Khái niệm và phân loạ

Một phần của tài liệu Giáo trình môn KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 32 - 34)

- Những thất bại của thị trường tự do trong việc phân bổ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và môi trường mở ra cơ hội và tạo cơ sở hợp lý cho việc can thiệp của chính phủ. Tuy nhiên những thất bại của thị trường chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ cho sự can thiệp này. Để sự can thiệp của chính phủ thực sự có hiệu quả, phải đảm bảo 2 điều kiện nữa. Đó là (1) việc can thiệp phải có tác dụng tốt hơn thị trường hoặc cải tiến được vai trò của thị trường; (2) các lợi ích từ sự can thiệp đó phải lớn hơn chi phí hoạch định, thực hiện và cưỡng chế thực hiện cũng như toàn bộ các chi phí gián tiếp và ngẫu sinh do sự biến dạng trong các khu vực kinh tế khác mà sự can thiệp này gây ra.

- Một cách lý tưởng, sự can thiệp của chính phủ là nhằm mục đích sửa chữa hoặc ít ra là giảm bớt những thất bại của thị trường thông qua thuế, quy định, luật lệ, khuyến khích lợi ích tư nhân, các dự án công cộng, quản lý vĩ mô và cải cách định chế. Ví dụ, nếu như thị trường không thể phân bố đất đai cho sự sử dụng ở mức tốt nhất thì sự can thiệp của chính phủ là ban hành quyền sở hữu bảo đảm về đất đai thông qua việc đo đạc địa chính và đăng ký đất đai.

- Tuy nhiên trong thực tế, các chính sách của chính phủ lại có khuynh hướng tạo thêm các biến dạng trong thị trường tài nguyên thiên nhiên hơn là sửa chữa chúng. Có một số lý do: (1) Việc sửa chữa các thất bại của thị trường hiếm khi là mục tiêu duy nhất hoặc thậm chí không là mục tiêu chủ yếu của sự can thiệp của chính phủ vì còn có các mục tiêu khác như an ninh quốc gia, công bằng xã hội, quản lý vĩ mô…; (2) Sự can thiệp của chính phủ cũng thường có những hậu quả ngẫu sinh, không lường được hoặc đánh giá không đầy đủ về những tác động phụ; (3) Các chính sách như trợ giá và bảo hộ nhằm chống lại nhập khẩu hoặc cạnh tranh thường vượt qua sự hữu dụng và việc dẹp bỏ chúng rất khó khăn; (4) Sự can thiệp về mặt chính sách có xu hướng tích luỹ và tương tác lẫn nhau làm biến dạng những khuyến khích tư nhân và tách chúng ra khỏi những hoạt động có lợi cho xã hội; (5) Một số chính sách dường như không liên quan gì đến môi trường và tài nguyên nhưng lại có nhiều tác động vào môi trường hơn là những chính sách về môi trường và tài nguyên. Như vậy suy thoái môi trường không những do sự lệ thuộc vào một thị trường tự do không hoạt động một cách có hiệu quả (thất bại thị trường) mà còn do các chính sách của chính phủ cố ý hoặc vô tình làm biến dạng các khuyến khích lợi ích nghiêng về việc khai thác quá mức và chống lại việc bảo vệ các tài nguyên khan hiếm (thất bại chính sách)

- Những thất bại về chính sách có thể được phân chia làm 4 loại cơ bản:

+ Loại thất bại chính sách thứ nhất liên quan đến việc biến dạng của những thị trường lẽ ra đang hoạt động tốt thông qua thuế khoá, trợ giá, hạn ngạch, quy định, các DN quốc doanh kém hiệu quả và các dự án công cộng với lợi ích kinh tế thấp quá mức và tác hại môi trường cao. Đây là trường hợp chính sách của chính phủ đi sửa chữa những gì không đổ vỡ.

+ Loại thứ hai là những thất bại trong việc xem xét và nội hoá bất cứ ảnh hưởng phụ đáng kể nào về môi trường của những can thiệp về chính sách chính ra là xác đáng. Ví dụ việc trợ giá phân bón có thể đóng một vai trò hữu ích trong việc khuyến khích nông dân sử dụng giống cây mới cho thu hoạch cao. Tuy vậy khi lựa chọn loại phân bón nào để trợ giá và thời hạn trợ giá các nhà hoạch định chính sách

phải xét đến các ảnh hưởng đối với sự lựa chọn của nông dân về các đầu vào khác (như phân hữu cơ, bảo dưỡng đất, làm cỏ và thủy lợi). Chính vì vậy chính sách này cần phải được xem xét và giảm bớt bằng cách đưa ra mức trợ giá thấp hơn, với thời gian ngắn hơn và cổ động cho việc bảo dưỡng đất, sử dụng phân hữu cơ và quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM). Trên thực tế vẫn rất nhiều nước tiếp tục tài trợ mạnh mẽ cho thuốc trừ sâu.

+ Loại thất bại chính sách thứ ba là sự can thiệp của chính phủ nhằm sửa chữa hoặc giảm bớt một thất bại của thị trường nhưng kết cục lại gây ra một kết quả tồi tệ hơn là những gì mà một thị trường tự do tạo ra. Cần nhận thức rằng thất bại thị trường không nhất thiết phải can thiệp. Trong một vài trường hợp không làm gì hết lại là chính sách tốt. Tuy nhiên trong hầu hết các thất bại chính sách ở dạng này không phải ở chỗ không đưa ra hành động mà là đưa ra một hành động sai lầm.

+ Loại thất bại chính sách thứ tư là thiếu sự can thiệp ở các thị trường đang thất bại khi mà sự can thiệp như vậy rõ ràng là cần thiết để cải thiện hoạt động của thị trường.

Tóm lại những thất bại chính sách bao gồm cả việc không can thiệp khi cần thiết và có lợi, cũng như không tránh can thiệp khi điều đó không cần thiết và có hại. Những thất bại chính sách dẫn đến suy thoái môi trường bao gồm từ những dự án công cộng thiết kế tồi, cho đến những chương trình điều chỉnh cơ cấu mà không nội hoá hoặc ít nhất cũng giảm bớt những hậu quả xấu về môi trường.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 32 - 34)