0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (99 trang)

Tổ chức bộ máy và quy chế chấp hành viên thi hành án

Một phần của tài liệu THỰC TIỄN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở TỈNH THÁI BÌNH (Trang 42 -42 )

Pháp luật thi hành án dân sự một số nước quy định về mô hình tổ chức bộ máy, hệ thống cơ quan thi hành án, quy chế chấp hành viên có những điểm không giống nhau. Tùy theo đặc điểm truyền thống, môi trường pháp lý, điều kiện kinh tế - xã hội ở từng nước mà tổ chức thi hành án dân sự và quy chế chấp hành viên được thể hiện khác nhau.

- Tại Cộng hòa Pháp: Mô hình tổ chức chủ yếu theo quy chế Thừa phát lại, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý. Thi hành các bản án, quyết định về dân sự do các văn phòng hoặc công ty Thừa phát lại thực hiện mà trực tiếp là các Thừa phát lại. Các văn phòng, công ty Thừa phát lại được tổ chức và hoạt động theo mô hình của công ty thương mại. Tư cách Thừa phát lại rất linh hoạt, họ vừa là viên chức tư pháp, viên chức công quyền, bổ trợ viên tư pháp vừa là một nghề tự do, có tư cách hoạt động độc lập. Thừa phát lại hoạt động bằng nguồn kinh phí, thù lao do các bên yêu cầu thi hành án trả, nhà nước không mất tiền chi trả lương mà còn có nguồn thu do các văn phòng Thừa phát lại nộp thuế. Thừa phát lại là lực lượng duy nhất ở Pháp có quyền yêu cầu hỗ trợ của các lực lượng vũ trang công quyền trong trường hợp cần thiết.

- Tại Trung Quốc: Cả thi hành án dân sự và thi hành án hình sự ở Trung Quốc đều do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý. Chưa có sự tách biệt rõ ràng giữa cơ quan xét xử với cơ quan thi hành án, việc thi hành án dân sự vẫn do Tòa án thực hiện, các chấp hành viên là công chức đặt tại Tòa án. Toàn bộ hoạt động thi hành án đặt dưới sự giám sát, chỉ đạo của Chánh án tòa án địa phương hoặc thẩm phán thi hành án, hoạt động thi hành án được tiến hành theo một thủ tục chặt chẽ và chỉ do chấp hành viên tiến hành theo quy định của pháp luật.

- Tại Inđônêxia: Thi hành án dân sự được thực hiện bởi Thẩm phán, thẩm quyền thi hành bản án của Thẩm phán thể hiện ngay ở tiêu đề của bản án: "Vì công lý dựa vào Thượng đế toàn năng" [29]. Nếu người phải thi hành án không có hoặc không đủ tài sản để thi hành, thì theo yêu cầu của bên thắng kiện, Chánh án Tòa án cấp quận, huyện có thể trao lệnh cho Thừa phát lại để bắt người phải thi hành án để tạm giam. Điều này được thực hiện bằng cách buộc người phải thi hành án phải trả cho nhà tù một khoản tiền do người đã không chấp hành bản án hoặc do không có tài sản nào để kê biên. Người bị bắt có thể bị giam giữ trong thời hạn 3 năm (trừ những người từ 75 tuổi trở lên).

- Tại Lào: Công tác Thi hành án dân sự thuộc về trách nhiệm của Phòng Thi hành án hoặc Đội thi hành án đều trực thuộc Vụ Thi hành án, Bộ Tư pháp Lào. Phòng thi hành án là đơn vị thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh; Đội thi hành án là đơn vị thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện. Cán bộ thi hành án là viên chức do Nhà nước trả lương, họ không phải là những người có quy chế tự do hoặc bán tự do mà là những cán bộ có chuyên môn về thi hành án và có nhiệm vụ thu thập thông tin về tài sản để phục vụ cho công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cảnh sát, Viện kiểm sát hoặc các cơ quan hữu quan khác và đề xuất cho Trưởng Phòng thi hành án hoặc Đội trưởng Đội thi hành án ra lệnh truy thu tài sản [8].

Qua phân tích sơ bộ pháp luật về mô hình tổ chức và quy chế chấp hành viên của các nước nói trên, chúng ta thấy rằng giữa chúng có một số

điểm chung như: công tác quản lý thi hành án dân sự đều do Bộ Tư pháp thực hiện; xã hội hóa hoạt động thi hành án phát triển khá mạnh thông qua chế định Thừa phát lại...Nhìn chung mỗi mô hình tổ chức thi hành án dân sự trên đây đều có mặt tích cực và mặt hạn chế nhất định, mô hình tổ chức thi hành án công (Trung Quốc, Lào...), một mặt tạo ra sự tin tưởng đối với công chúng là người được thi hành án cũng như người có quyền lợi ích liên quan và bảo đảm hiệu lực cưỡng chế thi hành án bằng sức mạnh cưỡng chế trực tiếp của nhà nước, song mặt khác lại rất tốn kém và dễ phát sinh tệ quan liêu, sách nhiều, tiêu cực trong công tác thi hành án. Còn đối với mô hình tổ chức thi hành án tư nhân (Pháp) thì mức độ xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự rất cao, ngân sách nhà nước đỡ tốn kém, nhưng các điều kiện pháp lý đảm bảo cho mô hình này hoạt động có hiệu quả đòi hỏi phải rất chặt chẽ, toàn diện về nhiều mặt, thích hợp với truyền thống, môi trường pháp lý và điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia áp dụng mô hình này. Trong khi đó, mô hình tổ chức thi hành án bán công lại mang nhiều đặc điểm của cả hai mô hình thi hành án công lẫn tư nhân.

Qua phân tích, có thể thấy rằng giải pháp hợp lý đối với nước ta hiện nay là có thể vận dụng quy chế chấp hành viên của mô hình thi hành án theo hướng: vừa tách riêng chế độ chấp hành viên là công chức thi hành án để thi hành các khoản tịch thu tài sản, truy thu thuế, truy thu lợi bất chính, phạt tiền, án phí, thực hiện các quyết định khẩn cấp tạm thời, bảo đảm thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết...đồng thời áp dụng chế độ thi hành án bán công đối với một số loại việc như: tống đạt các văn bản, quyết định về thi hành án; điều tra xác minh tài sản, địa chỉ của người phải thi hành án; thi hành các khoản đòi nợ, phân chia tài sản...theo yêu cầu của các bên thi hành án và được thu tiền dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu THỰC TIỄN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở TỈNH THÁI BÌNH (Trang 42 -42 )

×