TÍNH ĐÒI HỎI KHÁCH QUAN CỦA NHỮNG GIẢI PHÁP

Một phần của tài liệu Thực tiễn thi hành án dân sự ở tỉnh Thái Bình (Trang 80 - 82)

Kể từ Đại hội lần thứ VI (năm 1986) của Đảng, chủ trương đổi mới toàn diện đất nước được đặt ra và triển khai, trong đó có đề cập đến "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trọng tâm là cải cách hành chính nhà nước". Vì vậy, cải cách hành chính, cải cách tư pháp là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết để có thể thích ứng với những đổi mới về kinh tế, chính trị…Vấn đề này đã được chính thức đặt ra tại các Đại hội sau đó của Đảng và ghi nhận trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng. Từ năm 2002 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 02 Nghị quyết quan trọng về cải cách tư pháp, đó là Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010 trong đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ mang tính chiến lược, với tầm nhìn dài hạn nhằm xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, công bằng, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện theo tinh thần của các Nghị quyết trên thì việc tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng nhiều bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành là cần thiết và cấp bách.

Bản án dân sự có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành do nhiều nguyên nhân như: đương sự chưa có điều kiện thi hành án; pháp luật về thi hành án dân sự thiếu những quy định cụ thể trong nhiều trường hợp nhất là trong xã hội ngày càng phát triển, nền kinh tế thị trường làm phát sinh nhiều quan hệ tranh chấp, nhiều tình huống mới mà pháp luật chưa kịp thời điều

chỉnh được; các cấp, các ngành còn có những quan điểm chưa thống nhất để xử lý một số vụ việc phức tạp; đương sự chây ỳ không tự nguyện thi hành án và năng lực của cán bộ chấp hành viên còn yếu... Để nâng cao hiệu quả thi hành của các bản án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan tư pháp mà đặc biệt là Bộ Tư pháp đang chủ động, tích cực, đồng thời phối hợp với các ban, ngành hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác thi hành án; tuyên truyền pháp luật về thi hành án dân sự; phối hợp với các cơ quan hữu quan để thống nhất cách giải quyết những vụ việc phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận; nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Mặt khác, việc tìm ra các giải pháp để tháo gỡ án tồn đọng trong công thi hành án dân sự nói chung, công tác thi hành án dân sự ở Thái Bình nói riêng còn là một yêu cầu của quá trình hội nhập. Chưa bao giờ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam lại diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng như hiện nay. Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ ra thế giới và đã đạt được nhiều thành quả trong lĩnh vực thương mại quốc tế và các lĩnh vực luật pháp. Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, tham gia ngày càng sâu rộng vào Diền đàn hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức khu vực… tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ…với những cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và sở hữu theo cơ chế thị trường. Khi tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại thì hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó, trong lĩnh vực thi hành án dân sự cũng đòi hỏi phải có những giải pháp mới, những giải pháp có hiệu quả để giải quyết án tồn đọng, đáp ứng được yêu cầu của xu thế hội nhập hiện nay.

Bên cạnh đó, việc giải quyết án tồn đọng hiện nay là một vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội hết sức quan tâm. Giải quyết được tình trạng án tồn đọng sẽ góp phần thiết thực vào việc duy trì và giữ vững kỷ

cương phép nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Xác định được nguyên nhân của những vướng mắc dẫn đến tình trạng án tồn đọng trong công tác thi hành án dân sự ở Thái Bình thì việc đưa ra được những giải pháp để tháo gỡ án tồn đọng là một đòi hỏi khách quan. Mặt khác, việc tìm ra giải pháp để giảm án tồn động hiện nay đang là vấn đề cấp bách mà Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung đang nỗ lực tìm kiếm. Trong tất cả các báo cáo sơ kết, tổng kết của ngành thi hành án Thái Bình đều có những con số nói về tình trạng án tồn đọng, những con số này không chỉ gây nhức nhối cho xã hội mà đây còn là nỗi ám ảnh của những người tâm huyết đối với công tác này, đặc biệt là lực lượng làm công tác thi hành án dân sự khi mà Bộ Tư pháp đặt chỉ tiêu là phải giảm 10-15% án tồn đọng/1 năm trong những năm gần đây.

Một phần của tài liệu Thực tiễn thi hành án dân sự ở tỉnh Thái Bình (Trang 80 - 82)