các dịch vụ và sản phẩm rừng không có giá mà ngay cả gỗ tròn, một loại hàng hoá được mua bán trên thị trường cũng được định giá dưới mức giá trị khan hiếm thực sự của nó do được tài trợ công khai hoặc ngấm ngầm và những thất bại về định chế.

* Chính sách về đất đai: Sự thiếu đảm bảo về quyền sở hữu đất đai là một thất bại về chính sách nghiêm trọng nhất ở các nước đang phát triển, nó ngăn cản việc sử dụng đất có hiệu quả và thường dẫn đến tình trạng suy thoái đất, nước và các nguồn tài nguyên. Sự thiếu đảm bảo về sở hữu đất mang nhiều hình thức: đất không có giấy tờ sở hữu, kết quả của việc lấn chiếm rừng và đất, đất ở trong tình trạng không rõ ràng,

đất tranh chấp hoặc đa sở hữu, đất trong tình trạng cho thuê ngắn hạn hoặc phát canh, đất chỉ có giấy chứng nhận tạm thời và không được chuyển nhượng, đất mà việc kinh doanh bị ràng buộc với nhà nước, thông qua đó chủ đất bị bắt buộc mua các loại vật tư giá cao và phải bán sản phẩm thấp hơn giá thị trường.

* Chính sách về nước: Gần như tất cả các quốc gia bất kể mức khan hiếm về nước, đều trợ giá nước cho công tác thuỷ lợi và các sử dụng khác. Trong nhiều trường hợp nước còn được cung cấp miễn phí. Thái Lan là một ví dụ, nhiều nông dân vẫn tiếp tục cho rằng nước là nguồn tài nguyên gần như vô tận và miễn phí. Nước thuỷ lợi được cung cấp miễn phí mà không hề có một nỗ lực nào nhằm thu hồi chi phí hoặc tính một cái giá phản ánh được giá trị khan hiếm hoặc chi phí cơ hội của nước. Kết quả là công tác thủy lợi thực hiện quá mức với hậu quả là mặn hoá và ngập úng ở vài khu vực và tình trạng thiếu nước ở những khu vực khác. Sự lãng phí lớn này về nước, làm hạn chế hiệu suất của hệ thống thuỷ lợi còn khoảng 15% so với mức tiềm năng là 60% đến 70%, trong khi đó việc không thu hồi được chi phí đã làm cho hệ thống mất đi một nguồn kinh phí để hoạt động và bảo trì.

* Đô thị hoá và công nghiệp hóa: Sự phát triển công nghiệp và đô thị hoá tương quan với nhau rất mật thiết. Công nghiệp ở nhiều quốc gia đang phát triển và một số quốc gia phát triển, thường nằm ở gần trung tâm thành thị bởi vì sự phân bố lệch lạc cơ sở hạ tầng công cộng. Khoảng chừng phân nửa trị giá gia tăng công nghiệp ở nhiều nước khác nhau như Braxin, Thái lan và Ai cập là từ các ngành công nghiệp nằm ở trung tâm các thành thị lớn nhất. Tương ứng, ô nhiễm công nghiệp tập trung ở trong và xung quanh các trung tâm thành thị như San Paolo, Băng kốc và Cai rô. Như vậy, thật khó xác định phần nào của suy thoái môi trường do công nghiệp hoá, phần nào do đô thị hoá gây ra.

- Vấn đề đô thị hoá và công nghiệp hoá gia tăng vào những năm 1990 đã làm tồi tệ thêm những vấn đề vốn đã nghiêm trọng về tình trạng đông dân, ô nhiễm nước và không khí ở các thành phố như Manila, Jakarta, Delhi, Calcutta, Casablanca, Mexico city và San Paolo. Do đó cần phải quan tâm nhiều hơn và dành nhiều nguồn lực hơn so với thời gian qua để giải quyết các vấn đề môi trường đô thị.

