Thái Bình là một tỉnh ven biển thuộc lưu vực sông Hồng, diện tích đất tự nhiên là 154.542,0396 ha [38, tr. 14]. Là tỉnh nằm ở bên bờ biển Đông, cách Thủ đô Hà Nội 109 km, thành phố Hải Phòng 70 km, thành phố Nam Định 18 km. Có khí hậu nhiệt đới, ẩm, gió mùa. Có vị trí địa lý thuận lợi, có quốc lộ 10 đi qua, nối Hải Phòng, qua Nam Định với các tỉnh phía Nam; quốc lộ 39 từ Thái Bình đi Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc. 5 cửa sông lớn, với sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa, sông Diêm và trên 50 km bờ biển tạo nên giao thông đường thủy thuận tiện với tất cả các vùng. Cảng Diêm Điền nằm trong hệ thống cảng quốc gia đã tạo ra cửa ngõ giao lưu trong nước và quốc tế [41, tr. 16].
Đất đai Thái Bình được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê, lấn biển, khẩn hoang của nhiều thế hệ cư dân.
Do đặc điểm trên, nên kinh tế Thái Bình chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, bờ biển dài 54 km là lợi thế trong việc phát triển đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, Thái Bình còn nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, tơ lụa (Hưng Hà, Đông Hưng), dệt chiếu
(Hưng Hà, Quỳnh Phụ), đúc đồng (Quỳnh Phụ), rèn sắt (Thái Thụy), chạm bạc (Kiến Xương)…
Dân số Thái Bình phân bổ chủ yếu là khu vực nông thôn, ở khu vực thành thị rất thấp, tốc độ đô thị hóa chậm. Năm 1989 dân số khu vực nông thôn chiếm 94,62%, trong khi khu vực thành thị chỉ chiếm 5,38%. Đến năm 1999, khu vực nông thôn chiếm 94,22%, khu vực thành thị 5,78%. Đến năm 2002 dân số Thái Bình ước khoảng 1 triệu 827 ngàn người, trong đó dân số nông thôn chiếm 94,2%, dân số thành thị chiếm 5,8%; mật độ dân số 1.183 người/km2
; bình quân nhân khẩu là 3,75 người/hộ; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hiện nay là 1,02% [23, tr. 2]. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2004 Thái Bình có 1.842.800 người với mật độ dân số 1.195 người/km2.
Dự báo dân số năm 2010 là 1.902.400 người, tỷ lệ dân số tự nhiên giai đoạn 2006-2010 là 0,86%/năm, thành phần dân số nông thôn chiếm 86%, thành thị 14%.
Tỉnh Thái Bình hơn 100 năm qua không tách, không nhập và luôn có đặc điểm nổi bật là một tỉnh thuần túy đồng bằng. Do vậy, tạo thuận lợi cho việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động ở địa phương, song vì điều kiện đất chật, người đông khó khăn cho việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Từ ngày có Đảng đến nay, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh luôn nêu cao truyền thống cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống gương mẫu, đi đầu, Thái Bình có nhiều bước đột phá quan trọng. Theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, cả nước có 4 chương trình kinh tế - xã hội, thì từ đặc điểm của mình, Thái Bình có thêm chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tiếp theo cả nước có 5 chương trình thì Thái Bình lại đi đầu bằng 1 chương trình xây dựng nông thôn mới với các nội dung điện - đường - trường - trạm, thông tin, nước sạch. Chỉ trong 5 năm (1991-1996) với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn tỉnh đã huy động trên 1.300 tỷ đồng, làm 5.000 km đường nông thôn,
trong đó có hơn 3.000 km đường láng nhựa, làm mới 131 cầu có tổng chiều dài 1.650 m, trọng tải 10 - 13 tấn. Đường từ tỉnh đến 7 huyện và 285 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thông xe ô tô từ 5 - 10 tấn. Hầu hết đường làng, ngõ xóm đều được lát gạch và vật liệu cứng. Tất cả các xã trong toàn tỉnh có điện với 99% số hộ sử dụng; 100% trường học và hầu hết các trạm y tế xã được xây dựng kiên cố. 100% số xã có điện thoại; trên 60% số hộ dùng nước sạch. Từ bài ca 5 tấn trong chống Mỹ, nay Thái Bình thường xuyên đạt năng suất lúa 11- 12 tấn/ha.
Từng là một tỉnh có nạn đói điển hình, nay mỗi năm Thái Bình có từ 30- 40 vạn tấn lương thực hàng hóa. Nhiều công trình cơ bản lớn ở tỉnh đã được hoàn thành như cầu Tân Đệ, cầu Thái Bình, cầu Triều Dương, cảng Diêm Điền, cống Lân 2, nhà Văn hóa công nhân, nâng cấp, sửa mới các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ...
Tất cả các đặc điểm về tự nhiên - xã hội của Thái Bình đã tác động tới công tác thi hành án dân sự ở Thái Bình. Những đặc điểm này vừa có mặt tích cực nhưng cũng có nhiều hạn chế nhất định. Dân cư chủ yếu là sống ở nông thôn, làm nông nghiệp nên về cơ bản là chất phác, thuần nông, dễ quản lý. Nhưng bên cạnh đó lại nghèo nàn, lạc hậu, phải đi ra tỉnh ngoài làm việc nên rất khó thi hành án các khoản về tiền phạt, tịch thu…