Ngoại ứng (externality)

Một phần của tài liệu Giáo trình môn KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 28 - 29)

Một nhân tố chủ yếu đưa đến sự khác biệt giữa việc định giá của xã hội và tư nhân chính là sự tồn tại của chi phí ngoại ứng. Yếu tố ngoại ứng xuất hiện khi một quyết định hoặc tiêu dùng của một hay một số cá nhân tác động trực tiếp đến việc sản xuất hay tiêu dùng của những người khác mà không thông qua giá cả thị trường và không được tính đến trong các quyết định sản xuất hay tiêu dùng. Vấn đề chính yếu của ngoại ứng là nó tạo ra các lợi ích và chi phí không được bồi hoàn và không có sự tham gia của bất cứ luồng tài chính nào.

Có hai loại ngoại ứng:

- Ngoại ứng tiêu cực: nảy sinh khi các doanh nghiệp/cá nhân gây ra tổn thất hay thiệt hại cho người khác mà không phải thanh toán hay bồi hoàn cho những tổn thất và thiệt hại đó. Nói cách khác, ngoại ứng là tiêu cực khi hoạt động của một bên áp đặt/tạo ra những chi phí cho các bên khác.

Ví dụ, ngoại ứng tiêu cực là những thiệt hại mà người nông dân trồng lúa ở thượng lưu dùng thuốc trừ sâu gây ra cho những người nông dân nuôi cá vùng hạ lưu khi sử dụng chung một nguồn nước.

- Ngoại ứng tích cực nảy sinh khi các DN/cá nhân tạo ra lợi ích cho những người khác mà không được nhận những khoản thù lao thoả đáng cho việc đó.

Ví dụ, người nông dân trồng rừng ở đầu nguồn tạo ra cho người nông dân ở cuối nguồn lợi ích của sự cung cấp nước đều đặn, điều hoà lũ lụt và hạn hán…Vì lợi ích cho xã hội, cần cung cấp nhiều hơn nữa các ngoại ứng có lợi như thế, nhưng vì chủ rừng ở đầu nguồn không nhận được một khoản tiền nào cho dịch vụ điều tiết nước ấy

nên họ không có động cơ để cung cấp thêm dịch vụ này bằng cách trồng thêm rừng và ít chặt gỗ hơn. Kết quả là diễn ra việc chặt gỗ nhiều hơn và trồng rừng thì ít đi so với mức tối ưu xã hội (lợi ích xã hội là cao nhất).

- Ô nhiễm môi trường là một ví dụ cổ điển của ngoại ứng công cộng. Nó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nó ảnh hưởng đến nhiều loại hoạt động kinh tế và chất lượng cuộc sống nói chung. Do vậy ô nhiễm môi trường quá mức tạo ra sự lạm dụng tài nguyên tự do sử dụng hay không có giá và tạo ra ngoại ứng bất lợi cho nhiều ngành, nhiều cá nhân có tham gia hay không tham gia vào hoạt động gây ô nhiễm đó. Sở dĩ như vậy vì môi trường vừa là nơi nhận những dư lượng của hoạt động kinh tế, vừa là phương tiện truyền tải những tác động ngoại ứng sang các nhóm khác.

- Sự thất bại của thị trường trong việc đánh giá các ngoại ứng hay tính toán chi phí môi trường là lý do chính của sự định giá thấp tài nguyên thiên nhiên và môi trường hay sự chênh lệch giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội với chi phí khai thác chúng. Thị trường không thể giải quyết các ngoại ứng vì hai nguyên do có quan hệ với nhau mà bản thân hai nguyên do này cũng chính là hai thất bại lớn của thị trường. Tuy nhiên cơ chế thị trường có thể cung cấp một giải pháp miễn là ngoại ứng đó mang tính cá nhân hay ít ra là tập trung và đủ quan trọng để những lợi ích của việc nội hoá (internalize) những ngoại ứng này trở nên rõ ràng với các thành phần có liên quan.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG (Trang 28 - 29)