* Chính sách công nghiệp và thương mại: Các chính sách công nghiệp và thương mại có vẻ như chỉ dính líu rất ít đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhưng thực ra chúng rất quan trọng. Các chính sách này có ảnh hưởng đến các tỷ giá mậu dịch giữa nông nghiệp và công nghiệp, do đó ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi tương đối của nông nghiệp và các khu vực tài nguyên khác. Chúng là một yếu tố trong

việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên như là một nhập lượng của công nghiệp, chúng ảnh hưởng đến mức độ sử dụng nhân lực trong công nghiệp và sau đó là số lao động thặng dư ở nông thôn, những người tạo nên áp lực lên tài nguyên thiên nhiên. Chúng cũng đóng vai trò xác định mức ô nhiễm công nghiệp.

- Tỷ giá mậu dịch của nông nghiệp ở hầu hết các quốc gia đang phát triển đã bị giảm xuống theo thời gian vì các quốc gia này đã bảo vệ công nghiệp thông qua thuế nhập khẩu và khuyến khích đầu tư. Tỷ giá mậu dịch bất lợi cho nông nghiệp có vẻ như giúp cho giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên vì nông nghiệp càng ít sinh lời thì người ta sẽ bớt tận dụng và mở rộng đất đai và nguồn nước cũng như bớt sử dụng hoá chất nông nghiệp. Tuy nhiên giả thiết này không chính xác vì trong các nền kinh tế lao động dồi dào và chủ yếu chỉ dựa vào lao động để sử dụng đa số lực lượng lao động. Mặt khác, khả năng thu hút được nhiều lao động từ nông nghiệp vào công nghiệp rất hạn chế do những đặc tính của các ngành công nghiệp. Khi thu nhập của nông dân bị giảm sút tương đối so với lao động công nghiệp, họ phải tìm kiếm các nguồn thu nhập khác để bổ sung. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên tự do sử dụng như rừng và đất rừng, vùng đánh cá, vùng hầm mỏ… là những nguồn việc làm và thu nhập bổ sung dễ kiếm nhất. Khả năng sinh lời của nông nghiệp bị suy giảm như là kết quả của sự bảo hộ công nghiệp còn làm giảm đi các khuyến khích đầu tư cho phát triển đất nông trại và bảo vệ đất, vì đầu tư này đem lại lợi nhuận thấp và cũng vì tiền tiết kiệm quá hạn chế.

- Cho đến nay việc cân nhắc về môi trường đóng vai trò rất nhỏ trong việc hình thành và thực hiện các chính sách công nghiệp và thương mại, một phần vì đã không có mối tương quan rõ ràng và một phần do những người đưa ra quyết định đã đưa ra những thay đổi chính sách để đối phó với khủng hoảng hoặc áp lực chính trị tức thời mà không quan tâm về hậu quả lâu dài.

- Phát triển công nghiệp ở các vùng nông thôn được coi là một chính sách thực dụng để tạo ra những cơ hội về việc làm ngoài nông nghịêp như là một cách giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên. Để thành công, việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp nông thôn phải xây dựng trên những đặc trưng cơ bản của khu vực nông thôn như sẵn nguyên vật liệu, cung ứng lao động theo mùa và sự phân tán thị trường. Trọng tâm phải đặt vào việc phục hồi môi trường cạnh tranh giữa các khu vực nông thôn và thành thị bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp tín dụng với lãi suất cạnh tranh, hỗ trợ kỹ thuật và thông tin thị trường và hỗ trợ phát triển kỹ năng.

- Ba chính sách công nghiệp khác cũng cần phải được xem xét lại dưới ánh sáng của chi phí môi trường là: (1) phụ cấp khấu hao, giảm thuế và miễn thuế quan đối với các loại thiết bị và nguyên liệu có thể là nguồn ô nhiễm quan trọng; (2) trợ giá năng lượng có thể sẽ ưu đãi các nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhiều hơn là các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm; (3) tiêu chuẩn xét duyệt đầu tư trực tiếp nước ngoài cần phải được sàng lọc trước dựa vào hồ sơ lý lịch của các công ty về hoạt động của họ ở nơi khác sẽ có hiệu quả hơn là đánh giá các tác động môi trường sau khi sự việc đã xảy ra.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 34 - 37)