Hàng hoá công cộng (public goods)

Một phần của tài liệu Giáo trình môn KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 29 - 30)

- Hàng hoá công cộng là những hàng hoá mà việc một cá nhân này đang hưởng thụ lợi ích do hàng hoá đó tạo ra không ngăn cản những người khác cùng đồng thời hưởng thụ nó. Điều này giúp phân biệt với hàng hoá tư nhân là những loại hàng hoá khi một người đã tiêu dùng rồi thì người khác không thể tiêu dùng được nữa.

- HHCC có hai đặc tính cơ bản:

+ HHCC không có tính cạnh tranh (non-revalness) trong tiêu dùng, nghĩa là khi có thêm một người sử dụng HHCC thì sẽ không làm giảm lợi ích tiêu dùng của những người tiêu dùng hiện có. Việc định giá đối với những HHCC không có tính cạnh tranh là điều vô nghĩa vì suy cho cùng việc có thêm một cá nhân tiêu dùng không ảnh hưởng gì đến việc tiêu dùng của các cá nhân khác. Hay chi phí biên để phục vụ thêm 01 người sử dụng là bằng 0. (Ví dụ không khí sạch).

+ HHCC không có tính loại trừ hay tính không độc chiếm (non-exclusion) có nghĩa là không thể loại trừ hoặc rất tốn kém nếu muốn loại trừ những cá nhân từ chối chịu trả tiền cho việc tiêu dùng của mình. (Ví dụ như cung cấp các dịch vụ quốc phòng)

- HHCC có thể tắc nghẽn là những hàng hoá mà khi có thêm nhiều người cùng sử dụng chúng thì có thể gây ra sự ùn tắc hay tắc nghiẽn khiến lợi ích của người tiêu dùng trước đó bị giảm sút. Chi phí biên để phục vụ cho những người tiêu dùng tăng thêm sau một giới hạn nhất định này không còn bằng 0 nữa mà bắt đầu tăng dần.

- HHCC có thể loại trừ bằng giá là những hàng hoá mà lợi ích do chúng tạo ra có thể định giá. Ví dụ việc đi lại qua cầu có thể loại trừ bằng cách đặt các trạm thu phí ở hai đầu cầu.

- Khi nhiều kẻ gây ra và nhiều người gánh chịu có liên quan thì những ngoại ứng như ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí có thể được xem như những “tệ nạn” công cộng và sự cải thiện chất lượng môi trường là hàng hoá công cộng. Trong nhiều trường hợp người ta không thể loại trừ các cá nhân ra ngoài việc hưởng thụ một HHCC nào đó cho dù họ có chịu trả tiền hay không (VD dịch vụ quốc phòng), ngay cả khi việc loại trừ này có thể thực hiện được (VD đối với cây cầu bắc ngang qua sông), thì làm như thế sẽ vi phạm điều kiện tối ưu Pareto. Vì không ai có thể hoặc nên loại trừ khỏi lợi ích của HHCC nên người tiêu dùng sẽ không tự ý trả tiền cho hàng hoá. Người ăn theo (free rider) là một thuật ngữ chỉ người trả tiền cho một hàng hoá thấp hơn giá sẵn lòng trả thực tế của mình, hay nói cách khác là người trả quá thấp so với lợi ích mà mình nhận được. Do đó thị trường tự do sẽ không thể cung cấp HHCC mặc dù hàng hoá ấy đóng góp phúc lợi cho xã hội. Chính vì vậy một thị trường tự do sẽ dẫn đến sản xuất thiếu những hàng hoá công cộng và sản xuất thừa các hàng hoá tư nhân.

- Môi trường bao gồm nhiều loại HHCC, từ chất lượng môi trường và bảo vệ dòng chảy tới cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học. Ngoài ra các hoạt động nội hoá ngoại ứng cũng có thể được xem là HHCC. Do rất tốn kém và thường có hại cho phúc lợi xã hội nếu loại trừ bất kỳ ai không chịu trả tiền ra khỏi việc tiêu thụ hàng hoá công cộng, các hàng hoá ấy không thể do thị trường cung cấp.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 29 - 30)